Thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, nhân kỷ niệm “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012”, kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Lào, Trường Đại học Vinh đã tổ chức cho học sinh, sinh viên, học viên tham gia cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”. Sau gần 4 tháng triển khai (từ 28/5/2012 đến 28/9/2012), đã có 19 liên chi đoàn và Đoàn trường trực thuộc (với 340 chi đoàn, hơn 10.000 đoàn viên, thanh niên) trong toàn Trường tham gia cuộc thi với hai hình thức: thi trắc nghiệm và thi viết. Ban Tổ chức cấp Trường đã nhận được hơn 2.000 bài thi viết của học sinh, sinh viên, học viên cao học, trong đó có một số tác giả, nhóm tác giả là Lưu học sinh Lào đang học tập tại Trường. Ban Tổ chức cấp Trường đã quyết định trao 01 giải nhất, 03 giải nhì, 06 giải ba và 10 giải khuyến khích cho các tập thể, tác giả và nhóm tác giả đạt thành tích.
Để cuộc thi đạt được chất lượng, sau khi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát động, Đảng ủy đã chỉ đạo Văn phòng Đảng ủy và Ban Thường vụ Đoàn trường xây dựng kế hoạch triển khai cuộc thi; sưu tầm tranh, ảnh, tư liệu cung cấp cho cán bộ, học sinh, sinh viên, học viên... Phần thi trắc nghiệm, cán bộ và người học trực tiếp tra cứu thông tin và dự thi theo tuần trên các báo, tạp chí, trang tin, cổng thông tin điện tử như Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tiền Phong, Thanh niên, Tuổi trẻ... Đối với nội dung thi viết, Ban Tổ chức của Trường đã gửi tới các đơn vị đề cương gợi ý một số nội dung chính trong 11 chủ đề tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam gồm: Những nhân tố hình thành, quyết định mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam; Tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào trong những năm tháng chiến tranh trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay; Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay xỏn Phômvihản, Chủ tịch Xuphanuvông và các nhà lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam; Những thành tựu có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam; Những kỷ niệm sâu sắc về tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay; Những biểu hiện sinh động của mối quan hệ đoàn kết, gắn bó thủy chung, son sắc của hai dân tộc Việt Nam - Lào dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước trong những năm qua; Những kinh nghiệm quý báu về việc gìn giữ, củng cố, phát huy truyền thống hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào; Tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong lịch sử của hai dân tộc và trên những chặng đường phát triển mới; Những cảm nghĩ về nền văn hóa, về đất nước và con người Lào; Cần làm gì để gìn giữ, phát huy tình cảm hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào; Tại sao hai dân tộc Việt Nam - Lào phải yêu thương gắn bó chặt chẽ với nhau.
Các bài dự thi đều bám sát chủ đề và toát lên được tình cảm, sự trân trọng và niềm tự hào về mối quan hệ hữu nghị, gắn bó thuỷ chung giữa hai Đảng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Nhiều bài dự thi được các tác giả, nhóm tác giả trình bày hết sức công phu như: bài dự thi của đồng chí Lê Đinh Hà (khoa Giáo dục chính trị) có bìa làm bằng gỗ trắc, có cài nhạc là những bài hát ca ngợi tình hữu nghị của 2 nước, đặc biệt đây là bài viết song ngữ bằng 2 thứ tiếng Việt Nam và Lào. Bài dự thi của nhóm tác giả Trần Ngọc Đoàn, Khambay Bounlam (khoa Giáo dục chính trị) ngoài phần nội dung còn có phần phụ lục với hàng trăm tranh, ảnh, bài hát về mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa hai dân tộc trong quá khứ cũng như hiện tại. Hay như bài của nhóm tác giả Trương Thị Quý, Khamkeng Sengmilathy, Nguyễn Đình Kim Cương (khoa Giáo dục chính trị) đã có những trang viết đầy xúc động về những kỷ niệm của các cựu chiến binh, của nhân dân Nghệ An đối với sự nghiệp cách mạng của 2 nước cũng như những tình cảm cá nhân, ấn tượng sâu sắc về Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Cayxỏn Phômvihản trong những ngày đồng chí thăm và làm việc tại Việt Nam... Nhiều bài dự thi được trang trí đẹp, nhiều ảnh minh họa cho bài viết, nhất là ảnh về các hoạt động hợp tác đào tạo, hoạt động tình nguyện giữa cán bộ, sinh viên Trường Đại học Vinh với nhân dân các tỉnh của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Có thể nói cuộc thi thực sự là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Trường, góp phần tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên, học viên của toàn Trường về tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước. Thông qua cuộc thi đã vun đắp, củng cố thêm tình hữu nghị thuỷ chung giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, nhất là đối với thế hệ trẻ của hai nước, như Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản đã đúc kết “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông” và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Việt- Lào, hai nước chúng ta - Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.
Nguyễn Quang Tuấn