Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Trường Đại học Vinh đã xây dựng Chương trình hành động và ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương với những nội dung chính như sau:

1. Tham gia đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông

            Nhà trường đã và đang triển khai các công việc sau đây:

a) Thành lập Ban Chỉ đạo Đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Trường.

b) Phối hợp với Sở giáo dục và Đào tạo Nghệ An chỉ đạo Trường THPT chuyên Đại học Vinh thí điểm phát triển chương trình trường theo chủ trương của Bộ

c) Xác định tiêu chuẩn và lựa chọn các giảng viên am hiểu, có kinh nghiệm về giáo dục phổ thông tham gia góp ý, xây dựng chương trình và sách giáo khoa phổ thông.

d) Tham gia xây dựng và đóng góp ý kiến về chương trình tổng thể của giáo dục phổ thông, chương trình môn học, sách giáo khoa (thử nghiệm).

e) Tham gia biên soạn, thẩm định tài liệu tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý về chương trình, sách giáo khoa; danh mục thiết bị dạy học tối thiểu của trường phổ thông.

f) Tham gia đánh giá chương trình, sách giáo khoa.

g) Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giảng viên (nhất là giảng viên sư phạm) về đổi mới chương trình, sách giáo khoa và trách nhiệm của Nhà trường trong đổi mới đào tạo giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

2. Đổi mới đào tạo giáo viên phổ thông

          a) Đổi mới chương trình đào tạo giáo viên phổ thông theo định hướng phát triển năng lực

          - Tiếp tục rà soát chương trình khung đào tạo giáo viên phổ thông theo hướng mở, trong đó đặc biệt coi trọng việc tăng cường đào tạo nghiệp vụ sư phạm (khối lượng kiến thức của các học phần nghiệp vụ sư phạm không dưới 25% tổng khối lượng kiến thức của chương trình đào tạo); bổ sung các học phần về Khoa học đánh giá, đo lường trong giáo dục; về hòa nhập, về giáo viên chủ nhiệm lớp và tư vấn hướng nghiệp... (theo hướng biên soạn thành các học phần độc lập hoặc tích hợp vào các học phần đã có trong chương trình đào tạo).

            - Bổ sung các nội dung liên quan đến đổi mới Giáo dục mầm non, Giáo dục phổ thông vào chương trình đào tạo giáo viên của Nhà trường.

            - Coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, đạo đức nghề nghiệp và năng lực nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm (thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp và hoạt động Đoàn - Hội).

            b) Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá

         - Tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá (theo các cấp độ khác nhau: bộ môn, khoa, trường).

         - Xây dựng nguồn tư liệu hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá (các phương pháp dạy học tích cực, các bộ trắc nghiệm giáo dục...).

         - Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá (nghiên cứu thành lập Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; xây dựng ngân hàng đề thi...).

            c) Phát triển đội ngũ giảng viên sư phạm

            - Đảm bảo đủ giảng viên về số lượng và cơ cấu (trình độ, lứa tuổi, giới tính) tại các khoa/ngành sư phạm.

            - Hình thành đội ngũ chuyên gia về xây dựng và phát triển chương trình Giáo dục mầm non, Giáo dục phổ thông; về nghiên cứu Khoa học giáo dục.

            - Tăng cường khả năng thích ứng của giảng viên đối với sự đổi mới của Giáo dục mầm non và Giáo dục phổ thông (quy định chế độ đi thực tế trường mầm non, trường phổ thông của giảng viên; giảng viên bộ môn Phương pháp giảng dạy phải dạy một số giờ ở trường mầm non, trường phổ thông; hỗ trợ giáo viên tập sự của trường mầm non, trường phổ thông về phương pháp dạy học và đánh giá...).

- Tiếp tục thực hiện việc sinh viên đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên.

            d) Xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giữa Nhà trường với các cơ sở Giáo dục mầm non, Giáo dục phổ thông trong đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông.

e) Nghiên cứu, thử nghiệm mô hình đào tạo giáo viên 3+1 (3 năm đào tạo ở trường sư phạm; 1 năm đào tạo ở trường mầm non hoặc trường phổ thông...).

