PHÁT TRIỂN NGÀNH SƯ PHẠM VÀ CÁC TRƯỜNG/KHOA
SƯ PHẠM Ở NƯỚC TA HIỆN NAY - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
PGS.TS. Phạm Minh Hùng
1. Thực trạng
1.1. Hệ thống các trường/khoa sư phạm tăng nhanh về quy mô
Hiện nay, cả nước có 14 trường ĐHSP; 49 trường ĐH có khoa/ngành sư phạm; 39 trường CĐSP; 24 trường CĐ có khoa/ngành sư phạm; 3 trường TCSP và 4 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục. Tổng cộng có 133 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
1.2. Tồn tại nhiều mô hình/phương thức đào tạo giáo viên
Có 3 phương thức/mô hình đào tạo giáo viên ở nước ta hiện nay, gồm:
(i) Đào tạo giáo viên tại các trường SP theo phương thức truyền thống: vừa đào tạo khoa học cơ bản/chuyên ngành vừa đào tạo sư phạm (mô hình song song) được thực hiện 4 năm (trình độ cử nhân đại học) hoặc 3 năm (trình độ cử nhân cao đẳng). Tất cả các trường sư phạm đều thực hiện theo mô hình này.
Giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học thường được đào tạo dạy toàn diện; giáo viên THCS thường đào tạo dạy 2 môn (môn chính 70%, môn phụ 30% thời lượng đào tạo; ví dụ: Văn - Sử, Văn - Giáo dục công dân, Toán - Tin, ...). Giáo viên THPT được đào tạo dạy 01 môn. Nhưng một số trường CĐSP đào tạo giáo viên THCS dạy được 2 môn (không phân chính - phụ). Một số trường ĐH đã đào tạo giáo viên THPT dạy môn chính - phụ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân công chuyên môn tại các trường phổ thông.
(ii) Đào tạo giáo viên theo 2 giai đoạn (mô hình nối tiếp): đào tạo về khoa học cơ bản/chuyên ngành sau đó đào tạo nghề SP. Mô hình này được thực hiện với hai hình thức: có định hướng (mô hình 3+1: áp dụng với thí sinh đăng ký dự thi ngành sư phạm và trúng tuyển tại cơ sở đào tạo ĐH) và không định hướng (mô hình 4+1: áp dụng với SV đã tốt nghiệp ở các ngành khác, có nhu cầu được đào tạo nghề SP).
Trước thực trạng thiếu nhiều GV phổ thông, TCCN, trong một thời gian khá dài, các cơ sở đào tạo GV còn tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm (NVP) cho các đối tượng đã được tuyển dụng làm GV nhưng chưa qua đào tạo SP. Chương trình này sau đó được mở rộng đối tượng bao gồm cả cử nhân khoa học sau tốt nghiệp, họ sẽ được cấp Chứng chỉ Nghiệp vụ sư phạm và đủ điều kiện để có thể được tuyển dụng làm GV. Nhìn chung, các trường phổ thông đánh giá các giáo viên này rất hạn chế về năng lực sư phạm.
(iii) Đào tạo liên thông (TCSP lên CĐSP; CĐSP lên ĐHSP), thường theo hình thức vừa học vừa làm. Phương thức này góp phần rất lớn trong việc chuẩn hoá hoặc nâng cao trình độ đào tạo của giáo viên nhưng cũng chính là nguyên nhân chính của việc nhiều giáo viên có năng lực không tương xứng với trình độ đào tạo.
Cùng với sự gia tăng quy mô cơ sở đào tạo giáo viên, sự tồn tại đồng thời nhiều phương thức/mô hình đào tạo giáo viên nêu trên đã cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên phổ thông, TCCN (trừ số lượng giáo viên các môn đặc thù, giáo viên mầm non và ở vùng đặc biệt khó khăn,…). Nhưng vấn đề chất lượng đào tạo giáo viên và quy hoạch đào tạo giáo viên (đặc biệt là quy hoạch về cơ cấu giáo viên theo môn học, địa phương) lại trở nên phức tạp hơn, cần được xem xét.
1.3. Ngành sư phạm đang đứng trước nhiều khó khăn
- Đầu ra của sinh viên SP rất hạn chế
Tình trạng dư thừa giáo viên đang rất phổ biến ở các cơ sở giáo dục trong cả nước. Rất nhiều giáo viên đã dạy hợp đồng gần chục năm vẫn không có cơ hội để được tuyển vào biên chế chính thức. Vì thế, nhiều SV sau khi tốt nghiệp các trường SP ra buộc phải tìm kiếm công việc ngoài ngành SP, khiến cho nguồn nhân lực SP bị lãng phí một cách đáng kể.
- Áp lực công việc của người giáo viên rất lớn
Trung bình mỗi giáo viên THPT một tuần dạy 17 tiết. Để lên lớp 1 tiết, người giáo viên phải dành ít nhất 2 giờ cho việc soạn bài, chuẩn bị lên lớp. Ngoài ra còn phải sinh hoạt chuyên môn, đoàn thể…
- Thu nhập của người giáo viên còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội.
- Tính thu hút của ngành SP thấp
Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, học sinh giỏi không thi vào ngành SP, khiến cho cho chất lượng đầu vào của sinh viên SP có chiều hướng giảm sút rõ rệt. Để đảm bảo số lượng tuyển sinh, một số trường/khoa ĐHSP phải lấy xuống đến tận điểm sàn.
