Ngày 25/4/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 62/2001/QĐ-TTg đổi tên Trường Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Vinh. Đây là trường đại học đầu tiên của cả nước được Chính phủ cho phép thực hiện mô hình chuyển từ đào tại đơn ngành sang đa ngành, mở đầu cho xu hướng đổi mới của giáo dục đại học Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Đến nay, sau 10 năm đổi tên, Trường Đại học Vinh đã có bước phát triển mạnh mẽ, đổi mới toàn diện, vững chắc trên mọi lĩnh vực và thực sự khẳng định được vai trò là trung tâm khoa học, đào tạo của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tiền thân là trường đại học sư phạm với nhiệm vụ chính là đào tạo đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhưng trước những yêu cầu bức thiết về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội nên từ cuối những năm 1980, Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã quyết tâm đưa Trường trở thành một trung tâm đào tạo đa ngành. Từ năm 2001, ngoài việc tiếp tục duy trì, phát triển và hoàn thiện các ngành đào tạo sư phạm, Trường đã mở rộng và phát triển hàng chục mã ngành ngoài sư phạm để không ngừng đáp ứng các yêu cầu của xã hội về nhân lực trên các lĩnh vực: kinh tế, nông, lâm, ngư nghiệp, xây dựng, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin... Đến nay Nhà trường đã đào tạo nhiều bậc học, ngành học khác nhau với 10 chuyên ngành tiến sĩ, 28 chuyên ngành thạc sĩ; đào tạo 43 ngành kỹ sư, cử nhân, tăng 53% so với năm 2001, các ngành ngoài sư phạm chiếm 63% tổng số các ngành học; đào tạo học sinh trung học phổ thông chuyên với 5 môn chuyên (Toán, Vật lý, Hoá học, Tin học, Tiếng Anh). Quy mô tuyển sinh của Trường ở các hệ, bậc học, ngành, hình thức đào tạo không ngừng tăng lên. Đặc biệt, các ngành học có nhu cầu cao của xã hội được Nhà trường tăng chỉ tiêu đào tạo trên cơ sở đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Hiện nay toàn Trường có khoảng 34.000 học sinh, sinh viên, học viên, tăng 50% so với năm 2001. Ngoài ra, Trường còn liên kết với các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước đào tạo các trình độ đại học và sau đại học nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao cho đất nước.
Hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, Đảng ủy Nhà trường đã ban hành Nghị quyết số 240 ngày 4/9/2002 về đổi mới phương pháp dạy học và Nghị quyết số 234 ngày 23/5/2006 về đào tạo theo học chế tín chỉ. Từ năm học 2007-2008, Nhà trường đã chuyển phương thức đào tạo từ niên chế học phần sang học chế tín chỉ, mở ra bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập của Nhà trường với hệ thống giáo dục đại học trên thế giới. Công tác tuyển sinh có những cải tiến quan trọng để tạo nên sự nghiêm túc, công bằng, khách quan, chất lượng, được xã hội đồng tình ủng hộ. Các chương trình đào tạo được phát triển theo hai hướng nghiên cứu và nghề nghiệp ứng dụng với tổng số 2.714 đề cương chi tiết học phần. Chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng dễ điều chỉnh và cập nhật, có khả năng thích ứng cao đối với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Từng bước xây dựng một số chương trình đào tạo tiên tiến thuộc khối ngành Kinh tế, Xây dựng và Công nghệ thông tin. Phương pháp giảng dạy được đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin và phương tiện kỹ thuật hiện đại vào quá trình dạy - học, sử dụng bài giảng điện tử, triển khai hình thức dạy học trực tuyến, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Tăng cường xây dựng hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo với 341 giáo trình, 26.000 đầu sách tham khảo, 8.000 luận văn, luận án, nhờ vậy đã đáp ứng đầy đủ việc giảng dạy và học tập ở mọi bậc học, ngành học.
