Hằng năm, đã thành thông lệ,
ngày 20/11 là dịp để các thế hệ học sinh, sinh viên, phụ huynh bày tỏ sự tri ân
và kính trọng của mình đối với những người thầy, người cô đã dưỡng dục mình. Đó
chính là truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam được hun đúc qua
hàng ngàn năm lịch sử. Với lễ giáo phong kiến, vị trí của người thầy đã đứng
trên cả cha mẹ (Quân - Sư - Phụ) và đã đi vào lớn ăn tiếng nói hằng ngày
của nhân dân (Muốn sang thì bắc cầu
Kiều - Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy hay Không thầy đố mày làm
nên). Người thầy được coi là tấm gương sáng để học trò soi vào đó mà hoàn
thiện mình. Nghĩa thầy trò vì thế đã được hình thành từ ngàn xưa. Học trò muốn
thành người thì phải ra sức học tập thành tài. Người thầy có đạo đức trong
sáng, tri thức uyên bác thì học trò mới kính trọng. Sử sách nước ta đã ghi lại
khá nhiều câu chuyện cảm động và tình nghĩa thầy trò.
Người thầy nổi tiếng nhất trong
thời kỳ phong kiến ở nước ta là thầy giáo Chu Văn An, người được hậu thế tôn
xưng là “vạn thế sư biểu”. Ông Chu Văn An là một người học rộng tài cao nhưng
không theo con đường khoa cử để kiếm danh lợi trên chốn quan trường mà về mở
trường dạy học ở quê nhà. Được vua Minh Tông (1314 - 1329) mời vào dạy học ở
Quốc Tử Giám. Đến đời vua Dụ Tông (1341 - 1369) nhân chính sự suy đốn, ông trả
mũ áo xin về làng cũ ở ẩn. Các học trò vô cùng kính trọng ông. Nhiều người hiển
đạt như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… làm đến tể tướng nhưng mỗi khi có dịp đến thăm
thầy, vẫn giữ phép học trò, đứng hầu dưới thềm, khoanh tay nghe thầy dạy bảo.
Còn biết bao tấm gương thầy giáo mẫu mực, học trò giữ đạo hiếu được truyền tụng
mãi.
Bước sang thời kỳ hiện đại, dạy
học đã trở thành một nghề, được Nhà nước trả lương nhưng truyền thống “tôn sư
trọng đạo” vẫn được nhân dân và Nhà nước ta đề cao. Vai trò quan trọng và trách
nhiệm vẻ vang của người thầy đã được Đảng và Nhà nước ta thể hiện sâu sắc trong
Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư (khoá VII), Nghị quyết Hội nghị Trung
ương lần thứ hai (khoá VIII), Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về
giáo dục và đào tạo, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ lần thứ XII… Các
văn bản đó cùng với các chủ trương, chính sách của Nhà nước đã khẳng định giáo
dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của
toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong
các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống các trường đại
học, cao đẳng sư phạm được phát triển mạnh mẽ; sinh viên các trường sư phạm
được hưởng nhiều ưu đãi như miễn học phí, tăng học bổng; chế độ, chính sách cho
nhà giáo ngày càng được quan tâm, cải thiện.
Tuy đời sống còn gặp nhiều khó
khăn, thiếu thốn song đội ngũ giáo viên trong cả nước vẫn ngày đêm miệt mài trên
bục giảng, bám lớp, bám trường, sẵn sàng hy sinh quyền lợi bản thân để cống
hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”. Đã có hàng trăm, hàng ngàn giáo viên
chấp nhận xa gia đình, bè bạn… lên miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải
đảo dạy học. Đã có biết bao người thầy không màng danh lợi, sống đạm bạc, suốt
đời vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Không ít thầy cô giáo đã chia sẻ phần thu
nhập ít ỏi của mình nuôi học sinh nghèo học giỏi.
Chính từ những hoạt động tưởng
như bình thường ấy đã góp phần đem lại cho nền giáo dục nước nhà những bước
tiến vượt bậc. Nếu như trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, 95% dân số Việt Nam
bị mù chữ thì đến nay tất cả các tỉnh, thành trong cả nước đã hoàn thành kế
hoạch đạt mục tiêu về xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Ngày càng nhiều
học sinh Việt Nam được vinh danh trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế. Đó là
những tấm gương sáng cho học sinh cả nước noi theo, có tác dụng tích cực trong
phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.
Rất tiếc trong khi đa số giáo
viên vẫn tiếp tục giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp của người thầy thì
cũng có một bộ phận giáo viên suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống. Dư luận
xã hội đang hết sức bất bình trước những tiêu cực trong môi trường giáo dục
như: tình trạng quản lý lỏng lẻo; tham nhũng, lãng phí trong giáo dục khá phổ
biến với nhiều hình thức; sự gian lận trong thi cử, nạn mua bằng, bán điểm vẫn
còn; bệnh chạy theo thành tích mà không chú ý đến chất lượng thực chất, tổ chức
dạy thêm, học thêm tràn lan, tốn nhiều thời gian và tiền bạc của học sinh và
phụ huynh… Chính những hiện tượng nói trên đã phần nào đánh mất hình ảnh cao
đẹp về người thầy, góp phần khiến cho ngành giáo dục bên cạnh nhiều thành tựu
còn có không ít tồn tại, hạn chế.
Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện
đại hoá đất nước hiện nay đang đặt ra cho ngành giáo dục những đòi hỏi bức thiết,
phải kiên quyết và triệt để đổi mới từ công tác lãnh đạo, quản lý, đào tạo, bồi
dưỡng giáo viên, cải tiến và nâng cao chất lượng, chương trình giảng dạy… Trong
đó, yếu tố quan trọng nhất là giáo dục, rèn luyện đội ngũ giáo viên - nhân tố
quyết định chất lượng giáo dục. Giáo viên phải là những con người có tình yêu
đối với nghề nghiệp, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, có
tinh thần tự học, tự vươn lên để biết áp dụng những kiến thức, phương pháp mới
trong quá trình giảng dạy. Người giáo viên hiện nay không chỉ là người truyền
đạt kiến thức cho người học mà còn phải là người tổ chức, hướng dẫn học sinh tự
mình chiếm lĩnh tri thức để trở thành những con người toàn diện về đức, trí,
thể, mĩ. Có như vậy, đội ngũ giáo viên mới có thể đảm đương được trách nhiệm vẻ
vang của mình như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Có gì vẻ vang hơn là đào tạo
những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa
cộng sản. Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ
vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương,
song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất
vẻ vang”.
Nguyễn Quang Tuấn