Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Kim Liên, nữ giáo sư ngôn ngữ học đầu tiên của Trường Đại học Vinh và khu vực Bắc Trung Bộ, nguyên chủ nhiệm khoa Ngữ văn từ 1999 đến 2003. Giáo sư là người phụ nữ giữ cương vị quản lý cao nhất và duy nhất của khoa từ khi thành lập (1959) cho đến nay. GS.TS Đỗ Thị Kim Liên còn là một nhà giáo, nhà nghiên cứu ngôn ngữ học với rất nhiều thành công và đóng góp. GS đã công bố hàng chục bài viết trên báo và tạp chí chuyên ngành, xuất bản nhiều công trình có giá trị như Ngữ pháp tiếng Việt, Bài tập Ngữ pháp tiếng Việt, Ngữ nghĩa lời hội thoại, Ngữ dụng học… Với những đóng góp của mình, GS, TS Đỗ Thị Kim Liên nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen về thành tích giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý. Đối với lớp cán bộ trẻ của khoa, GS Đỗ Thị Kim Liên đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ mọi người nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy, trao đổi về những kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học, một công việc vốn rất nhiều khó khăn và thách thức. Học viên cao học, sinh viên mỗi lần tiếp xúc với GS đều thu nhận được nhiều điều bổ ích và thú vị. GS đã nói về công việc bằng tất cả niềm say mê, tâm huyết và cũng thật dịu dàng, sâu lắng khi GS tâm sự về những vấn đề riêng tư, thường tình trong cuộc sống. Ghi lại cuộc nói chuyện này, chúng tôi muốn độc giả hiểu hơn về GS, một nhà giáo giàu tình thương yêu đối với học trò, một người nghiên cứu ngôn ngữ cần mẫn, đầy sáng tạo và một người phụ nữ dung dị trong đời thường.

            - Thưa GS, đó cú một thời gian vừa làm cỏn bộ quản lý, vừa nghiờn cứu, vừa giảng dạy, vậy GS sắp xếp thời gian và điều hoà cụng việc bằng cỏch nào? Cụng việc nào với GS là khú nhất?
             * Cả ba việc trên, việc nào cũng có cái khó riêng của nó. Theo tôi thì cái khó khăn lớn nhất là phải kết hợp được những công việc đó với việc nhà. Bởi vì ở trường mình là cô giáo, người nghiên cứu, quản lý nhưng ở nhà mình là một người mẹ, người vợ. Để cân bằng được hai trách nhiệm trên vất vả lắm! Mình dồn thời gian cho việc này thì hiển nhiên, việc kia phải bớt đi, phải hy sinh đi một chút. Mà thời gian thì ai cũng như nhau cả thôi, cũng một ngày 24 giờ, điều quan trọng là phải biết bố trí công việc cho hợp lý. Có câu chuyện về việc sắp xếp cát sỏi vào bình, phải sắp thế nào để bỏ được hết cát sỏi vào bình mà không lãng phí khoảng không trong bình, giống như con người thì có những công việc lớn nhỏ khác nhau; phải sắp xếp thế nào để trong một khoảng thời gian có thể làm được một khối lượng công việc lớn nhất mà không bỏ phí bất cứ giờ phút nào.
            Khi còn trẻ, vì học tập, vì nghiên cứu, thực sự tôi đã không thể giành quá nhiều thời gian cho gia đình như những người phụ nữ khác. Nhà tôi neo người, nhìn người ta đông đúc con cháu, cũng thấy chạnh lòng. Rồi thì ngay cả những việc cơm nước trong gia đình, đôi khi cũng không đủ thời gian để lo, đi chợ thì vội vội vàng vàng, những thói quen của phụ nữ như mua sắm, du lịch… tôi thấy xa lạ lắm! Tuy nhiên, mình phải hiểu rằng trong cuộc sống, không có ai được vẹn toàn hẳn. Nghĩ thế mới thấy nhẹ nhàng hơn.
           - Thế trong những công việc GS đang làm, đâu là việc lớn nhất? Trong môi trường với một tinh thần “nhập thế” tích cực mà không đánh mất mình, phải chăng là một việc hết sức khó khăn? 
