Trong suốt quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Những lời nói và bài viết của Người về sự nghiệp trồng người là một trong những di sản vô cùng quý giá của dân tộc ta và Ngành Giáo dục. Từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, vận mệnh đất nước ở tình thế ngàn cân treo sợi tóc, cho đến ngày cả nước "xẻ dọc Trường Sơn" để giành độc lập, tự do cho dân tộc, non sông thu về một mối, Người luôn luôn dõi theo, nắm vững tình hình giáo dục để kịp thời động viên, nhắc nhở. Bác Hồ kính yêu chỉ có một ham muốn tột bậc là "làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Cách đây tròn 50 năm, vào ngày 15/10/1968, trong hoàn cảnh chiến tranh chống đế quốc Mỹ đang diễn ra ác liệt ở cả hai miền Nam - Bắc, Bác Hồ vẫn không quên ngày khai giảng năm học 1968 - 1969, Bác đã viết "Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới". Sinh thời, Bác đã viết tất cả 23 bức thư gửi cho ngành giáo dục. Đây là bức thư cuối cùng Bác gửi cho Ngành Giáo dục trước lúc đi xa. Bức thư luôn được là "Di chúc" của Bác dành riêng cho các nhà giáo, học sinh, sinh viên cả nước, thể hiện niềm tin tưởng và hy vọng của Người đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Bức thư có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và to lớn không chỉ đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, mà cả đối với dân tộc Việt Nam.

Bức thư của Bác được viết hết sức cô đọng, hàm súc (khoảng 800 chữ), thực sự truyền cảm và lay động trái tim người đọc. Nội dung bức thư thể hiện tư tưởng, triết lý sâu sắc về giáo dục và đào tạo, đầy chất nhân văn, cần được các nhà lãnh đạo, quản lý, các giáo viên, học sinh, sinh viên, học viên vận dụng vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế hiện nay. Những lời dạy tâm huyết của Bác có ý nghĩa lý luận và thực tiễn vô cùng sâu sắc, là phương châm, phương pháp cho những người làm công tác giáo dục hôm nay và mai sau.

Trong nội dung chính của bức thư, Bác phấn khởi biểu dương những thành tích đạt được của sự nghiệp giáo dục nước nhà: "Trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, sự nghiệp giáo dục của chúng ta vẫn phát triển nhanh, mạnh hơn bao giờ hết"; rồi Bác nêu lên một số thành tích tiêu biểu như: miền Bắc đã có một vạn hai nghìn trường phổ thông, số người đi học đã hơn 6 triệu, hơn 30 trường đại học và 200 trường trung học chuyên nghiệp… và khẳng định "Các trường đã có nhiều cố gắng trong việc thi đua dạy tốt và học tốt, bảo đảm an toàn cho thầy và trò, làm cho đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tiến bộ". Theo Bác, đạt được thành tích như vậy bên cạnh có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của nhân dân, điều quan trọng là nhờ sự nỗ lực phấn đấu của bản thân ngành Giáo dục "do các cô, các chú, các cháu trong các trường học đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khǎn để hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Ghi nhận thành tích của ngành Giáo dục, đồng thời Bác cũng chỉ ra nhiệm vụ cách mạng nước ta nói chung và ngành Giáo dục nói riêng còn hết sức khó khăn, gian khổ và nặng nề hơn trước. Từ đó, Người ân cần căn dặn, chỉ dẫn, định hướng, mong mỏi và yêu cầu: "Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng…" và "Dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn, nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra, và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật". Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ ấy, Bác căn dặn là phải đoàn kết chặt chẽ và phát huy dân chủ trong nhà trường: "Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó". Bác rất coi trọng vấn đề đoàn kết và tinh thần dân chủ. Hai điều ấy là động lực mạnh mẽ để cách mạng thành công.

