TS. Nguyễn Huy Phòng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Sau 10
năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và
đào tạo, bậc đào tạo đại học ở nước ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo
nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước. Tuy nhiên, phát triển trong bối cảnh mới bên cạnh những điều kiện thuận
lợi thì giáo dục đại học (GDĐH) cũng đứng trước những khó khăn, thách thức cần
phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng
tốt yêu cầu mà thực tiễn đất nước đang đặt ra.
NHỮNG KẾT
QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Trên cơ
sở chủ trương, đường lối và định hướng chiến lược của Đảng về đổi mới, phát triển
nền giáo dục đào tạo nói chung và GDĐH nói riêng, Nhà nước đã thể chế hóa thành
các bộ luật, thông tư, nghị định, tạo hành lang, môi trường pháp lý đầy đủ, động
bộ, thống nhất, huy động các nguồn lực cũng như phát huy vai trò của các chủ thể
(chủ thể lãnh đạo quản lý, đội ngũ cán bộ giảng viên, sinh viên, gia đình, cộng
đồng xã hội, doanh nghiệp…) cùng tham gia quản trị, điều hành, tổ chức tốt các
hoạt động liên quan đến công tác đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, định
hướng nghề nghiệp, cơ hội việc làm đối với các cơ sở GDĐH.
Nhằm thực
hiện tốt chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết
29-NQ/TW, Nhà nước đã từng bước thể chế hóa các quan điểm, nội dung của Nghị
quyết thành chính sách cụ thể. Trong năm 2018 và 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Giáo dục Đại học (năm 2018) và Luật Giáo dục (năm 2019) do Bộ
Giáo dục và Đào tạo soạn thảo đã được Quốc hội thông qua và từng bước đi vào cuộc
sống, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động đổi mới GDĐH.
Nhìn
chung, công tác GDĐH những năm qua có những chuyển biến tích cực. Chất lượng giảng
dạy, nghiên cứu từng bước được nâng lên, mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học
được mở rộng về quy mô, số lượng, ngành học. Vai trò, vị trí của các cơ sở giáo
dục đại học trong hệ thống dần được khẳng định; tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm
được đề cao; hệ thống chương trình giảng dạy đã được đổi mới, chú trọng phát
triển các phẩm chất, năng lực, kỹ năng thực hành, định hướng nghề nghiệp cho
người học; phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực cũng được chú trọng. Công
tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho sinh viên
được đẩy mạnh… Cơ chế, chính sách tài chính cho giáo dục và đào tạo từng bước đổi
mới. Cơ chế tự chủ, cơ chế cung ứng dịch vụ công trong giáo dục và đào tạo được
thể chế hoá và đạt kết quả bước đầu. Hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo tiếp
tục được mở rộng.
Quy mô,
số lượng, mạng lưới của các cơ sở đại học có sự gia tăng, mở rộng qua các năm,
có sự phân bố, mở rộng của các cơ sở GDĐH, không chỉ tập trung ở các thành phố,
đô thị mà hiện nay ở nhiều tình thành, vùng núi, các cơ sở GDĐH cũng đã được kiến
thiết, xây dựng và đi vào vận hành. Đội ngũ cán bộ, giảng viên và lượng sinh
viên của các cơ sở đào tạo đại học có sự gia tăng, bổ sung qua các năm. Năm
2020, Cả nước có 176 trường đại học công lập, 66 trường ngoài công lập, với
trên 1,9 triệu sinh viên.
Sự mở rộng
về quy mô, loại hình, chuyên ngành đào tạo, các trường đại học đã cung ứng nguồn
lao động dồi dào, đa ngành, đa lĩnh vực cho xã hội. Theo thống kê, lực lượng
lao động nói chung ở nước ta có sự gia tăng từ 50,4 triệu người năm 2010 lên
khoảng 54,6 triệu người năm 2020 với cơ cấu hợp lý hơn, chất lượng nguồn nhân lực
được cải thiện đáng kể, phù hợp với nhu cầu thị trường. Tỉ lệ lao động qua đào
tạo tăng từ 40% năm 2010 lên 64% năm 2020. Trong đó, tỉ lệ lao động qua đào tạo
có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 14,6% năm 2010 lên 24,5% vào năm 2020[1].
