TRUNG TÂM THÔNG TIN - THƯ VIỆN NGUYỄN THÚC HÀO: ĐỒNG HÀNH CÙNG SỰ PHÁT TRIỂN VỮNG MẠNH CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH
ThS. Vũ Duy Hiệp
Giám đốc TTTT - Thư viện Nguyễn Thúc Hào
 Cùng với việc đổi tên Trường Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Vinh vào năm 2001, Trung tâm Thông tin tư liệu và Thư viện đã được đổi tên trên cơ sở đơn vị Thư viện và Xưởng in của Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề. Thời điểm sát nhập, Trung tâm có 26 cán bộ (xưởng in: 6, thư viện 20), trong đó có 02 thạc sỹ, 11 người tốt nghiệp đại học, 1 người tốt nghiệp cao đẳng, số còn lại là trung cấp và sơ cấp; vốn tài liệu, cơ sở vật chất trang thiết bị của thư viện còn hạn chế; hoạt động chuyên môn nghiệp vụ mang đậm phương thức truyền thống, hầu hết cán bộ chưa biết sử dụng máy vi tính.
Để đáp ứng yêu cầu của trường đại học đa ngành, xác định thư viện là một trong những điều kiện quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và đáp ứng nhiệm vụ đổi mới phương pháp dạy - học,  Trường Đại học Vinh đã chọn thư viện là đơn vị đầu tiên được thụ hưởng quỹ nâng cao chất lượng đào tạo của dự án giáo dục đại học (GDĐH). Theo đó, Nhà trường đã ký kết thực hiện tiểu dự án: Đổi mới, nâng cấp thư viện và xây dựng trung tâm thông tin - tư liệu Trường Đại học Vinh. Có thể nói đây là sự kiện không những được cán bộ thư viện hân hoan đón chờ và tích cực thực hiện, mà còn được sự ủng hộ hoan nghênh của cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh trong và ngoài Trường.
             Từ dự án GDĐH (mức A), Thư viện được tiếp nhận 50 loại thiết bị chuyên dụng, các hợp đồng cung cấp sách, cơ sở dữ liệu tiếng Việt và tiếng nước ngoài, máy vi tính, trang thiết bị hiện đại và phần mềm quản lý thư viện để hiện đại hoá, tự động hoá các hoạt động của Trung tâm, với tổng số tiền 500 ngàn USD.
      Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, lãnh đạo đơn vị đã bàn bạc, xác định các bước đi, xây dựng lộ trình làm việc, đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm để đáp ứng với yêu cầu đổi mới của Nhà trường - đó là nâng cao năng lực và hiệu quả thư viện, thực hiện chuẩn hoá,  hiện đại hoá, tự động hoá hoạt động thông tin  - thư viện.
      Về chuẩn hoá: Trước hết là chuẩn hoá đội ngũ, Trung tâm đã tổ chức sắp xếp lại cán bộ, phân công lại lao động, tổ chức đào tạo và đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn, tin học, ngoại ngữ,  tổ chức tham quan, học tập ở thư viện các trường đại học, ở các cơ quan thông tin thư viện lớn trong nước và quốc tế, từng bước trẻ hoá, chuẩn hoá về trình độ thông qua việc tuyển dụng nguồn nhân lực mới. 
Đến nay sau 10 năm đổi tên Trường, Trung tâm đã có 42 cán bộ, công chức: 05 người ở tổ in, 37 người ở thư viện, trong đó có 05 thạc sỹ, 01 thư viện viên chính, 31 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành, 3 kỹ sư tin học. Hầu hết đội ngũ cán bộ ở thư viện có phẩm chất, năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ và có khả năng thích ứng với yêu cầu quản lý, điều hành của thư viện hiện đại. Điều đó thể hiện cán bộ thư viện Trường Đại học Vinh đã vươn lên chứng tỏ được năng lực của mình khi tiếp cận với các công nghệ mới, phương thức quản lý mới.