3. Các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường

            a) Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, nhân viên đối với việc đảm bảo và không ngừng cải tiến chất lượng đào tạo của Nhà trường.

            b) Tích cực triển khai các hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo:

            - Rà soát chương trình đào tạo của tất cả các ngành theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn hoạt động nghề nghiệp sau này của sinh viên (giảm kiến thức lý thuyết, tăng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết các bài toán từ thực tiễn nghề nghiệp...).

            - Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng gợi mở, phát hiện và giải quyết vấn đề, kết hợp với tự học, tự nghiên cứu của sinh viên; từ đó chuyển dạy học chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của sinh viên.

- Nghiên cứu bỏ khóa luận tốt nghiệp và 2 học phần thay thế khóa luận tốt nghiệp đối với hệ cử nhân để tăng khối lượng, thời lượng rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp; đồng thời mở rộng các hình thức nghiên cứu khoa học cho sinh viên như bài tập lớn, tiểu luận...

            - Chuyển kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên dựa chủ yếu vào khả năng tái hiện kiến thức sang kiểm tra, đánh giá những phẩm chất, năng lực được hình thành ở sinh viên theo mục tiêu của từng ngành đào tạo.

            - Xây dựng hệ thống học liệu cho các ngành đào tạo, tiến tới tất cả các học phần trong chương trình đào tạo của từng ngành đều có giáo trình, tài liệu.

- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, các quy trình mô phỏng, phòng học thông minh kết nối với mạng lưới các trường phổ thông, các doanh nghiệp, nhà máy, các bộ môn phương pháp dạy học để sinh viên được rèn luyện thường xuyên trong quá trình học tập.

 - Định kỳ rà soát, bổ sung chuẩn đầu ra các ngành đào tạo. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện chiến lược và kế hoạch đảm bảo chất lượng; xây dựng công cụ, quy trình và tiến hành đánh giá giảng viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý; lập kế hoạch tự đánh giá trường đại học và tham gia kiểm định chu kỳ tiếp theo.

            - Đảm bảo nguồn kinh phí, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ các hoạt động đảm bảo chất lượng...

c) Chỉ đạo xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến ở khoa Công nghệ thông tin. Triển khai dạy học một số học phần cho sinh viên, học viên bằng tiếng Anh cho sinh viên các khoa: sư phạm Toán học, Vật lý và Công nghệ, Sinh học, Hóa học.

d) Ban hành “Đề án nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh ở Trường Đại học Vinh”, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”, trong đó quy định chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của sinh viên từ khóa 54 (2013) là bậc 3/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; đặt ra lộ trình và chuẩn trình độ ngoại ngữ cho giảng viên và cán bộ hành chính.

4. Kiện toàn tổ chức bộ máy, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý

a) Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTg ngày 27/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 179/QĐ-BGDĐT ngày 11/1/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/BCSĐ ngày 13/1/2010 của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012.

b) Rà soát hiệu quả hoạt động của các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng. Chỉ đạo thành lập mới, kiện toàn tổ chức bộ máy trên cơ sở điều chỉnh, phát triển cơ cấu ngành nghề đào tạo và đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.

c) Thành lập Hội đồng Trường và xây dựng quy chế về tổ chức và hoạt động của Nhà trường theo quy định tại Điều lệ Trường Đại học.

d) Thành lập Trường tiểu học thực hành trực thuộc Trường.