Về công
tác quản trị, điều hành hệ thống GDĐH, Việt Nam từng bước tăng cường quyền tự
chủ cho các trường đại học. Chất lượng GDĐH từng bước được nâng lên và tiếp cận
các chuẩn mực quốc tế. Năm 2019, GDĐH Việt Nam xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế
giới (tăng 12 bậc so với năm 2018)[2].
Công
tác kiểm định và bảo đảm chất lượng GDĐH ngày càng đi vào nền nếp. Tính đến
ngày 31/12/2020, có 149 cơ sở giáo dục đại học và 9 trường cao đẳng sư phạm đạt
tiêu chuẩn kiểm định theo bộ tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt
Nam (chiếm khoảng 55% tổng số các trường đại học trong cả nước), trong đó có 7
trường đại học đã được công nhận bởi các tổ chức, kiểm định quốc tế. Năm 2020,
lần đầu tiên Việt Nam có 3 trường đại học được xếp trong nhóm 1.000 trường đại
học tốt nhất thế giới (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ
Chí Minh và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội); 8 trường đại học của Việt Nam đã
được đưa vào danh sách các trường đại học hàng đầu châu Á. Có 195 chương trình
đào tạo của 32 trường được đánh giá, công nhận theo tiêu chuẩn khu vực và quốc
tế. Tự chủ đại học đã tạo nên đột phá khi nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo đứng
trong top 500 thế giới[3].
Sự
thăng tiến về thứ hạng của các trường đại học đi đôi với sự tăng cường về chất
lượng của đội ngũ giảng viên theo chuẩn quốc tế. Năm 2019, tổng số bài báo khoa
học của Việt Nam được công bố trên hệ thống ISI/ Scopus là 12.475 bài, đứng thứ
49 trên thế giới (tăng 2,7 lần so với năm 2015). Tính đến năm 2020, “tỷ lệ giảng
viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư trong toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam
là 6%, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ là 22,7%”[4].
Bên cạnh
đó, GDĐH bước đầu có sự chuyển dịch cơ cấu ngành nghề phù hợp, thích ứng với xu
thế phát triển của xã hội và nhu cầu của người học. Theo số liệu tổng kết năm học
2016-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng quy mô sinh viên sinh viên đại học
là 1.767.879 sinh viên; quy mô sinh viên cao đẳng sư phạm giảm 14,3%, chỉ còn
47.800 sinh viên. Phần lớn sinh viên tập trung theo học các ngành thuộc Khối
ngành V, III: Toán và thống kê; Máy tính và công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ
thuật; Kỹ thuật; Sản xuất chế biến; Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và thuỷ sản;
Thú y và Khối ngành: kinh doanh quản lý, pháp luật. Tính từ đầu năm 2016 đến
31/7/2017, “tổng số ngành mở mới ở trình độ đại học là 184 ngành, tập trung chủ
yếu vào các nhóm ngành Kỹ thuật, Công nghệ kỹ thuật, Máy tính và Công nghệ
thông tin, Khoa học xã hội và hành vi, Kinh doanh quản lý, Pháp luật”[5].
NHỮNG
THÁCH THỨC ĐẶT RA
Bên cạnh
những thành tựu, kết quả nổi bật thì GDĐH những năm qua cũng đứng trước những
khó khăn, thách thức. Đó là:
Số lượng
các cơ sở đào tạo đại học gia tăng, quy mô tuyển sinh lớn, đa dạng các ngành
nghề. Tuy nhiên nhiều cơ sở GDĐH chất lượng đào tạo chưa đảm bảo, chưa xây dựng
được chuẩn đầu vào, đầu ra, chưa xây dựng được nội dung, chương trình giảng dạy;
vẫn còn tình trạng “đem con bỏ chợ”, chạy theo hình thức, hư danh, quảng bá
thương hiệu nhà trường sai với thực tế, đánh lừa tâm lí người học. Một số cơ sở
GDĐH xuống cấp về cơ sở hạ tầng, thiếu trang thiết bị thực hành; thiếu diện
tích mặt bằng, không gian phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu, giảng dạy, phải
thuê mượn, phân tán ở nhiều địa điểm, cơ sở khác nhau. Một số trường trong diện
quy hoạch phải di rời ra khỏi nội đô nhưng chậm thực hiện, gây những xáo trộn,
lo lắng trong tâm lí giảng viên, sinh viên. Một số trường đại học được xây dựng
với quy mô lớn, được cấp phép đào tạo, tuyển sinh nhưng do thiếu tầm nhìn, thiếu
đánh giá thị trường, nhu cầu của người học, thiếu bộ máy, cơ cấu tổ chức nên
không thể tuyển sinh, trường bị bỏ hoang, gây lãng phí lớn.
