GS. TSKH. Đặng Ứng Vận

TS. Lê Thị Mai Hoa

 

Tự chủ đại học trong tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực, nhất nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số đáp ứng nhu cầu, yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới.

 

GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO

 

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tự chủ đại học, đến nay, nhận thức về tinh thần tự chủ nhìn chung đã đến từng cơ sở và đội ngũ giảng viên đại học. Tư duy đổi mới cho lãnh đạo các trường đại học, trực tiếp từ các hiệu trưởng có chuyển biến. Hội đồng trường đã thể hiện được quyền lực của mình trong quyết định vấn đề về tổ chức bộ máy nhân sự của nhà trường và về tài chính.

Theo báo cáo tổng kết năm học 2021-2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động (đạt tỷ lệ 90,6%); trong đó, có 36/36 cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Hội đồng trường. Các trường trực thuộc các bộ, ngành, địa phương thành lập Hội đồng trường đạt tỷ lệ 91,18%, trong đó, 15 cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc các bộ, ngành, địa phương đang xây dựng và trình cấp có thẩm quyền công nhận Hội đồng trường. 142/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật số 34/2018/QH14. Cả nước có 32,7% trường đại học tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; 13,7% trường đảm bảo chi thường xuyên. Tổng thu của các cơ sở giáo dục đại học tự chủ tăng rõ rệt. Thu nhập bình quân tăng 20,8% đối với giảng viên và 18,7% đối với cán bộ quản lý. Trong đó, số giảng viên có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm tăng từ 19,4% lên 31,3%; thu nhập trên 300 triệu trở lên tăng từ 0,7% lên 5,9% sau 3 năm thực hiện tự chủ.

Các cơ sở giáo dục đại học tự chủ đã chủ động rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Vai trò của Hội đồng trường được cụ thể hóa và nâng cao trong tổ chức quản trị hoạt động của hầu hết các cơ sở giáo dục đại học. Chủ động tăng số lượng giảng viên và giảm số lượng lao động khối hành chính; đồng thời, thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học với mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập cho giảng viên. Đẩy mạnh quá trình xã hội hóa giáo dục đại học, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng đầy đủ hơn điều kiện giảng dạy và nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng; liên kết với thị trường lao động, đào tạo đi vào thực chất; tăng cường kiểm soát các khoản chi, gia tăng tiết kiệm, bảo đảm tính hiệu quả trong quản lý và sử dụng nguồn lực.

Tự chủ về chuyên môn học thuật mở ngành đào tạo/chương trình liên kết đào tạo ở các cơ sở giáo dục đại học là một nội dung quan trọng trong hoạt động tự chủ, bên cạnh việc mở ngành đào tạo mới, phát triển các chương trình liên kết đào tạo trong và ngoài nước, các trường đại học cũng tích cực điều chỉnh các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu người học. Đổi mới phương pháp giảng dạy tiên tiến, tiếp cận với chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo quốc tế, chủ động tăng cường công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục; tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong tuyển sinh, thu hút sinh viên giỏi. Quy mô tuyển sinh sinh viên hệ đại trà sau tự chủ có xu hướng giảm và thay vào đó là tăng quy mô tuyển sinh các chương trình đào tạo tiên tiến, đào tạo chất lượng cao, liên kết đào tạo với nước ngoài và đào tạo bằng tiếng Anh. Nhiều chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học trên thế giới, chương trình đào tạo tiên tiến tiếp tục được nhiều cơ sở giáo dục đại học quan tâm phát triển.

Tính đến tháng 12/2021, cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động. Trong đó, các cơ sở sở giáo dục đại học tự chủ đã phê duyệt tổng cộng 186 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, 124 chương trình ở trình độ đại học; 58 chương trình ở trình độ thạc sĩ và 4 chương trình ở trình độ tiến sĩ.

