BAN
CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
*
Số 02-NQ/TW
|
|
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
_______________________________
Hà
Nội, ngày 12 tháng 6 năm 2021
|
NGHỊ QUYẾT
CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam
trong tình hình mới
-----
|
I- TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN
1. Trải qua hơn 90 năm hình
thành và phát triển, sau 35 năm đổi mới đất nước, Công đoàn Việt
Nam đã trưởng thành về mọi mặt, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại
của cách mạng, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn
mạnh. Tổ chức công đoàn được củng cố, phát triển, số lượng đoàn viên và
công đoàn cơ sở tăng nhanh, đội ngũ cán bộ phát triển cả về số
lượng
và chất lượng. Công đoàn mở rộng hoạt
động sang khu vực kinh tế ngoài nhà nước; phối hợp ngày càng hiệu quả với các
cấp chính quyền, các tổ chức và người sử dụng lao động, thực hiện tốt hơn nhiệm
vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người
lao động, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ
trong doanh nghiệp. Công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên,
người lao động tiếp tục được đổi mới, đa dạng hoá, hướng về cơ sở. Các cuộc vận
động, các phong trào thi đua yêu nước được phát động rộng rãi, thu hút, khơi
dậy động lực của đoàn viên, người lao động, góp phần tăng năng suất lao động, phát
triển kinh tế - xã hội. Công tác tài chính, tài sản công đoàn từng bước được hoàn
thiện; hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả. Công đoàn đã làm tốt vai
trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với công nhân, người lao động, tích cực tham
gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
2. Tuy
nhiên, tổ chức và hoạt động của Công đoàn còn một số hạn chế, yếu kém, chưa đáp
ứng được yêu cầu của tình hình mới. Công tác phát triển đoàn viên, công đoàn cơ
sở chưa tương xứng với tốc độ phát triển của doanh nghiệp, người lao động; chất
lượng đoàn viên chưa cao, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở còn hạn chế. Mô
hình tổ chức, phương thức tập hợp đoàn viên, người lao động có mặt chậm được đổi
mới. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn còn bất cập; nhiều nơi thiếu
cán bộ chuyên trách, một bộ phận cán bộ năng lực yếu. Hoạt động công đoàn ở một
số ngành, địa phương chưa gắn với đặc điểm, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của
đoàn viên, người lao động và tình hình quan hệ lao động. Hiệu quả tuyên truyền,
vận động, giáo dục đoàn viên, người lao động chưa cao. Vai trò đại diện, bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy quyền làm chủ của công nhân, người
lao động có mặt còn hạn chế. Tình
hình tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tuy giảm nhưng còn phức tạp, tiềm
ẩn nguy cơ gây bất ổn về an ninh, trật tự.
3. Những
hạn chế, yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là: Nhận thức,
trách nhiệm của một số cấp uỷ, chính quyền về vị trí, vai trò của tổ chức công
đoàn chưa đầy đủ; có lúc, có nơi chưa quan tâm đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ
đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ
trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công nhân, công đoàn. Nội
dung, phương pháp tuyên truyền, vận động, tập hợp, nhất là ở công đoàn cơ
sở chưa phù hợp với điều kiện làm việc và đời sống của một bộ phận người lao
động. Việc tham mưu, phối hợp để giải quyết các vấn đề bức xúc, phức tạp liên
quan đến công nhân, công đoàn có mặt còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ công đoàn
chậm đổi mới tư duy, năng lực hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu của hoạt động công
đoàn trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập
quốc tế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ công đoàn chưa đáp ứng
yêu cầu. Quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động còn nhiều bất cập; vi phạm
pháp luật về lao động xảy ra còn nhiều, chậm được xử lý. Chất lượng đội ngũ công nhân có mặt còn hạn chế; việc làm, đời sống
của một bộ phận công nhân, lao động còn khó khăn; xu hướng phân hoá trong công
nhân, lao động ngày càng lớn làm cho nhiệm vụ tập hợp lực lượng và phát huy vai
trò của công nhân trở nên khó khăn hơn.
