Sáng 14/6/2019, các đại biểu Quốc hội
đã biểu quyết thông qua dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Với 414/453 đại biểu
đồng ý tán thành, đạt tỷ lệ 85,54%, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Giáo dục
(sửa đổi). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.
Luật Giáo dục (sửa đổi)
vừa được Quốc hội thông qua gồm 9 chương, 115 điều. Luật Giáo dục số
38/2005/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục số
44/2009/QH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Trước khi bấm nút thông qua
toàn bộ dự án Luật, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua 2 Điều gồm: Điều 2
- mục tiêu giáo dục tại trang 1 dự thảo Luật và Điều 99 - Học phí, chi phí
của dịch vụ giáo dục, đào tạo - gồm 6 khoản. Kết quả biểu quyết như sau:
Đối với Điều 2, có 441/452 đại biểu tán thành bằng 91,12%. Đối với Điều 99: Có
441/446 đại biểu tán thành bằng 91,12%.
Luật Giáo dục (sửa đổi)
vừa được Quốc hội thông qua quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; cơ sở giáo
dục, nhà giáo, người học; quản lý nhà nước về giáo dục; quyền và trách nhiệm
của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giáo dục.
Mục tiêu giáo dục nhằm
phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức
khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có
lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và
chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng
cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của
sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Luật Giáo dục (sửa đổi)
quy định tính chất, nguyên lý giáo dục gồm: Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo
dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ
nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.
Hoạt động giáo dục được
thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn,
giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.
Về phát triển giáo dục,
Luật quy định: Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục
phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học, công nghệ,
củng cố quốc phòng, an ninh; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa; bảo
đảm cân đối cơ cấu ngành nghề, trình độ, nguồn nhân lực và phù hợp vùng miền;
mở rộng quy mô trên cơ sở bảo đảm chất lượng và hiệu quả; kết hợp giữa đào tạo
và sử dụng.
Phát triển hệ thống giáo
dục mở, xây dựng xã hội học tập nhằm tạo cơ hội để mọi người được tiếp cận giáo
dục, được học tập ở mọi trình độ, mọi hình thức, học tập suốt đời.
Trước đó, ngày 21/5/2019,
Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Đa số ý kiến đại
biểu Quốc hội nhất trí với nội dung dự thảo Luật đã được chỉnh lý; đánh giá cao
việc tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến góp ý và cho rằng dự
thảo Luật cơ bản đáp ứng điều kiện để được xem xét, thông qua trong Kỳ họp này.
Trung
tâm Truyền thông Giáo dục