Quốc hội
vừa thông qua Nghị quyết bầu PGS.TS. Nguyễn
Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng
ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội giữ chức Bộ trưởng Bộ
Giáo dục và Đào tạo. Tân Bộ trưởng đã trả lời phỏng vấn Báo VnExpress về định hướng phát triển ngành
giáo dục thời gian tới. Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn Tân Bộ trưởng.
- Ông
đón nhận nhiệm vụ mới với tâm thế như thế nào?
- Tôi
cảm thấy khá áp lực. Áp lực này đến từ nhiều phía. Đó là sự kỳ vọng rất lớn của
Đảng, Nhà nước, Chính phủ, người dân và xã hội. Áp lực còn đến từ phía bản thân
tôi vì tôi tự đặt cho mình nhiệm vụ phải hoàn thành tốt trọng trách được giao
phó.
Bên cạnh
đó, thời đại công nghệ số và internet phát triển đang tạo ra ưu thế của thời
đại, tạo ra mối liên hệ rộng lớn, ngay tức thì - ở phương diện nào đó, đây cũng
là áp lực. Tuy nhiên, công nghệ số, internet cũng là sự tiến bộ, giúp kết nối
tinh thần cộng đồng, tập hợp mọi người trong mối quan tâm chung. Tôi xem đây là
sự phản biện xã hội mới, là hệ thống cảnh báo tuyệt vời mà người quản lý phải
coi trọng.
Hệ thống
cảnh báo này tránh được việc quyết sách được lưu hành rất lâu trong cuộc sống
mới biết hiệu quả, tránh cho người quản lý phải hối tiếc vì một quyết sách chưa
phù hợp, giúp họ cơ hội điều chỉnh ngay lập tức. Tất nhiên, đây cũng là thử
thách về bản lĩnh của nhà lãnh đạo khi ban hành chính sách, quyết sách, đặt họ
vào vị thế "dám chịu trách nhiệm"; cố gắng đưa ra quyết sách thận
trọng, công tâm, thu hút được trí tuệ của xã hội.
- Ông
xác định đâu là lĩnh vực ưu tiên chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới?
- Tôi
biết có rất nhiều công việc đang chờ ở phía trước. Tôi tạm chia ba nhóm công
việc để ưu tiên thực hiện. Trước hết là nhóm việc nóng, cấp bách, muốn hay
không cũng phải làm ngay. Đó là kỳ thi THPT quốc gia, triển khai chương trình
giáo dục phổ thông mới...
Thứ hai
là những việc dài hơi hơn, mang ý nghĩa trung hạn như công cuộc chuyển đổi số,
thích ứng cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Sự nghiệp chuyển đổi số cho lĩnh vực
giáo dục và đào tạo; triển khai luật Giáo dục, luật sửa đổi bổ sung một số điều
của luật Giáo dục đại học; quy hoạch mạng lưới các trường đại học, đặc biệt là
các trường đại học sư phạm trọng điểm... là những việc thuộc nhóm này.
Thứ ba,
là những việc phải thực hiện lâu dài, là chương trình hành động của ngành để
triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó phát triển giáo
dục và đào tạo phải nhằm mục tiêu lớn như phát triển toàn diện về con người,
văn hóa gắn với khoa học công nghệ để tạo ra bước đột phá về năng suất lao
động, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo bồi dưỡng nhân tài, tham
gia vào việc khơi dậy khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường... Dù là việc lớn,
lâu dài nhưng toàn ngành cũng phải bắt tay thực hiện từ bây giờ.
- Tiếp
quản công việc người đứng đầu ngành Giáo dục khi công cuộc đổi mới giáo dục và
đào tạo vẫn đang tiếp tục, ông thấy đâu là thuận lợi, khó khăn đối với bản
thân?
- Tôi
cho rằng có nhiều thuận lợi, nhưng đương nhiên khó khăn là rất lớn. Sở dĩ tôi
nói nhiều thuận lợi bởi vì hiện nay, ngành giáo dục và đào tạo được Đảng, Nhà
nước, Chính phủ đặt là mối quan tâm chỉ đạo hàng đầu, là quốc sách, là phần
quan trọng của các đột phá chiến lược.
Bên cạnh
đó, Việt Nam có truyền thống hiếu học, từng nhà, từng người rất quan tâm đến
giáo dục, chung tay cùng ngành giáo dục, mong muốn đầu tư cho giáo dục để thế
hệ sau phát triển hơn thế hệ trước. Đây là thuận lợi mà nhiều nền giáo dục trên
thế giới khó có được. Vấn đề quan trọng là làm sao ta huy động được sự quan tâm
của xã hội về một phía, tạo thành lực đồng hướng để phát triển mạnh mẽ giáo dục
đào tạo trong thời gian tới.
Đất nước
sau 35 năm đổi mới đã có tiềm lực về kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, đưa
đất nước đến một vị thế mới, cơ đồ hơn hẳn trước đây. Đó cũng là điều kiện quan
trọng để triển khai các chính sách giáo dục.
