GS, TS. Lê Ngọc HùngHọc viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Một trong các thành tựu cơ bản và quan trọng nhất của đổi mới giáo dục Việt Nam đó là liên tục mở rộng cơ hội giáo dục thể hiện rõ qua mức tăng không ngừng của tỷ lệ đi học đúng độ tuổi các cấp bậc từ tiểu học đến đại học. Việc thực hiện chính sách đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đòi hỏi phải kiên trì mục tiêu này trên cơ sở tăng cường nghiên cứu khoa học giáo dục nhằm thực hiện tiến bộ xã hội, công bằng xã hội về giáo dục - đào tạo trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cơ hội đi học đúng tuổi trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
Tỷ lệ đi học đúng tuổi là một tiêu chuẩn, tiêu chí, thước đo phản ánh rõ nhất và chính xác nhất về cơ hội đi học nói riêng và cơ hội giáo dục nói chung của dân số trong độ tuổi đi học. Căn cứ vào tỷ lệ đi học đúng tuổi các cấp bậc giáo dục từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học có thể đánh giá được tiến bộ xã hội, công bằng xã hội và bình đẳng xã hội trong giáo dục, đào tạo nói riêng và trình độ phát triển xã hội nói chung của cộng đồng, dân tộc, quốc gia.
Cần ghi nhận những thành quả hết sức to lớn của đổi mới kinh tế - xã hội nói chung và cải cách giáo dục giáo dục nói riêng thể hiện đặc biệt rõ ở mức độ mở rộng liên tục cơ hội đi học đúng tuổi các cấp bậc giáo dục trong thời kỳ 1993 - 2009, tỷ lệ đi học đúng tuổi các cấp bậc giáo dục từ tiểu học đến đại học tăng mạnh từ năm 1993 đến năm 1998 và năm 2009. Cơ hội đi học đúng tuổi tiểu học tăng từ 78% năm 1993 lên 92,6% năm 1998 và 95,5% năm 2009. Như vậy, đến năm 1998, Việt Nam đã hoàn thành phổ cập tiểu học với tỷ lệ đi học đúng tuổi đạt trên 95%.
Cơ hội đi học đúng tuổi trung học cơ sở chỉ đạt trên một phần ba (36%) số trẻ em trong độ tuổi trung học cơ sở vào năm 1993, nhưng đến năm 2009 tỷ lệ này đã tăng hơn gấp đôi và đạt tới mức “cơ bản phổ cập trung học cơ sở”với tỷ lệ 82,6% đi học đúng tuổi. Cơ hội đi học đúng tuổi trung học phổ thông tăng mạnh với mức tăng gấp gần năm lần từ 11% năm 1993 lên gần 57% năm 2009. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh về quy mô khi xuất phát điểm thấp. Nhưng theo quy luật, tốc độ tăng về quy mô sẽ giảm dần nếu như không tập trung đầu tư mạnh hơn nữa cho giáo dục phổ thông. Do vậy, để có thể hoàn thành mục tiêu phổ cập bậc trung học phổ thông với tỷ lệ 80% đi học đúng tuổi bậc học này vào năm 2020 Việt Nam cần đầu tư cho giáo dục nói chung và cho trung học phổ thông nói riêng.
Cơ hội đi học đại học tăng mạnh nhất, nhưng nhìn chung vẫn còn ít và chỉ đạt gần 10% vào năm 2009. Do vậy, giáo dục đại học của Việt Nam về cơ bản vẫn là giáo dục tinh hoa với nghĩa là cơ hội đi học đại học chỉ dành cho một tỷ lệ rất ít (10%) dân số trong độ tuổi học đại học có đủ điều kiện đến trường đại học.
Trong suốt thời kỳ cải cách giáo dục năm 1993 - 2009, cơ hội đi học được mở rộng và được phân bổ đều khắp cho tất cả các nhóm xã hội, các cộng đồng xã hội nhờ vậy mà giảm bớt phân hóa xã hội, bất bình đẳng xã hội về cơ hội giáo dục. Điều này thể hiện rõ qua tỷ lệ đi học đúng tuổi các cấp bậc giáo dục đều tăng ở tất cả các nhóm dân số trong độ tuổi đến trường ở tất cả các nhóm thu nhập gồm nhóm nghèo, nhóm cận nghèo, nhóm trung bình, nhóm khá và nhóm giàu trên phạm vi cả nước.
