1. Bộ Chính trị ra Thông báo số 242-TB/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020.
Ngày 15 tháng 4 năm 2009, Bộ Chính trị ra Thông báo số 242-TB/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020, trong đó đã khẳng định: Sau 12 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta có bước chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng, về cơ bản đã thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết. Tuy nhiên so với yêu cầu của Nghị quyết và yêu cầu phát triển của đất nước, vẫn còn một số nội dung chưa đạt được. Vì vậy, đồng thời với việc chỉ đạo ngành giáo dục cần sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế yếu kém; Bộ Chính trị cũng đã chỉ rõ bảy nhiệm vụ, giải pháp để phát triển giáo dục đến năm 2020. Cũng trong Kết luận này, Bộ Chính trị giao Ban cán sự Đảng Chính phủ xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 và hoàn chỉnh Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Đây là những định hướng chỉ đạo rất quan trọng để giáo dục Việt Nam có thể hội nhập quốc tế vào năm 2020 khi nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp.
Thực hiện Thông báo số 242-TB/TW, ngày 25 tháng 6 năm 2009, Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Nghị quyết Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII, phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020; Đồng thời chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo, các đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp khẩn trương, nghiêm túc tổ chức phổ biến, quán triệt và xây dựng chương trình hành động thực hiện Thông báo số 242-TB/TW của Bộ Chính trị.
2. Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo.
Tại kỳ họp thứ 5, Chính phủ đã trình Quốc hội Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014. Mục tiêu tổng quát của Đề án quan trọng này là: (1) Xây dựng cơ chế tài chính mới cho giáo dục, nhằm huy động ngày càng tăng và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của nhà nước và xã hội để nâng cao chất lượng và tăng quy mô giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực sự coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu; (2) Xây dựng hệ thống các chính sách để tiến tới mọi người ai cũng được học hành với nền giáo dục có chất lượng ngày càng cao. Đây là một đề án được đánh giá là có tính minh bạch, nhân văn, công bằng và hiệu quả.
Ngày 19 tháng 6 năm 2009, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 35/2009/QH12 về chủ trương định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, với 83,37% số phiếu tán thành. Thực hiện Nghị quyết 35/2009/QH12 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1310/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2009 về việc điều chỉnh khung học phí đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân năm học 2009-2010. Đây là cơ sở rất quan trọng, làm căn cứ cho các trường xây dựng khung học phí mới, tạo thêm nguồn lực cho các trường để nâng cao chất lượng đào tạo.
Đồng thời, ngày 03 tháng 12 năm 2009 Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định ban hành Kế hoạch xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 35/2009/QH12 của Quốc hội. Như vậy, một số chủ trương định hướng đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục sẽ được thực hiện đúng lộ trình, bắt đầu từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015.
3. Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Ngày 8 tháng 10 năm 2009, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XII, Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Nội dung sửa đổi, bổ sung đã tập trung giải quyết một số vấn đề bức xúc hiện nay như: (1) Quy định việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư có hiệu quả và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non nói chung và trẻ em 5 tuổi nói riêng, đặc biệt ở vùng miền núi và các vùng kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn; (2) Bổ sung một số quy định chặt chẽ hơn về việc biên soạn chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; (3) Xác định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp phải bảo đảm có đủ giáo trình giảng dạy, học tập; (4) Bổ sung các quy định về yêu cầu công khai tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục và xác định rõ nội dung quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục; (5) Tách bạch hơn điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện cho phép hoạt động giáo dục; (6) Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động giáo dục, tạo hành lang pháp lý cần thiết nhằm đẩy mạnh đổi mới quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục; (7) Thực hiện phụ cấp thâm niên cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Ngày 25 tháng 11 năm 2009, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Giáo dục. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2010.
4. Tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.
Ngày 18 tháng 12 năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, Hội nghị đã khẳng định, trong 5 năm qua (2004-2009) công tác thi đua trong toàn ngành đã có sự chuyển biến về chất, công tác phổ biến, nhân điển hình tiến có bước tiến bộ vượt bậc. Ngành giáo dục là ngành đầu tiên thực hiện nói không với bệnh thành tích thông qua việc triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”; cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Ngành đã huy động được 2 Bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch), 3 đoàn thể (Trung ương Đoàn Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội khuyến học Việt Nam), 3 cấp (trung ương, địa phương và cơ sở) cùng tham gia, từ đó đã tạo được cơ chế xã hội bền vững trong việc giải quyết vấn đề học sinh bỏ học, đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính chủ động, tích cực, sự sáng tạo của học sinh trong học tập và các hoạt động xã hội, tạo môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống, nhờ đó, đã khơi dậy và phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo trong dạy và học của giáo viên và học sinh, tạo động lực để đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên, sinh viên, học sinh trong ngành thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng,Nhà nước và nhân dân giao cho.
