Ngày sách Việt Nam và công tác phát triển văn hóa đọc tại Trường Đại học Vinh

 

TS. Vũ Duy Hiệp,

Giám đốc Trung tâm Thông tin -

 Thư viện Nguyễn Thúc Hào

 

          

Như chúng ta đã biết, sách là sản phẩm tinh thần, đồng thời là sản phẩm vật chất do lao động của con người sáng tạo nên, sự ra đời của sách là một bước tiến trong lịch sử văn minh nhân loại. Sách là tinh hoa của tri thức loài người, đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa xã hội. Có thể nói, mọi sự thành công của con người đều nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kinh nghiệm của bản thân với những tri thức lĩnh hội từ việc học trong cuộc sống, trong nhà trường và trong sách vở. Ở thời đại nào, việc đọc sách cũng là một trong những yếu tố cốt lõi để hoàn thiện nhân cách con người hướng tới các giá trị nhân văn cao cả.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành rất nhiều sự quan tâm đến sách báo và thư viện. Với tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, ngoài hai mươi tuổi Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, để tìm một học thuyết có khả năng dẫn dắt cuộc đấu tranh của dân tộc đi đến mục tiêu Tổ quốc độc lập, đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc. Người đã vượt qua 3 đại dương, 4 châu lục, đặt chân lên khoảng gần 30 nước, nhưng đọng lại ở Người ấn tượng sâu sắc nhất là nước Nga Xô Viết. Gặp được “Luận cương” của Lênin, Người bừng sáng về lý luận và thấm nhuần lời dạy của Lênin: Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng. Những năm bôn ba tìm đường cứu nước, sau những buổi lao động vất vả, làm bếp, rửa hình, vẽ đồ gốm, Người đều dành thời gian đi thư viện đọc sách, thăm bảo tàng và học ngoại ngữ. Là tấm gương sáng về tinh thần tự học, Người đã căn dặn: “chúng ta cần phải học, học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân”.

  Nhận thức được tầm quan trọng, giá trị to lớn của sách và thực trạng văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg về việc lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam, được tổ chức với quy mô cấp quốc gia nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, khuyến khích, đưa phong trào đọc sách, báo trở thành thành nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, trường học đối với việc góp phần xây dựng, phát triển văn hóa đọc Việt Nam, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Ngày nay, nhân loại đang chứng kiến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ. Trong xã hội thông tin, nền kinh tế tri thức, khi văn hóa nghe nhìn dường như đang dần lấn át văn hóa đọc, khi thời gian con người dành cho việc đọc các loại sách cũng ít hơn trước và ngày càng có nhiều bạn đọc cảm thấy lúng túng không biết lựa chọn thế nào trước một khối lượng sách, báo khổng lồ được xuất bản hàng ngày, thì phương pháp đọc sách càng trở nên cần thiết.

Không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của sách, song nó chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi người đọc thực sự yêu quý sách, hình thành thói quen đọc và phương pháp đọc đúng đắn. Phát triển văn hóa đọc để hướng đến giá trị nghệ thuật đích thực, góp phần bảo tồn phát triển nền văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, ngăn chặn và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của sách báo, sản phẩm lai căng, độc hại; đóng góp vào việc hình thành hệ giá trị chuẩn mực văn hóa của con người Việt Nam hiện nay.

Để góp phần xây dựng, phát triển văn hóa đọc trong xã hội, đặc biệt trong trường đại học, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học Vinh luôn quan tâm chỉ đạo việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin - thư viện, bổ sung nguồn học liệu và xây dựng không gian học tập, phục vụ tốt hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào không ngừng phấn đấu trở thành “giảng đường thứ 2”, là nơi lưu truyền tri thức và khơi nguồn cảm hứng sáng tạo của bạn đọc. Từ năm 2014 đến nay, Ngày sách Việt Nam đã được Trường Đại học Vinh và các khoa, viện, trường trực thuộc tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực, hiệu quả, giúp cho cán bộ, học sinh, sinh viên đến với sách, hình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, để ngày sách Việt Nam thực sự đi vào cuộc sống.

        Trong không khí thi đua của cả nước lập thành tích kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam lần thứ 7chương trình văn hóa thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc, chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Vinh lần thứ XXXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

        Trong niềm vui  ngày hội  sách đầy ý nghĩa này, xin gửi tới những người làm sách và yêu quý sách những điều tốt đẹp nhất. Xin chúc mừng Ngày sách Việt Nam với tất cả niềm tin yêu và hy vọng./.