Trong bối cảnh giáo dục ĐH Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với hệ thống giáo dục ĐH trong khu vực và trên thế giới. Việc ban hành Luật Giáo dục ĐH là cần thiết để điều chỉnh các hoạt động giáo dục ĐH phù hợp với các cam kết quốc tế, điều ước quốc tế trong lĩnh vực giáo dục ĐH.

 Việc liên thông giữa các cơ sở giáo dục đại học trong nước và ngoài nước còn nhiều hạn chế

Khẳng định của GS.TS. Đinh Xuân Khoa – Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, Luật Giáo dục ĐH đã thể chế hóa Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam về việc “Cần đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, thống nhất cho sự phát triển của giáo dục ĐH, chuẩn hóa các mục tiêu giáo dục Việt Nam đảm bảo sự hài hòa giữa trình độ giáo dục thế giới với yêu cầu phát triển, đổi mới đất nước. Từ đó, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động giáo dục, đổi mới quản lý giáo dục ĐH, tạo điều kiện cho sự nghiệp giáo dục phát triển mạnh mẽ.

Luật Giáo dục ĐH năm 2012 đã tạo nền tảng pháp lý khá vững chắc cho sự nghiệp phát triển giáo dục, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục tiến thêm những bước phát triển mới.

Các quy định của Luật Giáo dục ĐH tạo điều kiện để ngành giáo dục mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, tăng cường hiệu quả, thực hiện công bằng xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Tuy nhiên, GS Đinh Xuân Khoa cũng cho rằng, giáo dục đại học cũng còn hạn chế: Phương pháp quản lý nhà nước đối với cơ sở giáo dục đại học chậm được thay đổi, chưa bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của toàn hệ thống, chưa phát huy mạnh mẽ được sự sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, các nhà quản lý và người học.

Luật giáo dục là luật khung, quy định một số vấn đề chung của giáo dục đại học. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về giáo dục đại học còn phân tán, hiệu lực pháp lý không cao. Nhiều vấn đề quan trọng của giáo dục đại học được quy định tản mạn tại các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành, Những vấn đề đó cần được điều chỉnh bằng một văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn.

Nội dung kiến thức đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa tạo được sự thống nhất gắn mục tiêu giáo dục với mục tiêu tìm kiếm việc làm đối với người học.

Chưa tạo được sự liên thông giữa các chuẩn mực giáo dục đại học trong nước và quốc tế. Mặc dù được đặt dưới sự quản lý và giám sát chặt chẽ của Bộ GD&ĐT, nhưng trên thực tế, khả năng liên thông kiến thức giữa các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta hiện nay còn rất hạn chế, ít thừa nhận và tiếp nhận các kết quả đào tạo của nhau, nên người học rất khó khăn khi chuyển trường, ngành học.

Việc liên thông kiến thức giữa các cơ sở giáo dục đại học trong nước và ngoài nước lại càng khó khăn hơn do có sự khác biệt về mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học trong nước và quốc tế (trừ các chương trình liên kết đào tạo theo thỏa thuận).

Điều này không những gây khó khăn cho người học khi muốn chuyển đến cơ sở giáo dục ngoài nước, mà ngay cả việc công nhận văn bằng, chứng chỉ của các cơ sở giáo dục trong nước tại các nước mà người học chuyển đến định cư hoặc công tác cũng không phải dễ dàng.

Chương trình học còn nặng với thời lượng lớn. Một thống kê và so sánh cho thấy, thời gian học 4 năm ở một lớp đại học tại Việt Nam là 2.138 giờ so với Mỹ là 1.380 giờ(4). Như vậy chương trình học ở Việt Nam dài hơn 60% so với Mỹ.

Thời gian học nhiều như vậy nên người học khó tránh khỏi việc rơi vào trạng thái luôn bị áp lực hoàn thành các chương trình môn học, ít có thời gian để tự học, tự nghiên cứu, hoặc tham gia các hoạt động xã hội khác.

