Tại kỳ họp thứ năm Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV,
các đại biểu Quốc hội đã nghiêm túc, thẳng thắn thảo luận, cho ý kiến về dự án
Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc
(dự án Luật).
Dự án Luật đã thu hút sự quan tâm của rộng rãi dư luận. Sự
quan tâm là hết sức bình thường, bởi mỗi văn bản pháp luật được Quốc hội thông
qua và ban hành không chỉ phải bảo đảm sự đồng thuận của đại biểu Quốc hội mà
phải bảo đảm sự đồng thuận của đa số nhân dân, nhất là những văn bản trực tiếp
liên quan an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích của
người dân…
Vì thế, sau khi tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm
của các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia, cử tri và
nhân dân cả nước, Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ
trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua dự án Luật từ kỳ họp thứ năm
sang kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn
thiện. Quyết định này đã lập tức nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của toàn
xã hội.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân
thiếu thiện chí với Việt Nam lại coi sự kiện nêu trên là cơ hội để vu cáo Quốc
hội và Chính phủ Việt Nam, lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân ta, kích động,
tác động tới một số người thiếu tỉnh táo, cả tin mà bột phát có hành vi vi phạm
pháp luật. Điển hình cho thủ đoạn này là các trang mạng của tổ chức khủng bố
“Việt tân” và một số tổ chức có thái độ thù địch với Việt Nam đã công bố nhiều
thông tin xuyên tạc nội dung dự án Luật, tuyên truyền và kích động nhân dân
biểu tình bất hợp pháp. Họ bịa đặt, ngụy tạo nhiều tài liệu để trong một thời
gian ngắn đăng tải tràn ngập trên in-tơ-nét nhằm gieo rắc vào nhận thức của
người nhẹ dạ thiếu thông tin, hoặc thiếu trách nhiệm khi chỉ tiếp nhận thông
tin mà không xác minh cụ thể. Thí dụ: xuyên tạc nội dung cho thuê đất 99 năm
trong dự án Luật chỉ dành cho Trung Quốc, biến một nội dung đang thảo luận
thành nội dung đã được Quốc hội và Chính phủ quyết định; ngụy tạo bức ảnh chụp
cột mốc biên giới có gắn chữ “tô giới”…
Thậm chí, họ còn đe dọa cả đại biểu Quốc hội, và theo một
trang mạng thì một số thế lực lợi dụng sự kiện này “đã chuẩn bị phương án gây
bạo động bằng thuốc nổ, mìn tự tạo với mục đích gây ra các thảm họa để vu khống
chính quyền đàn áp, qua đó không chỉ gây bất ổn xã hội mà còn kêu gọi sự can
thiệp từ nước ngoài với lý do nhân quyền”, và trang mạng này khuyến cáo nhân
dân không tham gia biểu tình.
Sự quan tâm, lo lắng của người dân về xây dựng các đặc khu
là hoàn toàn chính đáng và rất đáng trân trọng. Đáng tiếc, do bức xúc nhưng
thiếu tỉnh táo và thiếu cảnh giác, tin vào luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu mà
không tìm hiểu cặn kẽ dự án Luật để có ý kiến, dù dự án Luật đã được công bố
công khai trên duthaoonline.quochoi.vn “nơi cử tri cùng các đại biểu Quốc hội
xây dựng luật”, mà một số người đã bị kích động. Và vì không kiềm chế được,
ngày 10-6-2018 ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương, nhất là tại một
vài giáo xứ thuộc Giáo phận Vinh, đã xảy ra một số cuộc tụ tập đông người và
biểu tình bất hợp pháp. Người tham gia đưa ra khẩu hiệu phản đối điều chưa được
Quốc hội quyết định. Nhiều người tham gia nhưng không hiểu rõ vấn đề, không ý
thức được mặt trái của hành động này, để các đối tượng xấu kích động, lợi dụng
đánh tráo khái niệm, cho rằng tham gia biểu tình là thể hiện lòng yêu nước,
biến thành công cụ của họ trong việc chống phá Nhà nước.