          * Trong các công việc ở trường thì tôi đến với chuyên môn (nghiên cứu và giảng dạy) như một đam mê, một cái nghiệp mà mình lựa chọn, theo đuổi, còn đến với việc quản lý như một trách nhiệm. Tôi rất nhẹ nhõm khi cảm thấy đã hoàn thành trách nhiệm của mình, còn cái nghiệp, cái đam mê thì không thể nào dứt bỏ được. Trong môi trường với một tinh thần nhập thế mà không đánh mất mình, tôi nghĩ điều đó thuộc về bản chất của con người nói chung.
                - Theo GS, phẩm chất quan trọng nhất của người nghiên cứu khoa học là gì?
              * Trước hết, vẫn là một đầu óc tư duy rõ ràng, sắc bén, sau đó một điều cần thiết là sự nghiêm túc, cẩn trọng. Tôi rất thích ý của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn khi học trò hỏi rằng: Yếu tố gì đã giúp thầy đạt được những thành tựu lớn lao như vậy trong nghiên cứu khoa học? Giáo sư đã trả lời: Bố mẹ tôi đặt cho tôi cái tên rất ý nghĩa, Nguyễn Tài Cẩn - tài năng và cẩn thận, đó cũng là điều tôi luôn nhìn vào để cố gắng.
               - Vậy, nghiên cứu khoa học có phải là công việc của cá nhân?
               * Thường là thế, cũng có những ngoại lệ, nhưng không nhiều. Nghiên cứu là cả một quá trình lao động trí tuệ âm thầm, cực khổ. Nó bắt nguồn từ đam mê, từ sự thôi thúc của tư duy chứ không phải từ sự muốn phô trương, để tìm kiếm thứ danh vọng hão.
             - Đã từng viết nhiều giáo trình, vậy Giáo sư tâm đắc với công trình nào nhất? 
            *Tôi đã viết 6 cuốn sách, giáo trình, trong đó công trình mà tôi tâm huyết nhất là Ngữ pháp tiếng Việt. Đây là những kinh nghiệm mà tôi đúc rút sau hơn 20 năm nghiên cứu và giảng dạy học phần này kể từ khi ở lại làm giảng viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Vinh. 
            - Một vị giám đốc người Nhật đã nói: tiêu chuẩn để chọn trợ lý của ông là những người có ý kiến khác ông, những người có ý kiến giống trở nên dư thừa. Theo GS, bản thân những nhà giáo cần phải nhìn nhận thái độ, cách ứng xử này như thế nào, đặc biệt là với học trò?
              * Quả đúng như thế, đôi khi việc chấp nhận một ý kiến khác mình không phải dễ dàng gì, nhưng đó là một cách ứng xử tích cực, bởi vì con người không ai hoàn thiện, tri thức không phải bao giờ cũng đạt ngay đến cái chân lý. Là một giáo viên, càng phải tôn trọng những ý kiến khác, suy nghĩ khác của học trò. Tôi đi dạy, cũng có nhiều sinh viên tranh luận lại, mà tranh luận rất hùng hổ… (cười). Đến đây tôi lại nhớ lời thầy Nguyễn Tài Cẩn: Phải luôn luôn đổi mới nhưng cần thật sự cầu thị. Tranh luận là để học nhau mà phát triển. Đừng có hiếu thắng vào hư danh. Người ta có nói khác ý mình thì vẫn luôn học được một cái gì đấy.
            - Vâng, bản thân điều đó đã thể hiện sự dũng cảm và sự “phản tỉnh” trong nhận thức?
            * Đúng, và điều quan trọng là phải biết nhìn nhận ý kiến của người học ở hướng tư duy, cách tư duy, chứ không phải chỉ là kết quả.
            - Nhà tương lai học Anvin Toflơ cho rằng nhân loại đã trải qua hai làn sóng văn minh và đang bước vào làn sóng văn minh thứ ba. Chiếc chìa khoá để chúng ta mở cánh cửa vào tương lai đó chính là giáo dục. Song, hiện nay giáo dục nói chung và phương pháp dạy học nói riêng đang là vấn đề được trao đổi, tranh luận sôi nổi ở các diễn đàn giáo dục và trên các phương tiện truyền thông? Vậy, GS nghĩ gì về phương pháp dạy học trong nhà trường hiện nay?