5. Đánh giá kết quả năm đầu tiên triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”
Sự kiện quan trọng này được tổ chức trọng thể vào ngày 22 tháng 8 năm 2009 tại một trong 5 di tích lịch sử văn hoá mà Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ tôn tạo bảo vệ, đó là Đền thờ nhà giáo Chu Văn An (trong quần thể di tích núi Phượng Hoàng, huyện Chí Linh, Hải Dương) với sự tham dự của đại diện 5 Bộ, ngành phối hợp: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội khuyến học Việt Nam và những đơn vị, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phong trào có ý nghĩa này.
Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ngay từ khi triển khai đã được sự đồng tình, hưởng ứng của toàn ngành và toàn xã hội, vì vậy đã tạo nên những chuyển biến rõ nét về quang cảnh trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn thân thiện, về môi trường giáo dục nhân văn, về chất lượng dạy và học, về giáo dục kỹ năng sống, về gìn giữ và phát huy truyền thống lịch sử văn hoá dân tộc. Kết quả sau một năm triển khai thực hiện đã có 40.637 trường học tham gia phong trào, trong đó có 5.506 trường được chọn chỉ đạo điểm ở các địa phương; các cấp học đã trồng được hơn 2 triệu cây xanh các loại; các trường đã nhận chăm sóc 2.846 bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh liệt sĩ và 13.060 di tích lịch sử, văn hoá; sửa chữa hoặc xây mới 36.985 nhà vệ sinh (đạt tỷ lệ 91% trong tổng số các trường học), trong đó có 28.944 nhà vệ sinh đạt chuẩn (đạt tỷ lệ 77%). Các trò chơi dân gian, các bài hát, điệu múa truyền thống được đua vào trong chương trình ngoại khoá ở các nhà trường. Các nội dung hoạt động của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ngày càng được nâng cao hơn về chất, đặc biệt là việc phối hợp để thực hiện 3 đủ: “đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở” cho mỗi học sinh, nhờ đó tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm đáng kể. Việc tổ chức Lễ khai giảng với cả phần “Lễ” và phần “Hội” và tổ chức “Lễ tri ân và trưởng thành cho học sinh lớp 12” đã đem lại những nét mới trong hoạt động giáo dục của nhà trường.
Ngành giáo dục coi phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” là sự cụ thể hoá của phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” trong giai đoạn hiện nay, là giải pháp đột phá để nâng cao giáo dục toàn diện, đặc biệt là giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh với một cơ chế chính trị xã hội đủ mạnh bởi sự tham gia của hai Bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và ba Đoàn thể (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Khuyến học Việt Nam).
6. Triển khai đổi mới phương pháp dạy học bốn môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân
Năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ Hội thảo về quản lý hoạt động đổi mới phương pháp dạy học ở các trường phổ thông (ngày 03/01/2009 tại Nghệ An); Hội thảo về đổi mới kiểm tra đánh giá thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí (ngày 17, 18/4/2009 tại TP Cần Thơ); Hội thảo đánh giá sâu về chương trình, sách giáo khoa môn Giáo dục công dân (ngày 20, 21/4/2009 tại TP Đà Lạt).
Qua hội thảo và thực tế khảo sát tại các địa phương cho thấy việc đổi mới phương pháp dạy học tại các cơ sở giáo dục đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng, nhiều giáo viên đã sử dụng máy vi tính vào việc thiết kế bài giảng, nhiều phần mềm dạy học đã được ứng dụng; trang thiết bị dạy học, phòng bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành được sử dụng đạt hiệu quả cao.
Các dự án giáo dục cũng tập trung cho vấn đề này bằng những thành phần cụ thể nhằm nâng cao năng lực đổi mới phương pháp dạy học cho giáo viên. Cũng theo xu thế này, các trường sư phạm đã vào cuộc một cách tích cực hơn cùng với việc đổi mới ở trường phổ thông, tiến tới sẽ phải đi trước một bước trong đổi mới phương pháp dạy học.
