Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội". Câu nói đó của Bác Hồ đã khẳng định niềm tin vào thế hệ trẻ trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người đã căn dặn: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết", "Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng", vừa "chuyên". Quán triệt tư tưởng của Người, từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn đề cao vai trò, vị trí của thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc. Đồng thời, Đảng đã đề ra nhiều chủ trương giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thanh niên thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Theo quy luật tiến hoá chung của lịch sử thì thanh niên bao giờ cũng giữ vai trò xã hội quan trọng trong sự kế thừa và phát triển thành tựu của những thế hệ đi trước. Năm 1844, K. Mác đã nêu lên những nhận xét về "thế hệ đang lớn lên của giai cấp vô sản" và rút ra những kết luận đầu tiên rằng tương lai của giai cấp công nhân tuỳ thuộc vào tình trạng thế hệ thanh niên của nó. Trong toàn bộ hoạt động cách mạng của mình, V.I. Lênin đặc biệt đánh giá cao phong trào cách mạng của thanh niên. Lênin luôn xem thế hệ trẻ như là đội hậu bị thường trực và người kế tục sự nghiệp của Đảng. Người luôn luôn chống lại sự đánh giá không đầy đủ về vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đầu thế kỷ XX, sau khi tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, đã khẳng định vai trò quan trọng của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Người cho rằng muốn vận động nhân dân các nước thuộc địa đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc thì trước hết cần giác ngộ thanh niên. Nếu thanh niên không được giác ngộ, không đủ nghị lực, không có sức sống thì dân tộc có nguy cơ diệt vong. Trong tác phẩm "Gửi thanh niên An Nam" (1925), Người đã cảnh báo: "Hỡi Đông Dương đáng thương hại. Người sẽ chết mất nếu như đám thanh niên già cỗi của người không sớm hồi sinh". Người phân tích rất rõ những âm mưu và thủ đoạn lừa bịp, mê hoặc cùng việc lợi dụng sự thiếu kinh nghiệm sống trong thanh niên của bọn đế quốc và phong kiến các nước thuộc địa; đồng thời xác định rõ vị thế của thanh niên trong bước đường tồn vong, hưng thịnh của đất nước. Người cũng luôn kỳ vọng và đặt niềm tin lớn lao ở thế hệ trẻ.

Tám mươi năm qua, trong thời chiến cũng như thời bình, Đảng ta luôn quan tâm tới thanh niên, đánh giá cao vai trò của thanh niên, luôn xem nhiệm vụ tập hợp, giáo dục, rèn luyện thanh niên, tổ chức thanh niên thành lực lượng xung kích của cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, các thế hệ thanh niên nước ta luôn nêu cao truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng. Ngay sau khi được thành lập ngày 26/3/1931, trong những cuộc tổng diễn tập rộng lớn, quyết liệt như cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931); cao trào đấu tranh đòi các quyền dân chủ, dân sinh (1932-1939); cao trào chuẩn bị Tổng khởi nghĩa (1940-1945) do Đảng lãnh đạo, đoàn viên, thanh niên đã chiến đấu, hy sinh vô cùng quả cảm xứng đáng với niềm tin yêu  của Đảng và nhân dân ta. Tổ chức Đoàn từ "bước đầu hiếm hoi chỉ có tám cháu" như lời Bác Hồ nói, song từ trong thực tiễn đấu tranh và được Đảng chăm lo xây dựng, rèn luyện nên đã phát triển không ngừng, lớn mạnh cả về tư tưởng và tổ chức, hoàn thành thắng lợi vai trò là hạt nhân chính trị tập hợp, đoàn kết các lực lượng thanh niên trong cả nước cùng toàn dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 long trời chuyển đất, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc. Tiếp đó, trong suốt 30 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để bảo vệ nền độc lập của dân tộc, lớp lớp thanh niên Việt Nam, ở tiền tuyến cũng như hậu phương, đã hăng hái vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, không ngại hiểm nguy với khí phách hiên ngang "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" và tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" đã làm nên những chiến công hiển hách lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Hàng loạt những phong trào ("Ba sẵn sàng", "Năm xung phong", "Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch năm năm lần thứ nhất", "Hát cho đồng bào tôi nghe"...), những khẩu hiệu ("Nhằm thẳng quân thù mà bắn", "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù"...) đã đi vào lòng người. Rất nhiều chiến sĩ, liệt sĩ có danh và vô danh là đoàn viên, thanh niên đã xả thân vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.

