PGS.TS Đinh Xuân Khoa
                                            Bí thư Đảng uỷ Trường Đại học Vinh
 
 
           Trường Đại học Vinh (tiền thân là Trường Đại học Sư phạm Vinh) được thành lập từ năm 1959. Đến năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định đổi tên Trường Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Vinh đa ngành. Trải qua hơn 48 năm xây dựng và phát triển đầy vẻ vang, tự hào, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh uỷ Nghệ An, Đảng bộ Trường Đại học Vinh đã vượt qua mọi gian khó, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong sự nghiệp "trồng người”, xứng đáng là ngọn cờ hồng trên quê hương Xô viết. Trường đã đào tạo hàng vạn giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, bồi dưỡng hàng trăm cán bộ giáo viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, góp phần xứng đáng vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục của khu vực miền núi Tây Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung. Các thế hệ giáo viên và cán bộ, công nhân viên của Trường đã nêu cao tấm gương sáng về lòng tận tuỵ, nhân ái, đức tính kiên trì, khiêm tốn, giản dị, tinh thần hăng say, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường vượt qua khó khăn để giành được những thành tựu to lớn, là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An. Đó cũng chính là sức mạnh to lớn và niềm tin tươi sáng để Nhà trường đáp ứng kịp thời những nhiệm vụ cấp bách do thực tế khách quan thường xuyên đặt ra. Công tác đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy, góp phần phục vụ các nhiệm vụ kinh tế, xã hội của đất nước và địa phương được Nhà trường chú trọng, đẩy mạnh và thu nhiều kết quả tốt đẹp, đưa Trường vươn lên trở thành một trong những trung tâm khoa học, công nghệ lớn của khu vực Bắc miền Trung.
              Ngay từ những ngày đầu thành lập, Trường Đại học Vinh đã có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực ở trình độ cao cho con em đồng bào các dân tộc sinh sống tại các huyện miền núi Tây Nghệ An và đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Nghệ An và cả nước; bồi dưỡng và đào tạo lại cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu chuẩn hoá đội ngũ và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên và nâng cao dân trí, phối hợp tổ chức các lớp dự bị đại học cho con em đồng bào dân tộc ít người; tổ chức nghiên cứu triển khai, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ trực tiếp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An. Để tạo cơ chế phối hợp giữa tỉnh Nghệ An và Trường Đại học Vinh, lãnh đạo Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh thường xuyên làm việc với Đảng uỷ, Ban giám hiệu Nhà trường để thông báo về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và chiến lược phát triển của tỉnh, trong đó đặt biệt quan tâm đến chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho miền Tây Nghệ An. Miền Tây Nghệ An có 10 huyện miền núi, trong đó có 5 huyện vùng núi cao, tổng diện tích tự nhiên 1.374.502 ha, chiếm 83% diện tích tự nhiên của toàn tỉnh. Dân số miền Tây Nghệ An có hơn 1,1 triệu người, có 6 dân tộc anh em với hơn 410.000 người, chiếm 38% dân số của 10 huyện miền núi. Miền Tây Nghệ An có vị trí địa chính trị quan trọng không chỉ của Nghệ An mà còn của vùng Bắc Trung Bộ. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, ngày 02/06/2003, Bộ Chính trị đã có Kết luận 20 về phát triển Nghệ An đến 2010 và ngày 15/06/2005, Chính phủ đã có Quyết định số 147/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2010”.
             Thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định 147/2005/-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 11/07/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Nghệ An giai đoạn 2006-2010; Kết luận số 15-NQ/TU ngày 16/08/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 11/07/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Nghệ An giai đoạn 2006-2010; Đề án số 02-ĐA/TU ngày 11/07/2006 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ cơ sở, cán bộ trẻ có triển vọng và thực hiện giai đoạn 2 (2006-2010) đề án nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng uỷ Nhà trường đã tích cực chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền phải quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và căn cứ vào tình hình thực tế của từng đơn vị để xây dựng những chương trình hành động cụ thể, tích cực góp phần đưa Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ vào thực tiễn.
             Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ, cán bộ, công chức Trường Đại học Vinh luôn thể hiện niềm tin son sắt vào sự lãnh đạo của Đảng. Quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm chính trị và quan điểm giáo dục của Đảng qua từng giai đoạn lịch sử, coi đó là cơ sở tư tưởng, chính trị và tổ chức để thu hút sự quyết tâm cao độ của tập thể Nhà trường, tạo nên được động lực quan trọng trong tiến trình xây dựng, phát triển và hội nhập. Hiện nay, Trường Đại học Vinh đã có cơ cấu đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và đa cấp với 04 môn chuyên bậc Trung học phổ thông, 42 ngành đào tạo đại học (15 ngành sư phạm, 27 ngành ngoài sư phạm), 33 chuyên ngành đào tạo Sau đại học (23 chuyên ngành Thạc sĩ, 10 chuyên ngành Tiến sĩ) với trên 30.000 học sinh, sinh viên, học viên, gồm con em của 51 tỉnh, thành trong cả nước (có 497 sinh viên là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là miền Tây Nghệ An) và có trên 300 sinh viên, học viên của Thái Lan, Lào, Trung Quốc... Trường đã xây dựng được hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, công chức đủ sức đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực miền núi Tây Nghệ An. Ngoài cơ sở 1 hiện nay tại khu vực Bến Thủy - Trường Thi (14 ha), Trường đã được quy hoạch và triển khai xây dựng cơ sở 2 thuộc huyện Nghi Lộc với diện tích 258 ha, 5 ha trại thuỷ sản nước ngọt ở Hưng Nguyên, 9 ha trại hải sản ở Nghi Xuân. Tổng diện tích được quy hoạch của Nhà trường hiện nay là 286 ha. Ngoài ra, Trường đang xây dựng một số cơ sở phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ ở một số địa phương khác. Trường có 17 khoa đào tạo, 12 phòng, ban, trạm, 10 trung tâm, 1 khối THPT Chuyên, 1 Viện nghiên cứu. Đội ngũ cán bộ, công chức gồm 801người, trong đó có 03 giáo sư, 34 phó giáo sư, 104 tiến sĩ, 314 thạc sĩ. Số cán bộ giảng dạy là 523, trong đó giảng viên cao cấp 04, giảng viên chính 131, giảng viên 338, giáo viên trung học phổ thông 45. Tham gia giảng dạy và đào tạo tại Trường còn có hàng trăm giáo sư, tiến sĩ khoa học, các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Trong những năm đổi mới, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, hoà cùng nhịp điệu khởi sắc của đất nước, của ngành giáo dục, đào tạo và tỉnh nhà, Đảng bộ Trường Đại học Vinh đã và đang bước sang chặng đường mới của sự ổn định, phát triển mạnh mẽ. Vận dụng một cách sáng tạo chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng Trường thành một trung tâm đại học có chất lượng cao, đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó, nuôi trồng thuỷ sản, nông học, khuyến nông và phát triển nông thôn, xây dựng dân dụng, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, hoá thực phẩm, kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, khoa học môi trường… đã đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của miền Tây Nghệ An. Hiện nay, Nhà trường đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 và cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” và cuộc vận động "Nói không với đào tạo không đạt chuẩn và không đáp ứng nhu cầu xã hội". Từ khoá tuyển sinh năm 2007, Trường chuyển sang đào tạo theo tín chỉ, đồng thời đẩy mạnh việc hoàn chỉnh những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển Nhà trường: xác định mục tiêu và xây dựng chương trình, quy trình đào tạo; xây dựng đội ngũ cán bộ đạt chuẩn; đầu từ trang thiết bị và trại thực hành, thực nghiệm; phát triển khoa học công nghệ; xúc tiến hợp tác phát triển và thu hút đầu tư; tiếp cận thực tiễn và phản hồi từ doanh nghiệp. Trường Đại học Vinh đã triển khai thành công các dự án giáo dục đại học mức A, B, C, nên các trang thiết bị thí nghiệm đã được trang bị hiện đại, đồng bộ với hệ thống các phòng thí nghiệm, trung tâm phân tích, các phòng thí nghiệm chuyên đề, thực tập các môn học; thành lập Trung tâm kiểm định chất lượng thực phẩm Bắc miền Trung; xây dựng nhiều công trình vĩnh cửu (nhà học, thư viện, nhà thí nghiệm, các trại thực hành, cơ sở II) để dần đưa vào phục vụ cho hoạt động học tập và nghiên cứu khoa học; liên kết với nhiều tổ chức, các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước để trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu và học thuật. Cán bộ và sinh viên của Nhà trường đã triển khai hàng trăm đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền núi Tây Nghệ An như các dự án bảo vệ đa dạng sinh học ở Khu bảo tồn quốc gia Pù Mát; các dự án trồng và phát triển rừng ở miền Tây Nghệ An; giúp đỡ đồng bào Đan Lai định cư; chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông, lâm, ngư nghiệp cho đồng bào miền núi. Hàng năm, Trường còn tổ chức các hoạt động tình nguyện của sinh viên thiết thực hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội cho các huyện miền Tây Nghệ An. Trong 10 năm từ 1998 đến 2008, đã có hơn 5.000 lượt sinh viên tham gia các phong trào tình nguyện vì miền Tây với những hoạt động cụ thể, thiết thực như: ủng hộ đồng bào bão lụt, ủng hộ xây dựng cầu Chôm Lôm, quyên góp tặng quà cho học sinh nghèo, gia đình chính sách, dạy xoá mù chữ ở các huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông… Tặng sách, vở, máy tính, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động của đoàn viên thanh niên các huyện. Xây nhà ở công vụ cho giáo viên miền núi (xã Nậm Giải, huyện Quế Phong)…
                Với quyết sách chính của Trường là đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Tây Nghệ An và cả nước, tiếp cận trình độ khoa học công nghệ của các nước trong khu vực và trên thế giới, Nhà trường đã tập trung bồi dưỡng và nâng cao năng lực của cán bộ để chuyển từ cách thức "Đào tạo theo những gì mình có" sang "Đào tạo theo những gì xã hội cần", dần thích ứng với giai đoạn phát triển mới của đất nước khi đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Nhà trường đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp để tuyển dụng sinh viên, tổ chức các hoạt động giao lưu giữa doanh nghiệp, nhà tuyển dụng (như các sở, ban, ngành của tỉnh, Công ty Giống thuỷ sản, Công ty UNI-PRESIDENT, Công ty TOMBOY, Công ty Bayer, Globet, Công ty Văn Minh AB, Công ty INO-GREEN...) với sinh viên để tăng cường các hoạt động thông tin và trao đổi để có được thông tin về nhu cầu xã hội, ý kiến nhận xét, ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, cơ quan, ban, ngành nhằm điều chỉnh, bổ sung có chọn lọc nội dung, chương trình đào tạo, gửi sinh viên là con em các huyện miền núi Tây Nghệ An thực tập rèn nghề và thực tập tốt nghiệp. Liên hệ với các tổ chức, cá nhân cấp nhiều học bổng hỗ trợ học tập cho sinh viên khá giỏi, sinh viên nghèo vượt khó. Hàng năm, Trường Đại học Vinh có khoảng 6.000 sinh viên tốt nghiệp, trong đó có gần 2.500 sinh viên hệ chính quy, 70% là con em người Nghệ An, trong đó khoảng 500 sinh viên hệ chính quy là người miền Tây Nghệ An. Sinh viên các huyện miền núi Tây Nghệ An tốt nghiệp từ Trường Đại học Vinh đã có việc làm từ 80 - 90%. Trường cũng đã góp phần đào tạo hệ học sinh trung học phổ thông chuyên ươm mầm những tài năng cho đất nước, trong đó một số lượng lớn học sinh đến từ miền Tây Nghệ An. Có những em đã đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế.
              Có thể khẳng định, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 11/07/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Nghệ An giai đoạn 2006-2010 là điều kiện quan trọng để hàng năm Đảng bộ Trường Đại học Vinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Đảng bộ Nhà trường 9 năm liên tục được Tỉnh ủy Nghệ An công nhận danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Đảng ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị; Quyết định 147/2005/-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An; Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI). Cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên Nhà trường sẽ tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, phát huy những truyền thống tốt đẹp của đơn vị Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mớiđểtriển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, đưa sự nghiệp xây dựng và phát triển Nhà trường lên một tầm cao mới, tạo đà cho quê hương, đất nước vững bước trên con đường đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.