7. Tổ chức đánh giá chương trình, sách giáo khoa tiểu học và trung học trên quy mô toàn quốc
Tháng 9 năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức đánh giá toàn diện chương trình, sách giáo khoa (lần 2) sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới (lần thứ nhất tổ chức vào tháng 5 năm 2008). Việc đánh giá được thực hiện từ các tổ chuyên môn ở các trường đến các Phòng Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục và Đào tạo; đồng thời có sự tham gia đánh giá độc lập của Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Cựu Giáo chức Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Tiếp thu các ý kiến góp ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát, chỉnh sửa sách giáo khoa; triển khai mục “Góp ý sách giáo khoa” trên trang thông tin điện tử của Bộ; điều chỉnh một số nội dung của chương trình, sách giáo khoa theo hướng giảm tải một số môn học, tích hợp một số nội dung của các môn học và hoạt động giáo dục để giảm khối lượng kiến thức và thời gian dạy học; điều chỉnh về cách thức kiểm tra, đánh giá.
Bộ đã biên soạn và ban hành tài liệu Hướng dẫn dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng trong chương trình giáo dục phổ thông nhằm giúp giáo viên định hướng đúng nội dung giảng dạy của các môn học, trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu tối thiểu, có thể nâng cao ở mức phù hợp với năng lực nhận thức của các học sinh khá, giỏi. Các nhà trường đã căn cứ vào hướng dẫn nói trên để tổ chức giảng dạy bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng được qui định trong chương trình giáo dục phổ thông; bảo đảm cân đối giữa yêu cầu trang bị kiến thức với việc rèn luyện kỹ năng và giáo dục thái độ cho học sinh; hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Tài liệu này hướng dẫn này đã được triển khai ngay trong học kỳ I năm học 2009-2010 và được các cơ sở đánh giá là có tác dụng tốt trong đổi mới phương pháp dạy học.
8. Ban hành Chương trình giáo dục mầm non mới và xây dựng xong Đề án Phổ cập mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi.
Trên cơ sở nghiên cứu, xem xét nội dung các chương trình giáo dục mầm non đã được ban hành, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương, các vùng miền khác nhau, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới và ngày 25 tháng 7 năm 2009 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT Ban hành Chương trình Giáo dục mầm non. Chương trình mới này kế thừa những ưu điểm của các chương trình giáo dục mầm non đã ban hành; là chương trình khung, mang tính định hướng và mở, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với đặc điểm vùng miền. Đối với những địa phương có điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất sẽ thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non mới bắt đầu từ năm học 2009-2010; ở những nơi chưa đủ điều kiện thì tiếp tục triển khai Chương trình chăm sóc giáo dục trẻ và Chương trình 26 tuần cho trẻ 5 tuổi. Trong 3 năm tới, Chương trình Giáo dục mầm non mới sẽ được thực hiện đại trà ở tất cả các cơ sở giáo dục mầm non trong cả nước.
Trong năm 2009, Bộ đã xây dựng xong Đề án Phổ cập mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi. Mục tiêu của Đề án là đảm bảo hầu hết trẻ em 5 tuổi ở mọi vùng miền được tới lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày đủ một năm học, nhằm chuẩn bị tốt nhất về mặt thể lực, sẵn sàng về tâm lí, chuẩn bị tiếng Việt, đảm bảo chất lượng nhập học phổ thông.
9. Lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đến dự và chỉ đạo Hội nghị Tổng kết năm học khối giáo dục đại học: Đổi mới quản lý nhà nước là giải pháp đột phá để đổi mới giáo dục đại học.
Hội nghị Tổng kết khối giáo dục đại học năm học 2008-2009 được tổ chức tháng 8 năm 2009 tại Hội Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và chủ trì Hội nghị. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao sự đóng góp của ngành giáo dục và đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời mong muốn giáo dục đại học, trước yêu cầu mới, không dừng lại, không thỏa mãn mà phải nỗ lực để đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh, toàn diện của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thủ tướng đã chỉ đạo đổi mới quản lý nhà nước là giải pháp đột phá để đổi mới giáo dục đại học.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2009-2012 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng; triển khai thực hiện 3 công khai theo Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07 tháng 5 năm 2009 (công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế được đánh giá, công khai các nguồn lực, công khai tài chính của cơ sở giáo dục); đổi mới trong công tác tuyển sinh; đổi mới cơ chế tài chính, tăng cường tự chủ tự chịu trách nhiệm của nhà trường; xây dựng thư viện giáo trình điện tử; tăng cường đào tạo theo nhu cầu xã hội. Bộ cũng sẽ xây dựng quy chế qui định rõ trách nhiệm của cấp Bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ ngành liên quan), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có trường đại học, cao đẳng và bản thân các trường đại học, cao đẳng.