Thời gian tới, số lượng công nhân, lao động
tăng nhanh, hoạt động công đoàn tiếp tục mở rộng và chuyển mạnh sang khu vực
ngoài nhà nước. Quá trình phát triển kinh tế thị trường; những cơ hội, thách
thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế ngày càng sâu
rộng; việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ
tác động sâu sắc đến việc làm, chất lượng nguồn nhân lực, việc thu hút, tập hợp
người lao động… Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới mạnh mẽ, thực
chất hơn tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam.
II- QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VÀ MỤC TIÊU
1. Quan điểm chỉ đạo
- Xây dựng
Công đoàn Việt Nam vững mạnh và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn
mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới là trách nhiệm của Đảng, hệ thống chính
trị và toàn xã hội.
- Đổi mới
tổ chức và hoạt động công đoàn phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của
Đảng, phù hợp với thể chế chính trị đất nước, yêu cầu hội nhập quốc tế.
- Xây dựng
Công đoàn Việt Nam vững mạnh là góp phần quan trọng xây dựng Đảng và hệ thống
chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và bảo vệ chế độ xã hội chủ
nghĩa.
- Đổi mới
tổ chức và hoạt động công đoàn phải phù hợp với số lượng, cơ cấu lao động, nhu
cầu, nguyện vọng của công nhân, người lao động và yêu cầu nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực; phát huy vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
- Đổi mới có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách,
tạo nguồn lực đủ mạnh để Công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ; bảo đảm tính kế thừa,
ổn định, có lộ trình phù hợp, vững chắc, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm thế
giới.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng
quát
Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và
giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình
mới; là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò
cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người
lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết
giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công
nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm
vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.
b) Mục tiêu cụ thể
* Đến năm 2025:
- Phấn đấu có 13,5 triệu
đoàn viên công đoàn, hầu hết doanh nghiệp có 25 công nhân, lao
động trở lên có tổ chức công đoàn; đến năm 2023 phấn đấu có 12 triệu đoàn viên.
- Phấn đấu 80% trở lên các doanh nghiệp, đơn
vị có tổ chức công đoàn ký kết được thoả ước lao động tập thể; đến năm 2023 đạt
tỉ lệ trên 70%.
* Đến
năm 2030:
- Phấn đấu có 16,5 triệu đoàn viên công đoàn; nơi
chưa có tổ chức đại diện người lao động thì phần lớn người lao động được tập
hợp, tham gia một số hoạt động của Công đoàn Việt Nam.
- Phấn đấu 85% trở lên các doanh nghiệp, đơn
vị có tổ chức công đoàn ký kết được thoả ước lao động tập thể.
* Đến năm 2045:
Hầu hết người lao động
tại cơ sở là đoàn viên Công đoàn Việt Nam; 99% doanh nghiệp, đơn
vị có tổ chức công đoàn ký kết được thoả ước lao động tập thể.
III- NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
CHỦ YẾU
1. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận
động đoàn viên, người lao động; tập trung phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở
- Nghiên cứu, triển khai các
phương thức, mô hình tập hợp đoàn viên, người lao động thích ứng với tình hình
mới; đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động để thu hút, tập hợp, định
hướng cho công nhân, người lao động.
- Tăng cường vận động, thuyết
phục để người lao động nâng cao hiểu biết, tự nguyện tham gia, thành lập, xây dựng
công đoàn ở cơ sở, người sử dụng lao động bảo
đảm quyền của người lao động được tham gia và hoạt động trong tổ chức công đoàn
theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp
pháp của người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp.
- Đổi mới quy trình, thủ tục kết nạp đoàn
viên, thành lập công đoàn cơ sở theo hướng linh hoạt, chủ động, kịp thời, thiết
thực. Tập trung thành lập công đoàn cơ sở, nhất
là ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, nơi có đông người lao động, nơi tiềm
ẩn phức tạp trong quan hệ lao động.
2. Tiếp
tục sắp xếp, hoàn thiện
mô hình tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất
và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
- Tiếp tục nâng cao hiệu quả mô hình tổ
chức công đoàn 4 cấp, kết hợp chặt chẽ giữa công đoàn địa phương và công đoàn
ngành; tập trung nâng cao chất lượng công đoàn cơ sở và cấp trên cơ sở, nhất là
công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; công đoàn khu
công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao... Củng cố, phát
triển công đoàn ngành, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn địa phương; có mô
hình phù hợp thu hút, tập hợp, bảo vệ người lao động ở khu vực phi chính thức.