Những năm
trở lại đây, việc thành lập nhiều cơ sở GDĐH, nâng cấp, chuyển đổi các trường
cao đẳng lên đại học, thay đổi tên trường, mở rộng ngành nghề, chạy theo số lượng
tuyển sinh mà lãng quên việc nâng cao chất lượng đào tạo khiến nhiều trường mất
đi uy tín, hình ảnh, không tạo được thiện cảm, niềm tin với xã hội.
Vì chạy
theo thành tích, lợi ích cá nhân, vì đồng tiền, lợi ích nhóm, một số cán bộ
lãnh đạo, quản lý, nhân viên dưới quyền của một số cơ sở, đơn vị đào tạo đã lợi
dụng hình ảnh nhà trường, chức vụ cá nhân để “dụ dỗ, lôi kéo” số học viên “lười
học nhưng sính bằng cấp, chứng chỉ” để đào tạo chui; người học chỉ cần ghi
danh, đóng tiền, hợp lý hóa hồ sơ là được cấp bằng.
Ở một số
cơ sở GDĐH, hoạt động của Hội đồng trường, Ban lãnh đạo kém hiệu quả, có biểu
hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nguyên tắc tập
trung dân chủ, tham nhũng chính sách, trục lợi của công, hình thành phe nhóm
thân hữu, dẫn đến mâu thuẫn, xung đột, đơn từ khiếu kiện kéo dài, mất đoàn kết
nội bộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lí cán bộ, giảng viên, sinh viên, làm giảm
sút ý chí và tinh thần học tập, nghiên cứu, để lại những tổn thương trong suy
nghĩ người học, làm “ô nhiễm” môi trường văn hóa học đường.
Ở một số
cơ sở GDĐH, học viện do buông lỏng quản lý, lợi dụng kẽ hở của cơ chế chính
sách đã thu chi sai quy định, tuyển sinh ồ ạt, vượt quá chỉ tiêu và năng lực tổ
chức của đơn vị, dẫn đến việc đánh giá, nghiệm thu kết quả học tập, nghiên cứu
khoa học, bảo vệ luận văn, khóa luận tốt nghiệp một cách qua loa, đại khái, vi
phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức và liêm chính học thuật; chà đạp và coi thường
khoa học.
Một
trong những bất cập trong GDĐH là tình trạng đào tạo không gắn với nhu cầu và
thực tiễn, với đòi hỏi của xã hội, dẫn đến sự lãng phí về nguồn nhân lực, tài
chính, thời gian, làm chậm nhịp phát triển của xã hội, đặt ra nhiều vấn đề cho
xã hội khi nhiều sinh viên ra trường không có việc làm hoặc có việc nhưng phải
đào tạo lại. Theo thống kê, năm 2020, “Việt Nam có 225.000 cử nhân, kỹ sư, thạc
sĩ tốt nghiệp ra trường nhưng chưa tìm được việc làm, hoặc chấp nhận làm không
đúng nghề nghiệp được đào tạo. Còn theo kết quả khảo sát tại 60 doanh nghiệp
trong lĩnh vực dịch vụ công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh về “Đánh giá mức độ
hài lòng của doanh nghiệp về chất lượng của sinh viên được đào tạo trong năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp” (bộ tiêu chí
để đánh giá là kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành, trình độ ngoại ngữ, tác
phong làm việc và kỹ năng nghề nghiệp), chỉ có 5% tổng số sinh viên tham gia khảo
sát được đánh giá ở mức độ tốt, 15% ở mức khá, 30% ở mức độ trung bình và 40% ở
mức độ không đạt”[6].
Tình trạng
học nhưng không có việc làm là một trong những căn nguyên khiến nhiều học sinh
sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông không muốn học lên đại học mà chọn con
đường học nghề, du học, xuất khẩu lao động, lao động tự do. Vì thiếu nguồn tuyển
sinh đầu vào, vì phải tự chủ tài chính, nhiều trường đã hạ điểm chuẩn, tiến
hành nhiều phương thức xét tuyển, thậm chí mời gọi người học nhưng vẫn không đủ
chỉ tiêu. Việc chạy theo số lượng, hạ thấp chuẩn đầu vào cộng với tâm lí bất an
của giảng viên, khiến cho chất lượng đào tạo ngày càng thấp.
