Thực hiện nhiệm vụ và kế hoạch công tác năm học, từ ngày 18/3-03/4/2013 Nhà trường đã tổ chức Hội nghị dân chủ HSSV năm học 2012 - 2013 cho HSSV toàn trường. Qua 26 buổi tổ chức Hội nghị, đã có 565 lượt ý kiến phát biểu của HSSV và các ý kiến đã được lãnh đạo các đơn vị liên quan trả lời, trao đổi, giải đáp. Tại Hội nghị tổng kết đợt sinh hoạt dân chủ HSSV, Hiệu trưởng nhà trường đã đánh giá cao kết quả tổ chức đợt sinh hoạt dân chủ HSSV và tinh thần trao đổi, góp ý thẳng thắn của HSSV nhằm đảm bảo các quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm trong quá trình học tập, rèn luyện tại Trường Đại học Vinh. Để giúp HSSV kịp thời nắm được đầy đủ, chính xác các thông tin đã phản ánh tại các buổi Hội nghị dân chủ HSSV, các phòng, ban, trung tâm, trạm của Nhà trường đã tổng hợp các ý kiến thành các nhóm vấn đề, xin được trả lời và cung cấp thêm thông tin như sau:
I. PHÒNG CÔNG TÁC CHÍNH TRỊ VÀ HỌC SINH, SINH VIÊN (CTCT HSSV)
1. Các câu hỏi liên quan về Học bổng khuyến khích học tập
Học bổng khuyến khích học tập (HBKKHT) của sinh viên cấp theo học kỳ, mỗi năm 2 kỳ, mỗi kỳ 5 tháng. Học kỳ thứ nhất của khoá học, nhà trường căn cứ điểm thi tuyển sinh đại học (từ 21 điểm trở lên) và hạnh kiểm lớp 12 THPT để xét cấp học bổng cho sinh viên. Từ học kỳ II, nhà trường căn cứ kết quả học tập và rèn luyện của sinh viên học kỳ trước đó để xét cấp HBKKHT cho học kỳ hiện tại. Sinh viên phải hoàn thành tối thiểu 15 tín chỉ/1 học kỳ mới đủ điều kiện xét học bổng.
Căn cứ kết quả học tập và rèn luyện, sinh viên được xét cấp HBKKHT trong phạm vi quỹ HBKKHT theo 3 loại: xuất sắc, giỏi, khá. Học bổng được xét theo thứ tự từ loại xuất sắc trở xuống cho đến hết số suất học bổng đã được xác định.
Sinh viên diện Trợ cấp xã hội (TCXH) nếu đạt tiêu chuẩn hưởng HBKKHT học kỳ nào thì học kỳ đó được ngừng hưởng TCXH để hưởng HBKKHT.
Điều kiện, tiêu chuẩn: Điểm trung bình chung học tập (TBCHT) đạt từ 2,5 điểm trở lên (tính điểm thi lần 1), không có học phần nào dưới 2.0 điểm hoặc kiểm tra hết môn không đạt; xếp loại Rèn luyện từ loại khá, không vi phạm kỷ luật từ khiển trách trở lên. Loại học bổng được quy định cụ thể như sau:
TT
|
Loại học bổng
|
Điểm TBCHT
|
Xếp loại rèn luyện
|
1.
|
Xuất sắc
|
3,60 – 4,00
|
Xuất sắc
|
2.
|
Giỏi
|
3,20 – 3,59
|
Tốt trở lên
|
3.
|
Khá
|
2,50 – 3,19
|
Khá trở lên
|
Căn cứ vào Nghị định 49 của Chính phủ, Nhà trường đã ban hành Quy định về lộ trình học phí, học bổng từ năm 2011 đến 2015. Năm học 2012 – 2013 mức học phí: Nhóm ngành 1 là 420.000 đồng/tháng; Nhóm ngành 2 là: 480.000 đồng/ tháng. Mức HBKKHT thấp nhất (loại khá) bằng mức học phí, mức học bổng loại giỏi tăng thêm 10% so với loại khá, mức học bổng loại xuất sắc tăng thêm 15% so với loại giỏi.
Lưu ý: Những sinh viên làm đơn đề nghị xem lại điểm nếu xét thấy có thể đạt học bổng thì báo cáo ngay với Trung tâm Đảm bảo chất lượng để được tiến hành kiểm tra điểm trước lúc nhà trường xét học bổng (học kỳ I trước ngày 15/11, học kỳ II trước 05/4 hàng năm).
2. Các câu hỏi liên quan về Trợ cấp xã hội (TCXH)
Đối tượng: Sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ, không có nguồn chu cấp thường xuyên; Sinh viên tàn tật mất sức lao động 41% trở lên theo kết quả giám định của Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh, có hoàn cảnh gia đình khó khăn; Sinh viên con hộ đói có giấy chứng nhận do UBND Tỉnh cấp (mức hưởng của các đối tượng này là 100.000 đồng/tháng).
Sinh viên là người dân tộc ít người, có gia đình định cư ở các xã đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ (định cư từ 03 năm trở lên tính đến thời điểm nhập học tại trường. Mức hưởng của đối tượng này là 140.000 đồng/tháng)
Điều kiện được hưởng: Sinh viên có kết quả rèn luyện được xếp loại từ trung bình khá, không vi phạm kỷ luật từ khiển trách trở lên.
TCXH mỗi năm cấp 2 kỳ, mỗi kỳ 6 tháng. Sinh viên diện TCXH nếu đạt tiêu chuẩn hưởng học bổng KKHT học kỳ nào thì học kỳ đó ngừng hưởng TCXH để hưởng học bổng KKHT. Nếu sinh viên nộp hồ sơ chậm (sau khi nhà trường xét) thì được hưởng từ học kỳ kế tiếp (không được xét truy thu của kỳ trước).
Hồ sơ TCXH học kỳ 1 nộp trước ngày 30 tháng 10, học kỳ 2 nộp trước ngày 10 tháng 3 hàng năm tại phòng Công tác CTHSSV.
3. Các câu hỏi liên quan về miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập
Nghị định 49/2010/CP quy định các đối tượng được miễn, giảm học phí gồm:
Miễn học phí: Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Sinh viên có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; Sinh viên hệ cử tuyển; Sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo.
Giảm 50% học phí: Sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên.
Sinh viên thuộc diện miễn, giảm học phí được Nhà nước cấp kinh phí trực tiếp tại địa phương để đóng học phí cho Nhà trường.
Thủ tục, hồ sơ: Trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu mỗi học kỳ, sinh viên phải làm đơn nộp ở khoa chủ quản đề nghị cấp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí (theo mẫu). Kèm theo đơn là bản sao có công chứng một trong các giấy tờ theo điểm a khoản 3 Điều 3 của Thông tư 29. Trợ lý quản lý sinh viên khoa (QLSV) kiểm tra và ghi đầy đủ các nội dung vào đơn ở mục “Xác nhận của Trường Đại học Vinh” và ký nháy xác nhận vào phần cuối. Sinh viên nhận đơn tại Khoa và nạp về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện nơi cư trú để làm thủ tục nhận kinh phí. Mức xác nhận học phí của từng năm học theo Nghị định 49 của Chính phủ.
Lưu ý: - Sinh viên hệ sư phạm không phải đóng học phí nên không làm các thủ tục miễn, giảm học phí. Sinh viên hệ cử tuyển học phí do Uỷ ban nhân dân Tỉnh cấp trực tiếp cho Nhà trường thông qua hợp đồng đào tạo cử tuyển hàng năm nên cũng không phải làm thủ tục miễn, giảm học phí.
- Tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí được cấp cho sinh viên mỗi năm 10 tháng: Lần 1 cấp vào tháng 9 hoặc tháng 10 hàng năm; Lần 2 cấp vào tháng 3 hoặc tháng 4 hàng năm. Trường hợp gia đình sinh viên chưa nhận tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí theo thời hạn quy định thì được truy lĩnh trong kỳ chi trả tiếp theo.
