Đó là nhấn
mạnh của GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung
ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận -
thực tiễn qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá
độ lên chủ nghĩa xã hội, trọng tâm là 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung,
phát triển năm 2011) tại cuộc làm việc với Bộ GD&ĐT, sáng 7/3.
Cùng dự cuộc
làm việc có các đồng chí là thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, thành viên
Ban Chỉ đạo Tổng kết. Về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Thứ
trưởng Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức, đại
diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả và công bằng
xã hội trong giáo dục
Theo báo cáo
của Bộ GD&ĐT, sau 10 năm thực hiện Cương lĩnh, Chiến lược phát triển kinh
tế - xã hội (2011-2020) và 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng,
nhận thức và tư duy về giáo dục và đào tạo có những đổi mới quan trọng, phù hợp
với xu thế hiện nay trên thế giới; hình thành quan điểm mới về tư duy giáo dục
là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam theo hướng chuyển từ cách tiếp
cận từng phần trước đây sang cách tiếp cận tổng thể, toàn hệ thống trong phát
triển giáo dục với trọng tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả và công bằng xã hội
trong giáo dục.
Hệ thống quan
điểm, tư tưởng phát triển giáo dục được bổ sung, phát triển để giáo dục đáp ứng
yêu cầu vận động đồng bộ với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Mục tiêu giáo dục đã được nhận thức đầy đủ hơn, trong đó Nghị quyết 29 về đổi
mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đã thể hiện nhận thức rõ về tầm quan
trọng của phát triển cá nhân và xác định “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ
yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người
học”.
Nhìn lại 10
năm, giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, song cũng còn
những hạn chế, thách thức, khó khăn cần khắc phục. Trước yêu cầu mới, nhiều vấn
đề mới đang đặt ra về lý luận, thực tiễn trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo
như: Tái cơ cấu hệ thống giáo dục và phân cấp quản lý; cơ chế thị trường, định
hướng xã hội hội chủ nghĩa trong giáo dục; đảm bảo công bằng giáo dục (tiếp
cận, chất lượng, loại hình giáo dục công lập - tư thục...); xây dựng và giáo
dục con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của công dân toàn cầu; xây dựng xã hội
học tập và học tập suốt đời.
Tại cuộc làm
việc, những thành tựu của giáo dục đã được nhìn nhận, những khó khăn, thách
thức cũng được thẳng thắn chỉ ra. Theo PGS.TS Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng
Lý luận Trung ương, trong mấy chục năm đổi mới, giáo dục đã đạt được những
thành tựu quan trọng, sản phẩm của giáo dục được thể hiện bằng đội ngũ cán bộ,
đội ngũ lao động đã và đang đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Tuy nhiên,
PGS.TS Trần Quốc Toản cho rằng, việc nghiên cứu cơ sở lý luận cho đổi mới căn
bản, toàn diện giáo dục và đào tạo còn nhiều bất cập; quá trình triển khai Nghị
quyết cũng chưa đưa ra được lộ trình cụ thể, dẫn tới còn lúng túng trong triển
khai. Vấn đề đặt ra tới đây là phải tiếp tục đổi mới tư duy, xây dựng đồng bộ
cơ chế chính sách đảm bảo mục tiêu “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Đồng thời,
đổi mới đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và
đào tạo.
Nhấn mạnh đến
tầm quan trọng của đổi mới thể chế, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý
luận Trung ương khẳng định, đây là vấn đề sống còn trong đổi mới giáo dục.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn nêu quan điểm, lâu nay chúng ta vẫn nói “giáo dục là quốc
sách hàng đầu” nhưng nội hàm của quan điểm này chưa rõ ràng, quốc sách hàng đầu
được thể hiện bằng sự đầu tư của Nhà nước hay bằng sự quan tâm của xã hội không
được làm rõ, dẫn tới có sự lúng túng trong định hướng, mục tiêu giáo dục.
