PGS.TS. Thái Văn Thành,


1. Đặt vấn đề

Quá trình đào tạo, bồi dưỡng giảng viên (GV) là quá trình tạo ra chất mới và sự phát triển toàn diện trong mỗi con người. Đào tạo, bồi dưỡng GV là trang bị kiến thức, truyền thụ kinh nghiệm, hình thành kỹ năng, hình thành nên phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, tạo ra năng lực hành động mới tương ứng cho mỗi GV. Bồi dưỡng còn là hoạt động nhằm khắc phục mặt hạn chế, phát huy mặt tích cực, bù đắp những thiếu hụt, khiếm khuyết của mỗi GV, giúp họ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới. Chất lượng cán bộ được hình thành do nhiều nhân tố tác động, trong đó phần lớn là thông qua con đường giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng. Chính vì vậy, việc phát triển đội ngũ (GV) trường đại học Sư phạm (ĐHSP) đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), chúng ta phải chăm lo và thực hiện tốt công tác bồi dưỡng.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ mục tiêu xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục: “Mục tiêu là xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hoá, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống, lương tâm, tay nghề của nhà giáo; thông qua việc quản lý, phát triển đúng định hướng và có hiệu quả sự nghiệp giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”[1]. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định: “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản  lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt” [7]. Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 của Chính phủ Việt Nam đã xác định mục tiêu: “Đến năm 2020, nền giáo dục nước ta được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện,…” [3]. Vì vậy, xây dựng và phát triển đội ngũ GV ĐHSP đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục vừa là mục tiêu, vừa là động lực và được coi là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Trong những năm vừa qua, việc xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV ĐHSP đã có những chuyển biến và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đặt ra cho GV ĐHSP  những cơ hội và thách thức mới. Trong điều kiện hội nhập, giao lưu mở cửa, đổi mới tư duy, phương thức và cơ chế quản lý, vừa phải đảm bảo sự hợp tác quốc tế rộng rãi, có hiệu quả, vừa phải đảm bảo phát huy được nội lực, giữ gìn được môi trường văn hoá dân tộc và những giá trị truyền thống tốt đẹp, điều này đang đặt ra những thách thức cho đội ngũ GV. Vì vậy, bồi dưỡng GV không chỉ chú trọng đến kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học mà cả kiến thức chính trị, kiến thức kinh tế, ngoại ngữ, tin học... Phải bồi dưỡng toàn diện, coi trọng tính hiệu quả. Các trường ĐHSP cần làm cho đội ngũ GV ý thức đầy đủ rằng không bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực thì không thể hoàn thành được nhiệm vụ của người GV trước những yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Vì vậy, việc xây dựng chương trình bồi dưỡng GV ĐHSP, giúp họ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là việc làm cấp thiết hiện nay.

2. Thực trạng đội ngũ giảng viên đại học sư phạm

          GV ĐHSP, phần lớn có trình độ chuyên môn và sư phạm cao, tỉ lệ GV có trình độ tiến sĩ ngày càng được nâng cao, có kinh nghiệm trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, có bãn lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; yêu nghề và có khả năng truyền lòng yêu nghề, đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên; tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước nói chung và tổ chức quá trình giáo dục đào tạo sinh viên, nghiên cứu khoa học giáo dục nói riêng. Trong những năm qua, đội ngũ này đã đóng góp tích cực, có hiệu quả trong việc đào tạo giáo viên trung học phổ thông, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giáo dục phổ thông. Trong những năm gần đây, thông qua các chương trình, dự án hợp tác quốc tế, bằng sự năng động để tạo các nguồn kinh phí của các trường đại học và sự hỗ trợ của nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều GV đã được đi tham quan, trao đổi và học tập kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu khoa học ở các nước trong khu vực và các nước phát triển.

Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, GV ĐHSP vẫn còn tồn tại những bất câp và chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới, Chính phủ đã chỉ rõ: những thành tựu của giáo dục đại học chưa vững chắc, chưa mang tính hệ thống và cơ bản, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhu cầu học tập của nhân dân và yêu cầu hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới. Những yếu kém, bất cập về cơ chế quản lý, cơ cấu hệ thống, cơ cấu ngành nghề, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, quy trình đào tạo, phương pháp dạy và học, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục, hiệu quả sử dụng nguồn lực và những tiêu cực trong thi cử, cấp bằng và một số hoạt động giáo dục khác cần sớm được khắc phục [2]. Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chỉ rõ: chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất. Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp [8].