- Các đối tượng thuộc diện được miễn, giảm học phí theo quy định tại Thông tư 29 mà cùng một lúc được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau thì chỉ được hưởng một chế độ ưu đãi cao nhất.
- Sinh viên thuộc diện được miễn, giảm học phí cùng một lúc học ở nhiều trường (hoặc nhiều khoa trong cùng một trường) thì chỉ được hưởng chế độ ưu đãi về miễn, giảm học phí tại một trường hoặc một khoa (SV học ngành 2 không được miễn, giảm học phí).
- Không áp dụng chế độ ưu đãi về miễn, giảm học phí đối với sinh viên thuộc diện được miễn, giảm trong trường hợp đã hưởng chế độ này tại một cơ sở đào tạo, nay tiếp tục học thêm ở một cơ sở đào tạo khác cùng cấp và trình độ đào tạo.
- Nhà trường thu học phí theo tín chỉ và số tiền học phí sinh viên đóng nhiều hay ít là phụ thuộc vào số lượng tín chỉ sinh viên đăng ký trong học kỳ. Nhà trường xác nhận đơn miễn giảm học phí cho sinh viên về nhận tiền hỗ trợ học phí ở địa phương là căn cứ vào mức học phí hàng năm theo Nghị định 49 của Chính phủ quy định.
Ví dụ: Năm học 2012 - 2013: SV thuộc Nhóm ngành 1 học phí là 130,000 đồng/tín chỉ (Nhóm ngành 2 là 140.000 đồng/ tín chỉ) nếu đăng ký 15 tín chỉ/học kỳ thì SV phải đóng học phí là: 130.000đ x 15 tín chỉ = 1.950.000đ/học kỳ (Nhóm ngành 2 là 140.000 đồng x 15 tín chỉ = 2.100.000 đồng). Nếu SV thuộc đối tượng miễn giảm học phí thuộc Nhóm ngành 1 thì nhà trường xác nhận mức học phí là: 420.000 đồng/tháng x 5 tháng = 2.100.000đ/học kỳ (Nhóm ngành 2 là 480.000 đồng/tháng x 5 tháng = 2.400.000 đồng/học kỳ). Các SV có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cần có kế hoạch đăng ký số tín chỉ phù hợp với mức học phí được miễn giảm nhận tại địa phương (học phí học lại, học nâng điểm không được miễn giảm).
- Hiện nay nhà trường chưa có ngành học nào được nhà nước công nhận là ngành nghề nặng nhọc, độc hại nên nhà trường không có căn cứ để xác nhận cho sinh viên làm thủ tục miễn giảm học phí.
- Hỗ trợ chi phí học tập chỉ áp dụng đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo, vùng 135… không áp dụng đối với sinh viên.
(Thông tư 29 và Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ, Nhà trường đã đăng tải trong mục “Sinh viên” trên trang web của Trường Đại học Vinh: www.vinhuni.edu.vn ).
4. Các câu hỏi liên quan đến vay vốn học tập
Căn cứ Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên quy định:
Đối tượng được vay vốn: HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; HSSV là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: (1) Hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật, (2) Hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật; HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh...
Phương thức cho vay: Việc cho vay đối với HSSV được thực hiện theo phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình là người trực tiếp vay vốn và có trách nhiệm trả nợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội; HSSV thực hiện việc vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội ở địa phương; Trường hợp HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động, được trực tiếp vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi nhà trường đóng trụ sở.
HSSV có nhu cầu vay vốn học tập làm giấy xin xác nhận (theo mẫu), kèm theo giấy chứng nhận đối tượng được vay vốn (bản phô tô công chứng) và nộp cho khoa (qua trợ lý QLSV) để đề nghị Nhà trường ký xác nhận. HSSV nhận lại giấy qua trợ lý QLSV tại văn phòng khoa.
Thời gian: Học kỳ 1 kết thúc vào ngày 30 tháng 10 hàng năm. Học kỳ 2 kết thúc vào ngày 30 tháng 3 hàng năm.
5. Các câu hỏi liên quan về đánh giá kết quả điểm rèn luyện
Điểm rèn luyện (ĐRL) của sinh viên được đánh giá theo thang điểm 100 của 10 nội dung theo 4 tiêu chí và được phân thành 07 loại: Xuất sắc (từ 90 điểm trở lên), loại tốt (từ 80 đến 89 điểm), loại khá (từ 70 đến 79 điểm), loại trung bình khá (từ 60 đến 69 điểm), loại trung bình (từ 50 đến 59 điểm), loại yếu (từ 40 đến 49 điểm), loại kém (dưới 40 điểm).
Trường hợp SV vi phạm kỷ luật nhưng chưa đến mức xử lý hành chính thì bị trừ ĐRL. SV vi phạm nội dung nào thì trừ ĐRL tại nội dung đó. Nếu bị Nhà trường, khoa phê bình, nhắc nhở tùy mức độ vi phạm trừ từ 1 điểm đến hết điểm nội dung đó.
Hạ loại kết quả rèn luyện 1 bậc: Vi phạm kỷ luật chưa đến mức bị xử lý hành chính, tuy đã giáo dục mà không tiến bộ, vẫn còn tái phạm; Bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo trong thi, kiểm tra học phần; Vi phạm nội quy, quy chế: theo mục 6 Phiếu nhận xét SV nội trú, ngoại trú; SV vi phạm các hình thức kỷ luật sau đây ở học kỳ nào thì loại rèn luyện ở học kỳ đó không vượt quá trung bình: (1) Bị kỷ luật mức cảnh cáo hoặc 2 lần khiển trách trong 1 học kỳ từ cấp Khoa trở lên, (2) Bị lập biên bản đình chỉ thi, kiểm tra học phần, (3) Không nộp phiếu nhận xét nội trú, ngoại trú; SV không nộp phiếu đánh giá kết quả rèn luyện ở học kỳ nào thì học kỳ đó có loại rèn luyện yếu hoặc kém.
Tổ chức đánh giá ĐRL: Bước 1. SV tự đánh giá ĐRL của mình vào cột "SV tự đánh giá" của Phiếu đánh giá kết quả rèn luyện (PĐGKQRL), ký và ghi rõ họ, tên; Bước 2. Đối với những lớp có số lượng SV đông chia ra các tổ học tập họp đánh giá ĐRL cho từng cá nhân vào cột "lớp đánh giá" của "PĐGKQRL" và phải được ít nhất 2/3 ý kiến nhất trí, sau đó nộp biên bản họp cho lớp trưởng; Bước 3. Họp cốt cán của lớp gồm: Ban cán sự lớp, Ban chấp hành chi đoàn, Tổ tưởng tổ học tập để quyết định kết quả đánh giá ĐRL cho từng cá nhân của lớp. Lớp trưởng ký vào PĐGKQRL của từng SV, lập danh sách kết quả ĐRL của lớp cùng với biên bản Hội nghị và PĐGKQRL của cá nhân SV nộp cho Trợ lý quản lý SV (Các lớp ít sinh viên có thể thực hiện như Bước 3, bỏ qua Bước 2); Bước 4: Trợ lý quản lý SV tổng hợp hồ sơ ĐRL trong học kỳ để Hội đồng đánh giá ĐRL cấp khoa họp xét kết quả ĐRL, xếp loại rèn luyện cho SV, ghi vào PĐGKQRL của SV, lập danh sách kết quả ĐRL của các lớp đề nghị nhà trường công nhận; Bước 5: Sau khi có Quyết định đánh giá ĐRL SV của Hiệu trưởng, các khoa công bố công khai để SV được biết.
Sử dụng kết quả rèn luyện: Kết quả rèn luyện trong học kỳ của SV là một trong những tiêu chuẩn để xét thi đua, khen thưởng, xét học bổng khuyến khích học tập trong học kỳ đó; Kết quả phân loại rèn luyện năm học của SV là một trong những tiêu chuẩn để xét học tiếp, ngừng học, xét thi đua khen thưởng của năm học đó; SV bị xếp loại rèn luyện kém trong cả năm học thì phải tạm ngừng học một năm học ở năm học tiếp theo và nếu bị xếp loại rèn luyện kém cả năm lần thứ 2 thì sẽ bị buộc thôi học; Kết quả phân loại rèn luyện toàn khoá học là một trong những tiêu chuẩn để xét tốt nghiệp, được lưu và ghi vào hồ sơ tốt nghiệp của SV.
Trong 3 học kỳ liên tiếp gần đây, bình quân điểm rèn luyện chung toàn trường: loại xuất sắc từ 6 % đến 7%; loại tốt từ 42% đến 48%; còn lại là các loại khác.
2.6. Các câu hỏi liên quan về Thẻ sinh viên và thực hiện nếp sống văn hóa
Về thẻ sinh viên: Nhà trường đã có quy định HSSV khi đến trường làm việc, công tác, học tập phải đeo Thẻ sinh viên do phòng CTCT HSSV cấp. Sinh viên không đeo phù hiệu khi đến trường sẽ bị trừ điểm rèn luyện, không được vào lớp học, dự họp, dự thi ... và không được giải quyết các công việc.
HSSV khi nhập học (từ khóa 53 trở đi) được Nhà trường cấp 01 thẻ tích hợp bao gồm: thẻ sinh viên, thẻ thư viện, thẻ ngân hàng (gọi chung là thẻ sinh viên) theo mẫu thống nhất do Phòng CTCT HSSV phát hành. Thẻ sinh viên là giấy tuỳ thân, HSSV phải thường xuyên mang theo người.
Khi SV vào trường nộp 1 ảnh cở 3 x 4 và bản sao chứng minh nhân dân (nộp theo lớp) cho phòng CTCT HSSV để làm thủ tục cấp thẻ. Khi nhận lại Thẻ, nếu bị sai sót thì SV trực tiếp đến phòng CTCT HSSV để giải quyết kịp thời. Sinh viên bị mất thẻ làm đơn có xác nhận của Trợ lý QLSV khoa (kèm theo 1 ảnh 3 x 4, lệ phí) nộp cho Phòng CTCT HSSV để được cấp lại.
Nhà trường nghiêm cấm và xử lý nghiêm túc các SV cho mượn thẻ, sử dụng thẻ người khác hoặc dùng thẻ để cầm cố ở các hiệu cầm đồ.
Về thực hiện nếp sống văn hóa: HSSV đến trường phải mặc trang phục kín đáo, gọn gàng, lịch sự, phù hợp với môi trường học đường; không được mặc các loại trang phục phản cảm như: áo dây, áo lưới, áo sát nách, quần sooc, quần cạp trễ và các loại trang phục nhạy cảm khác. Ngày thường, HSSV mặc trang phục giản dị, kín đáo: nam sinh mặc quần âu, áo sơ mi, sơ-vin, đi giày hoặc dép có quai hậu; nữ sinh mặc gọn gàng. Ngày lễ, hội, HSSV phải mặc trang phục theo quy định: nam sinh viên mặc quần âu màu thẫm, áo sơ mi màu trắng, sơ-vin, thắt cà vạt, đi giày; nữ sinh viên mặc áo dài truyền thống. Khuyến khích các khoa có đồng phục cho HSSV. HSSV học các học phần thể dục thể thao, giáo dục quốc phòng, thực hành, thí nghiệm có trang phục riêng theo quy định. HSSV đầu tóc phải gọn gàng, không được nhuộm tóc khác biệt với màu tóc thật của mình.
Về tác phong, thái độ ứng xử: HSSV phải có thái độ lịch sự, nhã nhặn, tôn trọng nhà giáo, cán bộ và nhân viên của Nhà trường; đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập và rèn luyện; HSSV không được quan hệ với phần tử xấu, cấu kết với người ngoài trường đe doạ, gây gổ với cán bộ, HSSV.
Công tác vệ sinh, môi trường trong khuôn viên: HSSV phải có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh, cảnh quan, môi trường, không được dẫm chân lên tường, ghế đá, bàn, ghế. Bỏ rác đúng nơi quy định, không xả rác ra khuôn viên trường. HSSV không được treo, dán áp phích, băng rôn, biểu ngữ khi chưa được phép của Nhà trường; không tự ý viết, vẽ, dán trên tường, bàn, ghế trong các phòng học, phòng họp, phòng ở ký túc xá và các khu vực khác trong khuôn viên Trường.
7. Các câu hỏi liên quan về thủ tục nhận hồ sơ HSSV
a. Đối với sinh viên tốt nghiệp hàng năm
- Sinh viên hoàn thành các khoản nợ với Nhà trường và cá nhân liên quan;
- Trình chứng minh thư nhân dân, Thẻ sinh viên;
- Thời gian nhận cụ thể theo thông báo của Nhà trường khi làm lễ tốt nghiệp.
b. Đối với HSSV thôi học, xóa tên, chuyển trường ...
- HSSV trình quyết định với Phòng CTCT HSSV (bộ phận quản lý hồ sơ);
- Nhận giấy giới thiệu (theo mẫu quy định) đến các đơn vị trong trường làm các thủ tục thanh toán.
- Trình chứng minh thư nhân dân, Thẻ HSSV.
c. Đối với HSSV nhờ người nhận thay, cần trình:
+ Chứng minh nhân dân của người đi nhận thay.
+ Giấy ủy quyền (theo mẫu) của người ủy quyền có xác nhận và đóng dấu của chính quyền địa phương nơi người ủy quyền cư trú.
8. Các câu hỏi liên quan về thi lại đại học, thôi học, chuyển trường
- Về thi lại đại học: Theo Quy chế tuyển sinh Đại học, sinh viên đang học ở một trường đại học muốn dự thi vào trường đại học khác thì phải được sự đồng ý của Hiệu trưởng. Nếu sinh viên không xin phép, tự ý dự thi trường khác, nếu đậu nhà trường sẽ không cung cấp giấy tờ hồ sơ, nếu bỏ học đi học trường đại học khác, nhà trường sẽ làm công văn thông báo tới các trường để xử lý theo quy chế tuyển sinh.
- Về sinh viên xin thôi học: Hàng năm các trường đại học, cao đẳng được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với năng lực của từng trường, nếu tuyển quá chỉ tiêu Bộ sẽ xử lý kỷ luật các trường theo quy chế tuyển sinh. Chỉ tiêu tuyển sinh là nguồn thu để chi cho các hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của Nhà trường. Khi sinh viên vào trường đã có sự lựa chọn, đã có cam kết với nhà trường hoàn thành khóa học. Vì vậy, nhà trường chỉ giải quyết cho thôi học các trường hợp: (1) Bị ốm đau hoặc tai nạn phải điều trị lâu dài không đủ sức khỏe để học tiếp nhưng phải có giấy xác nhận của cơ sở y tế cấp huyện hoặc thành phố trở lên; (2) Chuyển học nghề nhưng phải có ý kiến của gia đình, địa phương, giấy tiếp nhận của cơ sở đào tạo nghề.
Ngoài 2 điều kiện trên, Nhà trường không giải quyết cho SV thôi học, nếu SV khai man xin thôi học để đi học các trường khác thì Nhà trường sẽ xử lý theo quy chế hiện hành.
Những SV có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng đóng học phí và bảo đảm cuộc sống tối thiểu, nhà trường đề nghị SV viết đơn gửi chính quyền địa phương và nhà trường để có giải pháp hỗ trợ.
