Tại Hội thảo khoa học về lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào khu vực Trung Lào ngày 8/9/2009, đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã phát biểu, một lần nữa khẳng định mối quan hệ gắn bó đặc biệt Việt - Lào trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung; khẳng định tương lai tốt đẹp của mối quan hệ hiếm có trong lịch sử quan hệ quốc tế này. Xin gửi tới bạn đọc toàn văn bài phát biểu này.
Trong không khí của những ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02-9, tôi rất phấn khởi và tự hào trở về mảnh đất thiêng liêng này, cùng với các đồng chí ôn lại những trang sử cách mạng hào hùng của hai Đảng và hai dân tộc Việt Nam – Lào. Nơi đây, trong quá khứ đầy hy sinh, gian khổ, đồng chí, đồng bào của hai nước Việt Nam - Lào đã bền bỉ tựa lưng vào dải Trường Sơn hùng vĩ, sát cánh bên nhau chung một chiến hào chiến đấu chống kẻ thù chung, viết nên những trang sử hào hùng như những huyền thoại của thế kỷ XX, góp phần xây đắp quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào cao đẹp, mẫu mực, thuỷ chung hiếm có trong lịch sử quan hệ quốc tế.
Trong niềm vui và đầy xúc động này, chúng ta bồi hồi tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông và bao đồng chí khác nữa đã dày công xây dựng nền móng cho mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Chúng ta thành kính tri ân và tưởng nhớ các nhà cách mạng, các chiến sĩ cộng sản kiên trung, các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, đóng góp tuổi thanh xuân và cả cuộc đời mình trong các cuộc kháng chiến trường kỳ, vì sự trường tồn và tương lai rạng rỡ của hai dân tộc chúng ta. Hôm nay, trong màu xanh ngút ngàn của dải Trường Sơn hùng vĩ, sự sống đang sinh sôi, nảy nở từng ngày từng giờ, màu xanh ấy, sự sống bất diệt ấy bắt nguồn từ những cống hiến, hy sinh to lớn của biết bao đồng chí, đồng bào đã quên mình vì đại nghĩa của hai đất nước, hai dân tộc. Chúng ta nguyện suốt đời biết ơn, trân trọng giữ gìn và phát huy những thành quả vĩ đại đó.
Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam biết ơn sâu sắc Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nhà nước và nhân dân Lào nói chung, nhân dân các tỉnh Trung Lào nói riêng, với tất cả tấm lòng son sắt đầy nghĩa tình, vô tư và trong sáng, đã đành cho cách mạng Việt Nam sự giúp đỡ, ủng hộ to lớn, tù miếng cơm, manh áo, đến sức người sức của, thậm chí cả xương máu của mình để nuôi dưỡng, che chở, bảo vệ cơ sở đảng, bảo vệ bộ đội tình nguyện Việt Nam trong những ngày gian khó nhất, để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đã kề vai sát cánh trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập tự do cho mỗi nước và cả hai nước. Đó là tài sản vô giá mà hai Đảng và nhân dân hai nước đã dày công vun đắp xây dựng và gìn giữ. Cùng với thời gian, mối quan hệ đặc biệt đó nhất định sẽ mãi mãi phát triển lên tầm cao mới.
Trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các tỉnh Trung Lào có vị trí đặc biệt quan trọng. Sau Cách mạng Tháng Tám, trong kế hoạch trở lại xâm lược Đông Dương lần thứ hai, thực dân Pháp đã “cố chiếm và cố giữ” Trung Lào. Chúng đã sử dụng mọi phương tiện chiến tranh đánh phá, gây ra biết bao tội ác đẫm máu trên các chiến trường; chúng thiết lập chế độ ngụy quân, ngụy quyền khắp nơi trên các tỉnh Trung Lào hòng làm bàn đạp chiếm giữ lâu dài đất nước Lào. Sau đó, trong kế hoạnh chiến tranh xâm lược Đông Dương, đế quốc Mỹ cũng xác định Trung Lào 1à một địa bàn chiến lược, chúng luôn luôn tìm cách chiếm giữ trục đường số 9 qua Trung Lào để thiết lập một hệ thống ngăn chặn, chia cắt chiến trường Nam và Bắc Đông Dương.