Các cơ sở giáo dục đại học ngày càng chủ động hơn trong việc quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ, từ đó, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tính riêng các trường trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, số công bố khoa học quốc tế, công bố trong nước, sáng chế và tài sản trí tuệ khác tăng dần qua các năm. Nhiều đề tài, nhiệm vụ đã đóng góp quan trọng, thiết thực cho các ngành công nghiệp, cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương. Số lượng cơ sở giáo dục đại học được kiểm định ngày càng tăng. Tính đến ngày 30/6/2022, theo tiêu chuẩn trong nước, có 266 cơ sở giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá chu kỳ 1 (trong đó, có 236 cơ sở giáo dục đại học và 28 trường Cao đẳng sư phạm) và 22 cơ sở giáo dục đại học hoàn thành tự đánh giá chu kỳ 2; 174 cơ sở giáo dục đại học và 11 trường cao đẳng sư phạm được các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; 705 chương trình đào tạo hoàn thành báo cáo tự đánh giá (trong đó có 559 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài) và 470 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Theo tiêu chuẩn nước ngoài, có 7 trường đại học được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) và AUN-QA; 308 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận bởi 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có uy tín.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ NẢY SINH TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN

Bên cạnh những kết quả tích cực, khích lệ về thực hiện tự chủ đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo dựng vị thế, năng lực cạnh tranh và tiếp cận với xu thế giáo dục đại học thế giới, trong quá trình thực hiện tự chủ, còn nảy sinh nhiều vấn đề như nhiều cơ sơ sở giáo dục đại học chưa xác định tự chủ trở thành nhu cầu nội tại của cơ sở giáo dục đại học trong xây dựng kế hoạch, chương trình, chiến lược phát triển của cơ sở. Cách tiếp cận về nội hàm, ý nghĩa, vai trò đối với tự chủ đại học vẫn chưa rõ ràng, nhiều cơ sở đại học kể cả đội ngũ lãnh đạo, giảng viên đại học, thậm chí các nhà nghiên cứu giáo dục đại học, nhà quản lý còn có cách hiểu không thống nhất về “tự chủ”, dẫn tới tới việc triển khai thực hiện tự chủ trong thực tiễn chưa hiệu quả trong từng cơ sở giáo dục đại học. Quan niệm, khái niệm “Bộ chủ quản” hoặc “Cơ quan quản lý trực tiếp” vẫn còn nhiều tranh luận.

Hành lang pháp lý hướng dẫn thực hiện tự chủ đại học quy định trong Luật Giáo dục Đại học, Nghị định hướng dẫn vẫn cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn triển khai. Như thực hiện tự chủ ở một số cơ sở giáo dục đại học, khái niệm, quan niệm “tự chủ” được hiểu và đánh đồng với việc tự chủ về tài chính; hoặc có một số cơ sở giáo dục đại học khi xây dựng đề án tự chủ toàn diện có thiên hướng cân nhắc, đánh đổi giữa thực hiện tự chủ với việc ngừng cấp ngân sách nhà nước cho nhà trường cả về chi thường xuyên lẫn chi đầu tư.

Vai trò, chức năng của hội đồng trường nhìn chung còn hạn chế, chưa rõ nét. Nhiều cơ sở giáo dục đại học sau khi thành lập Hội đồng trường đều tiến hành xây dựng quy chế hoạt động, nhưng việc triển khai còn lúng túng. Hoạt động của Hội đồng trường còn chưa thường do quy định về thời gian cho mỗi cuộc họp chỉ là ½ ngày, nên cũng ảnh hưởng đến việc thảo luận sâu các vấn đề quan trọng của nhà trường. Nhiều Hội đồng trường vẫn chưa thực hiện được những quyền được quy định trong Nghị định số 99/NĐ-CP, mặc dù Hội đồng trường được quy định nhiều quyền nhưng không gắn với trách nhiệm và lợi ích; việc thực hiện chức năng giám sát điều hành và quản lý đối với ban giám hiệu, hiệu trưởng theo quyết nghị của Hội đồng trường chưa thực hiện đầy đủ.