          Qua kết quả khảo sát chất lượng đội ngũ GV của một số đề tài, công trinh nghiên cứu về “Pát triển đội ngũ GV ĐHSP” và qua trao đổi, phỏng vấn một số cán bộ quản lý khoa, trường của một số trường ĐHSP về đội ngũ GV trên các vấn đề: Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ GV; Năng lực giảng dạy; Năng lực nghiên cứu khoa học; Năng lực hoạt động xã hội; Năng lực cung ứng dịch vụ giáo dục, khoa học và chuyển giao công nghệ giáo dục cho các trường phổ thông; Năng lực hợp tác quốc tế về giáo dục đại học, cho thấy đội ngũ này vẫn còn những tồn tại sau:

          - Một bộ phận GV còn thiếu các kiến thức, kỹ năng và điều kiện cần thiết để triển khai các hoạt động như phát triển chương trình đào tạo giáo viên, chương trình giáo dục phổ thông; tích hợp lồng ghép nội dung giáo dục tình cảm và trách nhiệm nghề nghiệp cho SV thông các môn học được phân công; thiết kế, triển khai quy trình, công nghệ dạy học;

          - Khá nhiều GV còn hạn chế trong việc tổ chức, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao và công bố các kết quả nghiên cứu KHGD; Chuyển giao quy trình, công nghệ dạy học cho trường phổ thông;

          - Số GV có kỹ năng gắn kết giảng dạy, nghiên cứu khoa học với thực tiễn phổ thông, kỹ năng tổ chức hoạt động ngoại khoá cho SV còn ít;

          - Số GV có tư duy cởi mở với cái mới, dám dấn thân, mạo hiểm, dám nghĩ, dám làm còn chưa nhiều;

          - Số GV có khả năng đàm phán, ký kết, hợp tác với các trường đại học của các nước trong khu vực, quốc tế về đào tạo, trao đổi học thuật, nghiên cứu khoa học còn ít;

          - Khá nhiều GV còn hạn chế trong việc sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong chuyên môn, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới GDĐH.

3. Quy trình bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên đại học Sư phạm

 Xuất phát từ những yêu cầu trên và thực trạng đội ngũ GV hiện nay, chúng tôi đề xuất quy trình bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ GV ĐHSP như sau:

         

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sơ đồ quy trình bồi dưỡng giảng viên

3.1. Xác định mục tiêu bồi dưỡng

Mục tiêu bồi dưỡng nâng cao năng lực cho GV là trang bị, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ đối với GV trong bối cảnh mới giáo dục; Nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế cho đội ngũ GV, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

3.2. Xác định nhu cầu bồi dưỡng của đội ngũ giảng viên

Để xác định nhu cầu BD của đội ngũ GV, các trường đại học cần phải thực hiện 2 việc: Thứ nhất, phân tích thực trạng đội ngũ GV để làm rõ: Họ là ai? Họ có vai trò như thế nào trong sự nghiệp đổi mới GD? Họ đang ở trình độ nào? Năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học như thế nào? Điểm mạnh, điểm yếu của họ là gì? Phải BD cái gì, phương pháp, hình thức BD như thế nào? Thứ hai, xuất phát từ chính nhu cầu hiện nay của đội ngũ GV. Từ đó, chúng ta xác định nhu cầu BD của đội ngũ GV. Trên cơ sở đó xây dựng chương trình BD cho phù hợp.

3.3. Xây dựng nội dung bồi dưỡng

i) Xác định căn cứ xây dựng chương trình BD GV

- Căn cứ pháp lý: +) Luật GDĐH, Điều lệ trường đại học;

  +) Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, giải pháp Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục;

  +) Chương trình phát triển ngành SP và các trường SP từ năm 2011 đến năm 2020, đề án 2: Phát triển đội ngũ GV các trường ĐHSP;

  +) Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, giải pháp Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT;

  +) Chiến lược phát triển của các trường/khoa ĐHSP, giai đoạn 2011-2020, giải pháp Phát triển ĐNGV.