Ngày 29 tháng 10 năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học, các giải pháp đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.
10. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của ngành
Ngày 01 tháng 6 năm 2009, Thủ tướng Chính Phủ đã ra Quyết định số 698/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Đây là yếu tố then chốt có ý nghĩa quyết định đối với việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành.
Thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn cho hơn 5.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và giáo viên của 35 Sở Giáo dục và Đào tạo; ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Intel triển khai Chương trình giáo dục điện tử; phối hợp với Tổng công ty Viễn thông Quân đội Viettel tài trợ miễn phí việc kết nối Internet băng thông rộng, thiết bị kết nối và thuê bao hàng tháng tới tất cả các trường phổ thông, mầm non, các phòng giáo dục và đào tạo, các trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục cộng đồng (giá trị hỗ trợ khoảng 330 tỷ/năm). Đến nay, có khoảng 25.000 trường phổ thông và mầm non (chiếm 64%) trong tổng số 39.000 trường được kết nối và sử dụng Internet miễn phí. Với thành tựu này Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới sẽ nối mạng và cho truy cập Internet miễn phí cho tất cả các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông.
Bộ cũng đã triển khai hệ thống phần mềm hỗ trợ xếp thời khóa biểu cho các trường phổ thông của 35 tỉnh, thành; cung cấp cho toàn ngành các phần mềm quản lý học sinh; xây dựng hệ thống họp và đào tạo qua mạng; phát động cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử e-Learning trên phạm vi toàn quốc. Bộ đã thực hiện đề án các trường tham gia xây dựng thư viện giáo trình điện tử dùng chung, đến nay đã có trên 1.100 giáo trình trên mạng để giảng viên và sinh viên sử dụng, đã có trên 13 triệu lượt người truy cập.
11. Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước Á- Âu lần thứ 2 (ASEMME2)
Trong hai ngày 14 và 15 tháng 5 năm 2009 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước Á- Âu lần thứ 2 (ASEMME2) với khẩu hiệu: "Chia sẻ kinh nghiệm và những bài học thực tiễn về giáo dục đại học giữa các quốc gia ASEM". Hội nghị đã nhận được sự quan tâm và tham dự của 177 đại biểu quốc tế đến từ 37 quốc gia thành viên và 6 tổ chức quốc tế có liên quan và hơn 100 đại biểu Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự khai mạc, phát biểu và chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị ASEMME2 tại Việt Nam được các đại biểu quốc tế đánh giá là thành công vượt bậc, thể hiện: (1) Quy mô, số lượng đại biểu tham dự đông đảo (43 đoàn tham dự ASEMME 2 so với 29 đoàn tại Hội nghị lần thứ 1 tại Đức); (2) Cách thức tổ chức, tiếp đón đại biểu trọng thị, chu đáo của nước chủ nhà; (3) Nội dung Hội nghị rất cụ thể, sâu sắc và có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy hợp tác Á- Âu về giáo dục; (4) Đặc biệt, từ ý tưởng đề xuất của nước chủ nhà Việt Nam, Hội nghị đã thảo luận và nhất trí cao việc thành lập Ban thư ký ASEM về giáo dục, dự kiến bắt đầu triển khai vào năm 2010.
12. Hội nghị Hội đồng giáo giới các nước ASEAN lần thứ 25
Hội nghị Hội đồng giáo giới các nước ASEAN lần thứ 25 được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 11 và 12 tháng 12 năm 2009, do Công đoàn Giáo dục Việt Nam đăng cai tổ chức, tới dự có các đại biểu là Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 10 nước trong Hội đồng giáo giới ASEAN với 278 đại biểu tham dự; về phía nước chủ nhà có gần 300 đại biểu là Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành phố, các trường đại học, cao đẳng và đơn vị trực thuộc.
Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế đang suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến phát triển giáo dục, Hội đồng giáo giới ASEAN đã khẳng định quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, phối hợp hành động nhiều mặt, ứng phó với suy thoái kinh tế toàn cầu nhằm đảm bảo phát triển bền vững giáo dục. Đồng thời cam kết đẩy nhanh quá trình liên kết nội khối, đưa hiến chương ASEAN vào cuộc sống, thực hiện lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015, hướng tới một cộng đồng năng động, hiệu quả, đặc biệt tăng cường hợp tác giáo dục đào tạo nguồn nhân lực. Kết quả Hội nghị đã góp phần nâng cao vị trí của giáo dục Việt Nam trong các nước ASEAN.
Nguyễn Quang Tuấn (theo moet.gov.vn)