Sáng ngày 25/3/2019, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An làm việc với Trường Đại học Vinh để nghe kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác thời gian qua và định hướng một số nội dung thời gian tới.
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Hồ Phúc Hợp - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh; lãnh đạo Ban Dân vận, Văn phòng Tỉnh ủy và một số sở, ngành của tỉnh. Về phía Trường Đại học Vinh có GS.TS.NGƯT. Đinh Xuân Khoa - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Hoa Du - Chủ tịch Hội đồng trường; các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Hội đồng trường; Bí thư cấp ủy, Trưởng Phó các đơn vị trong Trường.
Báo cáo tại buổi làm việc, GS.TS.NGƯT Đinh Xuân Khoa đã nêu một số kết quả chính trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI), Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Thông báo số 269 ngày 8/6/2016 thông báo ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm việc với Trường Đại học Vinh và Thông báo số 379 ngày 29/6/2017 thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc giữa Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Lãnh đạo Trường Đại học Vinh:
Được thành lập từ năm 1959, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, từ một trường đại học sư phạm đến nay Trường Đại học Vinh đã trở thành một trường đại học đa cấp, đa ngành và đa lĩnh vực.
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, được sự đồng ý của Tỉnh ủy, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà trường đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tái cấu trúc Trường Đại học Vinh, trong đó đã thành lập 6 viện trên cơ sở chia tách, sáp nhập 11 khoa. Nhờ vậy, đã tập hợp được đội ngũ các nhà khoa học có chuyên môn cùng khối ngành để tăng cường giảng dạy, nghiên cứu chuyên sâu, tăng tính liên thông trong học thuật và sử dụng chung trang thiết bị, cơ sở vật chất. Nhà trường cũng đã thành lập Trường Thực hành Sư phạm (trên cơ sở sáp nhập Trường Mầm non Thực hành, Trường Tiểu học Thực hành và phổ thông thực hành). Sáp nhập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Thiết bị và Phòng Quản trị thành Phòng Quản trị và Đầu tư; sáp nhập Trung tâm Thể dục - Thể thao vào Khoa Giáo dục thể chất; sáp nhập Trung tâm Đào tạo từ xa và Trung tâm Giáo dục Thường xuyên thành Trung tâm Giáo dục Thường xuyên; thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Khởi nghiệp sáng tạo; thành lập Văn phòng Đảng - Đoàn thể (trên cơ sở sáp nhập Tổ Chuyên trách, Văn phòng Đảng ủy, Văn phòng Hội đồng Trường, Văn phòng Công đoàn, Văn phòng Đoàn Thanh niên và Văn phòng Hội Cựu chiến binh Trường); thành lập Ban Quản lý cơ sở II trực thuộc Trường (trên cơ sở sáp nhập bộ phận hành chính của các đơn vị tại cơ sở II). Hiện nay Nhà trường có 40 đơn vị, gồm 6 viện, 7 khoa, 2 trường trực thuộc, 25 phòng, văn phòng, trung tâm, trạm, nhà xuất bản (giảm 10 đơn vị so với năm 2013). Toàn Trường có 62 bộ môn (giảm 27 bộ môn so với năm 2013).
Nhà trường hiện có 1.050 cán bộ, viên chức và người lao động, trong đó có 63 giáo sư, phó giáo sư, 275 tiến sĩ, 504 thạc sĩ, 580 cán bộ nữ... Đội ngũ cán bộ của Trường ngày càng được trẻ hoá, tuổi đời bình quân của cán bộ là 42,6 so với năm 2005 là 35,7 (trẻ hơn 7 tuổi). Chất lượng đội ngũ cán bộ hiện nay của Nhà trường đáp ứng và vượt mức bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên là 46,10%. Đơn vị có tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ cao nhất là Viện Sư phạm Tự nhiên với 80%. Trường đã phát triển các nhóm nghiên cứu khoa học và công nghệ để tổ chức xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp.
Đảng ủy, Ban Giám hiệu chỉ đạo chọn việc nâng cao chất lượng thực học, thực nghiệp làm đòn bẩy để nâng cao toàn diện chất lượng đào tạo của Nhà trường. Đảng ủy Trường đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/ĐU ngày 19/8/2017 về tăng cường hiệu quả hoạt động đảm bảo chất lượng của Trường Đại học Vinh. Chỉ đạo các viện, khoa mở thêm một số ngành đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ đáp ứng nhu cầu xã hội. Mở hệ đào tạo đại học và trung học phổ thông chất lượng cao. Triển khai lấy ý kiến đánh giá của sinh viên về các hoạt động của Nhà trường; lấy ý kiến đánh giá của người học đối với giảng viên, giáo viên. Phối hợp với các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, trường học... để lấy ý kiến phản hồi, dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó, xây dựng Đề án tuyển sinh các ngành học, bậc học đáp ứng nhu cầu xã hội. Triển khai tuyển sinh và đào tạo theo nhóm ngành, khối ngành. Sửa đổi, bổ sung khung chương trình đào tạo và đề án xét tuyển đại học hệ không chính quy áp dụng từ các khóa tuyển sinh năm 2017. Rà soát chương trình đào tạo và ban hành quy định đào tạo sau đại học của Trường Đại học Vinh.
