Ngày 6/3/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010- 2012 và Chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 -2012 tại sáu đầu cầu truyền hình Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Vinh, Ðà Nẵng và Cần Thơ. Dự hội nghị có gần 1.400 đại biểu đại diện lãnh đạo các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo, Uỷ ban nhân dân các tỉnh và các bộ, ngành Trung ương. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.
           Ngày 27/2/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: giáo dục đại học hiện nay còn bộc lộ nhiều hạn chế và yếu kém như: Chất lượng đào tạo nhìn chung còn thấp, chưa theo kịp đòi hỏi phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; cơ chế quản lý Nhà nước về giáo dục đại học và sự quản lý của các trường đại học, cao đẳng còn nhiều bất hợp lý kéo dài, chưa tạo ra động lực đủ mạnh để phát huy năng lực sáng tạo và sự tự chịu trách nhiệm của đội ngũ giảng viên, các nhà quản lý và sinh viên để đổi mới mạnh mẽ căn bản giáo dục đại học.
           Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: Cần quán triệt nhận thức, phát triển quy mô giáo dục đại học phải đi đôi với đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo. Kiên quyết chấm dứt tình trạng không kiểm soát được chất lượng đào tạo… Coi việc đổi mới quản lý giáo dục đại học bao gồm quản lý nhà nước về giáo dục đại học và quản lý của các cơ sở đào tạo là khâu đột phá để tạo ra sự đổi mới toàn diện của giáo dục đại học, từ đó đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học một cách bền vững.
           Bên cạnh đó, trong Chỉ thị, Thủ tướng đã giao cho Bộ GD-ĐT thực hiện 12 yêu cầu. Trước hết, Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức thảo luận trong tất cả các cơ sở giáo dục đại học: Vì sao phải nâng cao chất lượng đào tạo, làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo trong giai đoạn hiện nay. Tiếp đó, Bộ GD-ĐT cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch, rà soát lại các chỉ tiêu phát triển hệ thống giáo dục đại học đến năm 2020; đồng thời tăng cường công tác dự báo để các mục tiêu và chỉ số phát triển giáo dục đại học có tính khả thi, làm cơ sở xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020.
          Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015. Hướng dẫn và kiểm tra các trường áp dụng mức trần học phí mới theo hướng tăng học phí phải gắn liền với các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng đào tạo. Cần tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các cam kết của các cơ sở giáo dục trong đề án thành lập trường về cơ sở, vật chất, đội ngũ nhà giáo, chương trình học... nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu nghiêm khắc xử lý triệt để các trường sau 3 năm thành lập không đáp ứng đủ các tiêu chí, điều kiện của một trường đại học, cao đẳng như cam kết.
             Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành phải chủ động phối hợp với Bộ GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình hành động về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 - 2012, xây dựng chiến lược phát triển trường giai đoạn 2011-2015; theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ, ngành nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các cơ chế và chính sách quản lý đáp ứng yêu cầu phát triển của toàn hệ thống giáo dục đại học.
             Trước đó, Bộ GD và ÐT cũng xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ GD và ÐT về thực hiện đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012. Theo Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng, nhiệm vụ đổi mới toàn diện, mạnh mẽ quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 - 2012 được thực hiện thông qua việc tổ chức thảo luận trong toàn ngành và xã hội: “Làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo?”; Rà soát lại các chỉ tiêu phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2010-2020; Đổi mới về chất công tác quản lý giáo dục đại học.
             Một trong những việc đầu tiên cần làm là tổ chức cuộc thảo luận trong toàn ngành và xã hội: “Làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo để thống nhất nhận thức không thể tiếp tục phát triển quy mô giáo dục đại học mà lại buông lỏng quản lý chất lượng như thời gian qua. Các bên liên quan bao gồm quản lý nhà nước, quản lý nhà trường, giảng viên, sinh viên, người sử dụng lao động và xã hội đều có trách nhiệm về chất lượng đào tạo, trong đó đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục đại học là khâu đột phá để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo. Tổ chức công tác tuyên truyền để các cơ sở giáo dục đại học, các giảng viên, các Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan báo chí đều biết và thực hiện 11 giải pháp sẽ được triển khai và 23 văn bản quản lý nhà nước về giáo dục đại học sẽ được ban hành theo Nghị quyết này và chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đổi mới toàn diện, mạnh mẽ quản lý giáo dục đại học.