- Về chuyển trường:
1. Sinh viên được xét chuyển trường nếu có các điều kiện sau đây:
a) Trong thời gian học tập, nếu gia đình chuyển nơi cư trú hoặc sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cần thiết phải chuyển đến trường gần nơi cư trú của gia đình để thuận lợi trong học tập;
b) Xin chuyển đến trường có cùng ngành hoặc thuộc cùng nhóm ngành với ngành đào tạo mà sinh viên đang học;
c) Được sự đồng ý của Hiệu trưởng trường xin chuyển đi và trường xin chuyển đến;
d) Không thuộc một trong các trường hợp không được phép chuyển trường quy định tại mục 2 dưới đây.
2. Sinh viên không được phép chuyển trường trong các trường hợp sau:
a) Sinh viên đã tham dự kỳ thi tuyển sinh theo đề thi chung, nhưng không trúng tuyển vào trường hoặc có kết quả thi thấp hơn điểm trúng tuyển của trường xin chuyển đến;
b) Sinh viên thuộc diện nằm ngoài vùng tuyển quy định của trường xin chuyển đến;
c) Sinh viên năm thứ nhất và năm cuối khóa;
d) Sinh viên đang trong thời gian bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên.
3. Thủ tục chuyển trường:
a) Sinh viên xin chuyển trường phải làm hồ sơ xin chuyển trường theo quy định của nhà trường;
b) Hiệu trưởng trường có sinh viên xin chuyển đến quyết định tiếp nhận hoặc không tiếp nhận; quyết định việc học tập tiếp tục của sinh viên, công nhận các học phần mà sinh viên chuyển đến được chuyển đổi kết quả và số học phần phải học bổ sung, trên cơ sở so sánh chương trình ở trường sinh viên xin chuyển đi và trường xin chuyển đến.
(Để biết thêm các thông tin chi tiết sinh viên truy cập website: vinhuni.edu.vn - vào mục “Các phòng ban” Ò “Phòng CTCT HSSV”).
II. PHÒNG ĐÀO TẠO
1. Sinh viên khóa 51 phải học 3 học phần ngoại ngữ nhưng khóa 52 chỉ học 2 học phần. Vậy có được học 1 lúc 2 học phần ngoại ngữ không? Học phần Ngoại ngữ 1, 2, 3 thuộc dạng học phần học trước, học phần học sau nên sinh viên không được học cùng một lúc hai học phần Ngoại ngữ nếu chưa học học phần trước đó. (Điều 3, Quy định 868)
2. Sinh viên học theo tín chỉ được lựa chọn và đăng ký giảng viên nhưng khi học lại học với giảng viên khác: Có thể vì một số lý do như giảng viên bị ốm đau bất thường, được cử đi học Sau đại học do vậy các khoa buộc phải thay đổi giảng viên giảng dạy các học phần đã được phân công.
3. Không đăng ký học được: Sinh viên cần thực hiện đúng như quy trình về xử lý học vụ đã quy định, nếu vẫn không được gặp CVHT để được giải quyết.
4. Đăng ký học thường xuyên bị nghẽn mạng: Hiện tại Nhà trường đã nâng cấp hệ thống mạng, phân lịch thời gian đăng ký cho các khóa nhưng vẫn có tình trạng nghẽn mạng cục bộ khi sinh viên đăng nhập quá đông vào một thời điểm nhất định. Thời gian đăng ký học dài nhưng chỉ nghẽn giai đoạn đầu.
5. Nhà trường tạo điều kiện cho sinh viên đăng ký học các câu lạc bộ dễ dàng hơn: Có nhiều hình thức câu lạc bộ (CLB) và sinh viên tự đăng ký, nhưng nếu chỉ thích chọn học các CLB như Aerobic hay Võ Taekwondo thì không đáp ứng đủ, trong khi đó các lớp CLB khác phải hủy rất nhiều.
6. Các môn học bị điểm D, điểm F, nếu đăng ký học lại trong hè thì có được không? Trong học kỳ hè nếu có các học phần đó mở thì sinh viên có thể tự đăng ký học lại, học nâng điểm. Nhà trường sẽ cố gắng yêu cầu với các khoa mở thêm các lớp để sinh viên đăng ký học.
7. Đã học mấy tuần rồi mà Nhà trường vẫn cho đăng ký học, như vậy sẽ chậm chương trình của các bạn: Thời gian đăng ký học muộn được quy định tại điều 10 Quy định 868 của Hiệu trưởng Nhà trường.
8. Đăng ký học nhưng không đủ sĩ số sinh viên tối thiểu thành lập lớp, Nhà trường hủy lớp: Sau thời gian đăng ký học, Nhà trường sẽ thông báo danh sách các lớp học phần dự kiến hủy để sinh viên, giảng viên và CVHT, TLĐT các khoa được biết và xử lý. Quá thời gian quy định thì Nhà trường mới tiến hành hủy lớp.
9. Đăng ký học và đăng ký học chéo gặp nhiều khó khăn, không đăng ký học được, vậy làm sao giải quyết cho sinh viên? Sinh viên đăng ký học các học phần theo đúng khóa, đúng kỳ như khung chương trình thì không có vướng mắc gì, nhưng đăng ký chéo có khó khăn vì thời gian bắt đầu kỳ học của các khóa là khác nhau, số lượng sinh viên có nhu cầu học lại, học cải thiện điểm chưa được thống kê đầy đủ nên chưa đáp ứng hết nhu cầu. Về cơ bản, CVHT của các khoa đã hỗ trợ sinh viên giải quyết được các khó khăn. Tuy nhiên nhiều sinh viên không đủ điều kiện đăng ký như chưa học các học phần tiên quyết, học phần phải học trước, chưa đủ học phí,...thì không thể đăng ký học được.
10. Số lượng sinh viên quá đông trong 1 lớp vậy sao nhà trường không mở thêm lớp? Số sinh viên trong một lớp học phần được quy định tại điều 8 Quy định 868 của Hiệu trưởng Nhà trường. Nếu phòng học không đủ sức chứa và dựa trên nhu cầu của sinh viên thì các khoa đào tạo đề nghị mở thêm hoặc tách lớp để Nhà trường giải quyết (Kể cả học kỳ chính và học kỳ hè; học phần đại cương và học phần chuyên ngành). Trong các học kỳ qua, Nhà trường đã giải quyết mở thêm rất nhiều lớp Tiếng Anh, GDTC và một số lớp chuyên ngành do số lượng sinh viên quá đông trong một lớp.
11. Sinh viên học ngành 2 nhưng không đăng ký học được phải làm sao? CVHT của ngành 1 chịu trách nhiệm kiểm tra và xử lý dựa trên điều kiện thực tế theo đúng quy định về xử lý học vụ của Nhà trường.
12. Đầu năm có đăng ký học ngành 2 nhưng sau đó không đăng ký các môn học, vậy Nhà trường có hủy không? Nhà trường đã có công văn về quy trình và điều kiện để đăng ký học ngành 2, sinh viên muốn ngừng học phải thực hiện đầy đủ thủ tục như ngừng học, thôi học ở ngành 1.
13. Đề nghị mở thêm lớp, sinh viên đông mà lớp thì ít: Khi sinh viên có nhu cầu thì làm đơn gửi các khoa chuyên ngành đề nghị mở lớp. Các khoa đào tạo và sinh viên căn cứ vào đó để đề xuất với Nhà trường. Khi có đủ điều kiện quy định về số lượng sinh viên, đủ giảng viên và đủ cơ sở vật chất đáp ứng thì Nhà trường sẽ mở lớp.
