Đầu ra khó khăn khiến ngành sư phạm mất hấp dẫp

Sáng 17/8/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có cuộc họp với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo để bàn về các giải pháp tháo gỡ những khủng hoảng trong tuyển sinh, đào tạo sư phạm hiện nay.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo một số vấn đề hiện nay của đào tạo sư phạm, trong đó có thực trạng tuyển sinh đợt 1 năm 2017 của các ngành sư phạm. Trong đó, ông Nhạ xác nhận việc một số trường đưa ra mức điểm chuẩn sư phạm đầu vào thấp đã khiến xã hội lo ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai. Điểm trung bình của thí sinh trúng tuyển sư phạm cao hơn so với 2 năm trước, nhưng nhìn tổng thể ngành sư phạm không tuyển được nhiều thí sinh điểm cao, nhiều trường, mặc dù điểm đầu vào thấp nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.

Các ý kiến đều thống nhất cho rằng nguyên nhân sâu xa của hiện tượng "đầu vào" giảm sút, có trường sư phạm phải tuyển sinh "vơ bèo, vạt tép" là do mất hấp dẫn ở "đầu ra"

Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội kể: Năm 2014, trường ông có tới 70 học sinh giỏi quốc đăng ký tuyển thẳng. 4 năm sau, khi tốt nghiệp, nhiều em cầm bằng lên tâm sự với hiệu trưởng về nỗi lo không biết tìm việc nơi đâu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sau hơn một năm thảo luận, đến tháng 4/2016, Chính phủ đã có Quyết định số 732 phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” với những con số, định hướng chi tiết.

Ông phân tích, từ năm 2014 lúc làm chuẩn bị đề án, đã tính đến những con số như: số lượng giáo viên đang hợp đồng để xếp hàng đợi biên chế, số lượng giáo viên sẽ nghỉ hưu thì đã thấy nhân lực của ngành giáo dục sẽ dôi dư khá nhiều. Quyết định nêu rõ đến năm 2020 ngành sư phạm sẽ đào tạo thêm 60.000 người. Nhưng báo cáo của Bộ GD-ĐT cho thấy riêng năm 2015 đã đào tạo 70.000 người, nghĩa là 2016 sẽ không được tuyển thêm ai.

"Đã có quyết định của Thủ tướng nhưng thực hiện không nghiêm, và chưa lường hết hậu quả của sự dễ dãi. Nếu thực hiện đúng thì từ năm ngoái đã phải tuyển rất ít cho ngành sư phạm, và năm nay chỉ tập trung đào tạo lại, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ hiện hành".

Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục trình bày: Số lượng giáo viên đến năm 2020 cần đến 190.000 người chứ không phải 60.000, như vậy mỗi năm cần đào tạo 45.000; năm nay chỉ tiêu đào tạo là 43.000, tức là thấp hơn yêu cầu.

Sau khi nghe Thứ trưởng Bùi Văn Ga giải thích trong những năm gần đây Bộ GD-ĐT đă cắt giảm mạnh chỉ tiêu đào tạo sư phạm - thậm chí năm vừa rồi giảm tới 20 đến 30% - nhưng không thể "cắt ngay lập tức" vì nhiều giảng viên ở các trường sẽ không có việc làm, Phó Thủ tướng nhìn nhận: Giải quyết việc thất nghiệp trong những năm tới còn nguy hiểm hơn, lãng phí của đào tạo mới còn lớn hơn so với "lãng phí giảng viên sư phạm ngồi chơi".

Ông Đam cũng chia sẻ "không phải tất cả nguyên nhân là do chất lượng đào tạo sư phạm kém. Có một số trường vẫn rất tốt cả về điều kiện, lực lượng giảng viên. Nguyên nhân chính nhất là do đào tạo sư phạm ra xong khó tìm việc".

Ngoài "cửa ải" tìm việc gian nan, thì chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng cũng là nguyên nhân khiến ngành sư phạm mất đi hấp dẫn. Tại buổi họp, Bộ trưởng Giáo dục nhắc lại chuyện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định "lương giáo viên phải xếp hạng cao nhất"  nhưng điều này chưa được thưc thi. Còn ông Trần Xuân Nhĩ, đến từ Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam thì nói thẳng, với mức lương hiện hành mà đòi hỏi giáo viên toàn tâm, toàn ý trau dồi nghề nghiệp là duy ý chí.

Bộ trưởng Giáo dục: Địa phương cùng chung tay

Trước "đề bài" của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu lại những giải pháp của ngành sau phiên họp chiều 16/8 hôm qua, đồng thời khẳng định sắp tới đây phải quyết liệt hơn trong việc đánh giá nhu cầu thực tế của giáo viên với từng môn hoc, bám sát vào yêu cầu của chương trình mới.

