Ngày 17/4/2018, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đã ký Quyết định số 1474/QĐ-BGDĐT về việc cấp phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh. Theo đó, trong vòng 05 năm kể từ ngày ký, Trường Đại học Vinh được phép thực hiện các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định tại Thông tư số 61/2012/TT-BGDĐT ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định điều kiện thành lập và giải thể, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Đối tượng, phạm vi hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục: các cơ sở giáo dục (đại học, học viện, trường đại học; trường cao đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm); các chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp; các chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên phạm vi cả nước.

Trước đó, ngày 1/11/2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ký Quyết định số 4589/QĐ-BGDĐT thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng, hoạt động theo quy định của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thứ 5 của cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập. Trước đó là Trung tâm Kiểm định chất lượng - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm Kiểm định chất lượng - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm định chất lượng - Đại học Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm định chất lượng - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam). Ngày 12/1/2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng đã ký Quyết định số 148/QĐ-BGDĐT bổ nhiệm Tiến sĩ Trần Đình Quang, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đảm bảo chất lượng Trường Đại học Vinh, giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh

Đặc biệt, sau một thời gian hoàn thiện các hồ sơ thủ tục, Hội đồng Tổ chức Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA) đã họp và quyết định phê duyệt Trường Đại học Vinh là thành viên liên kết của Tổ chức. Ngày 16/4/2018, Hội đồng Tổ chức Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA) đã gửi thông báo cho Trường Đại học Vinh về việc chấp nhận Nhà trường là thành viên liên kết của Tổ chức. Đây là một thành công và là bước tiến quan trọng của Trường Đại học Vinh trong tiến trình hội nhập.

 

Những năm gần đây, công tác khảo thí, kiểm định chất lượng giáo dục đã có nhiều đổi mới theo hướng thực hiện đánh giá năng lực người học và đi theo các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục đã có tác động tích cực, tạo sự chuyển biến rõ rệt chất lượng giáo dục và đào tạo thông qua việc đẩy mạnh công tác tự đánh giá và tổ chức đánh giá ngoài các cơ sở giáo dục. Số lượng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hoàn thành tự đánh giá và số trường được đánh giá ngoài ngày càng tăng lên, hầu hết các trường đã hoàn thành tự đánh giá. Năm học 2016 - 2017, đã có 5.958 cơ sở giáo dục mầm non được đánh giá ngoài (tăng 1.471 cơ sở so với năm học trước); 5.179 trường tiểu học được đánh giá ngoài (tăng 1.398 cơ sở); 3.876 trường trung học cơ sở đánh giá ngoài (tăng 879 cơ sở).

Năm học 2017 - 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng văn bản quy định về trường đạt chuẩn quốc gia và chuẩn công nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo hướng tích hợp để các địa phương thuận lợi trong việc triển khai thực hiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ ban hành bộ chỉ số đánh giá chất lượng giáo dục địa phương. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học tiếp tục được chú trọng. Tính đến ngày 30/6/2017, có 246 cơ giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm hoàn thành tự đánh giá; 54 trường đã được đánh giá ngoài, trong đó có 30 trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng; 88 chương trình đào tạo đại học được đánh giá và công nhận bởi tổ chức kiểm định nước ngoài.

Bộ GD-ĐT đã ban hành quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng tiếp cận xu hướng mới của Mạng lưới bảo đảm chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA), trong đó quy định rõ về việc sử dụng kết quả kiểm định chất lượng giáo dục. Theo Thông tư quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục tham gia kiểm định chất lượng nhưng chưa được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng bị hạn chế quyền tự chủ; nếu liên tục ba năm sau đó mà vẫn không thực hiện cải tiến chất lượng để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng thì sẽ bị áp dụng chế tài hạn chế hoặc đình chỉ việc tuyển sinh. Việc thẩm định và xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục đại học được các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục triển khai một cách độc lập. Hiện đã có 50% số cơ sở giáo dục đại học đã hoàn thành việc thẩm định và xác nhận điều kiện bảo đảm chất lượng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra mục tiêu đẩy nhanh tiến độ kiểm định chất lượng giáo dục với chỉ tiêu đề ra là đến hết năm 2018 có 50% số trường đại học và 30% số trường cao đẳng sư phạm được kiểm định; đến hết năm 2020, tất cả các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm đủ điều kiện được kiểm định và công bố kết quả kiểm định.

Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm định và đảm bảo chất lượng tiếp tục được đẩy mạnh. Ngoài việc tham gia các hội nghị, hội thảo của Mạng lưới chất lượng châu Á - Thái Bình Dương và Mạng lưới bảo đảm chất lượng ASEAN, Bộ GD-ĐT đã cùng với cơ quan Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục Đại học Australia (TEQSA) ký kết bản ghi nhớ mở rộng hợp tác phát triển trong lĩnh vực bảo đảm chất lượng giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phối hợp Đại sứ quán Úc tổ chức hội thảo về bộ công cụ đánh giá chương trình đào tạo trực tuyến; phối hợp với Dự án SHARE hội thảo quốc gia lần thứ 5 về tác động của Khung trình độ quốc gia và tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng khu vực đối với giáo dục đại học Việt Nam.

Một số trường đại học đã tham gia xếp hạng quốc tế, không những khẳng định được thương hiệu mà còn làm cơ sở phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Năm học 2016-2017, Việt Nam có bốn trường đại học được URAP (Xếp hạng đại học qua chất lượng học thuật - University Ranking by Academic Performance) xếp hạng (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh); ba trường đại học được SCImago (Tổ chức xếp hạng các cơ sở nghiên cứu khoa học) xếp hạng; năm trường đại học được QS University Rankings xếp hạng (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Huế, Đại học Cần Thơ). Trong năm học 2016 - 2017, có thêm một trường đại học Việt Nam được chứng nhận 3 sao theo QS-Stars, nâng tổng số cả nước đã có ba trường được chứng nhận 3 sao theo QS-Stars là: Trường đại học Nguyễn Tất Thành, Trường đại học FPT, Trường đại học Tôn Đức Thắng.

Để tiếp tục cải tiến nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và đào tạo, các chương trình đào tạo sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó, chú trọng kiểm định theo các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, trên cơ sở đó phân tầng, xếp hạng, quy hoạch lại mạng lưới, giao quyền tự chủ và nâng cao hiệu quả đầu tư; tăng cường công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài,…

Nguyễn Quang Tuấn