Trong khi đó, nền giáo dục đang trong
giai đoạn chuyển đổi, tiếp tục sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện. Nền giáo
dục của chúng ta không bắt đầu từ con số 0 mà đã có bước tiến, có sự khẳng định
cả trong nước và quốc tế; tham gia vào việc đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp nguồn
nhân lực để Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng về kinh tế xã hội thời
gian qua. Sự công nhận của thế giới với giáo dục phổ thông, giáo dục đại học,
chứng tỏ chúng ta đã đạt được bước tiến nhất định.
Không
chỉ vậy, các lãnh đạo Bộ Giáo dục Đào tạo tiền nhiệm đã làm được rất nhiều việc
lớn, quan trọng trong đổi mới, phát triển nền giáo dục, tạo những tiền đề quan
trọng, giúp tôi kế thừa, có nền tảng để bước tiếp và hoàn thiện. Đội ngũ nhà
giáo của chúng ta cũng đông đảo, năng lực, tâm huyết với nghề, vấn đề là phải
tìm cách phát huy thuận lợi ấy trong thời gian tới.
Bên cạnh
những thuận lợi nói trên, tôi cũng nhận thấy những khó khăn, thách thức rất lớn
mà mình phải đối mặt. Thách thức lớn đặt ra trong chính sự phát triển. Để quốc
gia bứt phá, trở thành nước phát triển thì việc cung cấp nguồn nhân lực, nhân
tố con người phải gia tăng về chất lượng. Yêu cầu này đặt ngành giáo dục đào
tạo phải có giải pháp mạnh, có đổi mới để chất lượng nguồn nhân lực ngày càng
tốt hơn.
Tôi muốn
nhấn mạnh, đổi mới giáo dục và đào tạo là tất yếu. Đất nước muốn phát triển
mạnh mẽ và bứt phá thì giáo dục không thể bình bình được. Đương nhiên là thời
điểm này, tâm lý xã hội của người dân, nhà giáo và học sinh đang có phần e
ngại, thậm chí sợ sự đổi mới nên đây là một thách thức lớn với tôi. Làm sao vẫn
đưa nền giáo dục phát triển mà việc đổi mới khiến xã hội, người dân, nhà giáo
có thể tiếp nhận, ủng hộ, đồng hành? Tôi biết đây là một việc khó, nhưng sứ
mệnh phát triển ngành giáo dục trong tương lai không thể không giải quyết vấn
đề này.
Đường
lối thì Đảng đã chỉ rõ, nhưng để thực hiện thành công, tôi và tất cả những
người làm giáo dục mong muốn nhận được sự đồng hành, hậu thuẫn lớn từ phía
người dân. Thực tiễn, có rất nhiều việc không chỉ ngành giáo dục giải quyết
được mà cần sự chung tay, chia sẻ từ gia đình và xã hội.
- Triết
lý giáo dục mà ông theo đuổi là gì?
- Về tư
tưởng, định hướng, quan điểm chỉ đạo thì các đại hội gần đây của Đảng đã nêu
đầy đủ, nhất quán, việc của chúng ta là tập trung triển khai. Nhưng nếu nói về triết
lý giáo dục, tôi nghĩ đây là vấn đề lớn và khó, không thể nói đôi lời mà xong,
không thể nói thoáng qua, mà cần sự tìm hiểu, cân nhắc kỹ lưỡng.
Tuy
nhiên, tôi có nghĩ tới một phương diện tối quan trọng của triết lý giáo dục, đó
là hai chữ "nhân bản". Yếu tố "nhân bản" phải thể hiện, chi
phối trong mọi tinh thần, chỉ đạo, chính sách, hành động, cử chỉ, phương pháp,
tài liệu. Tinh thần "nhân bản" phải làm nền cho tất cả, từ xây dựng
trường học - phải nghĩ đến chuyện giáo viên sử dụng nó ra sao, học sinh học tập
thế nào. Từ từng cuốn sách, hệ thống học liệu cho đến kết quả của quá trình
giáo dục. Từ dụng cụ nhỏ cho đến hệ thống thiết bị đều phải lấy việc phụng sự
con người, cho con người, phát triển con người làm gốc rễ.
Còn cụ
thể, nhiều năm nay tôi rất tâm đắc với một quan điểm giáo dục đã được triển
khai bước đầu ở đơn vị mà tôi phụ trách là Đại học Quốc gia Hà Nội. Đó là quan
điểm giáo dục cho từng người, giáo dục mang tính cá nhân hóa. Điều quan trọng
của giáo dục thời đại 4.0 là đạt đến yếu tố từng cá nhân, từng đối tượng, đạt
được mục tiêu giáo dục cho từng người.
Công
nghệ luôn luôn thay đổi, tri thức thì gia tăng nhanh chóng theo thời gian. Vì
vậy, giáo dục phải chọn cho mình điểm tựa, chỗ đứng để trong bất kỳ sự biến đổi
nào, giáo dục cũng phải lấy đó làm chỗ căn bản để vun đắp. Trong cuộc sống biến
động về công nghệ và tri thức, cần phải tăng cường phát triển bản thân con
người về cả phẩm chất, năng lực và đặc biệt là kỹ năng để có thể thích ứng. Đó
là khả năng tiếp nhận, chọn lọc và tạo ra tri thức mới cho mình.
Nguồn: Vnexpress