            Sau đại thắng mùa xuân 1975, thế hệ trẻ đã tích cực tổ chức các phong trào thi đua học tập, nghiên cứu khoa học, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế - xã hội. Tiêu biểu là các hoạt động xung kích, giữ gìn trật tự trị an, các phong trào xây dựng tập thể học sinh xã hội chủ nghĩa, rèn luyện thân thể và thực hiện nếp sống mới. Trong những năm đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội kéo dài, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, chủ nghĩa xã hội rơi vào khủng hoảng, thì thanh niên Việt Nam vẫn vững vàng, không hoang mang, dao động, một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đi theo con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bước sang thời kỳ đổi mới, thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phong trào thanh niên nước ta đã có bước phát triển mới. Nhiều phong trào, chương trình hành động do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức, phát động đã đi vào cuộc sống thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia. Thực tiễn cho thấy thông qua các phong trào "Thanh niên lập nghiệp", "Tuổi trẻ giữ nước", "Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn"…, các cuộc vận động "Nghĩa tình biên giới, hải đảo", "Tuổi trẻ xung kích, tình nguyện giữ gìn trật tự an toàn giao thông"... một lớp thanh niên mới đã hình thành và vươn lên khẳng định vị trí của mình trong xã hội với trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng cao; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đi đầu xây dựng xã hội học tập, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, xoá đói giảm nghèo, chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng. Đã có hàng vạn thanh niên, học sinh, sinh viên đoạt giải cao trong các kỳ thi Ôlimpích trong nước và quốc tế, đoạt Huy chương vàng Hội thi tay nghề ASEAN, vô địch cuộc thi Rôbôcom Châu Á - Thái Bình Dương... Nhiều bạn vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, nhiều thanh niên trở thành những doanh nhân trẻ, những tài năng trẻ trên nhiều lĩnh vực, góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước. Đặc biệt, phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên tình nguyện được đánh giá như một mốc son đánh dấu sự phát triển mới của phong trào thanh niên, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Hình ảnh những thanh niên với mũ tai bèo, màu áo xanh tình nguyện không quản ngại gian khó, hiểm nguy, đem kiến thức và sức trẻ đến mọi miền Tổ quốc góp phần tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng và an ninh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã trở nên gần gũi, thân quen với cộng đồng. Đảng và Nhà nước ta luôn đánh giá cao những cống hiến đó của thế hệ trẻ, đã tặng thưởng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào thanh niên nước ta nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng...

Sau 25 năm đổi mới, đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới với những thời cơ, vận hội và cả những khó khăn, thách thức to lớn. Đây là điều kiện thuận lợi cho thanh niên nước ta phát huy tài năng, sức lực và trí tuệ của tuổi trẻ để khẳng định mình, để trưởng thành và cống hiến cho đất nước. Đảng ta đã khẳng định sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tuỳ thuộc vào lực lượng thanh niên. Đại hội IX của Đảng đã nhận định thế hệ sinh ra trong hoà bình sẽ dần dần thay thế đội ngũ cán bộ Đảng và nhà nước, những người đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ... có nghĩa là về mặt nguyên tắc sứ mệnh làm chủ đất nước đã được định đoạt, trao lại cho thế hệ trẻ. Đại hội X của Đảng cũng chỉ rõ đối với thế hệ trẻ phải chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hoá, sức khoẻ, nghề nghiệp; giải quyết việc làm, phát triển tài năng và sức sáng tạo, phát huy vai trò xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua các thời kỳ cách mạng, lớp lớp thanh niên đã góp phần viết nên những trang sử vẻ vang cho dân tộc. Bất kỳ ai cũng thừa nhận rằng dân tộc ta, Đảng ta có những thế hệ thanh niên tuyệt vời. Nếu như không có những thế hệ trẻ tuyệt vời ấy thì làm sao chúng ta có thể chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1976) của Đảng ta đã khẳng định: "Tiền đồ rạng rỡ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nằm trong tay thanh niên, thiếu niên, nhi đồng".

