Xuân Tân Sửu năm nay là mùa Xuân
đầu thập niên thứ ba của thế kỷ XXI.
Dấu ấn sâu sắc của mùa Xuân này
là thành công rực rỡ của Đại hội XIII của Đảng. Đại hội khai mạc ngày 25/1 và bế
mạc ngày 2/2/2021, đúng mười ngày trước khi Tết Tân Sửu đến. Đại hội đã nêu cao
phương châm Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển.
Có câu hỏi đặt ra: Phải chăng
phương châm 10 chữ ấy được xếp đặt theo thứ tự quan trọng của vấn đề? Tôi không
nghĩ như vậy. Đoàn kết đương nhiên rất quan trọng nhưng không có nghĩa là quan
trọng hơn dân chủ, kỷ cương. Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương là rất quan trọng
nhưng cũng không có nghĩa là quan trọng hơn sáng tạo, phát triển.
Vì sao?
Ai cũng hiểu, sự nghiệp cách mạng,
đổi mới của chúng ta là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân. Đoàn kết không chỉ
là yêu cầu chính trị mà còn là sức mạnh, là động lực của phát triển. Bác Hồ từng
nói:
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại
thành công
Nhưng đoàn kết phải trên cơ sở
dân chủ. Dân chủ có nghĩa là dân làm chủ, dân là chủ. Cách mạng phải dựa vào lực
lượng của nhân dân, tinh thần của nhân dân, để gây hạnh phúc cho nhân dân.
Nhưng đối với nhân dân ta, dân chủ không phải ai muốn làm gì thì làm, làm theo
kiểu vô chính phủ mà là dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, pháp luật. Với Đảng
ta, dân chủ không phải là phân tán, mà là theo nguyên tắc tập trung dân chủ,
nghĩa là thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên; thảo luận dân
chủ, tự do tư tưởng để mọi người bày tỏ ý kiến của mình một cách tự do, nhưng
khi đã qua thảo luận, tìm thấy chân lý thì quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự
do phục tùng chân lý.
Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương là
nói đến nội dung dân chủ, nhưng thứ dân chủ mà chúng ta cần không phải là chủ
nghĩa giáo điều, sao chép, lặp lại nguyên si sách vở, mà dân chủ để phát huy
tính sáng tạo, và sáng tạo để phát triển.
“Khát vọng phát triển” là cụm từ
được ghi rõ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Với hướng đi đúng đắn, khát
vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, đất nước ta nhất định sẽ
lập nên kỳ tích phát triển mới, vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc...”.
Trở lại chủ đề của bài viết này:
Đảng, Bác Hồ, Dân tộc và Mùa Xuân, chúng ta hãy cùng nhau có cái nhìn khái quát
về lịch sử.
Chín mươi mốt năm trước đây, một
sự trùng hợp ngẫu nhiên đã trở thành lịch sử. Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản
Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh triệu tập đã họp đúng vào dịp
Tết cổ truyền của dân tộc ta, mùa Xuân năm Canh Ngọ 1930. Từ đó đến nay, nói
đúng hơn là từ ngày cách mạng thành công, đất nước ta giành được độc lập, tự do
(1945) thì mỗi lần dân tộc ta mừng Xuân là một lần mừng Đảng ta lớn mạnh. Đất
nước, Dân tộc và Đảng gắn liền với nhau một cách keo sơn. Bác Hồ là lãnh tụ tối
cao của Đảng, của dân tộc. Hình ảnh Bác luôn có mặt không chỉ trong những ngày
xuân mà cả trong toàn bộ cuộc sống của nhân dân, của dân tộc ta, trong từng
ngày, từng tháng, suốt cả bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đối với Đảng ta, Đất nước và Dân
tộc là mẹ cha; Đảng của giai cấp công nhân là con cái nhưng lại là đội tiên
