Xây dựng và phát triển thư viện Trường Đại học Vinh thành thư viện trường đại học trọng điểm quốc gia - đầu mối trung tâm trong hệ thống thư viện các trường đại học khu vực Bắc Trung Bộ
            ThS Vũ Duy Hiệp
                                           Giám đốc Trung tâm TT-TV Nguyễn Thúc Hào
 
 1. Những yêu cầu mới đặt ra cho hệ thống thư viện các trường đại học trong giai đoạn hiện nay
Nói đến trường học không thể không nói đến giáo trình, tài liệu và vai trò của Thư viện, một điều kiện quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và đáp ứng yêu cầu việc chuyển đổi từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Một trong những yêu cầu trong đào tạo theo học chế tín chỉ (HCTC) đó là cần phải giảm tải giờ lên lớp, chuyển giờ đọc bài giảng thành việc tự học, tự nghiên cứu của sinh viên dưới nhiều hình thức khác nhau và theo đó cần phải có một hệ thống thông tin - thư viện đủ mạnh, cần có một hệ thống giáo trình, đề cương bài giảng, tài liệu tham khảo, nguồn thông tin khoa học đáp ứng nhanh chóng, đầy đủ nhu cầu của người dạy, người học. 
Trong bối cảnh đó, hệ thống thư viện của các trường đại học, cao đẳng hiện nay còn gặp nhiều khó khăn như: nguồn lực thông tin vẫn chưa đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng; quy trình và nghiệp vụ quản lý chưa thống nhất và chuẩn hóa; đặc biệt sự phối hợp liên kết, liên thông giữa các thư viện còn yếu. Nghị quyết số 05-NQ/BCSĐ ngày 6/1/2010 của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới  quản lý giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2010-2012  đã chỉ rõ “Thư viện các trường còn nghèo, giáo trình tài liệu chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng”.
Thực trạng nói trên đòi hỏi hoạt động Thông tin - Thư viện ở các trường đại học, cao đẳng cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu phục vụ thông tin - tri thức, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.
Báo cáo số 760/BC-BGDĐT ngày 29/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học, các giải pháp đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo đã yêu cầu: “Thông qua Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng và trưởng khoa cùng nhóm ngành, các trường xây dựng đề án hình thành hệ thống thư viện điện tử chuẩn hóa, hiện đại, liên thông”. Quyết định số 47/2001/QĐ-TTg ngày 4/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng Việt Nam giai đoạn 2001-2010 đã nêu rõ: Tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng hoạt động thư viện; hình thành hệ thống thư viện điện tử kết nối giữa các trường, từng bước kết nối với hệ thống thư viện của các trường đại học, thư viện quốc gia của các nước trong khu vực và trên thế giới. Mở cổng kết nối Internet trực tiếp cho hệ thống giáo dục đại học.  
Đó là những nội dung cần được các trường nghiên cứu, triển khai nghiêm túc trong hệ thống thư viện các trường đại học Việt Nam nói chung và thư viện các trường đại học, cao đẳng khu vực Bắc Trung Bộ nói riêng.
2. Hình thành hệ thống thư viện điện tử kết nối giữa các trường đại học, cao đẳng khu vực Bắc Trung Bộ
Theo thống kê chưa đầy đủ, khu vực Bắc Trung Bộ (gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) có 16 trường Đại học, Cao đẳng và 22 trường Trung học chuyên nghiệp. Các trường này có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có  trình độ cao cho khu vực và cả nước. Trong những năm qua, mặc dầu được sự quan tâm đầu tư của các trường cho hoạt động thông tin - thư viện, tuy nhiên so với các trường đại học đóng ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các trung tâm học liệu lớn (Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Cần Thơ, Đại học Thái Nguyên), thư viện của các trường đại học ở khu vực Bắc Trung Bộ còn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là hệ thống giáo trình bài giảng, các nguồn cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin - thư viện tự động hóa.
Để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường Đại học  Vinh nói riêng và các trường đại học, cao đẳng khu vực Bắc Trung Bộ nói chung đòi hỏi phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo chuẩn các đầu vào (đội ngũ giảng viên, khung chương trình đào tạo, giáo trình tài liệu, học liệu và cơ sở vật chất), trong đó hệ thống giáo trình, bài giảng, được đánh giá là khâu quan trọng, từng bước được cập nhật và biên soạn mới để đảm bảo nội dung chất lượng, phải được thiết kế trên cơ sở áp dụng được những công nghệ hiện đại trong đào tạo. Đặc biệt công nghệ thông tin và dịch vụ thông tin - thư viện, nguồn học liệu và cơ sở dữ liệu số đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới phương thức đào tạo từ niên chế sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở các trường đại học hiện nay.