Để có thể hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình trong thời kỳ mới, thanh niên Việt Nam phải là những con người sống có hoài bão và lý tưởng, có bản lĩnh chính trị kiên định, có lập trường tư tưởng vững vàng. Vương Dương Minh, nhà tư tưởng lớn của Trung Quốc đã nói: "Người không có chí như thuyền không lái, như ngựa không cương, trôi dạt lông bông không ra thế nào". Lý tưởng như ngọn đèn soi đường, chỉ lối, là sức mạnh tinh thần nuôi dưỡng ước mơ và hoài bão lập thân, lập nghiệp của thanh niên. Sống có lý tưởng là sống quên mình vì Tổ quốc, vì nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh dưới lá cờ vinh quang của Đảng. Chúng ta còn nhớ cách đây tròn 80 năm chàng thanh niên Lý Tự Trọng đứng trước phiên tòa tuyên án tử hình không hề run sợ, anh đã chủ động biến phiên toà của đế quốc thành một diễn đàn của người chiến sĩ cộng sản. Khi luật sư bào chữa xin giảm án vì Lý Tự Trọng chưa đến tuổi trưởng thành, hành động thiếu suy nghĩ, anh đã gạt phắt đi và dõng dạc nói: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, chứ không thể có con đường nào khác”. Tinh thần cách mạng bất khuất của Lý Tự Trọng đã làm cho kẻ thù vô cùng khiếp sợ và đã động viên cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trong cả nước lúc bấy giờ. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Lý Tự Trọng tuy ngăn ngủi nhưng anh đã nêu một tấm gương chói lọi cho các thế hệ thanh niên noi theo. Hình ảnh và chí khí của Lý Tự Trọng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, cao đẹp cho các thế hệ đoàn viên thanh niên Việt Nam. Câu nói của anh “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, chứ không thể có con đường nào khác” đã trở thành lý tưởng sống và vũ khí chiến đấu của tuổi trẻ Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác. Hiện nay tuy đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử nhưng Việt Nam vẫn là một quốc gia nghèo, kém phát triển, kinh tế, khoa học, công nghệ còn lạc hậu so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục đói nghèo, phấn đấu trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội đang là mục tiêu cháy bỏng của nhân dân ta. Vì thế, nếu như các thế hệ cha anh trước đây đã rửa được cái nhục mất nước, thì thanh niên hiện tại phải rửa được cái nhục nghèo nàn, lạc hậu, đưa Tổ quốc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới. Đúng như người thanh niên cộng sản Paven Coocsaghi trong cuốn tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Ôxtơrốpxki đã nói: "Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận, vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể tự hào rằng tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã cống hiến cho sự nghiệp vĩ đại nhất, sự nghiệp giải phóng loài người".       

Sinh thời Bác Hồ đã khẳng định: "Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên". Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang đó, thế hệ trẻ phải phấn đấu trở thành những người giàu về trí tuệ, giỏi về chuyên môn, có lòng yêu quê hương, đất nước, yêu những giá trị lịch sử và truyền thống văn hoá của dân tộc được khởi thuỷ từ dòng máu Lạc Hồng, được hun đúc qua 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, được nhân lên trong thời đại Hồ Chí Minh. Thanh niên chúng ta cần phải không ngừng tu dưỡng rèn luyện để có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, biết giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá và những giá trị tinh thần cao đẹp của dân tộc, biết tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hoá nhân loại, có chí tiến thủ, có lòng quyết tâm, có tinh thần đoàn kết, sự năng động sáng tạo, biết vượt lên mọi hoàn cảnh để học tập, lao động, sản xuất với sức mạnh dời non lấp biển và tinh thần "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay".