Mối quan hệ về quyền lực và trách nhiệm giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng, giữa Đại học và cơ sở giáo dục/trường đại học trong công tác quản trị đại học ở nhiều nơi chưa được phân định rõ ràng. Mối quan hệ của nhà trường với cơ quan chủ quản còn bất cập. Hiện nay nhiều cơ quan chủ quản vẫn muốn “quản” theo cơ chế hành chính đối với các trường đại học. Song, bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục vẫn mong muốn vừa được “tự chủ”, nhưng lại vừa vẫn muốn được trực thuộc cơ quan chủ quản, vì chưa đủ tự tin để hoạt động độc lập, vẫn trông chờ vào sự hỗ trợ, nhất là hỗ trợ về kinh phí. Tự chủ và trách nhiệm giải trình là hai mặt của một vấn đề, có sự gắn bó và tác động qua lại lẫn nhau không thể tách rời, trong đó, vai trò của Nhà nước là không thể phủ nhận, đặc biệt là trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm tạo sự công bằng, bình đẳng trong triển khai thực hiện tự chủ đại học. Song, thực tiễn việc thực hiện vấn đề này ở nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa hiệu quả.

Trong bối cảnh hội nhập, với xu hướng tự chủ đại học trên thế giới ngày càng mở rộng, vấn đề cấp bách đối với giáo dục và đào tạo hiện nay là Việt Nam phải có những giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các cơ sở giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

GÓP PHẦN TẠO CHUYỂN BIẾN CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Từ thực tiễn triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước về tự chủ đại học thời gian vừa qua, cần có một số khuyến nghị với các cơ quan liên quan cần sớm triển khai sửa đổi Luật Giáo dục đại học và Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học để kịp thời khắc phục, tháo gỡ khó khăn, bất cập, vướng mắc trong khi thực hiện Luật Giáo dục đại học.

Để các cơ sở giáo dục đại học ổn định phát triển, cần nghiên cứu sửa đổi các vấn đề như: Thành lập trường là đơn vị đào tạo thuộc cơ sở giáo dục đại học; Điều kiện để các trường đại học liên kết thành đại học; Quy định về thủ tục thành lập Hội đồng trường đối với trường mới thành lập và cuối nhiệm kỳ Hội đồng trường của các trường đã có Hội đồng trường trong đó có quy định về tập thể lãnh đạo trường (một khái niệm mới); Quy định về thủ tục thay thế Chủ tịch và thành viên Hội đồng trường; Quy định về bãi nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch và thành viên Hội đồng trường trong các trường công lập và trong các trường thuộc đại học; Quy định rõ về vai trò và quyền hạn của cơ quan quản lý trực tiếp của trường đại học; Quy định về thủ tục thành lập, công nhận Hội đồng đại học, Chủ tịch Hội đồng đại học, Giám đốc đại học; Quy định về tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học; Quy định về quyền tự chủ đại học.

Hiện nay, một số vấn đề đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi. Tuy vậy, có thể nói những thay đổi này mới chỉ đề cập đến các thủ tục về mặt tổ chức mà chưa giải quyết được những vướng mắc cốt lõi về các mối quan hệ về quyền lực và trách nhiệm giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng, giữa đại học và trường đại học trong công tác quản trị đại học; tổ chức của một đơn vị kiểm định chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu của Luật Giáo dục đại học và do đó chưa thể tháo gỡ được các vướng mắc trong việc thực hiện Luật.

Vai trò của Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng cần được quy định để thực hiện khả thi trong thực tiễn, bởi hiện nay, Hiệu trưởng vẫn nắm quyền cốt lõi và quan trọng trong hoạt động của nhà trường. Vì vậy, cần có quy định cụ thể rõ ràng đối với quy trình tổ chức bộ máy quản trị của nhà trường, từ đó mới tháo gỡ được các vấn đề khi thành lập mới hoặc nhiệm kỳ mới của Hội đồng trường, đồng thời, giải quyết triệt để các mối quan hệ về quyền lực và trách nhiệm giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng, giữa đại học và trường đại học trong công tác quản trị đại học.