“Nhìn chung, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chương trình giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập và  hiệu quả chưa cao” – GS Đinh Xuân Khoa nhận định.

Những lưu ý về tự chủ đại học

Liên quan đến các kiến nghị, các nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học, nội dung đầu tiên được GS Đinh Xuân Khoa đề cập đến là vấn đề tự chủ đại học.

Với vấn đề này, GS Đinh Xuân Khoa cho rằng, cần xây dựng triết lý giáo dục cho nền giáo dục nước nhà trong giai đoạn hiện nay, đồng thời mỗi trường đại học, mỗi cơ sở giáo dục cũng cần có triết lý giáo dục riêng phù hợp với tôn chỉ, mục đích và hướng tới hội nhập vào dòng chảy phát triển chung của giáo dục quốc tế.

Cùng với đó, đổi mới một cách mạnh mẽ về tư duy trong tổ chức giáo dục đại học, như thay đổi cách tuyển sinh, lựa chọn “đầu vào” theo hướng thoáng hơn, cho phép các cơ sở giáo dục đại học tự đặt ra các tiêu chuẩn tuyển sinh và chịu trách nhiệm với người học bằng chính “uy tín” đào tạo của mình, cho phép hình thành nhiều mô hình đào tạo đại học khác nhau, kiểm soát chặt chẽ “đầu ra” của mỗi cơ sở đào tạo để bảo đảm chất lượng chung…

Bên cạnh việc đổi mới mạnh mẽ nội dung chương trình và phương pháp dạy học theo hướng hội nhập quốc tế, GS Đinh Xuân Khoa cho rằng, cơ sở giáo dục đại học có quyền tự xác định hướng phát triển của mình và thay đổi hướng phát triển phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mỗi giai đoạn. Bỏ quy định cơ quan quản lý nhà nước xếp hạng cơ sở giáo dục đại học.

“Cũng cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học, bao gồm các nghĩa vụ cung cấp thông tin, lý giải và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của nhà trường” – GS Đinh Xuân Khoa kiến nghị thêm.

Tránh lẫn giữa quản lý nhà nước về giáo dục và quản lý của cơ sở trường ĐH

Về quản trị đại học, GS Đinh Xuân Khoa cho rằng, Luật giáo dục Đại học Còn có sự lẫn lộn giữa quản lý nhà nước về giáo dục và quản lý của cơ sở trường đại học. Các quy định pháp luật còn mang tính tập trung bao cấp các trường chưa có nhiều quyền tự quyết, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ từ trên giao xuống.

Trong khi đó, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học còn phụ thuộc cơ quan quản lý nhà nước, cơ cấu tổ chức chưa được tự chủ, hoạt động của Hội đồng trường còn mờ nhạt và chưa phát huy.

Mô hình quản lý giáo dục hiện nay ở Việt Nam thuộc mô hình phổ biến ở Liên Xô cũ và các nước Đông Âu. Theo xu hướng phát triển của ĐH thế giới, trong những năm tới, các trường đại học nên áp dụng mô hình phổ biến ở các quốc gia đang phát triển. Đó là mô hình quyền lực tập trung ở cấp trường, sau đó là khoa, bộ môn. Nhà trường được trao nhiều quyền tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội.

Tuy nhiên, việc thay đổi mô hình quản lý đòi hỏi phải thay đổi mô hình tổ chức bộ máy của nhà trường. Hiện nay, ở nước ta các trường đại học đang theo hai mô hình chính: Mô hình trường 4 cấp đối với ĐH Quốc gia và ĐH vùng (ĐH Quốc gia/vùng - trường thành viên - khoa - bộ môn); mô hình 3 cấp (trường ĐH độc lập - khoa - bộ môn).

Với xu hướng phát triển chung là đa ngành, quy mô lớn, mô hình 3 cấp không có hiệu quả cao vì mọi việc đều tập trung vào trường, không phát huy được sự chủ động của khoa và giáo viên. Thay vào đó, mô hình 4 cấp: Trường ĐH - trường trực thuộc - khoa - bộ môn có thể tăng tính tự chủ cho các đơn vị, khoa.

