Th.S Nguyễn Quang Tuấn
Văn phòng Đảng ủy
I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
1. Từ đầu thập kỷ 50 của thế kỷ XX, đặc biệt là những năm gần đây, nhân loại đã chứng kiến một cuộc cách mạng khoa học công nghệ thông tin diễn ra như vũ bão, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, quan điểm và hành động của hầu hết các quốc gia về lĩnh vực công nghệ này. Công nghệ thông tin hiện nay đang được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực, góp phần thay đổi cơ cấu xã hội, phong cách sống, học tập và làm việc của con người. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin nên ngày nay khối lượng công việc của hoạt động thương mại được giải quyết trong một ngày bằng cả năm 1949, một ngày xử lý các dự án khoa học bằng cả năm 1960, số thư điện tử gửi đi trong một ngày bằng cả năm 1990. Văn bản chuyển đi bằng thư điện tử rẻ hơn so với fax hàng nghìn lần. Việc ứng dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới, tạo điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và đảm bảo quốc phòng, an ninh khi nước ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
2. Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin nên Đảng, Nhà nước đã sớm có những chủ trương, chính sách ứng dụng và phát triển lĩnh vực quan trọng này như Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Quyết định số 81/2001/QĐ-TTg ngày 24/5/2001 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động triển khai Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị; Quyết định số 47-QĐ/TW ngày 6/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương về việc ban hành Đề án tin học hoá hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2001-2005; Quyết định số 95/2002/QĐ-TTg ngày 17/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam đến năm 2005; Quyết định số 06-QĐ/TW ngày 19/5/2006 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc ban hành Đề án Tin học hoá hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2006-2010; Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội; Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước...
3. Những năm qua, nhà nước đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ làm thay đổi diện mạo của Việt Nam trong sơ đồ phát triển công nghệ thông tin trên thế giới. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực hoạt động của toàn xã hội đã trở thành công cụ không thể thiếu. Đến nay cả nước có gần 5 triệu thuê bao Internet với 20 triệu người sử dụng, chiếm khoảng 20% dân số, cao hơn mức bình quân của Châu Á (10%) và thế giới (18%), xếp trong top 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới. Vì vậy, việc tích cực sử dụng các dịch vụ viễn thông và các ứng dụng công nghệ thông tin sẽ tạo đà cho sự phát triển theo định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển Việt Nam điện tử với công dân điện tử, Chính phủ điện tử, doanh nghiệp điện tử, giao dịch và thương mại điện tử.
II. THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀO CÔNG TÁC ĐẢNG Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH
1. Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước, những năm qua, Trường Đại học Vinh đã xác định phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin là khâu đột phá giúp Nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc nhằm đảm bảo tính cạnh tranh trong nền kinh tế tri thức và quá trình hội nhập quốc tế.
- Hầu hết các đảng uỷ bộ phận, các chi uỷ chi bộ các ban của Đảng uỷ đã nhận thức việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sự lãnh đạo điều hành của các cấp uỷ Đảng là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác, thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Một số cán bộ, đảng viên đã tham gia học tập, tìm hiểu kiến thức, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và đã sử dụng phương tiện hiện đại để khai thác, xử lý và lưu trữ thông tin phục vụ sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, từng bước thay đổi thói quen và lề lối làm việc cũ, chuyển dần sang phong cách làm việc mới; giúp chuyển tải, xử lý thông tin nhanh và chính xác hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí in tài liệu, chi phí vận chuyển... góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác.
- Đảng uỷ đã cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý các dự án công nghệ thông tin, công tác quản trị mạng… do Tỉnh uỷ, Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An tổ chức. Đến nay toàn Trường đã có trên 800 máy tính các loại. Các đảng bộ bộ phận, các chi bộ đều được trang bị máy tính, máy in và nối mạng Internet, mạng máy tính cục bộ (LAN). Văn phòng Đảng uỷ được Tỉnh uỷ trang bị 02 máy tính, 02 thiết bị lưu điện, 01 máy quét ảnh, 01 máy in, 01 modem, 02 bộ bàn ghế vi tính, ổn áp Lioa, thiết bị chống sét đường điện thoại, chống sét cho máy tính... Các máy tính và thiết bị tin học đều được đưa vào sử dụng ngay sau khi được trang bị, đáp ứng được những yêu cầu về nâng cao năng lực soạn thảo, đánh máy văn bản nói riêng và việc trao đổi, xử lý thông tin nói chung. Các đồng chí trong Đảng uỷ, các ban của Đảng uỷ đều sử dụng thành thạo máy tính để soạn thảo văn bản, lưu trữ và khai thác tài liệu, trao đổi thông tin trên mạng máy tính và truy tìm, khai thác thông tin trong các cơ sở dữ liệu hiện có.