Mối quan hệ ba bên: Nhà nước, Hội đồng trường và Hiệu trưởng cần được nhận thức rõ hơn nữa. Hiệu trưởng với tư cách người điều hành công việc thường xuyên của nhà trường trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, người có trách nhiệm và quyền hạn cao nhất về chuyên môn và học thuật. Đây là những quyền cốt lõi và quan trọng mà hiệu trưởng phải đảm nhận nhưng cũng là những việc mà Hội đồng trường không nên can thiệp trực tiếp. Hội đồng trường chịu trách nhiệm tập thể về chủ trương chiến lược, chính sách và điều rất quan trọng là hoạch định những đổi mới của nhà trường kể cả trong những lĩnh vực chuyên môn và học thuật để bắt kịp đòi hỏi của xã hội, người học và thị trường lao động, phòng ngừa và xử lý các rủi ro phát sinh trong quá trình đổi mới và chịu trách nhiệm về những hoạch định đó. Đề cao vai trò lãnh đạo và việc thực thi vai trò lãnh đạo của Đảng trong nhà trường đại học công lập tự chủ cần được Ban Bí thư Trung ương quy định, cụ thể là việc tổ chức Đại hội Đảng bộ, về nhân sự đại hội, về trách nhiệm của tổ chức Đảng trong việc chậm trễ bầu ra cấp ủy mới.

Kiểm định chất lượng giáo dục được coi là phương thức để bảo đảm cân bằng giữa tự chủ và nghĩa vụ giải trình và chịu trách nhiệm. Thông qua trải nghiệm kiểm định chất lượng giáo dục đại học thì chủ yếu do nhận thức về vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của Hiệu trưởng trong mối quan hệ với Đảng ủy và Hội đồng trường cũng như cơ quan quản lý nhà nước chưa đưa ra được các thực hành tốt nhất trong việc thực thi mối quan hệ này. Khi đã có nhu cầu thực sự sử dụng hiệu quả công quỹ (với trường công lập) và học phí mà xã hội đầu tư cho con em học tập trở thành một khái niệm liên quan đến đánh giá và đo lường hiệu suất, theo dõi tất cả các hoạt động của một trường đại học chính là kiểm định và công nhận chất lượng bởi một tổ chức độc lập trở thành một lựa chọn để thực hiện chức năng quản lý và kiểm soát, đồng thời thúc đẩy các trường đại học phải xây dựng một hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ hiệu quả và bao phủ toàn bộ các hoạt động của nhà trường đại học thay cho việc ban hành các định chế.

Để tháo gỡ cho công tác quản trị nhà trường đại học hiện nay dựa trên nền tảng của Hội đồng trường, các văn bản pháp lý rất nên làm rõ, hướng dẫn các trường thực thi các quy định trong Luật về mối quan hệ giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng về quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên trong việc ra quyết định chính sách, giám sát, đánh giá và cải tiến các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng của nhà trường; huy động các nguồn lực, phòng ngừa và xử trí các rủi ro trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học Việt Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới.

Việc xác định tự chủ đại học trong xây dựng chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với giáo dục đại học nói chung, tự chủ đại học nói riêng cần được nhận thức, đổi mới ngay trong chính nội tại của mỗi cơ sở giáo dục đại học. Một trong đột phá, giải pháp quan trọng thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học thành công thời gian tới chính là các cơ sở giáo dục đại học cần đổi mới quản trị đại học theo hướng cải cách thực chất hơn nữa để trở thành một thực thể trưởng thành, tự kiểm soát hành vi, tự chịu trách nhiệm, giải phóng những năng lực, khả năng, tiềm năng từ nội tại, mở đường cho sự sáng tạo trong mọi hoạt động của nhà trường.

 

Nguồn: Tuyengiao.vn