14. Sinh viên đã đăng ký học 15 tín chỉ, trong đó có 1 tín chỉ Giáo dục thể chất, vậy có đủ điều kiện học ngành 2 hay không? Theo điều 14 Quy định 868 /QĐ - ĐHV ngày 02 tháng 04 năm 2013 của Hiệu trưởng Nhà trường thì có điều kiện sinh viên có khối lượng học tập tích lũy phải đạt 15 tín chỉ/ 1 học kỳ (không kể các tín chỉ thuộc học phần GDTC và GDQP)
15. Nhà trường mở lớp học phần, nhưng sinh viên không được thông báo, không có thông tin để đăng ký học được: Nhà trường đã trao đổi kỹ với sinh viên đầu khóa về những điểm cần lưu ý trong các buổi sinh hoạt chính trị đầu khóa: Đối với hình thức học theo học chế tín chỉ, sinh viên tự đăng ký và sắp xếp thời khóa biểu của cá nhân; những thay đổi hay thông tin của Nhà trường liên quan đến học tập được cập nhật và thông báo trên trang tài khoản cá nhân của sinh viên. Vì vậy, sinh viên phải thường xuyên kiểm tra thông tin, lịch học, lịch thi trên trang cá nhân để đảm bảo quyền lợi của mình. Lịch đăng ký học các học phần trong các học kỳ luôn được Nhà trường thông báo đầy đủ trên mạng thông tin.
16. Đề nghị Nhà trường sắp xếp lịch đăng ký học phù hợp hơn. Trong quá trình sinh viên thi học kỳ trùng thời gian đăng ký học học kỳ mới nên gặp rất nhiều khó khăn cho sinh viên: Từ các học kỳ tới Nhà trường sẽ khắc phục vấn đề này; lịch đăng ký học sẽ được thông báo trên trang Website và lịch tuần của trường. Tuy nhiên sinh viên cũng cần thực hiện nghĩa vụ đóng học phí đúng thời gian thông báo để đăng ký học; thời gian và số lớp học phần cũng như sĩ số sinh viên dự kiến cơ bản đáp ứng nhu cầu đối với sinh viên đăng ký đúng kỳ (theo khung chương trình) nên sinh viên không nên tập trung đăng ký học trong thời gian mới mở để đăng ký học tránh nghẽn mạng.
17. Trong học kỳ, sinh viên chỉ đăng ký học được 11 tín chỉ vậy có ảnh hưởng gì không? Theo quy định của Nhà trường thì trong các học kỳ chính sinh viên phải đăng ký học tối thiểu 15 tín chỉ (Quy định 868 - thể chế Quy chế 43 của Hiệu trưởng trường Đại học Vinh) nhằm đảm bảo quyền lợi của sinh viên như xét học bổng và học ngành 2,... Cũng như đảm bảo thời gian được học tối đa đối với ngành đào tạo theo Quy chế 43 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
18. Sinh viên học cùng lúc 2 ngành rất khó khăn trong việc đăng ký học các môn của ngành 2: Hiện tại đang tồn tại cùng lúc 3 khung chương trình đào tạo khác nhau nên khi sinh viên đăng ký ngành 2 mà theo quyết định của Nhà trường lại thuộc khóa học khác thì sẽ gặp khó khăn vì thời gian được đăng ký chéo thường là sau khi khóa nào đăng ký xong khóa đó. Tất cả những trường hợp đăng ký học (của sinh viên học cùng lúc 2 ngành) nếu khó khăn thì gặp CVHT để được tư vấn và giúp đỡ giải quyết. Tuy nhiên từ khóa 52 trở đi thì khung chương trình sẽ ổn định và việc đăng ký học của ngành 2 sẽ dễ dàng hơn - giống như ngành 1.
19. Một số môn học tăng tín chỉ từ 3 lên 4, từ 4 lên 5, nếu sinh viên còn thiếu điểm thì Nhà trường qui định từ 50 người trở lên mới được mở lớp nhưng không đủ số lượng phải làm sao? Do có sự thay đổi về khung chương trình nên một số sinh viên chưa học hay phải học lại không có các học phần đó để đăng ký với các khóa sau, muốn mở riêng lớp học phần này thì việc xác định số lượng sinh viên tối thiểu để mở các lớp học phần (ngoài các lớp học phần mở đúng kỳ theo khung chương trình đã quy định) là để đảm bảo đủ kinh phí phục vụ giảng dạy, thi kiểm tra và cơ sở vật chất của Nhà trường. Nếu không đủ số sinh viên tối thiểu thì sinh viên làm đơn xin học các học phần thay thế, có xác nhận và đề nghị của khoa chủ quản; xác nhận của Hội đồng khoa học và đào tạo của khoa chuyên ngành gửi cho Nhà trường (qua phòng Đào tạo) để xem xét và giải quyết.
20. Khung chương trình đào tạo:
Khung chương trình đào tạo của các khóa (kể cả Liên thông); các văn bản hướng dẫn và quy định về học tập của sinh viên được Nhà trường đăng tải trên trang Web của phòng Đào tạo cũng như ở mục thông báo trong tài khoản cá nhân của sinh viên. Sinh viên có thể tự đọc, tìm hiểu và thực hiện để đảm bảo được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cá nhân.
(Để biết thêm các thông tin chi tiết sinh viên truy cập website: vinhuni.edu.vn - vào mục “Các phòng ban” Ò “Phòng Đào tạo”).
III. PHÒNG KẾ HOẠCH - TÀI CHÍNH
1. Đã nộp tiền học phí 3 ngày nhưng trong tài khoản cá nhân chưa được cập nhật để đăng ký học phải làm sao? Mỗi sinh viên có một tài khoản trên phần mềm, sau khi nộp tiền tại ngân hàng trên hệ thống kế toán theo dõi của phòng KHTC số tiền sinh viên nộp đã được thể hiện ngay khi nộp. Tuy nhiên, do cấu tạo qui trình của phần mềm, để số tiền trên vào tài khoản của sinh viên, thì phải qua một bước là chuyên viên Phòng Đào tạo ấn lệnh cập nhật định kỳ ngày 2 lần. Hiện nay, Nhà trường đang phối hợp với Công ty phần mềm CMC để hoàn thiện chức năng tự động chuyển học phí vào hệ thống đăng ký học cho sinh viên.
2. Đề nghị Nhà trường làm việc với Ngân hàng mở thêm một điểm rút tiền ATM tại cơ sở 2: Hiện nay Nhà trường đã phối hợp với Ngân hàng VietinBank Nghệ An để triển khai dịch vụ thẻ đa năng cho sinh viên từ khóa 53 để thuận tiện cho việc chuyển tiền từ ngoài vào tài khoản sinh viên và sinh viên nộp tiền vào tài khoản CMC bất cứ lúc nào và bằng nhiều hình thức, sinh viên nên sử dụng thẻ đa năng của VietinBank để thuận tiện hơn trong việc giao dịch và Nhà trường sẽ đề nghị VietinBank Nghệ An mở điểm rút tiền tại Cơ sở 2. Còn việc yêu cầu các ngân hàng khác mở cột ATM ở cơ sở 2 là khó khăn vì chi phí đầu tư xây dựng 1 điểm rút tiền tự động mất hàng tỷ đồng, hơn nữa phụ thuộc vào kế hoạch kinh doanh và mạng lưới của ngân hàng, Nhà trường không can thiệp được.
3. Nhà trường nên kéo dài thời gian thu học phí cho sinh viên: Việc đóng học phí diễn ra tất cả các ngày làm việc hành chính trong tháng, không phải đến thời điểm đăng ký học mới thu, sinh viên có thể đóng học phí tất cả các ngày làm việc trong năm. Do vậy, không phải nhà trường có kéo dài hay không, mà sinh viên phải có kế hoạch đóng học phí cho mình phù hợp hơn, không chờ đến lúc đăng ký học mới chen nhau đi nộp tiền làm quá tải phòng thu và nên sử dụng các tiện ích của thẻ đa năng để đóng tiền bằng các hình thức khác nhau.
4. Nộp tiền vào tài khoản, chưa đăng ký môn nào nhưng vào kiểm tra thì bị trừ tiền: Đối với trường hợp này, sinh viên lên gặp trực tiếp kế toán theo dõi học phí của phòng KHTC là cô Lê Hoài Anh để được giải quyết. Có thể sinh viên còn nợ học phí kỳ trước nên khi nộp học phí kỳ này vào thì tài khoản tự động thu nợ của kỳ trước.