Hoạt động đảm bảo chất lượng và công tác khảo thí được đặc biệt chú trọng và có bước phát triển mạnh mẽ. Nhà trường đã công bố chuẩn đầu ra các ngành đào tạo trình độ đại học hệ chính quy để cam kết với xã hội về chất lượng sản phẩm đào tạo. Trường Đại học Vinh là 1 trong 10 trường đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn thí điểm triển khai hoạt động tự đánh giá và kiểm định chất lượng đợt đầu và được Hội đồng kiểm định chất lượng quốc gia công nhận là trường đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Nhà trường đã thực hiện đánh giá ngoài đối với 11 khoa đào tạo đại học và triển khai tự đánh giá 12 chương trình đào tạo giáo viên trung học phổ thông trình độ đại học. Trường Đại học Vinh là một trong những trường đầu tiên thực hiện tổ chức hoạt động giảng dạy độc lập với hoạt động đánh giá. Nhà trường đã tích cực cải tiến, đổi mới việc kiểm tra, đánh giá các học phần để đánh giá đúng tư duy sáng tạo, vận dụng kiến thức tổng hợp, nâng cao khả năng áp dụng thực tiễn của sinh viên, học viên nhờ vậy hiện tượng tiêu cực trong đào tạo đã từng bước được loại bỏ, đảm bảo môi trường giáo dục lành mạnh. Từ thành công này, Trường Đại học Vinh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn làm địa điểm để tổ chức thi tuyển sinh đại học trong cả nước theo nguyên tắc ba chung: chung đợt, chung đề và chung kết quả thi.
Song song với hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ của Trường Đại học Vinh đã có sự phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Số đề tài nghiên cứu khoa học các cấp tăng lên hàng năm. Trong 10 năm qua cán bộ của Trường đã thực hiện 24 đề tài cấp Nhà nước, 203 đề tài cấp Bộ, 1.857 đề tài cấp cơ sở. Điểm tiến bộ so với trước đây là Trường đã có 3 nhiệm vụ nghiên cứu theo nghị định thư và nhiều đề tài có kinh phí lên đến hàng tỷ đồng. Việc đăng ký, nghiệm thu, quản lý các đề tài và cấp kinh phí được thực hiện có nền nếp và hiệu quả với tổng kinh phí là 54 tỷ đồng. Việc gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với tư vấn, chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực đã có những kết quả tích cực. Bên cạnh đó, Trường luôn quan tâm nhiều đến công tác xuất bản các ấn phẩm khoa học cả về chất lượng, nội dung và hình thức. Thông báo Khoa học của Trường được nâng cấp thành Tạp chí Khoa học vào năm 2003, mỗi năm ra 4 kỳ, 6 số với hình thức và nội dung phong phú, đa dạng, chất lượng bài viết ngày càng tốt hơn và là ấn phẩm để trao đổi thường xuyên với các trường đại học, các viện nghiên cứu trong toàn quốc. Nhà trường cũng đang hoàn tất các thủ tục để thành lập Nhà xuất bản Trường Đại học Vinh. Từ 2001 năm đến nay, cán bộ của Trường đã công bố trên 1.500 bài báo trong nước và trên 260 bài báo ngoài nước. Hàng năm Trường đều tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học cấp trường, khu vực, quốc gia và quốc tế với tổng số 102 hội nghị, hội thảo các cấp. Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên có chuyển biến rõ rệt. Nhiều khoa đào tạo đã phát triển mạnh phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên và cán bộ trẻ. Số đề tài tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học sinh viên và giải sinh viên nghiên cứu khoa học ngày càng tăng. Giai đoạn 2001-2011, Nhà trường đã gửi 91 đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có 88 công trình đạt giải sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ và 25 công trình đạt giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam VIFOTEC.
Việc mở rộng mối quan hệ, hợp tác với các cơ quan, ban ngành từ trung ương đến địa phương, các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước để hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học tiếp tục được đẩy mạnh. Hơn 1.000 lượt lưu học sinh Thái Lan, Trung Quốc, Lào... đã tốt nghiệp đại học và Sau đại học tại Trường. Hiện tại, có hơn 300 lưu học sinh nước ngoài đang theo học đại học và Sau đại học. Trường đã hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng cán bộ với trên 40 cơ sở giáo dục đại học và các cơ quan, tổ chức khoa học trong nước và quốc tế. Nhiều cán bộ của Trường là thành viên, cộng tác viên của các hội đồng khoa học hoặc tổ chức khoa học quốc gia, khu vực và quốc tế (Đức, Italia, Nhật Bản, Pháp, Ba Lan, Nga, Canađa, Hoa Kì, Hội Thiên văn quốc tế,…); được mời làm chuyên gia giáo dục và giảng dạy tại các trường đại học ở Ăngôla, Môzămbic, Madagaxca, Algiêri, Lào, Campuchia, Thái Lan...
Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, Nhà trường đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ. Đảng bộ Nhà trường đã ban hành và chỉ đạo triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 80 ngày 16/4/2004 về công tác tổ chức và cán bộ nên công tác cán bộ của Nhà trường đã đi vào nền nếp từ quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đến sử dụng, đánh giá và đãi ngộ. Trường đã ban hành nhiều văn bản trong công tác cán bộ như “Quy định về công tác tuyển chọn cán bộ”, “Quy định về trình độ ngoại ngữ của cán bộ giảng dạy”, “ Quy định về thủ tục cử cán bộ đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài”, “Quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức đi hợp tác khoa học ở nước ngoài”... Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm. Nhà trường đã cử hàng trăm cán bộ đào tạo trong nước và hàng chục cán bộ đi đào tạo ngoài nước, tập trung vào các quốc gia như Mỹ, Đức, Ba Lan, Nga, Pháp, New Dilân, Nhật, Trung Quốc, Rumani, Hàn Quốc... Hàng năm, Trường đã chi trên 4 tỷ đồng cho các công tác đào tạo, bồi dưỡng (trong đó gồm tiền học phí, tiền hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, công tác phí). Nhờ vậy, Nhà trường đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ với 944 cán bộ, công chức, tăng 73% so với năm 2001. Trong tổng số 642 giảng viên, có 54 giáo sư, phó giáo sư, 4 giảng viên cao cấp, 117 tiến sĩ, 328 thạc sĩ, 133 giảng viên chính. Trong tổng số 273 chuyên viên, kĩ thuật viên, cán bộ hành chính, phục vụ có 11 chuyên viên chính và 52 thạc sĩ. Ngoài ra, còn có hàng trăm nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia đào tạo đại học và sau đại học tại Trường Đại học Vinh.
Để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và đổi mới giáo dục đại học, Nhà trường đã tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị. Trên cơ sở đó giải thể và sát nhập một số đơn vị, đồng thời thành lập thêm 6 khoa đào tạo (Nông Lâm Ngư, Xây dựng, Kinh tế, Luật, Điện tử viễn thông, Địa lý), 1 viện nghiên cứu, 1 trường mầm non thực hành, 11 trung tâm, 2 Văn phòng đại diện. Đến nay Trường đã có 18 khoa đào tạo đại học, 1 khoa đào tạo sau đại học, 1 Viện nghiên cứu, 1 Trường Trung học phổ thông Chuyên, 1 Trường Mầm non Thực hành, 2 văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Thanh Hóa và 28 phòng, ban, trung tâm. Nhà trường ngày càng đẩy mạnh tin học hóa công tác quản lý hành chính, tài chính. Trang thông tin điện tử của Trường được cải tiến về giao diện, hệ thống cơ sở dữ liệu được bổ sung, cập nhật đảm bảo thực hiện tốt Ba công khai theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhà trường đã huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư và nâng cấp trang thiết bị. Hiện nay, Nhà trường đã có hệ thống cơ sở vật chất tương đối khang trang, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu đào tạo đa ngành với tổng giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tổng diện tích đất được quy hoạch của Nhà trường hiện nay là 286,8 ha. Ngoài ra, Trường đang triển khai đầu tư xây dựng một số cơ sở phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ ở một số địa phương trong và ngoài nước. Trường có hàng chục phòng học được trang bị hiện đại; có nhiều phòng học trực tuyến phục vụ một lúc hơn 1.000 người học; có trung tâm hội thảo trực tuyến nối liền các trung tâm hội nghị trên cả nước; có hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại; có Trung tâm Thông tin - Thư viện là một trong những trung tâm học liệu hiện đại nhất của cả nước.
