Tối ngày 15/8/2012, Giáo sư Phạm Thảo Nguyên đã có buổi thuyết trình giới thiệu 2 tờ tuần báo Phong Hóa và Ngày Nay của nhóm Tự Lực Văn Đoàn cho đông đảo giảng viên, sinh viên, học viên khoa Ngữ văn tại phòng họp A. Nhân dịp này GS. Phạm Thảo Nguyên cũng đã tặng cho Khoa Ngữ văn bộ số hóa toàn bộ nội dung hai tuần báo nổi tiếng đầu thế kỷ XX của Việt Nam để làm tư liệu cho bất cứ nghiên cứu sinh nào cần nghiên cứu đều có thể tham khảo.
2 tờ tuần báo Phong Hóa và Ngày Nay ra đời vào những năm đầu của thập niên 30 đến những năm đầu của thập niên 40 thế kỷ XX như một tiếng nổ lớn trên mặt trận văn hóa và báo chí nước ta. Với chủ trương: "Hăng hái theo con đường mới, tìm lý tưởng mới. Không khuất phục thành kiến. Không làm nô lệ ai, không xu phụ một quyền thế nào. Lấy lương tri mà xét đoán, theo lẽ phải mà hành động. Lấy thành thực làm căn bản. Lấy trào phúng làm phương pháp, lấy tiếng cười làm vũ khí." Từ một tờ báo không ai biết đến, nó trở thành một tờ báo thu hút được mọi tầng lớp quần chúng ngay từ số ra mắt, cả nước biết tới.
Buổi thuyết trình đã giới thiệu để những người chưa biết, chưa được đọc Phong Hóa - Ngày Nay hiểu về lịch sử ra đời của những tờ báo này trong thời kỳ những năm 1930 khi việc sử dụng chữ quốc ngữ của người dân còn chưa được nhuần nhuyễn. Bài thuyết trình lần lượt giới thiệu các giá trị của tờ báo như lịch sử thành lập nhóm Tự Lực Văn Đoàn và tôn chỉ viết văn, làm thơ của nhóm, về nội dung tờ báo; về Phong trào Thơ mới; mỹ thuật Phong Hoá đã sử dụng nhiều tác phẩm của các họa sĩ tài danh như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Lemur Cát tường…xây dựng dần lòng yêu cái đẹp và biết thưởng thức cái đẹp…Ngoài việc làm đẹp cho tờ báo, các hoạ sĩ còn sử dụng những bức tranh khôi hài Lý Toét, Xã Xệ vào việc cải tạo xã hội, chỉ cho người dân thấy đâu là cái lố bịch, đáng cười đáng sửa bỏ đi...
GS. Phạm Thảo Nguyên là con dâu của nhà thơ Thế Lữ, một người trong Ban Biên tập tuần báo Phong Hóa và Ngày Nay, và một số hậu duệ của các thành viên Phong Hóa, Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn và bạn hữu đã chung sức sưu tầm và số hóa toàn bộ hai tuần báo nổi tiếng này…để cống hiến cho việc nghiên cứu văn học và xã hội Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XX.