Đáng chú ý, trong các cuộc biểu tình bất hợp pháp đó là sự
có mặt và dẫn đầu hăng hái của một số cá nhân từng cầm đầu một số cuộc tụ tập
đông người, biểu tình bất hợp pháp trước đây. Ngày 9-6-2018, Cơ quan An ninh
điều tra Công an tỉnh Bình Dương bắt quả tang hai người đang rải “tờ rơi” kêu
gọi người dân tham gia biểu tình trái phép tại khu công nghiệp trên địa bàn
tỉnh Bình Dương và tạm giữ hai người này để điều tra làm rõ hành vi in ấn tài
liệu đã chỉ rõ động cơ chính trị của những kẻ kêu gọi biểu tình, chỉ rõ ý đồ
lợi dụng một vấn đề được nhân dân quan tâm để gây rối loạn xã hội, phục vụ mưu
đồ đen tối. Đó là cơ sở lý giải tại sao dù Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã
thống nhất lùi việc thông qua dự án Luật để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn
thiện, họ vẫn tiếp tục đưa ra các luận điệu xuyên tạc, kích động.
Trách nhiệm với chủ quyền, lợi ích của đất nước không thuộc
về bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào, đồng thời cũng là một giá trị tinh thần cực
kỳ quý báu của truyền thống dân tộc phải được trân trọng, giữ gìn, phát huy và
phát triển. Trong quá trình xây dựng hệ thống luật pháp để bảo đảm cho sự vận
hành nghiêm túc của nhà nước pháp quyền, Quốc hội và Chính phủ luôn coi việc
giữ gìn, bảo vệ chủ quyền, lợi ích của đất nước là nội dung cốt lõi, là nền
tảng, là nguyên tắc bất biến để giải quyết mọi vấn đề mà sự biến động của bối
cảnh quốc tế cũng như các quan hệ quốc tế có thể đẩy tới. Trong quá trình xây
dựng hệ thống pháp luật, việc thảo luận, lấy ý kiến của toàn dân để văn bản
pháp luật vừa bảo đảm việc tổ chức, quản lý xã hội, vừa đáp ứng yêu cầu, nguyện
vọng chính đáng của nhân dân cũng là nguyên tắc bất di bất dịch, cho nên cần
khẳng định việc Quốc hội, Chính phủ thống nhất lùi việc thông qua dự án Luật đã
thể hiện tính nguyên tắc, qua đó củng cố niềm tin của toàn dân vào vai trò lãnh
đạo của Quốc hội và Chính phủ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trong thời kỳ đất nước mở cửa, hội nhập và đang đứng trước
nhiều cơ hội thuận lợi song cũng không ít khó khăn, toàn dân cần đồng tâm cùng
Đảng, Nhà nước để có bước đi vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo
vệ chủ quyền đất nước. Không có sự đồng tâm đó, chúng ta sẽ tạo cơ hội để kẻ
xấu cản trở, thậm chí phá hoại sự nghiệp mà cha anh đã đổ không biết bao nhiêu
mồ hôi, xương máu mới có được. Dân tộc ta có lòng yêu nước nồng nàn. Truyền
thống tốt đẹp ấy, hơn lúc nào hết cần được gìn giữ, phát huy.
Chúng ta có quyền thể hiện lòng nhiệt thành, tâm huyết đến
công việc chung của đất nước, nhưng cũng cần có trách nhiệm với tình yêu đó.
Tình cảm đó được thể hiện một cách đúng đắn, tỉnh táo và sáng suốt sẽ làm tăng
sức mạnh cho đất nước, dân tộc, nhưng tình hình sẽ ngược lại nếu bị kẻ xấu lợi
dụng. Trước những vấn đề hệ trọng của đất nước, mỗi người trong chúng ta cần
tỉnh táo xem xét một cách khách quan, đưa ra ý kiến nghiêm túc, cầu thị, phù
hợp trách nhiệm công dân; đồng thời cần tỉnh táo, cảnh giác, có lập trường vững
vàng trước những thông tin bịa đặt, sai trái để không bị lôi kéo vào các hoạt
động gây rối trật tự xã hội. Bởi từ bất cứ phương diện nào thì hành động như
vậy cũng là vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự và an toàn xã hội, hệ
lụy trực tiếp là làm thiệt hại đời sống người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt
động học tập, sản xuất, kinh doanh trong xã hội, tạo cơ hội cho kẻ xấu trục
lợi, có thể đẩy tới sự can thiệp tiêu cực từ bên ngoài.
HOÀNG LONG (theo Báo Nhân dân điện tử)