- Căn cứ vào thực trạng đội ngũ GV.

 ii) Xây dựng chương trình BD GV

Chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm cho GV ĐHSP

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tăng cường kiến thức và kỹ năng sư phạm cho GV ĐHSP theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hóa, nhằm nâng cao năng lực sư phạm cho đội ngũ giảng viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên trung học phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Về kiến thức

Ng­ười học được trang bị:

- Các kiến thức nâng cao về vai trò của người GV ĐHSP trong bối cảnh hiện nay; Đặc trưng lao động sư phạm của người GV ĐHSP trong bối cảnh hiện nay; Các yêu cầu về phẩm chất và năng lực đối với người GV ĐHSP trước bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

- Các kiến thức về chương trình, phát triển chương trình đào tạo, phát triển chương trình nhà trường và tổ chức quá trình đào tạo trong trường sư phạm; Đổi mới ph­ương pháp dạy học và đánh giá theo tiếp cận năng lực; Sử dụng công nghệ thông tin và ICT trong dạy học, nghiên cứu khoa học.

- Các kiến thức về sự gắn kết giữa các trường/khoa ĐHSP với trường phổ thông trong đào tạo giáo viên.

-  Nghiên cứu khoa học giáo dục trong các trường/khoa ĐHSP.

2.2. Về kỹ năng

Người học được cung cấp:

- Các kỹ năng về chương trình, phát triển chương trình đào tạo; phát triển chương trình nhà trường; xây dựng đề cương chi tiết môn học; thiết kế và thực thi kế hoạch dạy học, giáo dục.

- Các kỹ năng lựa chọn, thiết kế và triển khai ph­ương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực sinh viên, Ứng dụng công nghệ thông tin và ICT trong dạy học.

- Các kỹ năng phân tích, tổng hợp và đánh giá quá trình dạy học.

- Các kỹ năng nghiên cứu Khoa học giáo dục.

- Các kỹ năng quản trị nhà trường; gắn kết giữa các trường/khoa ĐHSP với trường phổ thông trong đào tạo giáo viên.

- Kỹ năng hợp tác quốc tế về giáo dục đại học.

2.3. Về thái độ

Giúp người học:

- Nâng cao ý thức nghề nghiệp, đạo đức và tác phong sư­ phạm mẫu mực của người giảng viên ĐHSP, có ý thức hội nhập quốc tế về giáo dục đại học.

- Tiếp tục bồi dưỡng lòng say mê và hứng thú trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phát triển nghề nghiệp cho giảng viên ĐHSP.

- Có thái độ khách quan, khoa học trong tổ chức và quản lý quá trình dạy học, giáo dục và đánh giá sinh viên.     

II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Người giảng viên đại học sư phạm trước bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (1 tín chỉ)              

Học phần này bao gồm các nội dung:

- Vai  trò của người GV ĐHSP trong bối cảnh hiện nay.

- Đặc trưng lao động sư phạm của người GV ĐHSP trong bối cảnh hiện nay.

- Các yêu cầu về phẩm chất và năng lực đối với người GV ĐHSP trước bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

- Khung năng lực của người GV ĐHSP trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

2. Phát triển chương trình đào tạo, chương trình nhà trường trung học phổ thông (3 tín chỉ)

Học phần này bao gồm các nội dung:

- Khái niệm chương trình, chương trình giáo dục, chương trình đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục quốc gia, chương trình giáo dục địa phương, chương trình nhà trường theo tiếp cận phát triển năng lực học sinh, phân cấp quản lý ch­ương trình.

-  Phát triển chương trình đào tạo: Phương pháp luận và các cách tiếp cận phát triển chương trình đào tạo; Các mô hình phát triển chương trình trên thế giới; Quy trình phát triển chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo theo tiếp cận năng lực.

- Hoàn thiện khung chương trình đào tạo, cấu trúc nội dung dạy học các môn học trong chương trình hiện hành nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thồng.

- Quy trình phát triển chương trình nhà trường trung học phổ thông theo tiếp cận phát triển năng lực học sinh.

- Cấu trúc đề cương chi tiết môn học theo tiếp cận năng lực.

- Tổ chức quá trình đào tạo ở trường/khoa đại học sư phạm trong bối cảnh hiện nay.

- Hướng dẫn sinh viên quy trình phát triển chương trình nhà trường trung học phổ thông theo tiếp cận phát triển năng lực học sinh.