Từ năm học 2017 - 2018, Nhà trường đã áp dụng chương trình đào tạo theo tiếp cận CDIO. Đây là mô hình đào tạo nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của người học đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đã được nhiều trường đại học lớn trên thế giới áp dụng. Tháng 3/2018, Trường Đại học Vinh chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội CDIO quốc tế. (Hiện nay, Việt Nam mới có 6 trường đại học được kết nạp vào Hiệp hội này).
Nhà trường đã triển khai các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: xây dựng môi trường nghiên cứu, khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng cơ chế, chính sách phục vụ cho việc nuôi dưỡng và hỗ trợ các ý tưởng nghiên cứu, khởi nghiệp sáng tạo của cán bộ, giảng viên và người học. Trong 5 năm qua, Trường đã ký kết hơn 60 thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn và thiết lập mối quan hệ hợp tác với gần 350 cơ quan, doanh nghiệp khác. Tổ chức hơn 80 chương trình hội thảo, hội nghị, các diễn đàn tư vấn cho sinh viên. Tìm kiếm, giới thiệu hàng chục điểm thực tập, thực tế chuyên môn cho sinh viên các ngành ngoài sư phạm. Giới thiệu hàng nghìn việc làm thêm, việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên. Tăng cường các chương trình định hướng nghề nghiệp, thực tập sinh, du học và làm việc sau tốt nghiệp tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Đài Loan, Singapore, Israel, Australia… với hàng trăm lượt sinh viên thụ hưởng.
Nhà trường đã rà soát, điều chỉnh và công bố sứ mạng, tầm nhìn, mục tiêu tổng quát và giá trị cốt lõi. Năm 2017, Nhà trường được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Năm 2019 có 3 ngành đào tạo: Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật Xây dựng và Ngôn ngữ Anh được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Hiện nay, 2 ngành đào tạo: Sư phạm Toán học và Công nghệ thông tin đang được triển khai kiểm định theo Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA). Tháng 11/2017, Nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng - Trường Đại học Vinh. Đây là Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thứ 5 của cả nước. Tháng 4/2018, Trường Đại học Vinh chính thức trở thành thành viên liên kết của Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA).
Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển các nguồn lực và nâng cao vị thế của Nhà trường, Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Trong 5 năm qua, cán bộ của Trường đã triển khai 554 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Nhà trường đã tổ chức 49 hội thảo cấp Trường, quốc gia, quốc tế. Nhà xuất bản Đại học Vinh đã xuất bản trên 200 cuốn sách, gồm giáo trình, sách chuyên khảo, tài liệu tham khảo, sách liên kết xuất bản, sách tái bản, sách nhà nước đặt hàng, lịch. Trong 5 năm qua, tổng số bài báo được cán bộ của Trường công bố trên các tạp chí là 1.886 bài, trong đó có trên 300 bài báo quốc tế. Trường Đại học Vinh nhiều năm liền được xếp top 10 các cơ sở giáo dục đại học có số bài báo đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus.
Nhà trường đã tích cực thiết lập các quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu quốc tế. Ký văn bản hợp tác đào tạo tiếng Nhật với Học viện Jinno và Công ty Cổ phần Hợp tác quốc tế JIC; hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với Trường Đại học South Florida và Trường Đại học California State, Northridge - Hoa Kỳ, Trường Đại học Rajabhat Maha Sarakham - Thái Lan, Trường Cao đẳng nghề TAFE Nam Úc... Làm việc với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tổ chức các lớp tiếng Hàn tại Trường. Hợp tác với Trường Đại học Tổng hợp Zielona Góra và Trường Đại học Bách khoa West Pomeranian (Ba Lan) triển khai chương trình học bổng Erasmus Plus do Cộng đồng châu Âu tài trợ. Trong 5 năm qua, hàng trăm lượt cán bộ được cử đi học tập, công tác ở nước ngoài cũng như người nước ngoài đến thăm và làm việc với Nhà trường.
Với những kết quả đã đạt được, Đảng bộ, Nhà trường, các đoàn thể quần chúng cấp Trường và nhiều cán bộ, đảng viên đã được tặng thưởng các danh hiệu cao quý, góp phần khẳng định vị thế, uy tín của Nhà trường trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Nhà trường đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất và được Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng Huân chương Hữu nghị. Những thành tựu đạt được nói trên tạo tiền đề quan trọng để toàn Đảng bộ tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức trong những năm tiếp theo.