5. Khi ra trường nếu thừa học phí thừa có được nhận lại không? Sau khi đối chiếu lại tất cả các kỳ học nếu sinh viên còn dư tiền, Nhà trường sẽ trả lại. Thời gian chi trả kéo dài khoảng 03 tháng kể từ ngày có Quyết định công nhận tốt nghiệp, quá thời hạn này nếu sinh viên nào không đến nhận Nhà trường sẽ nộp hoàn trả lại quỹ của Trường.
6. Đi thực tế, thực địa phải đóng góp nhiều, mong nhà trường hỗ trợ thêm kinh phí: Việc này sinh viên phải nói rõ đóng góp nhiều là đóng bao nhiêu? đóng ở đâu? đóng cho ai? có chứng từ thu không? và các em phải hiểu bản chất của học phí hiện nay quá thấp chỉ để dùng chi trực tiếp cho công tác giảng dạy và quản lý của Nhà trường, việc đi thực tế nhà trường chỉ chịu trách nhiệm tổ chức, liên hệ nơi đi, nơi đến, chi trả báo cáo và tiền công tác phí cho giảng viên, hướng dẫn viên. Hơn nữa, tổng chi phí đi thực tế phụ thuộc rất nhiều vào kế hoạch đi ở đâu? thời gian đi như thế nào... Việc này, Nhà trường đã có hướng dẫn, đối với đi thực tế khoa bàn và thống nhất với sinh viên xây dựng kế hoạch và dự toán tổng thể rồi mới đi. Về kinh phí, sau khi trừ phần hỗ trợ của nhà trường, sinh viên phải đóng để chi các khoản như tàu xe, ăn nghỉ.... những khoản này sinh viên phải tự lo như ở nhà (Nhà trường sẽ yêu cầu các Khoa công khai các khoản thu này).
7. Học phí ngành 2 thấp hơn ngành 1 nhưng hiện nay vẫn phải đóng học phí theo ngành 1: Về vấn đề này, do lỗi phần mềm vẫn tính học phí của sinh viên theo mã ngành trong mã sinh viên. Nhà trường đã đề xuất với công ty phần mềm CMC lập trình lại cách tính học phí cho sinh viên theo học ngành 2, nếu thừa nhà trường sẽ hoàn trả lại cho sinh viên.
8. Sinh viên muốn cấp lại biên lai học phí: Biên lai học phí là minh chứng cấp cho sinh viên khi đóng học phí và sinh viên phải lưu giữ cẩn thận, mất không cấp lại. Tuy nhiên, nếu bị mất biên lai, sinh viên làm đơn xin xác nhận đã đóng học phí, phòng KHTC sẽ xác nhận số học phí đã đóng chi tiết.
9. CLB Teakwondo có phải Nhà trường giao cho TT TDTT quản lý không? và TT TDTT được nhận 35% học phí? Để từng bước chấn chỉnh công tác quản lý tài chính công khai minh bạch và tập trung các nguồn thu về một mối theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Luật ngân sách và phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao, Nhà trường giao cho Trung tâm Thể dục Thể thao chủ trì quản lý các hoạt động dịch vụ về thể dục và thể thao trong toàn trường, đồng thời theo quy chế chi tiêu nội bộ các hoạt động dịch vụ có sử dụng cơ sở vật chất của Nhà trường thì phải trích nộp về trường 30% tổng học phí học ngoại khóa theo sở thích thu được.
IV. PHÒNG QUẢN TRỊ
1. Về vấn đề phòng học và trang thiết bị trong phòng học: Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, BGH Nhà trường, sự cố gắng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị chức năng, các khoa đào tạo, Nhà trường đã thường xuyên tăng cường, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập, sinh hoạt…
Trong năm học 2012 - 2013, có 191 phòng học, trong đó có 16 phòng học tại cơ sở 2. Sức chứa của các phòng học khác nhau, bố trí trải rộng ở nhiều tòa nhà nên gặp không ít khó khăn trong công tác tổ chức, điều hành hệ thống phòng học. Số phòng học có thiết bị âm thanh là 80 phòng, trong đó có 53 phòng học được trang bị máy chiếu phục vụ cho giảng dạy bài giảng điện tử, có 4 Cụm phòng học trực tuyến với số lượng sinh viên mỗi cụm từ 500 - 1000 sinh viên. Trong năm qua, Nhà trường đã đảm bảo kế hoạch thời gian đào tạo cho tất cả các hệ đào tạo tại trường, bố trí sinh hoạt lớp định kỳ 01 tháng 01 lần cho 434 lớp hành chính và hàng nghìn buổi tập giảng, thao giảng, tự học và các hoạt động khác vào các buổi tối trong tuần. Tuy vậy, vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu học tập và sinh hoạt của học sinh, sinh viên. Hiện tại, phòng Quản trị, phòng Nghiên cứu Khoa học - Thiết bị đang tiến hành kiểm tra, bổ sung, thay thế các máy tính bị hỏng, máy chiếu bị mờ, sửa chữa quạt điện, thay bóng đèn, xây bục giảng, sắp xếp, bố trí lại bàn ghế theo từng chủng loại.. trong các phòng học đến nay cơ bản đã hoàn thành và đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập. Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục sửa chữa, mua sắm, bổ sung về cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ cho công tác dạy - học.
2. Về vấn đề sinh viên học tại nhà G: Do số lượng học sinh, sinh viên, học viên học tập tập trung tại trường đông (gần 20 nghìn người), các phòng học được bố trí nhiều khu vực trong trường, trong đó có nhà học G, nhà học Đa năng, nhà D1 học chung cùng địa điểm với học sinh Trường THPT Chuyên nên có sự chênh lệch về thời gian ra vào giữa các tiết học (Trường THPT Chuyên và sinh viên - 45’ và 50’) gây ảnh hưởng đến việc giảng dạy và học tập. Để khắc phục, trong thời gian tới khi nhà học D3 hoàn thành đưa vào sử dụng, Nhà trường sẽ bố trí sắp xếp phù hợp khắc phục được tình trạng trên.
3. Về vấn đề mở cửa phòng học buổi tối để sinh viên tự học: Để quản lý tốt cơ sở vật chất đồng thời tạo điều kiện cho các em tự học, tập giảng. Phòng Quản trị mở cửa các phòng học vào các buổi tối trong tuần (trừ tối thứ 7 và tối Chủ nhật) với yêu cầu các em lập thành từng nhóm sinh viên tự học, tập giảng liên hệ với phòng Quản trị để bố trí.
4. Về vấn đề vệ sinh môi trường: Hiện nay Nhà trường đang từng bước cải tạo môi trường, nâng cấp, sửa chữa các công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn tại các khu vực nhà học để đưa vào sử dụng trước ngày 30/6/2013.
5. Sân bóng đá, sân bóng chuyền tại cơ sở II: Hiện nay Nhà trường đang từng bước xây dựng hoàn thành Trung tâm Giáo dục Quốc phòng, sau khi hoàn thành sẽ có đầy đủ sân chơi, bãi tập đáp ứng yêu cầu của sinh viên.
6. Về vấn đề nước uống cho sinh viên: Hiện nay các cụm nhà học đã được trang bị máy lọc nước uống phục vụ các em. Để có đủ nước uống, cốc chén hợp vệ sinh phục vụ được nhiều người đề nghị các tổ chức, cá nhân nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác bảo vệ của công, sử dụng có hiệu quả tài sản chung của Nhà trường.
7. Về vấn đề tiết kiệm điện, nước trong Nhà trường: Nhà trường ghi nhận ý kiến góp ý của các em về tinh thần tự giác và có trách nhiệm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí điện, nước, trang thiết bị để mỗi giảng đường, mỗi phòng học, mỗi công trình sử dụng được bền vững hơn, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất của Nhà trường; giúp Nhà trường có điều kiện phục vụ tốt hơn đối với học sinh, sinh viên trong quá trình học tập và rèn luyện tại Trường.