Người nhấn mạnh: "Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”, “phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt" và "nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang". Trước đó, vào ngày 21/10/1964, tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Bác cũng đã từng nói: "Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa", "Bác đối với nhà trường, đối với nền giáo dục của ta, tuy chưa phải là trăm phần trăm mãn nguyện, nhưng càng ngày Bác càng bằng lòng hơn: năm nay bằng lòng hơn năm ngoái và sang năm chắc sẽ bằng lòng hơn năm nay", "Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Phải có chí khí cao thượng, phải "tiên ưu hậu lạc" nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ".

Phần cuối bức thư, Bác Hồ nêu rõ trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và chính quyền đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo: "Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp Đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới".

Thực hiện lời dạy của Bác, toàn Ngành Giáo dục đã dấy lên phong trào thi đua "dạy tốt và học tốt"; hàng nghìn nhà giáo, học sinh, sinh viên đã cố gắng nỗ lực hết mình vì đồng bào miền Nam ruột thịt; hàng trăm nhà giáo và sinh viên đã rời bục giảng, rời ghế nhà trường lên đường ra trận… Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước vô cùng ác liệt, đất nước gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn và hiểm nguy, nhưng sự nghiệp giáo dục Việt Nam vẫn tồn tại, phát triển và giành được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và nhân dân ta. Từ những mái trường ở nơi sơ tán, thế hệ tuổi trẻ học đường được rèn luyện theo lý tưởng cách mạng, thấm nhuần lời dạy của Bác đã trưởng thành về mọi mặt: tư tưởng và tình cảm, ý thức và phương pháp tự học, tự rèn luyện để trở thành những người lao động, những chiến sỹ có văn hóa, có kiến thức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong thời chiến tranh và trở thành lực lượng lao động có bản lĩnh và trí tuệ trong xây dựng, phát triển đất nước ở thời bình.

Trong những năm gần đây, ngành Giáo dục và Đào tạo đã triển khai các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được nhiều kết quả tích cực. Các thầy giáo, cô giáo giữ vững ngọn lửa đam mê với sự nghiệp giáo dục, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy học; các em sinh viên, học sinh phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, ý chí vươn lên, thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt để mai sau cống hiến cho nước nhà. Dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo nhưng giáo dục mầm non đang ngày càng được quan tâm để tương xứng với ý nghĩa của bậc học nền tảng ban đầu. Trong khi đó, giáo dục phổ thông đánh dấu những đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học để tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông mới. Giáo dục đại học tiếp tục có những chuyển biến, mục tiêu nâng cao chất lượng, mô hình tự chủ đại học dần được định hình và được xã hội chấp nhận, văn hóa kiểm định chất lượng từng bước được hình thành trong các cơ sở giáo dục đại học. Trong quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, việc ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh với 100% trường trung học phổ thông có ít nhất một phòng máy tính phục vụ giảng dạy môn Tin học, 100% cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng có phòng máy tính, mạng nội bộ và kết nối internet phục vụ cho học tập và nghiên cứu khoa học... Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không ngừng được nâng lên. Ngành giáo dục triển khai rà soát, xây dựng các chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng trường mầm non, phổ thông; chuẩn giảng viên sư phạm; ban hành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp... Ðội tuyển Việt Nam tham dự Olimpich khu vực và thế giới các môn văn hóa tiếp tục khẳng định được vị thế khi toàn bộ thí sinh dự thi đều đoạt giải. Ðối với giáo dục đại học, số lượng cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định quốc tế và trong nước tăng lên đáng kể. Vị thế các trường đại học của Việt Nam trong bảng xếp hạng châu Á, thế giới ngày càng tăng. Nước ta lần đầu tiên có Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nằm trong top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới. Ngày 15/3/2018, Ngân hàng Thế giới đã ra thông cáo báo chí khẳng định, sự phát triển hệ thống giáo dục của Việt Nam là một thành tựu lớn của khu vực và có thể trở thành những bài học kinh nghiệm quý cho các quốc gia khác trên thế giới.