3. Đổi mới ph­ương pháp dạy học và đánh giá theo hướng phát triển năng lực sinh viên (2 tín chỉ)

Học phần này bao gồm các nội dung:

- Khái quát chung về ph­ương pháp dạy học đại học và đổi mới ph­ương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên; Đo lường và đánh giá trong dạy học đại học.

- Các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại.

- Các ph­ương pháp, thủ thuật dạy học phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên.

- Xây dựng các chủ đề dạy học tích hợp.

- Thiết kế bài giảng điện tử.

- Tìm kiếm và khai thác các nguồn dữ liệu phục vụ dạy học.

- Hướng dẫn sinh viên thiết kế và thực hiện các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh.

- Đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo thang đo trình độ năng lực của Bloom.

- Ứng dụng công nghệ thông tin và ICT trong dạy học và đánh giá kết quả học tập của sinh viên.

4. Nghiên cứu Khoa học giáo dục trong trường/khoa đại học sư phạm (2 tín chỉ)

Học phần bao gồm các nội dung:

- Sự cần thiết phải đẩy mạnh nghiên cứu khoa học giáo dục trong các trường/khoa ĐHSP

- Những nội dung cần tập trung nghiên cứu trong bối cảnh đổi mới giáo dục.

- Phát hiện, xác dịnh, lựa chọn vấn đề nghiên cứu và chuyển tải vấn đề cần nghiên cứu thành đề tài khoa học.

- Tổ chức nghiên cứu khoa học giáo dục trong các trường/khoa ĐHSP.

- Chuyển tải kết quả nghiên cứu thành các bài báo khoa học;

- Ứng dụng thành tựu nghiên cứu khoa học và công nghệ vào giảng dạy và chuyển giao cho trường phổ thông.

- Hợp tác, giúp đỡ đồng nghiệp và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học.

5. Phối hợp giữa trường/khoa ĐHSP với trường phổ thông trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên (1 tín chỉ)

Học phần bao gồm các nội dung:

- Sự cần thiết phải phối hợp giữa trường/khoa ĐHSP với trường phổ thông trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.

- Mục đích, yêu cầu, nội dung, mô hình, cơ chế phối hợp giữa trường/khoa ĐHSP với trường phổ thông trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.

- Xây dựng trường thực hành sư phạm hoặc mạng lưới trường phổ thông làm vệ tinh cho thực hành sư phạm trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

6. Hợp tác quốc tế về giáo dục đại học (1 tín chỉ)

- Các xu h­ướng phát triển của giáo dục đại học trên thế giới và khu vực.

- Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng chiến lược hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực hợp tác và sức cạnh tranh của giáo dục đại học Việt Nam thực hiện các hiệp định và cam kết quốc tế.

- Tư duy giáo dục toàn cầu.

- Xây dựng và phát triển các mối quan hệ hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển học thuật.

- Tham gia đấu thầu, ký kết các đề tài nghiên cứu khoa học theo hình thức hợp tác song phương và Nghị định thư.

3.4. Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giảng viên

Căn cứ nhu cầu thực tế cần BD của GV, căn cứ kế hoạch chiến lược, kế hoạch năm học của nhà trường, căn cứ khả năng tài chính cho phép, các trường đại học chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng hàng năm, bao gồm: Mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương thức BD, thời gian, kinh phí, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan làm cơ sở cho việc thực hiện công tác BD. Các khoa đào tạo cần lập kế hoạch bồi dưỡng cho GV theo 4 bước như sau: Bước 1. Xác định nhu cầu cần BD của từng GV; Bước 2. Định hướng lựa chọn nội dung, chương trình, phương thức bồi dưỡng phù hợp với từng GV; Bước 3. Xây dựng kinh phí, đề xuất thời gian, địa điểm BD; Bước 4. Trình Trường phê duyệt.

3.5. Đổi mới công tác tổ chức bồi dưỡng giảng viên

 Về phương pháp BD. Đối với GV, theo chúng tôi, nên kết hợp giữa phương pháp lấy học viên làm trung tâm và tự bồi dưỡng của GV là chủ yếu. Từ đó, chúng tôi đề xuất một quy trình bồi dưỡng GV bao gồm các bước sau đây:

+ Bước 1: Phát tài liệu bồi dưỡng, hướng dẫn sơ bộ cho GV về nội dung tài liệu.