Cơ hội đi học đúng tuổi các cấp bậc giáo dục của các nhóm xã hội đều được mở rộng trong suốt thời kỳ 1993 - 2009. Đồng thời, mức độ phân hóa giàu nghèo về tỷ lệ đi học đúng tuổi các cấp bậc giáo dục phổ thông đều giảm. Đến năm 2009, mức phân hóa giàu nghèo về tỷ lệ đi học đúng tuổi tiểu học giảm còn 1,1 lần so với 1,3 lần năm 1993. Tuy nhiên, đến năm 2009, phân hóa giàu nghèo về cơ hội đến trường trung học phổ thông mặc dù đã giảm nhanh nhưng vẫn còn ở mức cao là 3,6 lần, nghĩa là cứ 1 trẻ em xuất thân từ 20% gia đình nghèo nhất đi học thì có tới 3-4 trẻ em xuất thân từ 20% gia đình giàu nhất đi học.
Có thể nói chính nhờ thực hiện chính sách phổ cập giáo dục tiểu học nên tỷ lệ đi học đúng tuổi tiểu học tăng lên ở tất cả các nhóm xã hội và về cơ bản đã thực hiện được nguyên tắc bình đẳng giáo dục nói chung và bình đẳng về cơ hội đi học nói riêng. Việc mở rộng cơ hội đi học và tăng cường công bằng xã hội, bình đẳng xã hội về cơ hội giáo dục phổ thông phụ thuộc nhiều vào việc thực hiện đầu tư cho chính sách phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục trung học phổ thông.
Cơ hội đi học đại học cũng được mở rộng nhanh, tuy nhiên vẫn thuộc loại “giáo dục tinh hoa” với tỷ lệ đi học đúng tuổi thấp (dưới 10%). Do vậy, mức độ phân hóa giàu nghèo về cơ hội đi học đại học không giảm mà tăng lên trong năm 1998 - 2009. Cụ thể là mức độ phân hóa tăng từ 61,2 lần năm 1998 lên 87,7 lần năm 2009, có nghĩa là đến năm 2009 cứ một người xuất thân từ nhóm 20% gia đình nghèo nhất nhập học đại học thì có 87-88 người xuất thân từ nhóm 20% gia đình giàu nhất nhập học. Do vậy, nếu chính sách phân bổ ngân sách nhà nước bao cấp cho giáo dục đại học, ví dụ bao cấp một gói kinh phí 437 tỷ đồng thì sinh viên thuộc gia đình có mức sống trung bình, nghèo và rất nghèo được hưởng 68 tỷ đồng và sinh viên gia đình khá giả và giàu hưởng 369 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là 60% các gia đình trung bình, nghèo và rất nghèo được hưởng gần 16% số tiền bao cấp giáo dục và 40% gia đình khá giả và giàu được hưởng hơn 84% số tiền bao cấp còn lại.
Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và chương trình, kế hoạch thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
Mục tiêu
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04-11-2013 cụ thể hóa quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và xác định rõ mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các mục tiêu đặt ra. Trong các nội dung của mục tiêu tổng quát, có lẽ cần đặc biệt chú ý đến mục tiêu về chất lượng, hiệu quả, tính chất và tầm vóc của giáo dục Việt Nam, đó là mục tiêu “tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo”; “giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”. Các nghiên cứu cho biết một tiêu chí cơ bản và quan trọng nhất của nền giáo dục trình độ tiên tiến trên thế giới là cơ hội đi học đúng tuổi được mở rộng tới gần như 100% dân số trong độ tuổi giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông và đa số dân số trong độ tuổi cao đẳng đại học.
Trong các mục tiêu cụ thể đối với giáo dục mầm non có lẽ cần đặc biệt chú trọng mục tiêu: “Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và miễn học phí trước năm 2020… Phát triển giáo dục mầm non dưới 5 tuổi có chất lượng phù hợp với điều kiện của từng địa phương và cơ sở giáo dục”.
Trong các mục tiêu cụ thể đối với giáo dục phổ thông, cần đặc biệt chú ý đến mục tiêu như “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời. Hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn sau năm 2015. Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở;... Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020. Phấn đấu đến năm 2020, có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương”.