2. Đánh giá thực trạng phát triển ngành sư phạm và các trường/khoa sư phạm
2.1. Những kết quả đạt được
- Hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên đã cung cấp đội ngũ giáo viên cơ bản đủ về số lượng, chuẩn hoá và nâng chuẩn trình độ đào tạo, tương đối hợp lý về cơ cấu môn học của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; góp phần chuẩn hoá về nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giảng viên các trường đại học, cao đẳng và giáo viên các trường TCCN; góp phần tích cực vào quá trình đổi mới giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non;
- Các cơ sở đào tạo giáo viên được tăng cường về đội ngũ và cơ sở vật chất. Đội ngũ các giảng viên có lòng yêu nghề, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ;
- Việc tổ chức các hoạt động đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên bước đầu thay đổi theo yêu cầu của đào tạo theo học chế tín chỉ. Công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế (trong đào tạo giảng viên và nghiên cứu khoa học) của các cơ sở đào tạo giáo viên gia tăng, góp phần nâng cao chất lượng giảng viên, chất lượng đào tạo;
- Công tác quản lý các trường sư phạm đã có những tiến bộ nhất định cùng với quá trình đổi mới quản lí giáo dục đại học.
2.2. Những hạn chế
- Chưa chủ động trong việc quy hoạch hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên. Việc cho phép các cơ sở giáo dục đại học được mở mã ngành đào tạo sư phạm thiếu chặt chẽ; chưa đánh giá được ưu, nhược điểm của mỗi phương thức đào tạo giáo viên; quy mô đào tạo tăng nhưng không được giám sát chặt chẽ về chất lượng. Các trường sư phạm truyền thống chưa thể hiện được thế mạnh và tiềm năng của mình so với các cơ sở đào tạo giáo viên khác trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ QLGD;
- Tính đặc thù của các trường/khoa sư phạm chưa được quan tâm thỏa đáng trong công tác quản lý giáo dục đại học của Bộ GD&ĐT.;
- Các trường/khoa sư phạm có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực nhưng chưa được ưu tiên trong quản lí và tạo điều kiện thuận lợi.
- Đội ngũ giảng viên cốt cán, đầu ngành, CBQL của một số cơ sở đào tạo giáo viên chưa đủ mạnh. Năng lực ngoại ngữ, CNTT và phương pháp giảng dạy của đội ngũ còn rất hạn chế. Chế độ chính sách cho đội ngũ giảng viên còn bất cập, ít khuyến khích lao động nhiệt tình và sáng tạo. Cơ sở vật chất của các khoa/trường sư phạm còn nghèo nàn lạc hậu;
- Chuẩn đầu ra của các cơ sở đào tạo giáo viên chưa được xây dựng đầy đủ, nhất là các yêu cầu về nghiệp vụ sư phạm. Nội dung, chất lượng và cơ cấu đào tạo giáo viên chưa đáp ứng được với yêu cầu phát triển giáo dục của từng địa phương và cả nước; phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá của các cơ sở đào tạo giáo viên có được đổi mới nhưng tiến bộ chậm;
- Chưa thể chế hoá Nghị quyết 08/NQ-BCSĐ thành Chương trình, kế hoạch phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm giai đoạn 2007 – 2015.
3. Một số giải pháp
3.1. Xây dựng quy hoạch đội ngũ giáo viên các cấp (trên phạm vi cả nước và từng địa phương) làm cơ sở cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Khắc phục triệt để sự lãng phí nguồn nhân lực SP như hiện nay.
3.2. Quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo SP theo hướng giảm bớt các trường/khoa SP; hình thành một số trung tâm đào tạo giáo viên lớn của cả nước.
3.3. Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo giáo viên các cấp, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho SV. Có quy định cứng về đi thực tế phổ thông đối với giảng viên các trường/khoa SP (nhất là giảng viên bộ môn Phương pháp giảng dạy).
3.4. Sớm xây dựng và ban hành Quy chế thực tập sư phạm mới, trong đó ngoài việc làm rõ mục đích, yêu cầu, nội dung… cần xác định cơ chế phối hợp, phân định trách nhiệm giữa trường/khoa SP với Sở GD&ĐT và chế độ bồi dưỡng giáo viên phổ thông hướng dẫn TTSP. Thời gian dành cho TTSP nên dài hơn so với trước đây.
3.5. Có thêm các chính sách thu hút học sinh giỏi vào học các ngành sư phạm. Việc miễn học phí cho sinh viên SP hiện nay đã không còn sức thu hút nữa, ngay cả đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, cũng cần xem xét lại chính sách này.
3.6. Cần có thử nghiệm một số mô hình đào tạo giáo viên như mô hình của Phần Lan, trong đó giáo viên có thể được đào tạo trong tất cả các trường ĐH. SV sau khi tốt nghiệp xuất sắc hoặc giỏi một ngành học nào đó (phù hợp với môn học ở trường phổ thông), nếu có nguyện vọng vào nghề dạy học sẽ được học nghiệp vụ SP và trải qua một thời gian tập sự ở trường phổ thông trước khi trở thành giáo viên chính thức. Với mục tiêu đào tạo không chỉ đơn thuần là một nhà giáo mà còn là một nhà giáo dục, một nhà nghiên cứu độc lập về giáo dục nên việc trang bị cho người học những kiến thức về khoa học giáo dục, trong đó có kiến thức về phương pháp dạy học được đặc biệt quan tâm.
Hay mô hình 3+1, trong đó 3 năm SV được đào tạo ở các trường/khoa SP, còn một năm được đào tạo ở trường phổ thông, chủ yếu dành cho các công việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm ( tìm hiểu học sinh, kiến tập SP, thực tập SP…).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kỷ yếu hội nghị toàn quốc các trường sư phạm, Hà Nội. 2011.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình Phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020 (Ban hành theo Quyết định số 6290/QĐ-BGDĐT, ngày 13/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).