Dự và chỉ đạo hội nghị tổng kết năm học 2015-2016, triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 của ngành GD&ĐT sáng ngày 5/8/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dành cho ngành những phát biểu đầy tâm huyết.

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng chia sẻ, dù không phải công tác trong ngành giáo dục nhưng trên cương vị của mình, Thủ tướng đã lắng nghe từ các chuyên gia, những nhà quản lý, những nhà nghiên cứu và những người quan tâm đến giáo dục để hiểu hơn về ngành. Thủ tướng đánh giá cao báo cáo của ngành giáo dục, đào tạo năm học vừa qua đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập, từ đó đề ra những phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

Các ý kiến của đại diện các tỉnh, thành phố tại các đầu cầu trực tuyến theo Thủ tướng là đã thể hiện rõ nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục tại từng địa phương và từ nhận thức tốt sẽ đi đến hành động tốt vì sự nghiệp giáo dục.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Sau 30 năm đổi mới, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Từ một nước nghèo, kém phát triển, chúng ta đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp quan trọng của ngành giáo dục”.

Ôn lại lịch sử, Thủ tướng chia sẻ, trước đây cả huyện có khi chỉ có vài tú tài nhưng giờ đã khác, ở đâu người học hành đỗ đạt cũng nhiều, thành quả ấy rất đáng tự hào và là kết quả của của một quá trình kế tiếp nhau. Nên chúng ta cần “ôn cố tri tân” trân trọng những người đã đi trước đóng góp cho ngành giáo dục.

Đánh giá cao những kết quả mà ngành giáo dục, đào tạo đạt được trong năm học 2015-2016, Thủ tướng cho rằng, đó là thành quả của sự lắng nghe và tinh thần đoàn kết của ngành. Dù còn khó khăn nhưng năm qua ngành đã đạt được những kết quả tích cực, đã bước đầu đổi mới dạy học theo hướng mở, chú ý hơn đến phát triển toàn diện năng lực, tư duy sáng tạo và rèn luyện phẩm chấtcho học sinh. Trong năm học này tiếp tục đổi mới trong thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt làKỳ thi Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng đã khắc phục được những bất cập của các năm trước; tạo thuận lợi và giảm áp lực cho thí sinh và gia đình. Cơ sở vật chất trường, lớp học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm hơn. Công nghệ thông tin được ứng dụng nhiều hơn trong dạy, học và quản lý giáo dục. Nhiều học sinh đã đoạt được các giải thưởng cao trong các cuộc thi Olympic quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập cần khắc phục như: Giáo dục phổ thông chưa coi trọng đến giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, vẫn còn bạo lực học đường, vẫn còn tội phạm vị thành niên. Năng lực ngoại ngữ của học sinh còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập; Khắc phục quá tải chậm, nhiều nội dung học không mang giá trị thực tiễn. Giáo dục đại học, chuyên nghiệp hạn chế, chưa gắn với nhu cầu xã hội, sinh viên ra trường thất nghiệp trong khi đó nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu nhân lực cao. Số lượng đại học tăng nhanh nhưng chất lượng chưa đảm bảo yêu cầu. Chất lượng đào tạo thạc sỹ, tiến sĩ hạn chế; công tác quản lý nhà nước về giáo dục còn chậm đổi mới; đầu tư cho giáo dục chưa thật hiệu quả; cơ chế, chính sách tài chính chưa phù hợp; chất lượng và cơ cấu cán bộ, giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu …

Bước vào năm học mới với những thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn,thách thức, Thủ tướng đề nghị, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương cần quán triệt sâu sắc, tuyên truyền rộng rãi nội dung các  nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ có liên quan đến giáo dục và đào tạo, để các cấp lãnh đạo, cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên và nhân dân hiểu rõ và đồng lòng thực hiện; Các bộ, ban, ngành trung ương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách để phát triển giáo dục; Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế quản lý, chế độ chính sách, đời sống vật chất tinh thần của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên; Quan tâm ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đào tạo, đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn ODA và các nguồn khác để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành; Các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương xây dựng, rà soát các chương trình hành động của địa phương thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Tăng cường vai trò quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về phát triển giáo dục và đào tạo ở địa phương; Chấn chỉnh nề nếp, kỷ cương trường học.