V. TRUNG TÂM THÔNG TIN THƯ VIỆN NGUYỄN THÚC HÀO
1. Nhà trường cần bổ sung tài liệu cho thư viện, đặc biệt là đối với những ngành học mới mở: Để đáp ứng nhu cầu tài liệu giáo trình cho bạn đọc, hàng năm Nhà trường đã tiến hành 04 đợt bổ sung sách, tài liệu, giáo trình… theo nguyên tắc bám sát nội dung chương trình đào tạo. Hiện nay, Nhà trường bổ sung cả tài liệu điện tử và tài liệu truyền thống cho tất cả các ngành học.
2. Công tác phục vụ bạn đọc: Nhà trường có Quy định về công tác phục vụ bạn đọc và đã thông báo rộng rãi trên website thư viện, trong tài liệu hướng dẫn sử dụng thư viện và trên các bảng tin đặt tại Trung tâm Thư viện. Đề nghị sinh viên theo dõi để biết thông tin chi tiết
3. Mở của Thư viện ngày thứ 7 và chủ nhật: Từ ngày 1/4/2011 Trung tâm Thông tin Thư viện của Nhà trường đã tiến hành mở cửa phục vụ bạn đọc vào ngày thứ 7 và chủ nhật tất cả các tháng trong năm, trừ tháng 2, tháng 7 và nghỉ lễ.
4. Trường hợp bạn đọc mất thẻ, nhầm lẫn thẻ và đồ dùng cá nhân: Các bạn phải báo ngay với cán bộ thư viện, Ban Giám đốc để xử lý kịp thời.
5. Về thu phí tài liệu: Kho giáo trình tầng 1 (kho tự chọn) phục vụ mượn tài liệu về nhà hoàn toàn miễn phí; các phòng đọc từ tầng 3 đến tầng 6, do số lượng cuốn sách hạn chế do vậy chỉ phục vụ bạn đọc tại chỗ (miễn phí); Phòng dịch vụ tài liệu tại tầng 1 tổ chức cho thuê sách, sao chụp, phô tô... theo cơ chế dịch vụ và có quy định riêng (có thẻ mượn, phí mượn, tiền thế chấp). Bạn đọc có quyền sử dụng hoặc không sử dụng dịch vụ này; Phòng máy tính Internet và đọc tài liệu trên thư viện số không thu bất kỳ khoản phí dịch vụ nào.
VI. TRẠM Y TẾ
1. Thẻ Bảo hiểm y tế HSSV
- Hàng năm Nhà trường tổ chức mua gia hạn BHYT cho HSSV toàn trường, năm học 2012-2013 Nhà trường đã có thông báo số: 3560 ngày 27/11/2012, thời gian hết hạn mua BHYT là 20/12/2012, tuy nhiên nhà trường đã kéo dài đến 25/3/2013 và tiến hành 3 đợt, Trạm y tế Nhà trường cam kết không chậm, không sót em nào nếu chậm là do từ phía sinh viên; Sinh viên mua BHYT theo thời gian quy định của Nhà trường, chứ không phải có tiền thì mua lúc nào cũng được.
- Sinh viên mua BHYT được hưởng quyền lợi được quy định tại Điều 21, Điều 22 và Điều 23 của Luật BHYT (tham khảo chi tiết trên website: vinhuni.edu.vn).
- Những trường hợp đã có BHYT ở địa phương cấp cho những đối tượng là: hộ nghèo, hộ cận nghèo,… thì không cần phải mua BHYT ở Trường nữa và vẫn được khám và điều trị tại Trạm Y tế của Nhà trường.
2. Khám chữa bệnh
- Khi ốm đau sinh viên có thể đến khám và cấp cứu ở Trạm y tế bất kỳ lúc nào, ngoài giờ hành chính bác sỹ trực cấp cứu 24/24h.
- Khi đến khám bệnh ở Trạm Y tế: trường hợp bệnh nhẹ thì y, bác sĩ kê đơn cấp thuốc điều trị ngoại trú. Những bệnh không có đủ điều kiện thuốc, hóa chất, cận lâm sàng (Siêu âm, điện tim, xét nghiệm,…) thì chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên để điều trị.
3. Tinh thần thái độ phục vụ của Y, bác sỹ: Trạm y tế nhà trường xin tiếp thu ý kiến phản ảnh của các bạn và khắc phục trong thời gian tới, nhưng cũng xin nhắc các bạn khi đi khám cần thực hiện đúng nội quy phòng khám. Đồng thời, khi phản ánh cần có tên cán bộ, ngày giờ cụ thể để nhà trường có thông tin chi tiết và biện pháp xử lý đối với cán bộ.
VII. TRUNG TÂM ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG
1. Sinh viên chưa có điểm chuyên cần thái độ, điểm giữa kỳ hoặc điểm thực hành: Sinh viên tự viết đơn trình bày lý do điểm bị sai hoặc bị thiếu gửi Văn phòng khoa chuyên ngành (khoa phụ trách giảng dạy học phần). Văn phòng khoa kiểm tra nếu nhập điểm sót thì khoa thông báo bằng văn bản về TTĐBCL để xử lý; nếu trong bảng điểm chưa có điểm của sinh viên thì thông báo cho giảng viên phụ trách học phần kiểm tra, báo cáo kết quả cho Khoa chuyên ngành (qua Văn phòng khoa) để xử lý và báo cáo với TT ĐBCL.
2. Sinh viên cần dự thi lần 2 (bao gồm sinh viên vắng thi lần 1, sinh viên bị trùng ca thi, sinh viên học lại cùng với các lớp học theo tín chỉ: phải đăng ký dự thi tại TTĐBCL theo lịch chung của Trường công bố tại bảng tin của TTĐBCL và website của Trường (mục sinh viên và mục TTĐBCL).
- Sinh viên không đăng ký dự thi hoặc đăng ký dự thi nhưng vắng thi đều được tính điểm 0 (không). Nếu có lý do vắng thi hợp pháp, sinh viên phải báo cáo bằng văn bản (viết đơn kèm xác nhận của Khoa chủ quản và giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc vắng thi) cho TTĐBCL chậm nhất 2 ngày sau đợt thi hoặc sau ngày thi (đối với các học phần tổ chức thi riêng).
3. Kiểm tra điểm: Một số sinh viên có yêu cầu kiểm tra điểm cần có kết quả sớm, đây là nguyện vọng chính đáng nhưng việc kiểm tra điểm được thực hiện đúng quy trình và điều này phụ thuộc nhiều vào thời gian chấm kiểm tra. Quy trình này đòi hỏi thời gian cho tập hợp dữ liệu (từ yêu cầu của sinh viên cần kiểm tra điểm); kiểm tra dữ liệu bài thi để tìm đúng bài thi; rút bài thi, chấm kiểm tra và cuối cùng là khẳng định kết quả thực của bài thi. Thời gian chung của hoạt động trên không ít hơn 6 tuần từ khi có điểm thi của tất cả các học phần trong kỳ thi và như vậy thường mất hơn 2 tháng từ khi kết thúc đợt thi.
VIII. PHÒNG THANH TRA GIÁO DỤC
Nhà trường đã nhận được 7 ý kiến của sinh viên phản ánh tại Hội nghị dân chủ học sinh – sinh viên năm học 2012 – 2013 về thực hiện nề nếp dạy học và đánh giá kết quả học tập như: chất lượng giảng dạy của một số học phần thuộc GDĐC chưa đảm bảo; một số giảng viên đến lớp muộn, cho lớp nghỉ trước giờ, nghỉ giữa giờ quá lâu; một số sinh viên đi muộn, đi lại lộn xộn trong giờ học, làm việc riêng trong giờ học; có tình trạng sinh viên nhờ người học hộ nhưng giảng viên không phát hiện được; việc cho điểm chuyên cần và kiểm tra thường xuyên thực hiện chưa công bằng; việc coi thi thực hiện chưa đồng đều giữa các cán bộ coi thi ở các phòng thi…, Nhà trường trả lời như sau:
1. Nhà trường hoan nghênh và nghiêm túc tiếp thu ý kiến phản ánh của sinh viên về các vấn đề nêu trên.
2. Nhà trường yêu cầu giảng viên, cán bộ coi thi thực hiện đầy đủ và có trách nhiệm đối với công việc được giao, thực hiện nghiêm túc nề nếp giảng dạy, quản lý chặt chẽ lớp học; coi thi, chấm thi đảm bảo khách quan, công bằng và chính xác.