Một
trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tâm lí của giảng viên đại học là môi trường,
điều kiện làm việc chưa đảm bảo; nhiều quy chế, quy định còn cứng nhắc, hành
chính hóa, chưa thực sự thông thoáng để giảng viên phát huy hết tài năng, tâm sức
cho nghiên cứu, giảng dạy. Chế độ tiền lương, phụ cấp, chính sách ưu đãi cho
các giảng viên trẻ tài năng, có nhiều triển vọng trong giảng dạy, nghiên cứu
khoa học hiện chưa tương xứng, còn mang tính cào bằng. Chính sách thu hút, đãi
ngộ, bố trí công việc phù hợp cho giảng viên trẻ, có năng lực, trình độ, được
đào tạo ở nước ngoài còn nhiều bất cập. Điều này dẫn đến tâm lí chán nản, là
tình trạng bỏ việc, dịch chuyển từ khu vực trường công sang trường tư, hoặc
sang các lĩnh vực khác, gây sự xáo trộn, lãng phí nguồn tài nguyên chất xám.
Theo số liệu báo cáo, năm 2022, “cả nước có 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân
cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành”[7].
Đối với
nhiều sinh viên đại học hiện nay, do những tác động xấu của các phương tiện
truyền thông mới, mặt trái của internet, mạng xã hội; sự lấn át của những trào
lưu, tư tưởng phản động; sự xuất hiện của các giáo phái lạ; các xuất bản phẩm,
video, clip có nội dung thiếu lành mạnh; sự thiếu định hướng, giáo dục của nhà
trường, gia đình khiến nhiều sinh viên “lạc lối”, chạy theo thị hiếu tầm thường,
có suy nghĩ và lối sống lệch lạc, đề cao giá trị vật chất, tiền bạc, chạy theo
chủ nghĩa cá nhân, bỏ bê việc học hành, nhạt phai lý tưởng phấn đấu, cống hiến,
thậm chí có những hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức cộng đồng, gây mất niềm
tin xã hội. Những tác động xấu của bối cảnh mới đến nhận thức, hành động của
nhiều sinh viên, ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập cũng như chất lượng đào tạo
ở nhiều cơ sở GDĐH hiện nay.
NÂNG
CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Để đảm
bảo và nâng cao chất lượng GDĐH đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tình hình mới, cần tiếp
tục phát huy những thành tựu, kết quả đã được, đồng thời khắc phục những bất cập,
hạn chế để GDĐH xứng đáng là bậc học kiểu mẫu, tiên phong, dẫn dắt các bậc học
khác cùng nỗ lực, cố gắng, hoàn thành tốt trọng trách, sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước,
Nhân dân giao cho. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ đó cần thực hiện đồng bộ nhiều
giải pháp, như:
Thứ nhất,
tiếp tục đổi mới, cải cách về mặt thể chế, cơ chế; có chính sách đặc thù, thông
thoáng, tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của lĩnh vực giáo dục nói
chung và GDĐH nói riêng. Hiện nay, các cơ quan quản lý, các cơ sở GDĐH cần tiếp
tục thực hiện nghiêm túc, vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp, hiệu
quả tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW cũng như các chính sách mà Nhà nước đã ban
hành (Luật giáo dục đại học, Luật Giáo dục). Khẩn trương hoàn thiện và ban hành
Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm
2045, tiến đến xây dựng chiến lược, kế hoạch về phát triển giáo dục đại học Việt
Nam, trong đó xác định rõ mục tiêu, triết lý, tầm nhìn, sứ mệnh và những nguyên
tắc của GDĐH.
Bên cạnh
đó, cần tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức,
phương pháp giảng dạy, thi cử, kiểm tra, đánh giá ở bậc GDĐH theo hướng hiện đại,
hội nhập quốc tế, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội,
khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đối với
GDĐH, cùng với việc trang bị kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện
kỹ năng, nâng cao tay nghề, cần không ngừng chú trọng giáo dục đạo đức, hình
thành nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục
tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý
thức trách nhiệm xã hội cho các thế hệ sinh viên; khơi dậy trong thế hệ trẻ
khát vọng, lý tưởng cống hiến, phát triển vì sự phồn vinh, hạnh phúc của đất nước,
nhân dân.