Trong công tác quản lý tài chính, Đảng uỷ chỉ đạo công tác điều hành ngân sách hiệu quả, minh bạch và đúng pháp luật; đã xây dựng được cơ chế điều hành ngân sách theo hướng công khai, bước đầu có sự phân cấp quản lý, tạo quyền chủ động cho các đơn vị, giảm bớt phiền hà trong thủ tục, thực hiện các chế độ chính sách kế toán mới theo đúng quy định của Nhà nước. Công tác kiểm tra, tự kiểm tra tài chính được tiến hành thường xuyên. Nhà trường đã đẩy mạnh thực hành tiết kiệm trong mọi hoạt động, đặc biệt là tiết kiệm điện, nước, xăng, dầu; tiết kiệm nhân lực; tiết kiệm trong việc tổ chức hội họp, tiếp khách, hội thảo. Thực hiện cải tiến công tác văn thư trong việc giảm giấy tờ hành chính; phát huy lợi thế của hệ thống mạng LAN, phần mềm Văn phòng điện tử eoffice để chuyển tải thông tin, gửi và tiếp nhận văn bản nhằm tiết kiệm giấy, mực in và cước phí bưu điện. Tiết kiệm chi phí mua văn phòng phẩm; mua báo, tạp chí... Sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị phục vụ hoạt động của Nhà trường đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động, bảo vệ môi trường.
Cùng với hoạt động chuyên môn, công tác tuyên truyền giáo dục, nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận trong cán bộ, công chức và học sinh, sinh viên, học viên đã giúp Nhà trường kịp thời điều chỉnh, đưa ra nhiều chủ trương, biện pháp để giải quyết các vấn đề trong công tác chính trị tư tưởng, công tác cán bộ, công tác đào tạo và công tác sinh viên. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn trong Nhà trường được tăng cường. Nhà trường đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đổi mời cách thức tổ chức hội nghị cán bộ, công chức và hội nghị dân chủ sinh viên, tăng cường đối thoại nhằm khai thông thông tin. Các vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người học được giải quyết kịp thời, bảo đảm nguyên tắc công khai, công bằng, dân chủ, đúng chính sách, tạo đồng thuận cao trong Nhà trường. Các tổ chức quần chúng được hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo chế độ chính sách, quyền lợi cho đoàn viên, hội viên tạo không khí làm việc dân chủ trong Trường. Nhà trường đã xây dựng thành công mô hình quản lý học sinh, sinh viên ngoại trú, trong đó có sự tham gia của nhiều lực lượng xã hội vào công tác quản lý, giáo dục người học. Mô hình này được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn làm mô hình thí điểm nhân rộng ra toàn quốc. Các đoàn thể chính trị của Trường đã tìm được nhiều cách làm hay để cải tiến nội dung hoạt động, thu hút đông đảo quần chúng tham gia hưởng ứng.
Sau 10 năm đổi tên thành Trường Đại học Vinh, Nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng hàng chục nghìn kỹ sư, cử nhân, cán bộ quản lý giáo dục,... góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho các tỉnh Bắc miền Trung và cả nước. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm chiếm trên 90% số sinh viên tốt nghiệp. Sinh viên của Trường được trang bị toàn diện về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc, nhân cách sống nên khi ra trường sớm khẳng định khả năng, được các nhà tuyển dụng đánh giá cao. Nhiều cựu sinh viên của Trường đã trở thành các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, các viện nghiên cứu, các trung tâm khoa học, công nghệ, kinh tế lớn trong nước và quốc tế.
Với những thành tựu đã đạt được trên tất cả các mặt, Trường Đại học Vinh đã được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì (2001), danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kì đổi mới (2004), Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ (2007), Huân chương Độc lập hạng Nhất (2009), Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (2009) và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đảng bộ Trường được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An công nhận là đảng bộ cơ sở trong sạch vững mạnh 13 năm liên tục (1998-2010). Công đoàn Trường được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì (2005). Đoàn Trường, Hội Sinh viên được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2004), Huân chương Lao động hạng Ba (2006). Trường đã có 25 cán bộ được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú; có 47 tập thể và 185 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen cấp Bộ.
Có thể nói, kể từ khi được đổi tên Trường Đại học Vinh đã hòa nhập cùng sự nghiệp đổi mới của đất nước cũng như của ngành Giáo dục và Đào tạo. Nhận thức đúng đắn vị trí đặc thù khu vực của mình, Nhà trường đã cố gắng vươn lên, tận dụng mọi thời cơ, phát huy tối đa các nguồn lực để đáp ứng kịp thời nhu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học và khẳng định được vị thế quan trong trọng hệ thống các trường đại học của Việt Nam. Hiện nay, Nhà trường đang tập trung thực hiện tuyên bố sứ mạng Trường Đại học Vinh là cơ sở đào tạo đại học đa ngành cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu xã hội; là trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước với tầm nhìn đến năm 2020, Trường Đại học Vinh trở thành trường đại học trọng điểm, có một số ngành học đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Nguyễn Quang Tuấn