Quản lý đào tạo, nâng cao chất lượng

GD&ĐT phải theo hướng cân đối giữa “dạy người”, dạy chữ, dạy nghề, trong đó “dạy người” là mục tiêu cao nhất, như Hồ Chí Minh đã nói: “Muốn có chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa”

Nhấn mạnh điều này, GS Đinh Xuân Khoa cho rằng, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng trong giáo dục - đào tạo.

Một mặt, phải tìm cách huy động nguồn lực khác nhau để tạo điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, phải ưu tiên đầu tư xây dựng các trường sư phạm, nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cấp, có đầy đủ năng lực và phẩm chất cách mạng, tăng cường cơ sở vật chất, sử dụng các biện pháp công nghệ hiện đại trong các trường học, cần phát huy nội lực, đồng thời nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế;

Mặt khác, phải hình thành các hệ thống tổ chức và cơ chế đặc biệt để kiểm tra chất lượng, chống các tệ nạn và tiêu cực trong giáo dục - đào tạo.

Muốn thỏa mãn đồng thời yêu cầu tăng số lượng, đảm bảo chất lượng và nâng cao hiệu quả giáo dục - đào tạo trong điều kiện nguồn lực rất hạn hẹp thì đòi hỏi cần phải hết sức năng động, sáng tạo, phải dựa vào sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống giáo dục - đào tạo, phải phối hợp hài hòa giữa các đơn vị với nhau trong một nhà trường, giữa các trường với nhau trên một địa bàn, giữa các mô hình trường với nhau trong toàn bộ hệ thống giáo dục - đào tạo.

“Để làm được điều đó phải có quan điểm phức hợp, toàn cục, chống các xu hướng bản vị, cục bộ” – Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh nhấn mạnh.

Quản lý nhà nước về giáo dục đại học

Vấn đề này, theo GS Đinh Xuân Khoa, cần phân công, phân cấp quản lý các trường đại học theo hướng phân công rõ trách nhiệm quản lý nhà nước giữa Bộ GD&ĐT và các Bộ, ngành quản lý trường và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố.

Tăng cường năng lực bộ máy giúp việc cho các Bộ, ngành để quản lý trường trực thuộc, bộ máy giúp việc cho UBND các tỉnh để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn.

Phát huy cao độ tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự kiểm soát bên trong của các trường, trên cơ sở các quy định của nhà nước và của các trường, tăng cường công tác giám sát và kiểm tra của nhà nước, của xã hội và của bản thân các cơ sở.

Cần đẩy mạnh việc đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo hướng đẩy nhanh tiến độ tự đánh giá của các trường đại học và cao đẳng, triển khai từng bước việc kiểm định các trường đại học, cao đẳng; xây dựng tiêu chuẩn và hình thành một số cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục đại học độc lập.

Cùng với đó, xây dựng qui trình đào tạo mềm dẻo và liên thông, đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy đại học. Các trường đại học trong cả nước phải được tập huấn và triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ; xây dựng thêm chương trình khung cho các khối ngành mới, thực tế các nước gọi là "chuẩn chương trình", trên cơ sở đó làm cốt lõi cho các trường xây dựng chương trình đào tạo riêng của mình, nhưng vẫn đảm bảo chuẩn chung, đảm bảo kiểm định chất lượng và liên thông của cả hệ thống.

“Bộ GD&ĐT và các trường cần phát huy và duy trì tốt hơn nữa ngân hàng giáo trình điện tử để các trường, các thầy cô giáo, sinh viên trong cả nước, nhất là các trường chưa đủ năng lực viết giáo trình, các vùng khó khăn... có giáo trình để giảng dạy, chấm dứt tình trạng dạy và học không có giáo trình” – GS Đinh Xuân Khoa trao đổi.

 

Hiếu Nguyễn (Báo GD&TĐ)