Thứ
hai, thực hành tốt tinh thần dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương, giữ gìn môi
trường nhà trường luôn trong sạch, lành mạnh với những giá trị khoa học, nhân
văn, tiến bộ, vì sự phát triển toàn diện con người; tất cả vì tương lai của thế
hệ trẻ. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ đó, người đứng đầu cơ sở GDĐH ngoài năng lực,
trình độ, uy tín chuyên môn phải luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc, biết
phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của tập thể, tôn trọng, lắng nghe, tiếp
thu những tiếng nói phản biện, tạo bầu không khí cởi mở, tạo sự đồng cảm, chia
sẻ, vì mục tiêu, sứ mệnh của nhà trường.
Việc tổ
chức, thực thi chính sách giáo dục, như chính sách tuyển sinh, đào tạo, hướng
nghiệp, về công tác tổ chức cán bộ, tuyển dụng, đãi ngộ với giảng viên,… phải đảm
bảo đúng chủ trương của Đảng và những quy định của Nhà nước và các cơ quan, bộ
ngành liên quan. Tránh tâm lý độc đoán, chuyên quyền, tham nhũng, thương mại
hóa và kinh doanh giáo dục. Để tránh những sai sót, những vi phạm trong lĩnh vực
giáo dục, cơ quan thanh tra cần thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt kịp thời phản
ánh của dư luận để có biện pháp ngăn chặn, xử lý, tránh những vụ việc, hiện tượng
đáng tiếc xảy ra. Thực thi tốt mô hình quản trị GDĐH hiện đại, trong đó phát
huy sự tham gia tích cực của các chủ thể: cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục,
Hội đồng trường, ban lãnh đạo nhà trường, đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh
viên, gia đình, xã hội và sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp, đối tác
liên kết, hợp tác trong GDĐH.
Đảm bảo
tính nhân văn, nhân bản, tính chuẩn mực trong các cơ sở GDĐH. Bởi một sai phạm
nhỏ trong giáo dục hay những hành vi lệch chuẩn của một số thầy cô giáo, giảng
viên khi bị phát giác, tố cáo, xét xử sẽ để lại những dư chấn lớn trong đời sống
xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân, đặc biệt để lại những mối hoài
nghi, những ấn tượng xấu trong ký ức của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên.
Thứ ba,
tăng cường nguồn lực đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn xã hội
hóa để xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế mang tính chuyên biệt trong các
trường đại học, như giảng đường; thư viện; khu thực hành, sản xuất; không gian
đổi mới sáng tạo; khu vui chơi giải trí, dịch vụ mua sắm, ẩm thực; khu nhà ở
công vụ, khu ký túc xá sinh viên, đảm bảm các không gian đó có tính kết nối,
liên thông, đồng bộ, hiện đại, tạo không gian, môi trường học tập thuận lợi.
Tăng cường khả năng kết nối, học tập, trao đổi nhóm, kích thích khả năng sáng tạo
và tinh thần chủ động, tích cực của mỗi sinh viên.
Mở rộng
mối quan hệ, giao lưu, hợp tác giữa các cơ sở GDĐH trong và ngoài nước để trao
đổi chuyên môn nghiệp vụ, chuyển giao tri thức, kinh nghiệm. Đồng thời tăng cường
kết nối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn
đầu tư nước ngoài để xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội,
đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, từ đó nâng cao tay nghề, trình độ
và mở rộng cơ hội việc làm, thu nhập cho sinh viên. Trong mối quan hệ, hợp tác
này phải đảm bảo tính minh bạch, khách quan, có chiến lược dài hạn, đảm bảo quyền
lợi của các bên liên quan. Để mối quan hệ, hợp tác giữa cơ sở GDĐH và doanh
nghiệp ngày càng bền chặt, ngoài vai trò chính của hai bên cần sự tham gia, tạo
điều kiện của chính quyền địa phương và các bộ ngành liên quan.