đ) Thực hiện quy trình hành chính “một cửa” liên thông để giúp học sinh, sinh viên đăng kí cấp giấy tờ một cách nhanh chóng, thuận lợi, minh bạch.

e) Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quy chế công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Thực hiện Đề án đổi mới công tác tuyển sinh

Nhà trường huy động tối đa các nguồn lực, cơ sở vật chất, kinh nghiệm tổ chức tuyển sinh đại học trong những năm qua, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân, các sở, ban, ngành của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị để tổ chức tốt kỳ thi tuyển sinh chung tại cụm thi Vinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; đồng thời tổ chức tuyển sinh riêng theo phương thức xét tuyển, xét tuyển kết hợp với thi tuyển. Lộ trình thực hiện Cụ thể như sau:

a) Năm 2014

- Trường Đại học Vinh thực hiện thi chung theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Xét tuyển và xét tuyển kết hợp với thi tuyển 5 ngành: Nông nghiệp, Khuyến nông, Nuôi trồng thủy sản, Giáo dục mầm non, Giáo dục thể chất.

b) Năm 2015

- Ngoài việc thi chung, xét tuyển và xét tuyển kết hợp với thi tuyển 5 ngành như năm 2014, Nhà trường tổ chức thi riêng thí điểm 5 ngành: Sư phạm Tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh, Việt Nam học, Quản lý văn hóa, Quản lý giáo dục, với các môn thi Toán, Văn, Tiếng Anh.

            - Trên cơ sở kinh nghiệm triển khai thí điểm thi tuyển sinh riêng các ngành trên, Trường sẽ nghiên cứu để hoàn thiện phương án tuyển sinh làm tiền đề cho việc tự chủ thi tuyển sinh riêng các ngành còn lại vào năm 2016.

c) Năm 2016

- Xét tuyển và xét tuyển kết hợp với thi tuyển 5 ngành: Nông nghiệp, Khuyến nông, Nuôi trồng thủy sản, Giáo dục mầm non, Giáo dục thể chất.

- Thi tuyển sinh riêng cho tất cả các ngành còn lại (Sau khi đã rút kinh nghiệm năm 2015 và hoàn thiện phương án tuyển sinh).

6. Nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo và phát triển kinh tế - xã hội

a) Ưu tiên đầu tư kinh phí, nhân lực cho những đề tài nghiên cứu khoa học có thể ứng dụng vào thực tiễn; những đề tài nghiên cứu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Tăng cường chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.

b) Tăng cường hợp tác với các nhà khoa học đầu ngành, đặc biệt ở bộ môn, khoa còn thiếu lực lượng để tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh. Khuyến khích sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh tham gia với cán bộ giảng dạy nghiên cứu các đề tài, thực hiện các chương trình, dự án. Tăng cường tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học cấp quốc gia, quốc tế.

c) Tăng cường gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với nhu cầu xã hội thông qua việc liên kết, hợp tác toàn diện với các doanh nghiệp. Tập trung xây dựng một số trường phái nghiên cứu khoa học mũi nhọn. Hình thành nhóm các nhà khoa học để tổ chức xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp và nghị định thư.

7. Tăng cường phát triển hợp tác, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với nước ngoài

a) Duy trì những quan hệ hợp tác quốc tế đã có; tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi để xây dựng quan hệ mới với các trường đại học và tổ chức quốc tế nhằm đem lại nguồn lực hỗ trợ hữu hiệu cho Trường. Xây dựng kế hoạch tổng thể để phát triển hợp tác lâu dài với các nước như Hoa Kỳ, Ba Lan, Australia...; phát triển sâu hơn hợp tác truyền thống với Lào, Thái Lan và Trung Quốc phù hợp với tình hình mới hiện nay.

b) Mở rộng hợp tác nghiên cứu với các trường đại học, viện nghiên cứu châu Mỹ, châu Âu, châu Á thực hiện các đề tài thuộc các lĩnh vực lý thuyết, ứng dụng ở các cấp độ: Nghị định thư, song phương.

c) Phát triển các nhóm nghiên cứu có năng lực về khoa học giáo dục và khoa học công nghệ mang tầm quốc tế: Nhóm Quang học, Lý thuyết xác suất thông kê, Nghiên cứu vật liệu mới và các ứng dụng, Đa dạng sinh học…

d) Khuyến khích và hỗ trợ cán bộ khoa học, giảng viên tham gia nghiên cứu và viết bài đăng các tạp chí khoa học có uy tín nước ngoài thuộc danh mục SCI, SCIE.

 

Tin: Nguyễn Quang Tuấn