3. Nhà trường sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý các trường hợp vi phạm nề nếp, kỷ cương dạy – học, thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên.
4. Để có thông tin cụ thể giúp Nhà trường kiểm tra, xử lý nhằm khắc phục các hiện tượng như trên, Nhà trường đề nghị sinh viên phản ánh kịp thời, cụ thể và chính xác các trường hợp vi phạm về địa chỉ: Phòng Thanh tra Giáo dục (tầng 4 nhà A1), điện thoại: 038.3552493 (trong giờ hành chính).
IX. ĐOÀN THANH NIÊN VÀ HỘI SINH VIÊN
1. Vấn đề đoàn viên thanh niên đã nộp kinh phí nhưng chưa được tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ Đoàn - Hội - Đội: Việc tổ chức tập huấn kỹ năng Đoàn - Hội - Đội là kế hoạch hoạt động hàng năm của Đoàn Thanh niên nhằm góp phần rèn luyện kỹ năng cho sinh viên. Tuy nhiên, năm học 2010 - 2011 và 2011 - 2012, sau khi triển khai kế hoạch và cho sinh viên đăng ký nhưng số lượng đăng ký tham gia quá ít, không đảm bảo số lượng và các điều kiện để Ban Tổ chức tiến hành mở lớp tập huấn nên Ban Thường vụ Đoàn trường đã hoãn tổ chức lớp học. Tại các Hội nghị cán bộ Đoàn - Hội toàn trường, Văn phòng Đoàn trường đã nhiều lần thông báo cho ĐVTN đã đăng ký lên nhận lại kinh phí. Đến nay, nếu ĐVTN nào chưa nhận thì tiếp tục nhận tại Văn phòng Đoàn trường, ĐVTN nào có nguyện vọng tham gia lớp học thì Ban Thường vụ Đoàn trường sẽ tiếp tục mở lớp tập huấn vào tháng 5 năm 2013.
2. Vấn đề tham gia Đội TNXK của Đoàn trường: Đội TNXK thuộc quản lý của Đoàn Thanh niên. Vào đầu năm học, Ban Thường vụ Đoàn trường đều tổ chức kiện toàn. Đội TNXK được thành lập theo quyết định của Hiệu trưởng Nhà trường, hoạt động dưới sự điều hành của Đoàn trường theo quy chế hoạt động của Đội. Căn cứ vào yêu cầu thực tế, những sinh viên có đầy đủ các tiêu chuẩn quy định tại quy chế và tự nguyện tham gia thì đều có thể được xem xét kết nạp vào Đội.
3. Vấn đề tham gia tình nguyện hoạt động ở các địa phương nhưng không có giấy khen: Tình nguyện là một phong trào lớn của sinh viên Nhà trường. Những ĐVTN tham gia chiến dịch tình nguyện hè về các huyện hàng năm đều được nhận giấy khen của Ban Thường vụ Đoàn trường sau khi được tập thể đội tình nguyện nhất trí đề nghị.
4. Vấn đề tham gia công tác tình nguyện với Thành đoàn nhưng không được nhận giấy khen của Đoàn - Hội: Tất cả các hoạt động tình nguyện của ĐVTN Nhà trường đều được Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên tổ chức thành lập đội hình, tập huấn theo yêu cầu của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, sau đó phân công nhiệm vụ hoạt động. Kết thúc các đợt tình nguyện, các đội sinh viên tình nguyện đều có tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động và đề nghị các hình thức khen thưởng. Sinh viên tham gia hoạt động tình nguyện ngoài trường là những hoạt động mang tính tự phát, không phải do Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trường quản lý, chủ trì triển khai thì sẽ không được cấp giấy khen vì không có cơ sở đánh giá.
5. Vấn đề kết nạp Đảng viên: Đảng uỷ Nhà trường cũng như Đoàn trường không đưa ra chỉ tiêu mỗi chi đoàn chỉ có 1 - 2 người được kết nạp Đảng. Ban Thường vụ Đoàn trường xét giới thiệu Đoàn viên ưu tú cho Đảng căn cứ vào: Hướng dẫn quy trình giới thiệu kết nạp Đảng của Ban Thường vụ Đảng uỷ ban hành; những tiêu chuẩn quy định đối với đoàn viên được giới thiệu kết nạp Đảng; phong trào hoạt động của chi đoàn, liên chi đoàn có đoàn viên được giới thiệu kết nạp Đảng; hồ sơ giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng theo yêu cầu.
6. Vấn đề đã có chứng chỉ cảm tình Đảng trước khi nhập học: Chứng chỉ cảm tình Đảng có thời hạn là 60 tháng. Trường hợp đã có chứng chỉ từ trước và vào đại học vẫn chưa hết hạn thì không phải học lại.
7. Vấn đề tổ chức các cuộc thi: Để tổ chức hoặc tham gia các cuộc thi như Rung chuông vàng, các gameshow truyền hình… cần rất nhiều yếu tố và tốn một khoản kinh phí rất lớn. Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên đã tạo ra rất nhiều sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho ĐVTN, hội viên, sinh viên Nhà trường, bên cạnh đó nhiều gameshow trí tuệ cũng đã được các liên chi đoàn, liên chi hội đầu tư tổ chức để tạo cơ hội cho sinh viên thể hiện mình.
8. Làm thế nào để tham gia các hoạt động của Đoàn trường? Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trường luôn có chương trình công tác, kế hoạch hoạt động cùng với các văn bản triển khai cụ thể đầu mỗi năm học, học kỳ… Hàng tháng, tại Hội nghị cán bộ Đoàn - Hội toàn trường, Ban Thường vụ Đoàn trường, Ban Thư ký Hội Sinh viên đã tổng kết hoạt động tháng trước, đồng thời triển khai đầy đủ, chi tiết kế hoạch hoạt động cũng như trọng tâm công tác của tháng sau, từ đó đội ngũ cán bộ Đoàn - Hội các cấp sẽ có thông tin cần thiết để triển khai trong các buổi sinh hoạt lớp, chi đoàn. Qua đó, sinh viên sẽ biết được các chương trình, hoạt động của Đoàn - Hội và đăng ký tham gia nếu quan tâm và có nhu cầu.
Bên cạnh đó, subsite của Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên là nơi ĐVTN, hội viên, sinh viên có thể nhanh chóng tìm kiếm thông tin, qua đó có thể lựa chọn và tham gia các hoạt động phù hợp với mình.
Trên đây là một số nội dung do các phòng, ban, trung tâm, trạm của Nhà trường trả lời, trao đổi với HSSV. Trong quá trình học tập, rèn luyện, sinh hoạt tại Trường, nếu có vấn đề gì vướng mắc hoặc có các kiến nghị, đề xuất nhằm giúp Nhà trường nâng cao hiệu quả đào tạo, công tác quản lý HSSV, công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học,... Nhà trường đề nghị HSSV phản ánh kịp thời và trực tiếp với các đơn vị chức năng liên quan của Nhà trường để được xử lý và giải quyết.
Xin trân trọng cảm ơn các bạn HSSV đã góp ý xây dựng nhà trường!
Nghệ An, ngày 04 tháng 5 năm 2013
BTC HỘI NGHỊ DÂN CHỦ HSSV
NĂM HỌC 2012 - 2013