Càng thấm nhuần lời dạy, tình cảm, tư tưởng của Bác trong bức thư cuối cùng Người gửi cho Ngành Giáo dục, mỗi thầy, cô giáo, học sinh, sinh viên càng quyết tâm biến nhận thức thành hành động cụ thể; luôn khắc cốt ghi tâm, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để thực hiện tốt bổn phận, trách nhiệm của mình với tinh thần: "Dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt". Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thi đua giữ vững mục tiêu giáo dục, vượt khó vươn lên dạy tốt, học tốt. Cán bộ quản lý giáo dục các cấp cần thực hiện tốt dân chủ trong trường học và đổi mới công tác quản lý nhà trường, coi trọng nhiệm vụ giáo dục, đào tạo lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Nhà giáo phải yêu nghề, tận tâm tận lực với nghề; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp, gắn bó mật thiết với nhân dân, gần gũi, yêu thương chăm sóc học sinh, sinh viên… để xứng đáng "Mỗi nhà giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo". Học sinh, sinh viên phải luôn kính trọng thầy cô giáo, thân thiện, yêu quý bạn bè; không ngừng tu dưỡng đạo đức và chăm chỉ học tập, học một cách tự giác, tích cực, chủ động và sáng tạo, chống thụ động, lười biếng; hăng hái rèn luyện và tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện, bảo vệ môi trường… Ngành Giáo dục và Đào tạo phải đổi mới cách dạy và học theo hướng nâng cao khả năng tự học, học sáng tạo, hình thành thói quen và niềm say mê học tập suốt đời. Đó là công việc đòi hỏi một quá trình phấn đấu liên tục, một sự cố gắng, nỗ lực không ngừng mới đạt được. Có như thế, đất nước Việt Nam mới "sánh vai với các cường quốc năm châu" như sinh Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.

          Tròn nửa thế kỷ đã trôi qua, hoàn cảnh của đất nước hiện tại đã đổi thay rất nhiều nhưng nội dung bức thư của Bác gửi cho ngành Giáo dục ngày 15/10/1968 đến nay vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự nóng hổi. Đọc lại bức thư cuối cùng Bác Hồ gửi cho toàn Ngành Giáo dục, suy nghĩ về bổn phận, trách nhiệm của nhà giáo và học sinh, sinh viên hôm nay, chúng ta càng thấm thía lời dạy của Người trong bức thư. Giờ đây, tuy đất nước vẫn còn những khó khăn, thách thức nhưng thời cơ và thuận lợi là cơ bản; vì vậy không có lí do gì mà sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo lại không thực hiện tốt những điều Bác Hồ đã dạy. Vấn đề cốt lõi hiện nay là mỗi cán bộ quản lý giáo dục, mỗi thầy, cô giáo và từng học sinh, sinh viên phải biết trân trọng, gìn giữ, phát huy những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu của nhà trường, của ngành Giáo dục trong thời kỳ kháng chiến, để tiếp tục phát huy, sáng tạo những bài học đó trong tình hình nhiệm vụ mới.

Trường Đại học Vinh được thành lập từ năm 1959. Trải qua 59 năm xây dựng và phát triển, từ một trường đại học sư phạm đến nay Trường đã trở thành một trường đại học đa cấp, đa ngành và đa lĩnh vực. Nhà trường vinh dự là trường đại học đầu tiên của Trung ương đóng trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mảnh đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống hiếu học, yêu nước và cách mạng. Ra đời trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trường Đại học Vinh đã trải qua những chặng đường phát triển vô cùng gian khổ nhưng cũng rất đỗi vinh quang. Trong cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ gây ra đối với Miền Bắc, Nhà trường đã trải qua 8 năm sơ tán, gian nan tột bậc, chịu tổn thất nặng nề nhất trong hệ thống các trường đại học. Đến năm 1973, Nhà trường mới quay trở lại thành phố Vinh và phải xây dựng lại hoàn toàn. Trong những năm tháng khó khăn chung của đất nước trước đổi mới, Nhà trường đã ra sức khắc phục mọi khó khăn, thử thách, bằng ý chí tự lực tự cường, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng thi đua dạy tốt, học tốt. Từ những năm 1990, tiếp thu tinh thần đổi mới của Đảng, đường lối, chính sách của Nhà nước, Nhà trường đã từng bước ổn định và mở rộng phát triển theo hướng đa ngành. Năm 2001, ghi nhận những nỗ lực và cố gắng của tập thể Nhà trường trong việc chuyển từ một trường đại học sư phạm trở thành một trường đại học đa ngành, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đổi tên Trường Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Vinh. Tháng 7 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung Trường Đại học Vinh vào danh sách xây dựng thành trường đại học trọng điểm Quốc gia. Hiện nay, Trường Đại học Vinh là 1 trong 8 trung tâm đào tạo, bồi dưỡng sư phạm; là 1 trong 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của cả nước; là 1 trong 10 trường tham gia Đề án Ngoại ngữ Quốc gia. Trường được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục lần thứ 2 vào năm 2017.