+ Bước 2: GV  tự nghiên cứu tài liệu bồi dưỡng.

+ Bước 3: Tổ chức cho GV trao đổi về tài liệu bồi dưỡng theo từng trường, cụm trường.

+ Bước 4: Tập trung những nội dung GV chưa rõ, chưa thống nhất qua tự nghiên cứu và trao đổi, thảo thuận.

+ Bước 5: Tổ chức giải đáp những nội dung GV chưa rõ hoặc chưa thống nhất ở tài liệu bồi dưỡng. 

Về hình thức bồi dưỡng. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền giáo dục hiện đại, GV cần được bồi dưỡng dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú như:

+ Bồi dưỡng thường xuyên: Công tác bồi dưỡng thường xuyên được thực hiện bằng nhiều cách như: Tự học, tự bồi dưỡng trong thực tiễn giáo dục, tham gia các buổi hội thảo, tham gia các khóa bồi dưỡng ngắn hạn. Thăm quan học tập kinh nghiệm về đào tạo, nghiên cứu khoa học của một số nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó tự học, tự bồi dưỡng là cách bồi dưỡng cơ bản nhất, thông qua các hoạt động thực tiễn về giảng dạy, đi thực tế trường phổ thông, người GV tự rút ra những bài học kinh nghiệm, khắc phục những mặt còn hạn chế.

+ Bồi dưỡng tập trung: Nhằm bồi dưỡng một cách có hệ thống để nâng cao năng lực cho đội ngũ GV chưa được chuẩn hoá về trình độ, nghiệp vụ sư phạm đại học, lý luận chính trị... Có thể tập trung học liên tục hoặc tập trung theo từng đợt, cấp chứng nhận từng đợt học, khi nào người học tích lũy đủ số chứng nhận của các modul thì được cấp chứng chỉ.

+ Bồi dưỡng theo hình thức từ xa, online, qua mạng internet với các học liệu phát cho người học

3.6. Đổi mới đánh giá kết quả bồi dưỡng giảng viên

Cùng với việc đổi mới về nội dung, phương pháp, hình thức BD GV, cần thiết phải đổi mới việc đánh giá kết quả bồi dưỡng GV.

Về nội dung đánh giá. Theo chúng tôi, cần đánh giá trên hai phương diện: Thứ nhất, nhận thức của GV về các vấn đề được bồi dưỡng; Thứ hai, khả năng vận dụng những kiến thức, kỹ năng được bồi dưỡng vào công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, phối hợp với trường phổ thông trong đào tạo giáo viên.

 Về hình thức đánh giá. Có thể sử dụng các hình thức đánh giá, như: Tự đánh giá, đánh giá của bộ môn, khoa/trường, đánh giá của sinh viên….

4. Kết luận

 Xây dựng và phát triển đội ngũ GV ĐHSP đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục vừa là mục tiêu, vừa là động lực và được coi là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Muốn phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ GV đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chúng ta cần đổi mới công tác bồi dưỡng. Để đổi mới công tác này, theo chúng tôi cần triển khai thực hiện quy trình BD như sau: 1) Xác định mục tiêu BD; 2) Xác định nhu cầu bồi dưỡng của đội ngũ GV; 3) Xây dựng nội dung bồi dưỡng; 4) Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng GV; 4) Đổi mới công tác tổ chức bồi dưỡng GV; 5) Đổi mới đánh giá kết quả bồi dưỡng GV.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Bí thư Trung ương Đảng (2004), Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

2. Chính phủ (2005), Nghị quyết 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 của Chính phủ Về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020.

3. Chính phủ (2012), Chiến lược Phát triển giáo dục giai đoạn 2011 – 2020.

4. Chính phủ (2014), Điều lệ trường đại học, ban hành theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Đỗ Minh Cương, Nguyễn Thị Doan (2001), Phát triển nguồn nhân lực giáo dục đại học Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

6. Drucker Peter F, Những thách thức của quản lý trong thế kỷ 21, NXB trẻ, TP Hồ Chí Minh.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Văn kiện Hội nghị  lần thứ  tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.

9. Stephen R. Covey (2004). The 7 Habits of Highly  Effective People. Free press, New York, London, Toronto, Sydney.