Ngày 7/9/2009, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới. Chỉ thị nhấn mạnh, bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Ðảng và Nhà nước hết sức coi trọng và luôn đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Mặc dù đạt những kết quả, nhưng còn nhiều hạn chế. Ðể chính sách BHYT thật sự góp phần bảo đảm an sinh xã hội và công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, Ban Bí thư Trung ương Đảng yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung cụ thể sau đây:
Tiếp tục quán triệt sâu sắc và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHYT. Ðây là chính sách xã hội do Nhà nước tổ chức, nhằm huy động sự đóng góp tài chính của cộng đồng để tạo Quỹ BHYT không vì mục đích lợi nhuận, giúp người tham gia BHYT có nguồn tài chính để chăm sóc sức khỏe, bảo vệ quyền lợi của mình theo luật. BHYT là một trong các hoạt động nhân đạo, thể hiện sự hỗ trợ tương thân tương ái trong chăm sóc sức khỏe giữa người giàu với người nghèo, giữa người thuận lợi về sức khỏe với người ốm đau và rủi ro về sức khỏe. Có nhiều hình thức BHYT, nhưng hình thức mang tính chất ưu việt nhất mà nước ta phải hướng tới trong chính sách BHYT là BHYT bắt buộc toàn dân với nguyên tắc mọi người đóng góp BHYT theo thu nhập cá nhân, người nghèo và người trong diện chính sách xã hội được Nhà nước hỗ trợ, nhưng khi khám bệnh, chữa bệnh hưởng theo quyền lợi được quy định dựa trên nhu cầu chữa bệnh. Việc tham gia BHYT là nghĩa vụ của mọi người dân, kể cả những người khỏe mạnh. Trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHYT là của các cấp ủy đảng và các cấp chính quyền từ T.Ư đến địa phương.
Ðể BHYT đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, Chỉ thị nêu rõ: Các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền phải tổ chức học tập Luật BHYT một cách nghiêm túc, sâu rộng để mọi người dân nắm được những nội dung cơ bản của Luật. Các bộ, ngành có liên quan cần nhanh chóng hoàn thiện các văn bản dưới luật để đưa Luật vào cuộc sống. Các cấp chính quyền và các đơn vị khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và từng thời kỳ phải tính toán, xác định chỉ tiêu về dân số tham gia BHYT; bố trí và công bố chỉ tiêu ngân sách để mua thẻ BHYT cho người nghèo, người được hưởng các chính sách xã hội, hỗ trợ việc mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chính sách BHYT ở tất cả các cấp, các ngành, đoàn thể và các đơn vị, nhất là các doanh nghiệp, cũng như việc sử dụng BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) để xử lý nghiêm minh và hạn chế, ngăn chặn hiện tượng lạm dụng hoặc trục lợi từ BHYT.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về BHYT và quản lý quỹ BHYT theo hướng xây dựng và hoàn thiện bộ máy quản lý BHYT theo hướng vừa thực hiện được sự phân định cụ thể, rõ ràng, vừa thể hiện sự kết hợp chặt chẽ trách nhiệm và quyền hạn trong quản lý BHYT; bảo đảm cân đối giữa việc thu và chi của quỹ BHYT, kết hợp việc chống lạm dụng và trục lợi BHYT.
Tổ chức tốt việc khám bệnh, chữa bệnh bằng BHYT. Tăng đầu tư, phân bổ ngân sách để củng cố, phát triển mạng lưới KCB, nhất là mạng lưới y tế cơ sở; chuyển việc chi ngân sách nhà nước cho cơ sở KCB sang chi trực tiếp cho người được hưởng thụ BHYT thông qua việc hỗ trợ BHYT cho vùng nghèo, người nghèo, người hưởng các chính sách xã hội, hỗ trợ một phần mức đóng BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo. Bộ Y tế tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tại cơ sở y tế, đặc biệt cải tiến thủ tục hành chính trong tổ chức KCB BHYT tại các bệnh viện để tạo điều kiện thuận lợi cho người khám bệnh, chữa bệnh BHYT được thụ hưởng tốt các dịch vụ y tế.
Chỉ thị cũng yêu cầu phát động cuộc vận động toàn dân tham gia BHYT và chuẩn bị lộ trình thích hợp tiến đến BHYT bắt buộc toàn dân trong những năm tiếp theo./.