Trong suốt chặng đường phát triển, Trường Đại học Vinh luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là tỉnh Nghệ An và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cán bộ, đảng viên và người học của Trường luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ mà hạt nhân là Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng uỷ; sự điều hành linh hoạt, sáng tạo của Ban Giám hiệu; đồng cảm và chia sẻ với những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức của Nhà trường, của đơn vị, của nền giáo dục đại học nước nhà. Đảng bộ, Nhà trường, các đoàn thể quần chúng và nhiều cán bộ, đảng viên, viên chức đã được tặng thưởng các danh hiệu cao quý, góp phần khẳng định vị thế, uy tín của Nhà trường trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Nhà trường đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất và được Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng Huân chương Hữu nghị. Những thành tựu trong những năm qua đã tạo tiền đề quan trọng để Nhà trường tiếp tục đổi mới công tác quản trị, quản lý Nhà trường, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Bước vào năm học 2018 - 2019, Trường Đại học Vinh tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội khóa XIII, Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội khóa XIV và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Chỉ thị số 2919/CT-BGDDT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018 - 2019 của ngành Giáo dục; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường lần thứ XXXI và kết luận Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Trường mở rộng giữa nhiệm kỳ 2015 - 2020, các nghị quyết của Hội đồng trường, phấn đấu thực hiện Tầm nhìn: "Trường Đại học Vinh trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia, thành viên của Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN" và Mục tiêu tổng quát: "Tạo dựng môi trường học thuật tốt để hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực cá nhân, hướng tới sự thành công", thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Vinh (1959 - 2019).

Hiện nay, toàn Ngành Giáo dục và Đào tạo đang đẩy mạnh thực hiện tự chủ, trong đó thí điểm triển khai mô hình trường đại học tự chủ không có bộ chủ quản để đánh giá, rút kinh nghiệm, tiến tới thực hiện cơ chế không có bộ chủ quản cho toàn bộ hệ thống. Trong bối cảnh đó, bên cạnh những thuận lợi cơ bản thì Trường Đại học Vinh cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác Hồ kính yêu "Dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt", cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, học viên toàn Trường tiếp tục đoàn kết, nhất trí, nắm bắt cơ hội, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức với tinh thần "Nuôi dưỡng say mê - Khuyến khích sáng tạo - Tôn trọng khác biệt - Thúc đẩy hợp tác", phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2018 - 2019, thực hiện tốt Sứ mạng: "Trường Đại học Vinh là cơ sở giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nghiên cứu khoa học giáo dục, khoa học cơ bản, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, luôn hướng tới sự thành đạt của người học" và Giá trị cốt lõi: Trung thực (Honesty), Trách nhiệm (Accountability), Say mê (Passion), Sáng tạo (Creativity), Hợp tác (Cooperation); quyết tâm và trách nhiệm cao nhất để thực hiện thành công công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, mang lại niềm tin trong xã hội và góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của đất nước.

Nguyễn Quang Tuấn tổng hợp