Đồng chí Phan Văn Khải, sinh ngày 25/12/1933, quê quán: xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh; thường trú tại số nhà 24 Tú Xương, phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng chí nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII, VIII, IX; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VII, VIII, IX; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X, XI.

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần hồi 1h30, ngày 17/3/2018 (tức ngày 1/2 năm Mậu Tuất), tại nhà riêng xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí mất đi là một tổn thất đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Để tỏ lòng tưởng nhớ đồng chí Phan Văn Khải, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Phan Văn Khải với nghi thức Quốc tang.

Ban lễ tang ông Phan Văn Khải gồm 33 thành viên do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng ban lễ tang. Ban tổ chức lễ tang ông Phan Văn Khải do ông Trương Hòa Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm trưởng ban. Lễ truy điệu đồng chí Phan Văn Khải được tổ chức trọng thể lúc 7h30, ngày 22/3/2018 tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. Lễ an táng lúc 11h cùng ngày tại nghĩa trang quê nhà xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong hai ngày Quốc tang (ngày 20 và ngày 21/3/2018), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.

Sinh thời, cố Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải được đánh giá là một nhà lãnh đạo luôn quan tâm sâu sát đến cơ sở. Cố Thủ tướng Phan Văn Khải luôn dành tình cảm và sự quan tâm sâu sắc đối với Trường Đại học Vinh - một trong những trường đại học đầu tiên của nền giáo dục cách mạng Việt Nam, đóng trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống hiếu học, yêu nước và cách mạng.

Năm học 1999 - 2000 là năm học thứ 40 của Trường, Nhà trường phát động phong trào thi đua sôi nổi trong giảng dạy, học tập và các hoạt động khác nhằm lập thành tích chào mừng sự kiện trọng đại này. Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Trường Đại học Sư phạm Vinh được tổ chức trọng thể vào lúc 8 giờ ngày 16/10/1999. Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã gửi điện hoa, thư chúc mừng Nhà trường.

Năm 2001, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong thời kỳ 2001 - 2010: "Đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta căn bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nguồn lực con người, năng lực khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, năng lực kinh tế, quốc phòng an ninh được tăng cường; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hình thành về cơ bản, vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao". Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX định hướng cho sự phát triển ngành giáo dục và đào tạo nói chung, trong đó có Trường Đại học Sư phạm Vinh. Từ Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường lần thứ XXII, vấn đề đa dạng hoá các loại hình đào tạo, chuyển Trường Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Vinh ngày càng được cụ thể hoá.

Ngày 4/4/2000, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải về làm việc với tỉnh Nghệ An đã đồng ý với đề xuất "Chuyển Trường Đại học Sư phạm Vinh thành trường Đại học Sư phạm - Kỹ thuật đa ngành. Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu để tiến tới hình thành tại Nghệ An một trường đại học khu vực nhằm đào tạo con em các tỉnh Bắc khu IV (cũ) và góp phần giảm sức ép sinh viên về học tại Hà Nội" và giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Nghệ An, Trường Đại học Sư phạm Vinh triển khai thực hiện.

Tháng 8/2000, Đề án xây dựng Trường Đại học Vinh trên cơ sở Trường Đại học Sư phạm Vinh đã được Hội đồng Nhà trường, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường, Đảng ủy, Ban Giám hiệu thông qua và trình Thủ tướng Chính phủ. Đề án này đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ nhất trí đệ trình Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 25/4/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 62/2001/QĐ - TTg đổi tên Trường Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Vinh. Đây là trường đại học đầu tiên của cả nước được Chính phủ cho phép thực hiện mô hình chuyển từ đào tại đơn ngành sang đa ngành, mở đầu cho xu hướng đổi mới của giáo dục đại học Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Ngày 21/6/2001, Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đổi tên Trường đã diễn ra trong niềm hân hoan, phấn khởi của tập thể Nhà trường. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu quá trình phấn đấu suốt hơn 40 năm của Nhà trường, là kết quả của sự nỗ lực vươn lên để nắm bắt thời cơ mới của đất nước, bám sát thực tiễn của khu vực Bắc Trung bộ nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng. Trường Đại học Vinh từng bước vươn lên khẳng định mình là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục của Bắc Trung Bộ.

Một vinh dự lớn cho Nhà trường là ngày 21/7/2003, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã về thăm và làm việc với Trường. Tại buổi làm việc với Đảng uỷ, Ban Giám hiệu và cán bộ chủ chốt của Trường, Thủ tướng Phan Văn Khải đã biểu dương những thành tích to lớn mà Trường đạt được. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh đến nhiệm vụ vừa mở rộng quy mô, vừa giữ vững chất lượng đào tạo. Cũng nhân dịp này, Thủ tướng đã đồng ý trích từ ngân sách dự trữ của Chính phủ ứng trước cho Trường Đại học Vinh 25 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Có thể nói tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của cố Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải dành cho Trường Đại học Vinh là dấu ấn và kỷ niệm không bao giờ phai trong lòng các thế hệ cán bộ, viên chức và học sinh, sinh viên của Nhà trường.

Để đáp lại sự quan tâm, kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, tập thể cán bộ, viên chức Trường Đại học Vinh đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy gắn liền với thực tế đòi hỏi của xã hội, thực hiện tốt sứ mạng là cơ sở giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nghiên cứu khoa học giáo dục, khoa học cơ bản, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, luôn hướng tới sự thành đạt của người học; phấn đấu trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia, thành viên của Mạng lưới các trường đại học ASEAN, góp phần quan trọng đưa tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.

Sau đây là một số hình ảnh, cảm nghĩ về cố Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải


Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải trồng cây lưu niệm tại Trường Đại học Vinh ngày 21/7/2003

                                           








Bài, ảnh: Quang Tuấn biên tập