phong chiến đấu. Mục tiêu, lý tưởng cao cả của Đảng là đất nước độc lập, tự do,
nhân dân ấm no, hạnh phúc, xã hội không có áp bức bất công, con người được sống
trong mùa xuân vĩnh viễn. 91 năm chiến đấu của Đảng là 91 năm Đảng được dân tộc
ta sinh thành, nuôi dưỡng và giao phó những trọng trách. Chín mươi mốt năm ấy,
hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, chiến công nối tiếp chiến công. Đảng ta
không phụ lòng Đất nước và Dân tộc. Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, mở ra kỷ nguyên mới độc lập, tự do. Hai cuộc
kháng chiến trường kỳ, đánh thắng hai đế quốc to, đã đưa dân tộc ta lên ngang
hàng các dân tộc tiên phong, ghi đậm dấu ấn sâu sắc của những thắng lợi có ý
nghĩa lịch sử và thời đại. Rồi 46 năm qua, nước nhà thống nhất và đi lên chủ
nghĩa xã hội, một cuộc trường chinh mới đầy vinh quang nhưng cũng nhiều thử
thách vì một cuộc sống mới, một tương lai nhiều lần tốt đẹp hơn. Trong cuộc
hành trình vạn dặm, dù bên cạnh những thành tích to lớn còn có những sai lầm
khuyết điểm không nhỏ, Đảng ta luôn xứng đáng là đội tiên phong của một đất nước
anh hùng, một dân tộc vĩ đại.
Bước vào thế kỷ XXI, đất nước ta
bước vào một thời kỳ mới của sự phát triển. Hai thập niên đầu gắn liền với 4 kỳ
Đại hội Đảng IX, X, XI và XII. Và mỗi kỳ Đại hội Đảng đều là dấu mốc khơi dậy
niềm tin và hy vọng. Trong hai thập niên đầu ấy, có ba mùa xuân có ý nghĩa mở đầu:
Xuân Tân Tỵ (2001), Xuân Tân Mão (2011) và nay Xuân Tân Sửu (2021).
Xuân Tân Tỵ 2001, với Đại hội IX
của Đảng, là xuân ước vọng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đến năm
2010, đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm
2020, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Xuân Tân Mão 2011, với Đại hội X
của Đảng, đã cất lên lời reo vui: Nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển.
Và một lần nữa, khẳng định quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020, cơ bản
trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Xuân Tân Sửu 2021 này, với Đại hội
XIII của Đảng, đang cháy bỏng khát vọng phát triển mạnh mẽ đất nước một cách
toàn diện, đồng bộ, như phần trên đã nói: Cái khát vọng phát triển ấy là đến
năm 2025, tức là 5 năm tới, Việt Nam sẽ là nước công nghiệp theo hướng hiện đại,
vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Năm 2030, kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập
Đảng ta, là nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Và đến giữa thế
kỷ XX, tương ứng năm 2045, kỷ niệm Nhà nước độc lập của ta tròn tuổi 100, trở
thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có thu nhập cao.
Vâng. Đối với Dân tộc ta, độc lập
tự do là mùa Xuân vĩnh viễn. Chủ nghĩa xã hội cũng là mùa Xuân vĩnh viễn.
Nói đến Xuân Tân Sửu năm nay,
tôi bỗng nhớ đến Xuân Tân Sửu năm 1961, cách đây đã 60 năm. Một lục thập hoa
giáp đã trôi qua!
Tôi nhớ Bài ca Xuân 61 của Tố Hữu:
Xuân ơi Xuân, vui tới mông mênh
Biển vui dâng sóng trắng đầu ghềnh
Thơ đã hát, mát trong lời chúc
Đường lên hạnh phúc rộng thênh
thênh...
Năm ấy, Bác Hồ đã có thơ chúc Tết
đồng bào:
Mừng năm mới, mừng xuân mới
Mừng Việt Nam, mừng thế giới
Đường lên hạnh phúc rộng thênh
thênh
Lời chúc tết của Bác Hồ đã truyền
cảm hứng cho nhà thơ Tố Hữu. Và cho đến nay, lời thơ ấy của Bác vẫn còn vang vọng
trong trái tim mỗi người chúng ta khi mùa Xuân đến./.
Xuân
Tân Sửu 2021
Hà
Đăng