Có thể nói không một thư viện nào trên thế giới có đủ điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất đáp ứng được tất cả nhu cầu thông tin đa dạng của bạn đọc. Vì vậy, việc hình thành hệ thống thư viện điện tử kết nối giữa các trường đại học, cao đẳng khu vực Bắc Trung Bộ, xây dựng thư viện trường đại học trọng điểm thành thư viện trung tâm để liên kết hoạt động, thực hiện chia sẻ nhằm tăng cường nguồn lực thông tin là một đòi hỏi khách quan, cấp bách. Một mặt, nó giúp tăng cường khả năng đáp ứng, thoả mãn nhu cầu tin của bạn đọc để sớm khắc phục sự thiếu hụt về giáo trình, tài liệu, nguồn thông tin khoa học nhằm góp phần giải quyết các vấn đề về đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Mặt khác, phát huy tính hiệu quả, tiết kiệm kinh phí trong việc đầu tư phát triển nguồn lực thông tin, hướng tới sự đầu tư tập trung, tránh đầu tư dàn trải, trùng lặp. Chính vì vậy, vấn đề nâng cao năng lực tự động hóa, thực hiện nhiệm vụ chuẩn hóa, hiện đại hóa, xây dựng thư viện điện tử/ thư viện số là yêu cầu cấp bách không những đối với Thư viện Trường Đại học Vinh mà ngay cả với hệ thống thư viện các trường đại học, cao đẳng trong khu vực Bắc Trung Bộ.
3. Phát triển thư viện số Trường Đại học Vinh thành thư viện trường đại học trọng điểm quốc gia - đầu mối trung tâm trong hệ thống thư viện các trường đại học khu vực Bắc Trung Bộ
Trường Đại học Vinh là đơn vị Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, hiện đang đào tạo trên 35.000 học sinh, sinh viên. Trường có cơ cấu đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và đa cấp với 43 ngành đào tạo trình độ Đại học hệ chính quy (17 ngành đào tạo cử nhân sư phạm, 17 ngành đào tạo cử nhân khoa học, 9 ngành đào tạo kỹ sư); 28 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ; 10 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Trường đang đào tạo sau đại học ở nhiều cơ sở khác nhau trong cả nước. Tham gia đào tạo Sau đại học của Trường có 112 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ của Trường và hơn 100 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học của các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Trong hơn nửa thế kỷ qua, Trường Đại học Vinh đã đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp cho 33.754 sinh viên hệ chính qui, 23.255 học viên hệ vừa làm vừa học, 2.207 học viên cao học, 86 nghiên cứu sinh và 4.237 học sinh trung học phổ thông. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm chiếm trên 90% số sinh viên tốt nghiệp.
Hiện nay, Trường Đại học Vinh đã và đang triển khai Đề án xây dựng và phát triển Trường Đại học Vinh thành Đại học trọng điểm quốc gia, là trung tâm đào tạo giáo viên và cán bộ khoa học đa ngành, đa cấp; nghiên cứu khoa học - công nghệ gắn với đào tạo, thông tin khoa học và triển khai các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống xã hội; hỗ trợ, tư vấn về học thuật và bồi dưỡng cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ cho các trường Đại học, cao đẳng, trung học, dạy nghề và các cơ sở khác trong khu vực Bắc Trung Bộ. Với phương châm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả, những năm qua, trường Đại học Vinh đã đầu tư kinh phí xây dựng nhà Trung tâm Thông tin - Thư viện 7 tầng có sức chứa khoảng 1.800 bạn đọc; nguồn học liệu của Thư viện có trên 30.000 tên tài liệu;  hàng vạn cơ sở dữ liệu điện tử toàn văn; đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp với đầy đủ trang thiết bị hiện đại và là một trong những thư viện có quy mô lớn, hiện đại nhất trong khu vực Bắc Trung Bộ.  
Chính vì vậy, việc nâng cao năng lực tự động hóa, xây dựng và phát triển Thư viện Trường Đại học Vinh trở thành thư viện điện tử/thư viện số trên cơ sở hiện đại hoá, tự động hoá, chuẩn hóa, các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ là hết sức cần thiết. Trên cơ sở đó, làm tiền đề phát triển thư viện Trường Đại học Vinh trở thành thư viện đại học trọng điểm, trung tâm liên kết lưu trữ, khai thác và cung cấp thông tin cho các trường đại học và cao đẳng trong khu vực Bắc Trung Bộ; trở thành đầu mối kết nối với hệ thống thông tin quốc tế, góp phần vào việc mở rộng quan hệ trao đổi thông tin giữa các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam với các trường đại học, cao đẳng tiên tiến trên thế giới.