            Hội nghị lần này vừa triển khai những nội dung đổi mới giáo dục đại học theo Chỉ thị của Thủ tướng, vừa chỉ ra những nguyên nhân, tồn tại của các yếu kém, từ đó đề ra giải pháp để hoàn thiện chương trình hành động về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 -2012, nhằm triển khai một cách có hiệu quả.
            Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến chung quanh việc triển khai thực hiện đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục đại học như: vấn đề ba công khai, biên soạn giáo trình, thực hiện đánh giá, kiểm định chất lượng đào tạo... Các kiến nghị đổi mới quản lý giáo dục đại học gồm: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học theo hướng bám sát vào điều kiện thực tế để dễ dàng đi vào cuộc sống; Đổi mới việc quản lý cán bộ giảng dạy tham gia nghiên cứu khoa học (hiện nay chúng ta chưa có chế tài quản lý việc giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học nào khác ngoài việc quản lý qua thi đua, khen thưởng); Chấp nhận đầu tư không đồng đều để hình thành những ngành tinh hoa, mũi nhọn; Đào tạo sau đại học cần phân luồng; có chế độ ưu tiên những giảng viên, sinh viên có tham gia nghiên cứu khoa học; Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp về đào tạo và nghiên cứu khoa học... Hoàn thiện các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của các trường: xây dựng cơ sở vật chất; rà soát, hoàn thiện giáo trình; các trường cùng khối ngành xây dựng bộ giáo trình dùng chung; tạo điều kiện thu hút sự đóng góp công sức trí tuệ của đông đảo giảng viên, các nhà khoa học trong và ngoài nước để xây dựng hệ thống giáo trình. Tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục; xây dựng các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục lớn ở các khu vực. Có đại biểu kiến nghị, trong thực hiện đổi mới cơ chế tài chính, cần cho phép các trường thực hiện thu học phí theo phương châm chất lượng cao - học phí cao; tạo điều kiện cho các trường tổ chức các chương trình đào tạo chất lượng quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng, việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học không chỉ là trách nhiệm của các trường, của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà liên quan đến nhiều bộ, ngành, nhiều địa phương, do đó cần Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, các cấp, các ngành cùng triển khai thực hiện, trong đó ngành giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm chính. Cần có sự phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với chính quyền các địa phương trong việc chỉ đạo, quản lý các trường thuộc địa phương; cần có cơ chế chính sách hợp lý, tạo điều kiện tối đa để các trường địa phương tự chủ và chịu trách nhiệm trước xã hội trong hoạt động...
                 Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay đặt ra nhu cầu cần có hàng trăm nghìn lao động có trình độ đại học, cao đẳng, hàng vạn tiến sĩ, thạc sĩ. Tuy nhiên, vấn đề đào tạo đại học, cao đẳng nước ta nhiều năm qua tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng về tổng thể chưa có chuyển biến, chưa kiểm soát được. Việc đổi mới quản lý chính là khâu đột phá nâng cao chất lượng chính là thay đổi cách làm, có cơ chế để trường nào quan tâm tới chất lượng sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong hoạt động giảng dạy nghiên cứu, nơi nào không  quan tâm sẽ có chế tài xử lý nghiêm khắc. Việc nâng cao chất lượng cần nhắm tới mục tiêu có lợi cho người học, người dạy, nhà trường và xã hội. Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân phân tích những vấn đề yếu, kém trong quản lý hệ thống. Đó là sự phân cấp quản lý còn chưa rõ ràng giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố; Việc đánh giá hiệu trưởng các trường thực hiện chưa tốt, cần phải tiến hành từ ba phía: cấp trên, ngang cấp và cấp dưới; Trong nguyên tắc đối xử với giảng viên, việc trả lương không nên cào bằng mà cần khuyến khích tạo động lực cho giảng viên nâng cao trình độ; Cần nhanh chóng thực hiện công khai thu- chi tài chính của các trường... Bộ trưởng cho biết, sau hội nghị toàn quốc này, đến ngày 15/5, Bộ sẽ tổ chức hội nghị theo vùng. Trong hội nghị vùng, hiệu trưởng tất cả các trường phải đưa ra văn bản cam kết về chất lượng đào tạo của trường mình đồng thời có kế hoạch dự kiến ba năm đổi mới quản lý của trường. Đến ngày 15/12, Hội nghị vùng lần thứ hai sẽ được tổ chức, trong đó, các trường phải công bố Chiến lược phát triển 5 năm của nhà trường.
 
 
 
 
Các đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu truyền hình Trường Đại học Vinh
 
 
 
 
 
 
 
Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị
 
 
 
 
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trình bày báo cáo tại hội nghị
 
 
 
 
Các đồng chí chủ trì hội nghị tại điểm cầu truyền hình Trường Đại học Vinh
 

                                                                                                                          Tin, ảnh Nguyễn Quang Tuấn