     Về chuyên môn, nghiệp vụ: Trung tâm đã sử dụng những thành tựu nghiên cứu tiên tiến nhất của ngành thông tin - thư viện Việt Nam và trên thế giới, đó là: sử dụng khung phân loại thập phân Dewey ( DDC) để phân loại tài liệu; sử dụng quy tắc biên mục Anh - Mỹ rút gọn (AACR2); sử dụng khổ mẫu Macrc21 cho dữ liệu thư mục và tổ chức xây dựng kho mở. Hiện nay các kho sách, thẻ bạn đọc đã được gán mã vạch, công tác quản lý bạn đọc, quản lý sách, quản lý chuyên môn, nghiệp vụ, đã được tổ chức theo mô hình của một thư viện hiện đại trên cơ sở tự động hoá và hiện đại  hoá. Trong những năm qua, công tác xây dựng và phát triển vốn tài liệu  luôn được sự quan tâm đầu tư của Nhà trường và trung tâm. Từ năm 2001 đến năm 2011, tổng số vốn tài liệu có trong thư viện là 26.000 tên sách với 92.771  bản; Luận án, Luận văn có trên 8.000 tên với 9.282 bản; Sách giáo trình của cán bộ Trường biên soạn có 341 tên sách với trên 3.000 bản. Kho tài nguyên số được xây dựng với  hơn 7.000 giáo trình, bài giảng của tất cả các chuyên ngành đào tạo (trong đó có 310 giáo trình bài giảng do giảng viên Trường Đại học Vinh biên soạn), 8.000  đồ án tốt nghiệp đại học, luận văn thạc sỹ và luận án tiến sỹ.
      Để chủ động hội nhập và liên thông, Trung tâm đã  xây dựng trang Web của thư viện, xây dựng mục lục điện tử, xây dựng mạng LAN và kết nối mạng Internet. Thư viện số đã được bạn đọc khai thác và sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên, học sinh có điều kiện thuận lợi sử dụng vốn tài nguyên thông tin của thư viện.
      Không những thực hiện chức năng phục vụ tốt công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường và  khu vực Bắc Trung Bộ, in ấn xuất bản tài liệu, Trung tâm còn là nơi để thường xuyên các đồng nghiệp và sinh viên đến học tập, tham quan, thực tập về nghề nghiệp và trao đổi chuyên môn của các Trường và thư viện trong cả nước. Chính vì thế mà vị thế của Trung tâm Thông tin – Thư viên Nguyễn Thúc Hào Trường Đại học Vinh cũng đã được đánh giá cao và từng bước được khẳng định trên con đường phát triển, hội nhập và liên thông.    
      Có thể nói, trong 10 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới của Nhà trường, nhờ dự án GDĐH, diện mạo thư viện đă hoàn toàn thay đổi, Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào đã tiến một bước dài từ truyền thống đến hiện đại, từ thủ công đến tự động hoá, đáp ứng được nhu cầu hoạt động đào tạo và  nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Vinh và khu vực Bắc Trung bộ, từng bước hội nhập, khẳng định vị thế của mình trong hệ thống thư viện các trường đại học nói riêng và ngành thông tin - thư viện Việt Nam nói chung. Thành quả đó khẳng định sự lựa chọn đúng đắn, sự đầu tư có hiệu quả của Đảng uỷ, Ban giám hiệu Nhà trường nhằm không ngừng  nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng với nhu cầu xã hội.
      Hiện nay Trường Đại học Vinh là cơ sở đào tạo đại học đa ngành cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu xã hội, là trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ sự nghiệp phát triiển  kinh tế - xã hội của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước với tầm nhìn đến năm 2020, Trường Đại học Vinh trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia có một số ngành đạt tiêu chuẩn quốc tế.  Để đáp ứng với yêu cầu và nhiệm vụ mới, định hướng phát triển của Trung tâm đến năm 2020 là:  Nâng cao năng lực tự động hóa, xây dựng và phát triển Thư viện Trường Đại học Vinh trở thành thư viện số trên cơ sở hiện đại hoá, tự động hoá, chuẩn hóa, các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Phát triển Thư viện Trường Đại học Vinh trở thành thư viện trường đại học trọng điểm quốc gia, trung tâm liên kết lưu trữ, khai thác và cung cấp thông tin cho các trường đại học và cao đẳng trong khu vực Bắc Trung Bộ; trở thành đầu mối kết nối với hệ thống thông tin quốc tế, góp phần vào việc mở rộng quan hệ trao đổi thông tin giữa các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam với các trường đại học, cao đẳng tiên tiến trên thế giới.