Nhiệm vụ và giải pháp
Để thực hiện các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Nghị quyết số 29 - NQ/TW/2013 đã xác định rõ 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Các nhóm nhiệm vụ và giải pháp này bao quát các lĩnh vực từ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với giáo dục đến đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ các yếu tố của giáo dục, coi trọng phẩm chất, năng lực của người học, hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ đến chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế trong giáo dục.
Nghị quyết 29 xác định rõ nhiệm vụ và giải pháp khoa học - công nghệ gồm bốn nội dung cụ thể cần được triển khai là: (i) quan tâm nghiên cứu khoa học giáo dục và khoa học quản lý, tập trung đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học giáo dục, triển khai chương trình nghiên cứu quốc gia về khoa học giáo dục; (ii) tăng cường nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ ở các cơ sở giáo dục đại học; gắn đào tạo, nghiên cứu với sản xuất kinh doanh; đầu tư phát triển khoa học cơ bản, chuyên ngành trong một số cơ sở giáo dục đại học; khuyến khích người học nghiên cứu khoa học; (iii) khuyến khích thành lập viện, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ; (iv) ưu tiên đầu tư phát triển một số trường đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực.
Chương trình hành động
Các nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình hành động: Để thực hiện Nghị quyết 29, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động kèm theo Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09-6-2014. Chương trình hành động của Chính phủ xác định 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, về cơ bản, tương ứng với 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết 29.
Chương trình hành động của Chính phủ xác định một phần nội dung của nhiệm vụ, giải pháp về nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ ba “3.Đổi mới chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo”. Ở đây cần chú ý một số điều quan trọng như sau: Thứ nhất, toàn bộ nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ ba này chủ yếu tập trung vào đổi mới chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo như đúng tên gọi của nó mà chưa tập trung vào đổi mới “mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố cơ bản” của cả hệ thống giáo dục và từng cơ sở giáo dục và đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Thứ hai, chỉ một phần nội dung của nhóm nhiệm vụ và giải pháp thứ tám của Nghị quyết 29 được triển khai ở nội dung thứ sáu, nội dung cuối cùng trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ ba của Chương trình hành động. Thứ ba, việc đưa nội dung nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ này vào nhóm nhiệm vụ và giải pháp thứ ba này cho thấy nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ được xác định chủ yếu để phục vụ “đổi mới chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo” chứ chưa có vị trí, vai trò phục vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục tầm quốc gia, quốc tế như được xác định trong Nghị quyết 29.
Các đề án triển khai Chương trình hành động: Để thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp này, Chương trình hành động theo Nghị quyết 44 xác định được 18 đề án. Trong danh mục 18 đề án này đáng chú nhất là một đề án tập trung vào phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số và ba đề án thực hiện đổi mới chương trình giáo dục các cấp học và trình độ đào tạo. Nhưng Danh mục 18 đề án này thiếu đề án thực hiện nhóm nhiệm vụ và giải pháp thứ tám về tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý; thiếu cả đề án thực hiện nhóm nhiệm vụ và giải pháp thứ 9 về chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo như được xác định rõ trong cả Nghị quyết 29 và Nghị quyết 44.
Kế hoạch hành động
Nhiệm vụ và giải pháp Kế hoạch hành động của ngành giáo dục: Để thực hiện Nghị quyết 44 và Nghị quyết 29, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định số 2653/QĐ-BGDĐT ban hành Kế hoạch hành động của ngành giáo dục vào ngày 25-7-2014. Kế hoạch hành động đã xác định rõ 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tương ứng với Chương trình hành động ban hành kèm theo Nghị quyết 44/QĐ-CP. Vì là Kế hoạch hành động của ngành giáo dục nên các nội dung cụ thể của từng nhóm nhiệm vụ và giải pháp và các văn bản, đề án triển khai kế hoạch chủ yếu thuộc phạm vi nội bộ hệ thống giáo dục bao gồm các nội dung về chương trình giáo dục, giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề. Tương tự Chương trình hành động, Kế hoạch hành động của ngành vẫn thiếu nhiệm vụ và giải pháp tập trung thực hiện việc nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý đã xác định rõ trong Nghị quyết 29.