Để trở thành thư viện trọng điểm của khu vực Bắc Trung Bộ, trung tâm liên kết lưu trữ, khai thác và cung cấp thông tin cho các trường đại học và cao đẳng trong khu vực, Thư viện Trường Đại học Vinh cần được Nhà nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường đầu tư kinh phí để thực hiện các mục tiêu cụ thể như sau:
-    Ứng dụng các nghiệp vụ thư viện hiện đại vào tổ chức và quản lý kho tài liệu theo hướng chuẩn hoá và hiện đại hoá  phù hợp với xu thế chung của ngành Thông tin - Thư viện Việt Nam và thế giới.
- Tăng cưòng hiệu quả hoạt động thông tin - thư viện, đáp ứng nhu cầu tin nhanh chóng, chính xác, thực hiện việc liên thông trao đổi dữ liệu, chia sẻ nguồn lực với các thư viện và cơ quan thông tin trong nước, khu vực , quốc tế.
- Không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng tài nguyên tri thức dưới dạng điện tử, đặc biệt là các cơ sở dữ liệu tài nguyên tri thức phục vụ nghiên cứu và đào tạo trong chiến lược phát triển của Trường Đại học Vinh.
 - Xây dựng cơ sở dữ liệu số, các bộ sưu tâp số phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Vinh và các trường đại học, cao đẳng trong khu vực Bắc Trung Bộ.
- Thu thập, chuẩn hóa các nguồn cơ sở dữ liệu số nội sinh: cơ sở dữ liệu giáo trình, bài giảng điện tử, đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, khóa luận tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, luận án tiến sĩ của cán bộ, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên của Trường Đại học Vinh và các trường đại học khu vực Bắc Trung Bộ.
- Xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, có khả năng đáp ứng các yêu cầu đa dạng và ngày càng cao của bạn đọc Trường Đại học Vinh và của các trường đại học và cao đẳng trong vùng Bắc Trung Bộ.
- Tăng cường hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và hệ thống điều hành thư viện điện tử mạnh, đồng bộ và hiện đại có khả năng quản lý, lưu trữ và phân phối kho tài nguyên thông tin cả dạng thức truyền thống và hiện đại ngày càng tăng của thư viện, đảm bảo khả năng kết nối liên thư viện với các thư viện tiến tiến trong và ngoài nước.
- Triển khai mô hình đảm bảo an ninh, an toàn cho các tài liệu quý, có giá trị bằng công nghệ RFID làm cơ sở, tiền đề hình thành các dịch vụ mượn, trả sách tự động.
- Trang bị một hệ thống số hóa sách đóng tập để số hóa các nguồn tin nội sinh cũng như dần dần hình thành quy trình, dịch vụ số hóa cho các đơn vị trực thuộc Trường Đại học Vinh, của Thư viện các trường đại học và cao đẳng trong vùng Bắc Trung Bộ.
- Đảm bảo thỏa mãn tối đa nhu cầu truy cập, khai thác thông tin, đặc biệt là các nguồn tin phục vụ đào tạo đẳng cấp quốc tế của Trường Đại học Vinh cho mọi đối tượng độc giả tại bất kỳ điểm truy cập nào (trong Trường Đại học Vinh và ngoài Trường Đại học Vinh).
- Xây dựng, phát triển một môi trường, phong cách làm việc khoa học, văn minh. Xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học.
Nói tóm lại, trong bối cảnh chung của các thư viện đại học Việt Nam hiện nay, việc hình thành hệ thống thư viện điện tử kết nối giữa các trường Đại học, Cao đẳng khu vực Bắc Trung Bộ, xây dựng thư viện hạt nhân, đầu mối là phương án khả thi và hợp lý. Phát triển Thư viện Trường Đại học Vinh trở thành thư viện đại học trọng điểm, trung tâm liên kết lưu trữ, khai thác và cung cấp thông tin cho các trường đại học và cao đẳng trong khu vực Bắc Trung Bộ phục vụ tốt nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, là một xu thế tất yếu nhằm khắc phục sự hạn chế của mỗi thư viện và phát huy sức mạnh tổng thể trong sự thống nhất tập trung.