Đề xuất tại
cuộc làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề cập tới 4 vấn đề: nhận thức, quan
điểm, thể chế và hành động. Theo Bộ trưởng, vấn đề nâng cao nhận thức về đổi
mới giáo dục tưởng chừng như đã làm rồi nhưng trên thực tế chưa đầy đủ và bền
vững, đã đến lúc phải nhận thức đúng về khoa học giáo dục, bản chất của giáo
dục, trách nhiệm của từng người trong hoạt động giáo dục.
Quan điểm đa
chiều, không đồng nhất về giáo dục cũng đang ảnh hưởng tới định hướng phát
triển lâu dài của giáo dục, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng và hoàn thiện thể
chế giáo dục. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong rằng, tới đây những vấn đề liên
quan đến thể chế giáo dục sẽ được đề cập trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ
XIII, từng bước tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn” của giáo dục hiện nay.
Giáo dục được đặt xứng tầm là nền tảng của
sự phát triển
Phát biểu kết luận
cuộc làm việc, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận
Trung ương đánh giá cao những thành tựu ngành Giáo dục đã đạt được thời gian
qua, đồng thời chia sẻ những khó khăn, thách thức mà ngành đang phải đối mặt.
GS.TS Phùng
Hữu Phú cho rằng, làm giáo dục rất khó vì động đến mọi người, mọi nhà, chúng ta
lại đang trong quá trình cải tiến từ hệ thống tư duy, mô hình giáo dục truyền
thống sang mô hình mới, cách tiếp cận mới, trong khi mô hình truyền thống còn
rất nặng nề do ảnh hưởng của tư duy bao cấp trong thời gian dài nên rất khó
khăn để chuyển biến về tư duy, nhận thức và hành động trong giáo dục.
Trong hoàn
cảnh đó, những nỗ lực của ngành Giáo dục là rất đáng ghi nhận, từ ý tưởng đến
quá trình triển khai của ngành và sự cố gắng của đội ngũ giáo viên. Để xã hội
hiểu đúng, hiểu rõ về những việc đã làm được, GS.TS Phùng Hữu Phú lưu ý ngành
Giáo dục cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông, chủ động tạo dư luận, định
hướng dư luận về những vấn đề của ngành.
Về quá trình
xây dựng văn kiện Đại hội Đảng XIII, GS.TS Phùng Hữu Phú cho biết, lần này sẽ
đổi mới cách làm, việc xây dựng văn kiện không chỉ của một nhóm người, của một
tổ biên tập mà phải là toàn xã hội cùng xây dựng văn kiện, văn kiện phải xuất
phát từ những trăn trở trong thực tiễn. Vì vậy, Ban soạn thảo mong muốn, sau
cuộc làm việc này, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp
phát triển giáo dục để hoàn thiện văn kiện.
GS.TS Phùng
Hữu Phú nhấn mạnh, trong văn kiện có nhiều vấn đề, lĩnh vực quan trọng nhưng
lần này Ban Chỉ đạo soạn thảo văn kiện muốn đặt giáo dục và đào tạo phải có
điểm nhấn, đột phá và khả thi. Bởi không có quốc gia nào phát triển không xuất
phát từ giáo dục. Do vậy giáo dục phải là điểm nhấn, điểm sáng trong văn kiện
Đại hội Đảng lần thứ XIII và phải được đặt xứng tầm với vị thế là gốc, là nền
tảng của sự phát triển.
Về vấn đề thể
chế, GS.TS Phùng Hữu Phú cho biết, trong văn kiện lần này, Ban Chỉ đạo đề xuất
một thể chế phát triển đồng bộ: chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa... và kết
nối trong một thể chế phát triển chung. Điều này sẽ khắc phục được hạn chế của
việc xây dựng thể chế biệt lập như hiện nay, dẫn tới có tình trạng khoán trắng
và đổ lỗi trong quá trình thực hiện.
Theo Trang TTĐT Bộ Giáo dục và Đào tạo