- Tổng dung lượng thông tin trong các cơ sở dữ liệu của Đảng bộ Nhà trường đạt trên 1GB. Các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu dùng chung được triển khai tích cực. Đảng uỷ đã áp dụng các phần mềm vào công tác như phần mềm Open Offices, phần mềm Cơ sở dữ liệu đảng viên, phần mềm Thẻ đảng viên, phần mềm Quản lý đảng phí... Cơ sở dữ liệu đảng viên gồm hơn 800 hồ sơ đã được xây dựng, thường xuyên cập nhật và đưa vào khai thác. Việc cập nhật cơ sở dữ liệu văn kiện Đảng, cơ sở dữ liệu mục lục hồ sơ lưu trữ của Đảng bộ Trường đang được triển khai tích cực. Các hồ sơ, văn bản về công tác Đảng của Đảng bộ từ khi thành lập đến nay đã và đang được đánh máy lại để lưu vào cơ sở dữ liệu.
2. Trong ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ở Trường Đại học Vinh hiện nay, bên cạnh những thành tựu, cũng còn một số hạn chế, tồn tại cần được khắc phục, đó là:
- Công nghệ thông tin chưa được sử dụng như một công cụ đắc lực cho việc đưa ra các quyết định trong công tác lãnh đạo và quản lý, điều hành Nhà trường. Trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là trình độ tiếng Anh trong cán bộ, đảng viên chưa cao làm hạn chế khả năng, nhu cầu giao tiếp và trao đổi thông tin qua mạng.
- Do sự phát triển hết sức nhanh chóng của khoa học và công nghệ nên hệ thống thiết bị nhanh lỗi thời, lạc hậu, do vậy nhu cầu thay thế, nâng cấp, trang bị lại máy tính và các thiết bị tin học là đòi hỏi cấp thiết. Hệ thống mạng hiện có bị quá tải, chưa đáp ứng tối đa nhu cầu học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học của cán bộ và sinh viên, học viên.
- Việc đào tạo, tập huấn cán bộ mới chỉ tập trung chủ yếu để thực hiện các chương trình phổ cập kiến thức về công nghệ thông tin và tập huấn các kỹ năng cơ bản về sử dụng và khai thác mạng máy tính cho cán bộ, công chức. Vì vậy, cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn cán bộ về công nghệ thông tin.
- Việc tích hợp các hệ thống thông tin trên Trang Thông tin Điện tử của Trường triển khai chậm, thiếu sự phối hợp nhịp nhàng giữa các phòng ban chức năng. Đội ngũ cán bộ quản trị mạng vẫn còn thiếu và yếu. Một số ứng dụng dùng chung chưa được thực hiện: đăng ký, quản lý, theo dõi chu chuyển công văn đi, đến; theo dõi đơn thư; gửi nhận văn bản; xử lý công văn; quản lý tài chính, tài sản, tra cứu hồ sơ, danh bạ...
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỂ ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀO CÔNG TÁC ĐẢNG GÓP PHẦN XÂY DỰNG NHÀ TRƯỜNG ĐIỆN TỬ
1. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 58-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tăng cường tuyên truyền hướng dẫn thực hiện tốt Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử và các nghị định, quyết định, chỉ thị về ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển công nghệ thông tin. Các cấp ủy Đảng cần coi việc lãnh đạo, chỉ đạo ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin là một nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên; coi trọng lãnh đạo, kiểm tra đảng viên, quần chúng thực hiện nghiêm chỉnh quy chế sử dụng mạng thông tin, bao gồm cả Internet. Mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm gương mẫu học tập nâng cao trình độ sử dụng các công cụ trong công nghệ thông tin ngày một thành thạo, ứng dụng thực sự thiết thực để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác chuyên môn được giao.
2. Để có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào hoạt động, các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần tiếp tục hợp lý hoá, cải tiến, minh bạch quy trình công việc, thủ tục hành chính. Nhà trường cần thành lập Ban Chỉ đạo công nghệ thông tin cấp trường theo hướng tinh gọn để chỉ đạo phát triển công nghệ thông tin thống nhất, có hiệu quả, đảm bảo an toàn mạng lưới và an ninh thông tin. Các đơn vị phải có cán bộ lãnh đạo được phân công trực tiếp phụ trách công tác thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin. Cần sắp xếp, hoàn thiện hệ thống chuyên trách về công nghệ thông tin theo Nghị định 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước. Cụ thể hoá các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện của Nhà trường để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về công nghệ thông tin.
3. Đưa công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức vào nhiệm vụ và kế hoạch hàng năm của các đơn vị. Bố trí đủ cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin và tạo điều kiện cho họ được nâng cao trình độ quản lý, kỹ thuật, nghiệp vụ. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ của Trung tâm Công nghệ phần mềm và Trung tâm Đào tạo và Ứng dụng công nghệ thông tin, Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học có đủ năng lực tổ chức và điều hành hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị và Nhà trường. Đa dạng hoá các loại hình đào tạo, liên kết đào tạo nhân lực công nghệ thông tin với các trường, trung tâm trong và ngoài nước. Xây dựng và phát triển Trung tâm Đào tạo và Ứng dụng công nghệ thông tin của Trường với các chương trình đào tạo tiên tiến và cơ sở vật chất hiện đại.
4. Từng bước kết nối mạng Internet tới tất cả các khoa, phòng, ban, trung tâm, trạm, các phòng thí nghiệm, ký túc xá... trong toàn trường để đáp ứng nhu cầu ứng dụng, khai thác công nghệ thông tin, bảo đảm kỹ thuật, bảo mật an toàn và an ninh thông tin. Cần thiết lập hệ thống mạng không dây (Wireless LAN) để tăng khả năng truy cập hệ thống, giảm thiểu số node cố định và thuận lợi trong việc bố trí các node mạng, tạo điều kiện để cán bộ, sinh viên sử dụng các thiết bị cá nhân như máy tính xách tay, PDA... Đẩy mạnh xã hội hoá, huy động các nguồn lực, nhất là các nguồn lực từ Ngân hàng thế giới (World Bank) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (Asian Development Bank) để phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin cho các đơn vị. Duy trì và phát triển Trang Thông tin Điện tử của Trường. Cần kiện toàn Ban biên tập website để đảm bảo hoạt động của Trang Thông tin điện tử được cập nhật, xây dựng được các cơ sở dữ liệu dùng chung, góp phần phát huy tối đa hiệu quả của trang web.
5. Xây dựng và ban hành chính thức hệ thống các quy chế, quy trình công tác, thể chế ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn Trường trên cơ sở cải tiến một cách đồng bộ phương pháp làm việc của các đơn vị, bảo đảm tính thống nhất, an toàn và hiệu quả. Tạo bước chuyển biến cơ bản trong lề lối làm việc trên cơ sở thống nhất hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp, sử dụng phổ biến các thông tin, tài liệu điện tử, giảm đáng kể giấy tờ, giảm bớt các cuộc họp tập trung và thời gian hội họp, cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.
6. Để chuẩn hoá việc ứng dụng công nghệ thông tin trong Nhà trường cần triển khai tiêu chuẩn ISO về cải cách hành chính. Ở nước ta, ISO đã được áp dụng trong khối doanh nghiệp từ năm 1996 song đối với khối hành chính thì vẫn còn tương đối mới mẻ. Việc áp dụng bộ tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000 có nhiều nội dung đòi hỏi ứng dụng công nghệ thông tin, giúp phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm ở từng đơn vị; minh bạch hoá khâu điều hành, tài chính, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức; làm rõ quy trình thủ tục hành chính, công đoạn làm việc của từng công chức và tăng khả năng giám sát, đánh giá của cán bộ, công chức cũng như chính trong nội bộ mỗi đơn vị.