Thứ tư,
cải thiện môi trường làm việc khoa học, dân chủ, đảm bảo tự do sáng tạo. Thiết
lập cơ chế về tiền lương, phụ cấp ưu đãi đặc thù, xứng đáng với công sức và những
cống hiến của đội ngũ giảng viên GDĐH. Có chính sách thu hút, trọng dụng nhân
tài, nhất là giảng viên trẻ, tài năng, triển vọng được đào tạo bài bản ở nước
ngoài, có uy tín chuyên môn và học thuật vào làm việc trong các cơ sở GDĐH.
Thứ
năm, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các cơ sở GDĐH, bằng việc gìn
giữ và phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của nhà trường với những giá trị
thiêng liêng mà các thế hệ thầy cô giáo, học sinh, sinh viên qua các thời kỳ đã
sáng tạo lên. Đồng thời xây dựng cảnh quan, không gian nhà trường sáng, xanh, sạch,
đẹp; hình thành phong cách ứng xử văn minh, lịch sự theo chuẩn mực, quy tắc học
đường. Kiến tạo và gìn giữ bản sắc, dấu ấn riêng, tạo nên sự khác biệt, độc đáo
của nhà trường, để những giá trị tinh thần đó trở thành niềm tự hào và là động
lực để mỗi sinh viên không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, trưởng thành.
Trong bối
cảnh internet, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, những mối quan hệ,
tương tác của sinh viên trên môi trường ảo là tất yếu. Để định hướng tốt học
sinh, sinh viên đến với những giá trị tốt đẹp, tránh xa cái xấu, cái ác, các cơ
quan, đoàn thể chính trị - xã hội, như Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Công
đoàn nhà trường, các thầy cô giáo cần có sự phối kết hợp chặt chẽ để tuyên truyền,
nâng cao nhận thức cho sinh viên về kỹ năng sống, cách thức giao tiếp, xử lý
thông tin trên môi trường mạng. Tổ chức có hiệu quả các hoạt động, phong trào
văn hóa, văn nghệ, thu hút sự tham gia của sinh viên, tạo sự đoàn kết, chia sẻ,
thông hiểu lẫn nhau để cùng xử lý những vấn đề mới, phức tạp, nảy sinh, hướng đến
những giá trị tốt đẹp của chân, thiện, mỹ.
Giáo dục
đại học là bậc học quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo nguồn
nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại
hóa và hội nhập quốc tế. Để nâng cao chất lượng GDĐH cần thực hiện nhiều giải
pháp, trong đó đổi mới về cơ chế, chính sách, về năng lực quản trị, điều hành
GDĐH; thực thi tốt tinh thần dân chủ, tạo niềm tin, sức hấp dẫn đối với cộng đồng,
xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ, sẽ là nhân tố, điều kiện quan trọng để nâng cao
chất lượng GDĐH trong bối cảnh hiện nay, góp phần tạo ra những thế hệ con người
Việt Nam mới có trình độ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, có năng lực, phẩm chất
đạo đức, có tinh thần trách nhiệm xã hội, tạo sức mạnh, nguồn lực nội sinh để
hiện thực khát vọng xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc như Nghị quyết
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
[1] Dẫn
theo Phạm Văn Linh: “Những điểm mới trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng về
giáo dục và đào tạo”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 27/08/2021.
[2] Dẫn
theo Trần Thị Minh Tuyết: “Đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam: Thực trạng và
giải pháp”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 21-5-2022.
[3] Dẫn
theo Hiếu Nguyễn: “Giáo dục Đại học - những thành tựu nổi bật”, Báo Giáo dục và
Thời đại điện tử, ngày 18/01/2021
[4] Dẫn
theo Trần Thị Minh Tuyết: “Đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam: Thực trạng và
giải pháp”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 21-5-2022.
[5] Dẫn
theo Nguyễn Đình Đức: “3 thành tựu nổi bật của giáo dục đại họcViệt Nam”,
Website của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại địa chỉ:
http://chuongtrinhkhgd.moet.gov.vn/tintuc-sukien/Pages/tin-tuc.aspx?ItemID=4555
[6] Dẫn
theo Trần Thị Minh Tuyết: “Đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam: Thực trạng và
giải pháp”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 21-5-2022.
[7] Võ
Hải: “16.000 giáo viên bỏ việc trong năm 2022”, Báo điện tử Vietnamnet.vn, ngày
30/9/2022.
Nguồn: Tuyengiao.vn