Về các kiến nghị, Nhà trường tiếp tục đề xuất với lãnh đạo Tỉnh và các sở, ngành liên quan giúp đỡ Nhà trường trong công tác tái cấu trúc Trường tiến tới xây dựng mô hình Trường đại học trực thuộc Trường Đại học Vinh; công tác tổ chức cán bộ, công tác xây dựng cơ bản mà chủ yếu là các giải pháp để tiếp tục giải phóng mặt bằng tại cơ sở 1, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng tại cơ sở 2.
Sau khi nghe một số ý kiến của cán bộ chủ chốt Trường Đại học Vinh; ý kiến phát biểu UBND tỉnh Nghệ An, Thành ủy Vinh, Ban Tuyên giáo, Sở Khoa học và Công nghệ, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh đã kết luận buổi làm việc, đánh giá cao những kết quả mà Trường Đại học Vinh đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là việc triển khai thực hiện kết luận các buổi làm việc, tạo điều kiện để Nhà trường phát huy truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh Nghệ An và cả nước.
Đồng chí cũng nhấn mạnh những định hướng chỉ đạo để Trường Đại học Vinh phát triển, xây dựng trong thời gian tới:
Đối với vấn đề tiếp tục tái cơ cấu Nhà trường và ngành nghề đào tạo, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá đây là việc tất yếu. Với xu thế đó, Trường Đại học Vinh bên cạnh truyền thống là đào tạo giáo viên đã đổi mới và mở thêm các ngành nghề khác, với tầm nhìn là trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Trong quá trình thực hiện, Nhà trường cần phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy trong định hướng chủ trương, đường lối. Đối với tập thể trường phải đề cao mô hình tự quản. Muốn vậy, đơn vị phải tiếp tục phát huy được cơ chế dân chủ để đội ngũ cán bộ, giảng viên, người lao động, và cả sinh viên tham gia nhằm tạo được sự đồng thuận cao.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh cũng cho rằng, Trường Đại học Vinh thực hiện cơ chế tự chủ thì các đơn vị trực thuộc trong trường cũng nên thực hiện theo hướng tự chủ. Trong đó, trường có sự hỗ trợ, khuyến khích những đơn vị trực thuộc còn khó khăn.
Cùng với đó, Trường Đại học Vinh phải tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên một cách thực chất. Liên quan đến nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu tham mưu cho tỉnh đề án tổng thể phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An, của Trường Đại học Vinh để phát huy những lợi thế của Trường Đại học Vinh góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cũng bày tỏ đồng tình với việc trường mở ra các hoạt động có thu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, theo tinh thần xã hội hóa để góp phần tự chủ và tăng thu nhập cho giảng viên, có điều kiện thu hút người giỏi về công tác. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phải đề cao chuẩn mực, đảm bảo uy tín, chất lượng và truyền thống của Nhà trường.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị, các giảng viên phải làm gương, đảm bảo công tâm, công bằng trong đánh giá người học để tạo động lực, xây dựng ý thức tự học, tự giác, phương pháp học tập cho sinh viên.
Đặc biệt, Trường Đại học Vinh phải có trọng tâm, trọng điểm trong chiến lược phát triển, xây dựng được những ngành mũi nhọn mạnh, có uy tín, thu hút được sự quan tâm, đánh giá cao của xã hội. Từ đó, tạo nền tảng để nâng chất lượng dần sang các ngành khác; đồng thời tiếp tục quan tâm nâng cao cơ sở vật chất, hợp tác quốc tế.
Đối với công tác tổ chức cán bộ, Bí thư Tỉnh ủy cũng đã trả lời các kiến nghị của Trường Đại học Vinh, trong đó ủng hộ với việc Đảng ủy Trường thực hiện quy trình bổ sung 3 Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy và bầu chức danh Phó Bí thư Đảng ủy.
Trong công tác xây dựng cơ bản, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu cấm một số loại phương tiện vào một số giờ cao điểm đi vào đường Bạch Liêu để tránh ách tắc giao thông xung quanh Trường; Trường Đại học Vinh cần làm việc cụ thể với TP. Vinh và huyện Nghi Lộc để nghiên cứu phương án thu gom hệ thống nước thải tại cơ sở 2 về nơi xử lý; Nhà trường xây dựng đề án để thống nhất giữa Tỉnh, thành phố Vinh và Trường về kế hoạch, phương án, lộ trình thực hiện di dời 15 hộ dân bám mặt đường Lê Duẩn nằm trong quy hoạch Trường Đại học Vinh...
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong rằng Trường Đại học Vinh tiếp tục xây dựng và phát triển đúng định hướng, góp phần thực hiện công cuộc đổi mới văn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) và Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020./.