             * Phương pháp dạy học trong nhà trường hiện nay đã có những đổi mới nhất định. Nhiều giáo viên có ý thức chuyển từ phương pháp giảng dạy theo kiểu truyền thụ kiến thức một chiều cho học trò sang việc tổ chức, hướng dẫn, gợi mở cho người học tự mình chiếm lĩnh tri thức. Tuy nhiên, một số giáo viên vẫn còn dạy học theo kiểu cũ, điều đó đã thủ tiêu tính sáng tạo, thói quen tự tư duy, tự suy nghĩ của người học. Tôi rất đồng tình với ý kiến của một nhà sư phạm khi cho rằng người giáo viên không phải là người đem chân lý đến cho học trò mà là người hướng học trò đi tìm chân lý. Học sinh không phải là một bình nước cần được đổ đầy mà là một ngọn đèn cần được thắp sáng.
             - Nhà báo Hữu Thọ từng nói “Chân lý bắt nguồn từ thiểu số”, hình như mọi chân lý, mọi phát hiện, mọi sáng tạo của con người đều bắt nguồn từ một cá nhân kiệt xuất nào đó, họ táo bạo trong tư duy, hành động, họ dũng cảm đấu tranh bảo vệ ý kiến của mình trước những cái tầm thường đã được công nhận. Họ luôn vươn lên để sống và cống hiến. Đó cũng là những phẩm chất mà một đất nước đang phát triển như chúng ta cần ở thế hệ trẻ? Mỗi con người đều mang trong mình một sức ì nào đó. Điều đáng nói là không được thoả hiệp với nó mà phải bứt lên.
             * Đều đúng cả! Chỉ xin lưu ý một điều: sự táo bạo, bứt phá đó phải dựa trên một cơ sở nhất định, nếu không sẽ thành viển vông, thậm chí lố bịch.
             - Vâng, cái phi thường và cái bất bình thường khác hẳn nhau, cũng như cái đặc biệt và cái lập dị. Là một người phụ nữ, có thể nói là thành đạt với nhiều thành công trong công tác chuyên môn, lại nguyên là uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ Trường khoá XXVIII, chủ nhiệm khoa Văn, GS muốn nói gì về sự bình đẳng giới?
            * Không! Theo tôi, không có cái gì gọi là sự bình đẳng giới, đó chỉ là cái để mỗi chúng ta mãi vươn lên mà thôi. Nam giới và nữ giới có những thiên chức khác nhau, không thể có sự đánh đồng, cái gọi là sự bình đẳng chỉ là sự thể hiện tính ưu việt của thời đại. Khi mà phụ nữ được tham gia công tác xã hội, được bảo vệ quyền lợi và được tôn trọng. Còn thực chất, sự bất bình đẳng vẫn luôn tồn tại. Nó thể hiện cả ở trong ngôn ngữ. Tiếng Anh không dùng “woman” để chỉ con người nói chung mà dùng “man”.
             - Công việc nhiều, có lúc nào GS cảm thấy mệt mỏi và muốn tìm cho mình một không gian yên tĩnh để chăm sóc bản thân, được biết GS rất thích nhạc của Trịnh Công Sơn?
            * Mệt mỏi chứ! Đôi khi rất cần yên tĩnh, để nghỉ ngơi, tất nhiên, yên tĩnh không phải để trốn tránh, nghỉ ngơi không phải vì chán việc mà là để lấy lại sức cho công việc. Tôi không được nghe nhiều, nhưng rất thích nhạc Trịnh, nhạc của Trịnh Công Sơn rất nhân bản, ca từ lại hay.
             - Có người nói một cách hình ảnh, nhà giáo như người lái đò, đưa hết thế hệ học trò này đến thế hệ học trò khác qua sông mà không hẹn ngày tái ngộ. Vậy, GS muốn nhắn nhủ điều gì đến những sinh viên của mình?
* Hầu nh­ư tất cả chúng ta đều biết một câu nói bất hủ của V.I.Lênin "Học, học nữa, học mãi". Nếu phân tích bản chất của câu nói thì ý Lênin không phải là học nữa, học mãi ở trường, ở lớp mà là sau khi đã nắm bắt đ­ược một l­ượng kiến thức cơ bản ở tr­ường thì sinh viên phải đem kiến thức đó phục vụ cho cuộc sống. Mỗi sinh viên phải thành thạo bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết ít nhất là một ngoại ngữ như­ tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung... để có khả năng đọc sách, nghiên cứu tài liệu nước ngoài và có thể giao tiếp, học tập với nhiều hình thức khác nhau. Sinh viên còn phải có trình độ tin học nhất định để tra cứu tài liệu, thu thập thông tin xử lý công việc một cách nhanh chóng có hiệu quả.
                    - Xin chân thành cảm ơn Giáo sư.
            Tuệ Hương - Nguyễn Quang Tuấn