Nhìn trên bản đồ, chúng ta thấy rõ các tỉnh Trung Lào có vị trí địa quân sự đặc biệt quan trọng và có sự gắn bó mật thiết với các tỉnh Bắc Trung Bộ của Việt Nam: Phía Bắc Trung Lào tiếp giáp một phần tỉnh Viêng Chăn, tỉnh Xiêng Khoảng và cao nguyên chiến lược Cánh đồng Chum, trong kháng chiến chống Pháp là nơi có nhiều cụm phỉ; phía Nam giáp tỉnh Xalavan (Nam Lào) nối liềnvới chiến trường Nam Đông Dương; phía Tây giáp Thá Lan nơi đế quốc Mỹ có mưu đồ thiết lập nhiều căn cứ quân sự nhằm chống phá lâu dài cách mạng ba nước Đông Dương; phía Đông giáp các tỉnh Bắc Trung trung Bộ của Việt Nam. Trong kháng chiến chống Pháp, Bắc Trung Bộ của Việt Nam 1à những vùng tự do, hậu phương trực tiếp cho chiến trường Bắc Bộ và địa bàn Bình Trị Thiên khói lửa; đồng thời cũng có điều kiện để giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân vùng Trung và Hạ Lào. Các tỉnh Bắc Trung Bộ Việt Nam còn có các tuyến đường chiến lược có thể đi suốt từ Biển Đông sang bờ Sông Mê Kông trên đất Trung Lào, như đường số 8 từ thị xã Hồng Lĩnh (Hà tĩnh), đường số 9 từ thị xã Đông Hà (Quảng trị) qua Trung Lào đến Viêng Chăn và nhiều con đường mòn vắt qua dải Trường Sơn đã có từ xa xưa. Đặc biệt, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, con đường huyền thoại, đã góp phần bẻ gãy tất cả những ''cuộc hành quân'' của đế quốc Mỹ trên chiến trường Trung Lào; chi viện to lớn sức người, sức của cho chiến trường ở miền Nam và là sản phẩm của tình đoàn kết và liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam – Lào.
Trong Hội thảo này, ngoài việc tiếp tục sưu tầm, bổ sung làm phong phú thêm nguồn tư liệu cho công trình nghiên cứu biên soạn lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã giao cho các đồng chí, chúng ta cần tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc hơn một số điểm sau đây :
Trướchết, xác định rõ hơn vị trí và tầm quan trọng chiến lược của địa bàn Trung Lào như cửa ngõ gắn kết sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Từ đó, chúng ta nhìn nhận thấu đáo vì sao thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ''cố chiếm và cố giữ'' Trung Lào, chúng luôn coi trọng vị trí chiến lược của các chiến trường Trung Lào và tập trung cao độ binh lực hòng đàn áp phong trào cách mạng và chiếm giữ lâu dài Trung Lào. Thông qua việc nhìn nhận vai trò chiến lược của Trung Lào trong hai cuộc kháng chiến, chúng ta sẽ nhìn nhận thấu đáo hơn vị trí của Trung Lào trong công cuộc xây dựng, bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây hiện nay.