Nghiên cứu, điều chỉnh nhiệm vụ của các cấp công đoàn theo hướng tập trung vào
các nhiệm vụ cốt lõi, phù hợp với đặc thù từng cấp và sự phát
triển của thị trường lao động.
- Xây dựng mô
hình tổ chức công đoàn theo hướng mở, linh hoạt, năng động nhằm
giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người
lao động. Nghiên
cứu, tổ chức thí điểm một số mô hình mới, như: Công đoàn ngành, công đoàn tổng
công ty trực thuộc theo hướng tập trung, tinh gọn, hiệu quả; công đoàn cơ sở tại
doanh nghiệp có đông đoàn viên và doanh nghiệp có dưới 25 đoàn viên; công đoàn
khu vực ở một số địa phương có ít doanh nghiệp; công đoàn tổng công ty, tập
đoàn kinh tế tư nhân trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… Thành lập
trung tâm tư vấn và hỗ trợ người lao động ở những ngành, địa phương có đông
công nhân, người lao động.
-
Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bảo đảm về số lượng, chất
lượng, có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách
nhiệm, uy tín, có năng lực đối thoại, dẫn dắt, truyền cảm hứng, tập hợp, đoàn
kết người lao động. Người đứng đầu tổ chức công đoàn phải có uy tín cao, am hiểu
sâu sắc và có kinh nghiệm thực tiễn về công tác vận động quần chúng, nhất là
vận động công nhân, người lao động và chủ doanh nghiệp. Cơ cấu cấp uỷ các cấp có tỉ lệ hợp lý người
trưởng thành từ công nhân, công đoàn. Cấp uỷ thống nhất với
công đoàn cấp trên trong việc đề bạt, điều động, luân chuyển chủ tịch, phó chủ
tịch công đoàn cùng cấp.
- Nghiên cứu, ban hành chính sách phù hợp để tuyển dụng cán bộ
công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân; thu hút, tạo động lực cho cán bộ công đoàn. Nghiên cứu, đề
xuất cơ chế giao biên chế cho Công đoàn hợp lý, bảo đảm đáp
ứng yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế.
3. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn đáp
ứng yêu cầu tình hình mới
- Công đoàn các cấp căn cứ nhu cầu, nguyện
vọng chính đáng và việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của
đoàn viên, người lao động để xác định nội dung và mục tiêu hoạt động; xây dựng niềm tin, tạo sự gắn kết giữa người lao động với tổ chức công đoàn để Công đoàn Việt Nam thực sự là tổ chức của người lao động, do
người lao động và vì người lao động.
- Tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính
trị, giác ngộ giai cấp, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, trình độ, kỹ năng, tác phong công nghiệp, hiểu biết pháp luật, kỷ luật lao động... cho đoàn viên,
người lao động. Có biện pháp phù hợp phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng, lôi
kéo, kích động công nhân, người lao động đình công trái pháp luật, biểu tình, gây
rối, làm mất an ninh, trật tự.
- Thường xuyên, chủ động phối hợp với
người sử dụng lao động chăm lo lợi ích, bảo đảm quyền của người lao động; kịp
thời giám sát, giải quyết và kiến nghị giải quyết những vấn đề bức xúc của công
nhân, người lao động; tích cực xây dựng quan hệ lao động hài hoà,
ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
- Tổ chức các
cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước theo hướng đổi mới,
thiết thực, hiệu quả, phù hợp
với từng đối tượng, địa bàn, lĩnh vực; biểu dương, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích, quan
tâm đến
cán bộ công đoàn cơ sở, tập thể và người lao động trực
tiếp;
chú trọng phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến, mô
hình hoạt động sáng tạo, hiệu quả.
- Chủ động, tích cực mở
rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhằm học
hỏi kinh nghiệm, tranh thủ nguồn lực, thúc đẩy đổi mới, nâng cao vị thế của Công
đoàn Việt Nam trên trường quốc tế.
- Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng khoa học, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, người lao
động;
phát huy dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hướng
về cơ sở, coi trọng công tác phối hợp, nâng
cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành
chính và ứng dụng công nghệ thông tin. Tích cực đổi mới
phương pháp, tác phong công tác của cán bộ công đoàn, nhất là cấp cơ sở; kiên quyết chống quan liêu, hình thức và bệnh thành tích…
- Tăng cường tự kiểm tra, giám
sát trong nội
bộ. Quan tâm tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận
về công nhân, công đoàn trong
tình hình mới. Làm tốt công tác dự báo, kịp thời xử lý các tình huống, vấn đề mới phát sinh.
4. Xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức
năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn
- Kịp thời rà soát, sửa
đổi các quy định về quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn, tài sản công đoàn phù hợp với quy định của pháp luật, bảo
đảm công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; xây
dựng cơ chế sử dụng tài chính gắn với nhiệm
vụ chung, lĩnh vực, địa bàn ưu tiên, cân đối giữa các cấp công đoàn. Duy trì các nguồn lực hiện có; thu kinh phí công đoàn và khuyến khích xã
hội hoá nguồn lực để công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
- Sử dụng
tiết kiệm, hiệu quả tài chính, tài sản công đoàn, ưu tiên nguồn lực thực hiện
nhiệm vụ chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và giám sát tài chính, tài sản công đoàn. Chủ động, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực trong các cấp công
đoàn; chấn chỉnh kịp
thời, xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng
tài chính, tài sản.
- Sắp xếp, đổi mới mạnh mẽ,
nâng cao hiệu quả hoạt động, tính tự chủ của các doanh
nghiệp, đơn vị sự nghiệp kinh tế công đoàn, góp phần tạo
nguồn lực cho hoạt động công đoàn.
5. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt
động
công đoàn
- Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối
của Đảng đối với tổ chức và hoạt động công đoàn, tạo điều kiện để công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; khắc phục tình trạng buông lỏng vai trò lãnh đạo hoặc bao biện, làm thay, giao nhiệm vụ không phù hợp với chức
năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Các cấp uỷ, tổ chức đảng thường
xuyên lãnh đạo, định hướng để tổ chức của người
lao động tại doanh nghiệp ra đời và hoạt động
đúng tôn chỉ, mục đích, tuân thủ pháp luật; phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để xâm phạm quyền, lợi ích của người
lao động và doanh nghiệp, gây mất an ninh, trật tự.
- Đổi mới, nâng cao chất lượng
tuyên truyền, phổ biến để các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ
quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai
trò, chức năng, nhiệm vụ, thời cơ, thách thức và những vấn đề mới đặt ra đối
với Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, ký kết
nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và phê chuẩn các công ước quốc tế
liên quan đến lao động, công đoàn.
- Quan tâm lãnh đạo công tác phát
triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh
nghiệp khu vực ngoài nhà nước; thành lập tổ chức công đoàn để tạo tiền đề thành
lập tổ chức đảng, đoàn thể khác. Ở những nơi chưa có
tổ chức đảng, Đảng lãnh đạo tổ chức công đoàn thông qua công đoàn cấp trên trực
tiếp; cán
bộ công đoàn các cấp, trước hết là cán bộ công
đoàn cơ sở có nhiệm vụ tuyên truyền
đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đoàn
viên, người lao động. Tập trung lãnh đạo, chỉ
đạo công tác phát triển đảng viên; quan tâm bồi dưỡng, giới thiệu công nhân, người
lao động đủ tiêu chuẩn vào Đảng.
- Các cấp uỷ phối hợp thường xuyên, chặt chẽ
với công đoàn cấp trên trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức, cán bộ và hoạt
động công đoàn cấp mình. Định kỳ hằng năm và khi
cần thiết, ban thường vụ hoặc ban chấp hành cấp uỷ (nơi không có ban thường vụ) làm việc với ban chấp hành công đoàn cùng cấp để nắm
tình hình hoạt động, chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ thời gian tiếp theo; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, chỉ
đạo giải quyết kịp thời các kiến nghị
chính đáng của đoàn viên, người lao động.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công nhân, công đoàn. Phát
huy trách nhiệm nêu gương của đảng viên là cán bộ công đoàn, nhất là
người đứng đầu. Đảng viên làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh
nghiệp có đủ điều kiện phải tham gia tổ chức công đoàn và gương mẫu, tích cực
tham gia các hoạt động của công đoàn.
6. Hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường và nâng cao
hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà
nước, Mặt trận Tổ
quốc, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh
tế, tổ chức xã hội với
công đoàn
- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn; nghiên
cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Công
đoàn năm 2012. Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lao động và tổ
chức đại diện của người lao động. Cơ quan quản lý nhà nước tích cực phối hợp
với công đoàn tăng
cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn.
- Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và chính quyền các
cấp tăng
cường phối hợp với công đoàn; xây dựng các
chương trình, quy chế phối hợp, kế hoạch hoạt động nhằm chăm lo, bảo đảm quyền lợi của người lao động, hỗ trợ và tạo điều kiện để công đoàn hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, thiết
thực, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác phối hợp bảo đảm an ninh,
trật tự tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp đông công nhân lao động, doanh
nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Người đứng đầu chính
quyền các cấp định kỳ đối thoại và chỉ đạo giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động.
- Nhà nước, chính quyền các cấp có cơ chế huy động, bố trí nguồn lực tài chính thoả đáng để nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo, giải quyết những vấn đề khó khăn, bức
xúc của người lao động, nhất là nhà ở, trường học, bệnh viện, nơi vui chơi, giải trí, xử lý các tình huống đột xuất
ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập.
- Quản lý tốt sự ra đời, bảo đảm hoạt động
đúng tôn chỉ, mục đích của các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; có
các biện pháp phù hợp, hiệu quả để thu hút, vận động, định hướng tổ chức này gia
nhập Công đoàn Việt Nam. Tăng cường tuyên truyền để người sử dụng lao động, công
nhân, người lao động nhận diện các hành vi lợi dụng việc thành lập và hoạt động
của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để xâm phạm an ninh quốc gia, gây
mất an ninh, trật tự.
- Công đoàn chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ
chức chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội
xây dựng các chương trình phối hợp, thoả thuận hợp tác có tính lâu dài, toàn
diện,
tạo sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động
công đoàn, huy động các nguồn lực chăm lo lợi ích cho đoàn viên, hội viên; phối hợp tiến hành giám
sát và phản biện xã hội.
IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, đảng đoàn, ban cán
sự đảng, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, đảng uỷ đơn vị sự nghiệp Trung ương tổ
chức nghiên cứu, quán triệt, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện
Nghị quyết; cụ thể hoá, bổ sung các nội dung, chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết vào
kế hoạch hằng năm của ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương; tăng cường kiểm tra, đánh
giá, định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết.
2. Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo việc sửa đổi, bổ
sung Luật Công đoàn năm 2012 và các đạo luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý
cho việc triển khai và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
3. Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo việc sửa đổi,
bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức tốt việc thi hành
pháp luật; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện; tăng cường phối
hợp hoạt động với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
4. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, đề xuất những vấn đề về tuyển dụng,
giao biên chế, chế độ, chính sách đối với cán bộ công đoàn chuyên trách, một số
mô hình thí điểm về tổ chức và hoạt động công đoàn phù hợp với tình hình mới.
5. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng
đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền sâu rộng
về nội dung Nghị quyết và kết quả thực hiện. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí
Minh chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên
cứu, đưa nội dung về giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn vào chương trình đào
tạo lý luận chính trị và bồi dưỡng cán bộ trong các học viện, trường chính trị.
6. Ban Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi,
đôn đốc, giám sát, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban
Bí thư kết quả thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này phổ biến đến chi
bộ.
Nơi nhận:
- Các tỉnh uỷ, thành uỷ,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng,
đảng đoàn,
đảng uỷ trực thuộc Trung ương,
- Các đảng uỷ đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Uỷ viên
Ban Chấp hành
Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
|
T/M BỘ CHÍNH TRỊ
TỔNG BÍ THƯ
Nguyễn Phú Trọng
|