Cơ hội đi học đúng tuổi và trình độ chuyên môn kỹ thuật, học vấn năm 2016
Một tiêu chí phản ánh rõ thành tựu đặc biệt quan trọng của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là việc mở rộng các cơ hội đi học đúng tuổi các cấp bậc giáo dục trên ở các khu vực, các vùng miền trên phạm vi cả nước. Điều này thể hiện rõ ở cả hai tiêu chí tỷ lệ lệ đi học chung và tỷ lệ đi học đúng tuổi. Sau hai năm thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đến năm 2016, tỷ lệ đi học đúng tuổi tiểu học đạt 98%, trung học cơ sở đạt 91,4%, trung học phổ thông đạt 68,9% và cao đẳng đại học đạt 23,8%. Thành tựu phổ cập tiểu học và trung học cơ sở rõ ràng đã tạo ra nền tảng vững chắc để đặt ra mục tiêu phổ cập trung học phổ thông và mở rộng nhiều hơn nữa cơ hội giáo dục cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, với tỷ lệ đi học đúng tuổi trung học phổ thông đạt được gần 69% năm 2016 Việt Nam cần phải đầu tư nhiều nguồn lực mới có thể hoàn thành mục tiêu phổ cập bậc trung học phổ thông đến năm 2020 như đã được điều chỉnh năm 2013.
Từ góc độ khoa học, đặc biệt là khoa học giáo dục hiện đại và khoa học quản lý hiện đại có thể đặt ra vấn đề về phân ban, phân luồng giáo dục sau trung học cơ sở. Sự phát triển bao trùm, bền vững đòi hỏi cơ hội đi học phải được mở rộng theo hướng phổ cập, đại chúng từ mầm non đến sau trung học phổ thông. Điều này càng trở nên cấp thiết khi nghiên cứu kỹ về mức độ bất bình đẳng giữa thành thị và nông thôn và giữa các vùng miền về cơ hội đi học. Việc mở rộng cơ hội đi học đúng tuổi đã trực tiếp nâng cao bình đẳng về cơ hội giáo dục ở cả thành thị và nông thôn và các vùng miền đối với bậc tiểu học và trung học cơ sở, và giảm bất bình đẳng xã hội ở bậc trung học phổ thông. Tuy nhiên, mức độ bất bình đẳng giữa thành thị và nông thôn và giữa các vùng miền về cơ hội đi học vẫn còn cao ở bậc cao đẳng, đại học.
Cơ hội đi học đã được mở rộng đến mức phổ cập ở tiểu học và trung học cơ sở, tuy nhiên cơ hội này chưa đạt tới mức phổ cập ở trung học phổ thông và rất thấp ở cao đẳng, đại học. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng, trình độ của lực lượng lao động của Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay. Bên cạnh đó, cơ hội đi học đúng tuổi còn ít và được phân bổ chưa đồng đều nhất là ở bậc trung học phổ thông và cao đẳng đại học đặt ra vấn đề lý luận và thực tiễn cấp thiết, nhất là khi trình độ và chất lượng lực lượng lao động còn yếu kém. Đó là chính sách giáo dục cần tập trung vào nâng cao chất lượng giáo dục hay cần tập trung vào mở rộng cơ hội đi học? Lựa chọn chính sách dễ dàng nhất và thoạt nhìn có lẽ cũng là hợp lý nhất là “cả hai” vừa nâng cao chất lượng vừa mở rộng cơ hội giáo dục, có nghĩa là vừa tăng quy mô, số lượng người học và vừa nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, xem xét kỹ vấn đề này từ góc độ lý luận khoa học giáo dục và thực tiễn quy luật “lượng đổi chất đổi” có thể thấy tập trung vào mở rộng cơ hội đi học mới trực tiếp thực hiện được tiến bộ xã hội, công bằng xã hội và nâng cao được chất lượng, hiệu quả giáo dục. Trên thực tế, có thể cần thực hiện từng bước và có trọng điểm là tập trung đầu tư mở rộng cơ hội đi học đối với các cá nhân, gia đình, nhóm xã hội, cộng đồng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo. Biện pháp chính sách tài chính cho giáo dục có thể là cần phải tăng cường đầu tư, tăng định hướng xã hội chủ nghĩa cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông gồm cả tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông để củng cố và hoàn thiện phổ cập giáo dục phổ thông và phổ cập giáo dục mầm non đồng thời cần giảm bao cấp và tăng yếu tố cơ chế thị trường cho giáo dục đại học nhằm mở rộng cơ hội đi học mà vẫn bảo đảm công bằng xã hội trong đào tạo./.
Theo Tạp chí Cộng sản điện tử