Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 29, giáo dục đại học của Việt Nam đã thực sự đổi mới tiệm cận với thế giới. Văn hóa chất lượng được đề cập không phải mang tính hình thức mà xuất phát từ nhu cầu thực sự của mỗi cơ sở giáo dục. Những bước tiến mới trên các bảng xếp hạng quốc tế cho thấy, giáo dục đại học đã mạnh dạn đặt mình trong sân chơi lớn và sẵn sàng thay đổi, hoàn thiện để bước vào cuộc “sát hạch” mang tên: tự chủ đại học. Trao đổi của GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Thưa ông, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, theo nhìn nhận của ông, ở bậc đại học đã đạt được những kết quả nổi bật nào?

GS TS Nguyễn Hữu Đức: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, có thể nói ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học đã làm rất nhiều việc, tuy nhiên tôi đánh giá cao hai vấn đề: Một là kiểm định chất lượng và xếp hạng đại học và hai là nghiên cứu khoa học trong các trường đại học.

Về kiểm định chất lượng và xếp hạng đại học, đây là điểm ngành Giáo dục rất quan tâm và là điểm nhấn rất đúng. Và vì là điểm nhấn nên kiểm định chất lượng giáo dục đại học thời gian qua đã có những chuyển biến rất tốt.

Nếu chúng ta theo dõi sẽ thấy, nhiều chủ trương dù vừa nhắc, vừa giục, vừa thúc vẫn không có nhiều chuyển biến nhưng chủ trương về kiểm định chất lượng mới triển khai trong 2 năm đã nhận được sự quan tâm, khởi động của hầu hết các trường đại học. Chỉ trong 2 năm đã có trên 110 trường đại học tham gia kiểm định chất lượng.

Triển khai kiểm định chất lượng đại học là chúng ta có thêm những “thầy thuốc” để “đo sức khỏe” của các trường đại học của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Từ đó, chúng ta có thể biết vị thế chúng ta ở đâu và cần làm gì để thúc đẩy quá trình phát triển.

Nhìn sâu sắc hơn phải nói rằng trong một thời gian rất lâu, khóa học giáo dục và đặc biệt là khoa học quản lý giáo dục của chúng ta còn nhiều bất cập. Các nhà quản lý giáo dục Việt Nam, đặc biệt là lãnh đạo các trường đại học chủ yếu là quản lý đại học với tư duy khoa học cơ bản, việc quản trị đại học còn yếu. Chúng ta triển khai kiểm định chất lượng với cách quản trị đại học rất rõ đã giúp các nhà lãnh đạo đại học có công cụ quản trị đại học, quản trị theo chất lượng, quản trị theo mục tiêu, từ đó việc dẫn dắt đại học trở nên dễ dàng hơn.

Nội dung thứ hai tôi tâm đắc chính là nghiên cứu trong các trường đại học. Nếu chúng ta cứ theo đường cũ, đại học chỉ quan tâm đến dạy và học thì chúng ta mới chỉ có đại học phổ thông cấp 4. Chức năng quan trọng của trường đại học là nghiên cứu để nâng cao chất lượng đào tạo và dẫn dắt kinh tế, xã hội phát triển, cho nên trong thời gian vừa qua, giáo dục đại học Việt Nam có chuyển biến rất quan trọng.

          Khi tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo trong giáo dục đại học, ông cho biết là giáo dục đại học Việt Nam có bước “nhảy vọt” trong bố quốc tế. Ông có thể thông tin chi tiết hơn về kết quả rất đáng mừng này?

GS TS Nguyễn Hữu Đức: Kết quả này rất rõ rệt, ví dụ như Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) lúc mới thành lập, năm 1993-1995, mỗi năm, cả ĐHQGHN chỉ có 10 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế. Nhưng sau 25 năm, bây giờ giảng viên trong trường đã xuất bản được gần 630 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế. Nếu nói về cả nước thì so sánh trong thời gian gần đây từ 2011-2014, chúng ta có khoảng 10.000 bài báo, nhưng 2 năm 2016-2017, chúng ta đã công bố gần 15.000 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế.

Khi nói về công bố quốc tế, người ta nghĩ những bài báo đó là những công trình của các nghiên cứu viên của các viện nghiên cứu nhưng trong khảo sát của chúng tôi, gần 60% các bài báo công bố quốc tế của Việt Nam lại xuất phát từ các trường đại học. Điều đó chứng tỏ rằng các trường đại học Việt Nam đã nghiên cứu và đóng góp rất cơ bản chứ không phải các nghiên cứu từ các viện.

Một thông tin nữa chúng tôi so sánh, mức độ công bố quốc tế của chúng ta so sánh tương đương với mức độ công bố quốc tế của Philippin, Thái Lan, nhưng khi nhìn vào chất lượng của từng công bố, tức là bài báo có được trích dẫn nhiều không, được các nhà khoa học nước ngoài, các doanh nghiệp quan tâm nhiều không thì tỉ lệ trích dẫn của các bài báo ở Việt Nam rất cao.

Thêm một thông tin nữa tôi muốn bổ sung nói về vai trò của các giảng viên trong trường đại học công bố quốc tế. Trong thời gian vừa qua, Bộ Khoa học Công nghệ có trao giải thưởng Tạ Quang Bửu danh giá và được các nhà khoa học quan tâm, có đến 75% các giảng viên là các nhà khoa học từ các trường đại học được giải thưởng đó. Đây là những nỗ lực rất đáng ghi nhận.