Ông Nhạ quan niệm: "Nếu chỉ có siết chặt đầu vào mà không giải quyết những trường hợp dôi dư, chưa có việc làm thì bài toán đặt ra cũng chưa đúng". Với trách nhiệm của mình, Bộ sẽ siết chặt chỉ tiêu trên toàn quốc để đảm bảo cung cầu thực sự khớp với nhau, tính toán đến con số thực. "Các đồng chí lãnh đạo địa phương cũng phải có trách nhiệm cái này, chứ đây không phải chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục hay là bên Bộ Nội vụ" - Bộ trưởng Nhạ nói. Ông quan niệm "phải chấp nhận một giai đoạn để giải quyết lãng phí nhân lực sư phạm". Đối với giáo viên đang trong diện biên chế nhưng thừa trong quy hoạch, Bộ sẽ chỉ đạo các trường đại học, cơ sở giáo dục phối hợp với trường địa phương có chương trình bồi dưỡng theo hướng có công việc phù hợp. Tới đây, Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT sẽ bàn với nhau thật kỹ để rà soát lại đâu là những điều phù hợp thì tiếp tục, đâu là bất cập thì sẽ tính toán và có cơ chế - từ tuyển chọn cho tới chế độ chính sách. Sau đó, báo cáo Chính phủ để quyết định thực sự căn cơ. "Chứ chỉ dừng lại ở việc sửa đổi từng thông tư thì sẽ không tạo ra thay đổi lớn".

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng khẳng định vai trò của các địa phương rất quan trọng: "Tôi mong Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương phải cùng với Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ trực tiếp làm vấn đề này, từng bước cùng với các thầy, các trường sư phạm. Chỉ có như vậy, các trường sư phạm từ việc đào tạo mới như hiện nay chuyển sang củng cố và đào tạo lại cho hơn 1 triệu giáo viên sẽ yên tâm". Ông Nhạ cũng thể hiện quyết tâm với những trường yếu quá thì sẽ có giải pháp sát nhập, hoặc giải tán, chuyển thành một trung tâm đào tạo, tránh đào tạo ra những giáo viên kém.

Phó Thủ tướng: Siết chặt chỉ tiêu, đặt hàng đào tạo

Chia sẻ gánh nặng với ngành giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, số lượng các trường đào tạo sư phạm hiện nay quá nhiều, các địa phương quản là chính, số trường do Bộ GD-ĐT quản lý ít hơn. Hiện nay, việc phân bổ nhân lực giáo viên “có tính địa phương". Hầu hết, giáo viên ở tỉnh nào sẽ dạy ở tỉnh đó”. Bởi vậy, nếu không chú ý đến chất lượng các trường đào tạo sư phạm địa phương thì sẽ ảnh lâu dài đến giáo dục ở nơi đó.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông khẳng định nhiệm vụ sắp tới đây của hệ thống đào tạo sư phạm là bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên hiện hành. Để công việc này diễn ra hiệu quả, đầu tiên phải tạo được nếp nghĩ “luôn luôn phải đổi mới” bởi hiện nay khái niệm “biên chế suốt đời” không còn thích hợp. “Phải nhìn thẳng vào thực trạng là chất lượng giáo viên nói chung rất tốt, nhưng một bộ phận chậm cập nhật, không đáp ứng được yêu cầu, nhất là khi đổi mới.” “Cuối cùng, tôi đề nghị các trường sư phạm phải ngồi cùng Bộ. Chúng ta cứ nói phương án “đặt hàng đào tạo”, nhưng mấy năm nay rồi chưa có đặt hàng nào cả - trong khi đổi mới quản trị đại học cũng có  việc là "đặt hàng, giao nhiệm vụ”.

Theo ông Đam, đi cùng với "đặt hàng đào tạo", nên nghiên cứu chương trình, quy định có tính đặc cách với một số ngành "nóng" đang cần lao động như du lịch, công nghệ thông tin; chuyển những người học các ngành khác -  trong đó có sư phạm -  sang lĩnh vực này. Đây là "một công, đôi việc", vừa đáp ứng được nhân lực của các ngành đang thiếu, vừa giải quyết được bài toán dôi dư nhân lực của ngành sư phạm. "Tôi tin rằng, nếu làm tốt, đặc biệt là đánh giá chất lượng từng trường, từng nơi gắn với chỉ tiêu và cơ chế đặt hàng thì những vấn đề như đầu vào giảm sút, hay những bất cập khác sẽ tự nhiên được giải quyết".

 

Theo Vietnamnet