Bước sang thế kỷ XXI, nền kinh tế nước ta chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức. Trong nền kinh tế mới này, tri thức trở thành yếu tố hàng đầu của sản xuất, là nhân tố trực tiếp của chức năng sản xuất. Việc học tập trở thành vấn đề xã hội hoá, hình thành nên một "xã hội học tập". Thế hệ trẻ muốn khỏi lạc hậu với khoa học, kỹ thuật và công nghệ, phải có thói quen và khả năng tự học suốt đời vì không phải ai, và bất cứ lúc nào cũng có điều kiện đến trường, đến lớp để học. Tất cả chúng ta đều biết một câu nói bất hủ của V. I. Lenin "Học, học nữa, học mãi". Nếu phân tích bản chất của câu nói thì ý Lênin không phải là học nữa, học mãi ở trường, ở lớp mà là sau khi đã nắm bắt được một lượng kiến thức cơ bản ở trường thì học sinh, sinh viên phải đem kiến thức đó phục vụ cho cuộc sống, và trong lúc làm việc, chúng ta phải tranh thủ thời gian để đọc thêm sách báo, xem thêm phim ảnh có ích và bổ sung những kiến thức trên trường đời. Chúng ta còn nhớ, cách đây gần 170 năm, qua bản luận văn tốt nghiệp trung học của mình với chủ đề Suy nghĩ của thanh niên khi chọn nghề, anh thanh niên 17 tuổi C. Mác đã mong muốn lựa chọn được một nghề có thể cống hiến nhiều nhất cho nhân loại, hy sinh cho tất cả mọi người, để đến khi ra đi trên nấm mồ của mình được tưới đẫm bằng nước mắt của những con người cao quý. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu lúc ra đi tìm đường cứu nước mới chỉ có 21 tuổi, cũng đã có một tư tưởng nhân văn cao cả là tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Các bạn trẻ hôm nay ở lứa tuổi đó, có thể chưa có được hoài bão lớn lao như các lãnh tụ, nhưng có một điều tuổi trẻ hiện nay có thể học và làm được, đó là học tập và rèn luyện theo tư tưởng của Người, phấn đấu trở thành những con người vừa có tài, vừa có đức và biến những tư tưởng đó thành hiện thực trong cuộc sống.

Hiện nay Việt Nam đã là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới. Để có thể đáp ứng được đòi hỏi của tiến trình hội nhập và quá trình toàn cầu hoá thì mỗi thanh niên có trách nhiệm trang bị cho mình phương tiện không thể thiếu là ngoại ngữ. Phải thành thạo bốn kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) ít nhất là một ngoại ngữ như tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung… Nhờ vậy, chúng ta mới có khả năng đọc sách, nghiên cứu tài liệu nước ngoài và có thể giao tiếp, học tập với nhiều hình thức khác nhau. Hơn nữa hầu hết các công việc đều ít nhiều gắn với ngoại ngữ. Thị trường lao động sẽ cần đến những người vừa tài về chuyên môn, vừa giỏi về ngoại ngữ. Bên cạnh đó, thanh niên còn phải có khả năng làm chủ công nghệ thông tin. Có trình độ tin học nhất định thì máy vi tính sẽ giúp chúng ta tự học tốt, giảm thời gian tra cứu tài liệu, thu thập thông tin cập nhật để xử lý công việc một cách nhanh chóng có hiệu quả. Thanh niên phải là lực lượng xung kích phát triển nền khoa học công nghệ nước nhà, có khả năng chuyển giao, sáng tạo, ứng dụng các công nghệ tiên tiến và cũng là lực lượng truyền bá phổ biến khoa học công nghệ trong cộng đồng. Có làm được những điều này, tuổi trẻ chúng ta mới xứng đáng là những chủ nhân hôm nay và tương lai của đất nước. Đúng như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã khẳng định trong buổi lễ phát động Năm Thanh niên 2000: "Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, tự hào về các bạn, về thế hệ thanh niên, học sinh, sinh viên hôm nay. Với lực lượng xung kích ấy và những lực lượng xung kích kế tiếp, cha truyền con nối, nhất định chúng ta sẽ hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Tổ quốc Việt Nam sẽ được bảo vệ vững chắc, dân tộc Việt Nam trường tồn, chủ nghĩa xã hội được xây dựng thắng lợi".

 

                                                                        Nguyễn Quang Tuấn