Đối với ngành giáo dục, Thủ tướng lưu ý, toàn ngành cần tập trung vào việc triển khai sâu rộng các nhiệm vụ của ngành theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng; Rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, không phù hợp để hoàn chỉnh; Xây dựng các đề án, chương trình nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và phát triển đội ngũ của toàn hệ thống; Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và phương pháp dạy học trong nhà trường; Thực hiện tốt công tác phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông; Triển khai thực hiện tự chủ đại học; Năng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; Tăng cường hội nhập quốc tế; Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội.

Về giáo dục phổ thông, Thủ tướng cho rằng, đây là nền tảng của giáo dục nói chung, vì thế cần đảm bảo chương trình vừa hình thành nhân cách, văn hóa của một công dân trẻ, vừa bảo đảm bảo tính hiện đại, hội nhập, giảm tải nhanh, không nặng về khối lượng, mà phát triển toàn diện văn thể mỹ. Cần dạy cho học sinh biết yêu lịch sử, yêu tổ quốc, yêu đồng bào, biết sống có trách nhiệm trong tập thể, trong xã hội. Chú ý giáo dục thể chất để tạo một thế hệ thanh niên khỏe mạnh, toàn diện. Tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục nhất là vùng sâu, vùng xa.

Về giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, theo Thủ tướng, phải bảo đảm chất lượng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động; Trình độ đào tạo phải hướng tới “công dân toàn cầu”, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nhất là trong bối cảnh chúng ta tham gia Cộng đồng ASEAN; Gắn kết chương trình đào tạo đại học, kết quả nghiên cứu khoa học của học sinh, sinh viên với thực tiễn cuộc sống và nhu cầu xã hội. Khuyến khích việc liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp (trong ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và trong tạo việc làm); Đẩy mạnh “tự chủ đại học” một cách thực chất và đồng bộ, đi đôi với đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Không chỉ là tự chủ trong thu, chi mà cả trong tài chính, tài sản, trong tổ chức, nhân sự, trong đào tạo, trong tuyển sinh và quản lý sinh viên… Cần xác định rõ ràng trách nhiệm xã hội của trường đại học, xây dựng môi trường quản lý lành mạnh, tỏa văn hóa, tỏa giá trị ra ngoài xã hội. Cần quan tâm chất lượng đào tạo, tay nghề thực tế, khẳng định “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” qua việc tìm việc làm và tạo dựng sự nghiệp cho thế hệ trẻ.

Thủ tướng cũng gửi gắm tới ngành giáo dục câu nói nổi tiếng của Nguyễn Trãi “Nước Đại Việt ta hiền tài chưa bao giờ thiếu. Nhưng tìm cho ra hiền tài chưa bao giờ là việc đơn giản”. Vì vậy, ngành giáo dục cần đặc biệt chú trọng công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài để trước tiên ngành giáo dục phải có nhiều thầy giỏi, nhiều trò giỏi. Việt Nam ta có thêm nhiều người hiền tài để làm rạng danh và sẵn sàng phục vụ đất nước.

“Nhân tài nằm ở bìa rừng, góc núi, đó có thể là các em học sinh nơi miền núi hải đảo, đó là các giáo viên với những sáng tạo đổi mới trong dạy và học, đó có thể là các chuyên gia, những giảng viên đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài… Nhiệm vụ của ngành giáo dục là phải phát hiện được” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Với những ý kiến, kiến nghị của các địa phương, cơ sở giáo dục được thảo luận tại Hội nghị, Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT cùng các bộ, ngành liên quan tổng hợp, xây dựng phương án, đề án trình chính phủ xem xét trong thời gian sắp tới.