Hai là, Hội thảo cần tập trung phân tích đánh giá sâu sắc hơn những nhân tố cơ bản tạo nên thắng lợi to lớn trên các chiến trường Trung Lào, góp phần làm nên thắng lợi thần kỳ trong hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung của hai dân tộc chúng ta. Ở đây, cần đặc biệt lưu ý những nhân tố tạo nên tinh thần quả cảm để "máu của người Lào cùng máu người Việt Nam đã nhuộm đỏ dòng sông Mê Kông, chống lại bọn thực dân cướp nước"; từ những hy sinh cao cả đã xây dựng nên chủ nghĩa quốc tế trong sáng, thủy chung, gắn kết sự nghiệp của hai Đảng, hai dân tộc trong cuộc đấu tranh trường kỳ cứu nước vĩ đại như đồng chí Cay xỏn Phôm vi hản đã nhấn mạnh: "Có thể khằng định trong mọi thành công của dân tộc Lào đều có sự đóng góp trực tiếp của cách mạng Việt Nam. Trên mỗi chiến trường Tổ quốc thân yêu của chúng tôi đều có xương máu của cán bộ, chiến sĩ quốc tế Việt Nam hòa lẫn với xương máu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các bộ tộc Lào".
Ba là, từ những diễn biến lịch sử trên chiến trường Trung Lào cần rút ra những bài học kinh nghiệm về xác định vị trí chiến lược, về tổ chức, xây dựng lực lượng và hình thành các chủ trương đúng đắn trên các mặt trận nhằm huy động tối đa nguồn sức mạnh của hai dân tộc vào công cuộc kháng chiến với hiệu quả cao nhất.
Bốn là, thông qua các sự kiện lịch sử Trung Lào làm rõ thêm một cách sinh động nội hàm mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, những nhân tố bảo đảm để mối quan hệ đặc biệt đó không ngừng phát triển, bảo đảm cho thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước mà chúng ta cần kế thừa, phát triển để quan hệ Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam mãi mãi là "tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản chưa ở đâu và chưa bao giờ có trong lịch sử quan hệ quốc tế".
Phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của hai dan tộc Việt Nam - Lào, tôi mong rằng, với sự nỗ lực của các đồng chí, những trang lịch sử oai hùng ấy sẽ mãi mãi sáng ngời cho các thế hệ mai sau phát huy, trân trọng và gìn giữ.
Hiện nay, trong chủ trương phát triển sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm tăng cường hơn nữa quan hệ chính trị, duy trì, thường xuyên tiếp xúc cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước và các ngành các địa phương các doanh nghiệp, tăng cường trao đổi lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mớivà xây dựng Đảng; tăng cường các hoạt động giao lưu hữu nghị; tiếp tục phối hợp biên soạn lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, đẩy mạnh giáo dục truyền thống sâu rộng trong nhân dân và thế hệ trẻ hai nước, tăng cường về hợp tác kinh tế, văn hoá, an ninh, quốc phòng, tiếp tục xây đựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào mãi mãi là đường biên giới hoà bình hữu nghị, hợp tác và phát triển toàn diện, bền vững; phối hợp xây dựng chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 20l1 – 2020.
Đối với các tỉnh khu vực Trung Lào và miền Trung Việt Nam, chúng ta cần giáo dục, phát huy hơn nữa truyền thống lịch sử làm cho các thế hệ hôm nay và mai sau luôn nhận thức được rằng, trong lúc cam go, gian khổ nhất, ông cha chúng ta đã biết tựa lưng vào dải Trường Sơn để đánh đuổi kẻ thù chung, thì hôm nay tinh thần ấy phải được nhân lên trong xây dựng đất nước, phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, lợi thế, biến tuyến biên giới Đông - Tây Trường Sơn thành tuyến hành lang kinh tế giàu có của hai nước. Thực hiện tốt Hiệp định về Quy chế biên giới Việt Nam - Lào và các hoạt động hợp tác, phối hợp trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Tiếp tục tập trung giải quyết nhanh những tàn tích và hậu quả của chiến tranh, làm tốt chính sách thương binh và xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân hai nước có cuộc sống ổn định và phát triển; giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội của các tỉnh, góp phần xây dựng mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, gắn bó hai Đảng và hai nước Việt Nam – Lào.
Nguyễn Quang Tuấn (Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản)