Ngày 3/10/2018, Thủ tướng Chính
phủ ban hành Quyết định số 1299/QĐ – TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng
xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”. Theo đó, 100% trường học phải xây
dựng bộ Quy tắc Văn hóa ứng xử.
Mục tiêu của Đề án là tăng cường
xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử
văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát
triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường
học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây
dựng con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết,
cần cù, sáng tạo.
Theo đó, Bộ Quy tắc ứng xử này
được áp dụng ngay từ năm 2018 - 2020, 100% trường học xây dựng và thực hiện bộ
quy tắc ứng xử trong trường học theo quy định quy tắc ứng xử do Bộ GD&ĐT
ban hành, phù hợp với điều kiện và đặc trưng vùng miền của mỗi nhà trường;
Bộ GD&ĐT ban hành quy định
quy tắc ứng xử trong trường học; trên cơ sở đó các cơ sở giáo dục xây dựng,
thực hiện bộ quy tắc ứng xử với sự tham gia và cam kết của các bên liên quan
(cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh...).
Người đứng đầu nhà trường có
trách nhiệm quán triệt đến toàn thể cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và
người học biết và thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử.
Đề án bổ sung, hoàn thiện nội
dung giáo dục văn hóa ứng xử cho trẻ em, học sinh, học viên, sinh viên trong
các cơ sở giáo dục; thể hiện được giá trị cốt lõi trong văn hóa ứng xử: Nhân
ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực phù hợp với từng cấp học, trình
độ đào tạo, vùng miền. Giáo dục nội dung về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ
Chí Minh để nâng cao phẩm chất, năng lực ứng xử cho nhà giáo, người học.
Đối với cơ sở giáo dục mầm non:
Bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử trong các hoạt động chăm
sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non, trong các chuyên đề lễ giáo, hoạt động giáo
dục... để hình thành và phát triển ở trẻ em ý thức, hành vi ứng xử phù hợp với
độ tuổi (lễ phép, kính trọng, yêu thương thầy, cô giáo, ông bà, cha mẹ; yêu quý
anh, chị, em, bạn bè, thật thà, mạnh dạn, hồn nhiên, yêu cái đẹp).
Đối với giáo dục phổ thông, giáo
dục thường xuyên: Bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử trong
các hoạt động giáo dục, trong chương trình giáo dục phổ thông, lựa chọn các nội
dung giáo dục văn hóa ứng xử, lối sống văn hóa có giá trị và phù hợp với đặc
điểm tâm sinh lý, tình cảm của học sinh; giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật,
giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và các hoạt động trải nghiệm để hình
thành các phẩm chất nhân ái, tự trọng bản thân, tôn trọng, trách nhiệm với bạn
bè, chia sẻ, bao dung của người học.
Đối với chương trình đào tạo của
nhóm ngành sư phạm trong các cơ sở đào tạo sư phạm, Đề án yêu cầu, đổi mới
phương pháp dạy học các môn học: Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục chính
trị, Ngữ văn, Lịch sử..., theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người
học. Trong đó, đặc biệt coi trọng phương pháp trải nghiệm, các hoạt động giáo
dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa của người học; giáo dục
kiến thức pháp luật, giáo dục công dân. Thực hiện hiệu quả công tác tư vấn tâm
lý học sinh.
Đặc biệt, tăng cường sự phối hợp
giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử. Theo đó, nhà
trường chịu trách nhiệm xây dựng văn hóa nhà trường, xây dựng môi trường giáo
dục an toàn, thân thiện, lành mạnh và phòng chống bạo lực học đường hiệu quả.
Xây dựng kế hoạch và tổ chức giáo
dục văn hóa ứng xử cho người học thông qua các môn học chính khóa, hoạt động
ngoại khóa; nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và năng lực tổ chức giáo dục ứng
xử văn hóa của cán bộ, nhà giáo, nhân viên nhà trường.
Đối với gia đình, có trách nhiệm
chính giáo dục văn hóa ứng xử, mẫu mực trong văn hóa ứng xử tại gia đình và
cộng đồng. Phối hợp với nhà trường cập nhật, trao đổi thông tin, tổ chức giáo
dục văn hóa ứng xử trong trường học; tham gia tích cực trong các buổi họp, gặp
gỡ trao đổi, xử lí các tình huống có liên quan. Tích cực tham gia xây dựng đời
sống văn hóa ở khu dân cư, nêu gương cho người học trong ứng xử văn hóa.
Phối hợp với nhà trường xây dựng
và thực hiện các nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống,
văn hóa ứng xử trong gia đình cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông trong từng
năm học.
Xem file đính kèm
1299signed.pdf