Tự chủ đại học từ lâu đã được khẳng định là xu thế tất yếu và thời gian qua tự chủ đại học ở Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, quá trình thực hiện tự chủ của một số trường trong thực tế vẫn còn những vướng mắc. Theo ông, Bộ GD&ĐT cần có những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tự chủ đại học?

GS TS Nguyễn Hữu Đức: Nói đến tự chủ đại học, nhiều người chỉ nghĩ đến vai trò của Bộ GD&ĐT và các trường đại học thôi nhưng khi đã liên quan đến các quy định về pháp luật thì vấn đề này mang tính hệ thống rất cao. Cho nên không chỉ Bộ GD&ĐT và các trường đại học tự giải quyết được.

Có 3 điểm tôi quan tâm là khi nói đến tự chủ đại học. Trước hết về phía quản lý nhà nước, một số cơ quan quản lý vẫn cho rằng, tự chủ đại học là tự chủ luôn kinh phí - đây là quan điểm chưa đúng và nếu hiểu như thế tự chủ đại học càng khó khăn hơn. Vấn đề ở đây là thay đổi cách quản lý và phân bổ kinh phí sao cho hiệu quả. Vì vậy, về phía các cơ quan quản lý, Bộ GD&ĐT cũng như các Bộ, ngành liên quan cần phải giải quyết được vấn đề này.

Đối với các trường đại học, khi cho tự chủ, các trường phải phát triển tự chủ một cách toàn diện: tự chủ trong học thuật, tự chủ trong tài chính, tự chủ trong nhân sự. Nhưng hiện nay có một xu hướng khi được giao tự chủ một số trường vẫn quan tâm tới việc tăng học phí thế nào, tăng quy mô đào tạo ra sao. Các trường khi thực hiện tự chủ cũng cần phải xác định là tự chủ phải đi liền với việc sử dụng ngân sách nhà nước, ngân sách của nhà trường sao cho hợp lý và hiệu quả trong phát triển giáo dục, sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo.

Chúng ta hay nghĩ tự chủ là giao nhiều quyền cho Hiệu trưởng nhưng để đại học phát triển tốt nhất thì tự chủ phải là giao quyền tự chủ cao nhất cho các giảng viên, cho các nghiên cứu. Khi giảng viên có quyền tự chủ cao lúc đó năng lượng mới được giải phóng và sáng tạo khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo mới được giải quyết một cách trọn vẹn.

Bên cạnh những thành quả đạt được thì giáo dục đại học vẫn còn những hạn chế trong quá trình thực hiện đổi mới, như chương trình đào tạo còn xa thực tế, liên thông yếu nên tính hướng nghiệp còn hạn chế... Theo ông đâu là nguyên nhân của những hạn chế này?

GS TS Nguyễn Hữu Đức: Đây là những hạn chế đã được nhắc khá nhiều, tuy nhiên, để giải quyết được những hạn chế này không chỉ có vai trò của các trường đại học mà cần nhìn nhận trong mối quan hệ rất lớn của các bên liên quan, của các nhà tuyển dụng.

Vấn đề chúng ta đang đề cập là vấn đề giữa cung và cầu, có một giai đoạn các doanh nghiệp của Việt Nam làm sản xuất không dựa trên khoa học công nghệ mà chủ yếu làm dịch vụ hay những lao động đơn giản nên học không cần nhiều lao động có trình độ đại học, không đặt hàng cho đại học, không thúc giục đại học phải chuyển đổi. Khi đại học không dựa trên đặt hàng nào thì đơn thuần là đại học vì đại học thôi, có gì dạy nấy, dạy những gì chúng ta có mà không phải dạy những gì xã hội cần.

Nhưng bây giờ một giai đoạn mới đã mở ra, doanh nghiệp làm theo kiểu cũ sẽ không tồn tại và phát triển được, họ cần dựa vào đổi mới sáng tạo, dựa trên công nghệ mới. Trường đại học thấy rằng cách đào tạo như cũ sẽ không đáp ứng được yêu cầu của xã hội và cần thay đổi. Khi cả hai bên cùng nhìn lại, cùng thay đổi cách hoạt động của mình thì những hạn chế đặt ra hiện nay về tính thực tế, hướng nghiệp trong đào tạo đại học sẽ từng bước được giải quyết.

Nhìn lại và đánh giá kết quả những như những hạn chế của giáo dục đại học sau 5 năm thực hiện NQ 29, theo ông chúng ta rút ra được những kinh nghiệm gì cho chặng đường đổi mới tiếp theo?

GS TS Nguyễn Hữu Đức: Đổi mới rất cần thiết, khi nói đến đổi mới ai cũng nói ủng hộ nhưng khi triển khai đổi mới rất khó khăn, số người không ủng hộ trong triển khai không phải là ít, lí do là bởi quan điểm khác nhau. Chúng ta phải khẳng định, những gì giáo dục đại học làm được hôm nay là do chúng ta hội nhập đúng, dù thế nào giáo dục đại học phải hội nhập quốc tế, chuẩn hóa và hiện đại hóa.

Tôi rất quan tâm đến kiểm định chất lượng và xếp hạng đại học, vừa mới đây, bảng xếp hạng QS đã công bố bảng xếp hạng các trường đại học khu vực Châu Á năm 2019. Lần đầu tiên Việt Nam có 7 trường được xếp hạng trong danh sách này. Nếu nhớ lại năm 2014, Việt Nam mới có duy nhất ĐHQGHN lọt vào danh sách này và ở vị trí hơn 200 thì sau 5 năm mạnh dạn hội nhập, xếp hạng đại học của Việt Nam đã có bước tiến rất xa.