Chỉ cần có máy tính hoặc thiết bị
điện tử thông minh như điện thoại, máy tính bảng được kết nối in-tơ-nét ai cũng
có thể lập một hoặc nhiều tài khoản trên mạng xã hội, từ đó tự do đưa ra quan
điểm, ý kiến cá nhân về vấn đề xã hội mà họ quan tâm. Và điều đáng lo ngại là
đã hình thành một nhóm người có chung “sở thích” lên án, chỉ trích người khác một
cách thiếu thiện chí hay bày tỏ quan điểm cực đoan,... khiến dư luận hoang
mang.
Cuối tháng 3 vừa qua, vụ cháy tại
Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ) đã thu hút sự quan tâm, lo lắng của dư luận.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, đây là vụ cháy lớn nhất, và huy động
nhiều lực lượng tham gia nhất từ trước đến nay trên địa bàn thành phố. Đã có 56
phương tiện và hơn 370 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy. Các bức ảnh và
đoạn phim được công bố cho thấy nỗ lực rất lớn của lực lượng phòng cháy, chữa
cháy (PCCC) để cứu khu nhà xưởng, họ đã phải kiệt lực để dập cháy, thậm chí nhiều
người bị kiệt sức, bị ngất vì ngạt khí. Tuy nhiên, bên cạnh các ý kiến mong đám
cháy sớm được dập tắt, cán bộ và chiến sĩ PCCC được an toàn để chiến đấu với ngọn
lửa hung dữ, lại có không ít “anh hùng bàn phím” lên tiếng chê trách lực lượng
PCCC làm việc không hiệu quả, nhà xưởng ngay gần sông, sẵn nước mà lực lượng cứu
hộ không dập được lửa. Hồ đồ trong phán xét, những “anh hùng bàn phím” không hiểu
rằng việc chữa cháy không chỉ đơn thuần là bơm nước dập lửa, mà cần nhiều kỹ
thuật đan xen trong địa hình nhà xưởng xây khép kín kiểu tổ ong, vừa chữa cháy
vừa phải bảo đảm không cháy lan, vừa tìm kiếm cứu người bị kẹt trong đám cháy,
và đặc biệt là xử lý để đám cháy không lan tới bồn dầu 10 nghìn lít dùng để chạy
nồi hơi của công ty đặt gần đó... Hơn nữa, dù đám cháy tại Khu công nghiệp Trà
Nóc xảy ra gần sông, nhưng đúng lúc triều đang xuống, áp lực nước quá thấp
không đủ để hút lên chữa cháy, mà sức nóng tại đám cháy lan tỏa quá mạnh khiến
lực lượng PCCC không thể tiếp cận sâu vào bên trong. Bức xúc trước thái độ thiếu
thiện chí của một số người thích ném đá và phán xét, có bạn đọc bày tỏ trên
trang facebook cá nhân: “Thử đến đó nhìn đi, bạn sẽ thấy họ đang cố gắng thế
nào và đang đánh cược sinh mạng thế nào. Toàn vật liệu dễ cháy trong công xưởng
hơn 18.000 m2 dễ kiểm soát lắm sao. Quá buồn cho những con người đang nai lưng
ra làm việc nhưng lại bị phủ nhận bởi những “anh hùng” chỉ biết nói mà không biết
làm, biết nhìn mà không biết nghĩ”.
Ngày 13-3, thông tin ngư dân Lê
Văn Tuấn (Gio Linh, Quảng Trị) bắt được mẻ cá bè vàng hơn 160 tấn, trị giá hơn
5 tỷ đồng cũng bị một số “anh hùng bàn phím” cho vào “tầm ngắm”. Không coi đây
là một tin tốt lành với anh Tuấn cũng như với bà con ngư dân, các “anh hùng bàn
phím” lại nghi ngờ cho rằng anh Tuấn đánh cá bằng chất nổ, hóa chất cho nên cá
mới chết, phơi trắng bụng. Những phán xét hồ đồ kiểu này không dựa trên căn cứ
xác thực nào, mà chỉ đơn thuần từ hình ảnh chụp mẻ cá nổi trắng trên mặt nước
biển, cho dù trước đó báo chí đưa thông tin về sự việc này còn cung cấp hình ảnh
và đoạn phim đàn cá khi mới bị vây vào lưới đang bơi lội mạnh khỏe. Tùy tiện
phán xét coi như đúng rồi, những người này không ý thức được rằng, với tốc độ
chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội, những nghi ngờ này ảnh hưởng rất lớn đến
việc mưu sinh của bà con ngư dân - những người mà không phải lúc nào ra khơi là
cũng có cá mang về và mẻ cá đối với họ là cả gia tài. Có thể nói, các “anh hùng
bàn phím” luôn áp dụng chiến thuật “ba không”: không cần nghe, không cần nhìn,
không cần biết đúng sai mà cứ tùy tiện phán xét, bất chấp hậu quả nguy hại có
thể gây ra với người khác. Khi bị chứng minh là sai thì họ đột nhiên biến mất
tăm, thậm chí thay đổi hẳn thái độ! Điều này có thể thấy rất rõ trong sự việc gạo
giả vừa qua: sau thông tin nghi ngờ gạo giả xuất hiện trên thị trường, lập tức
các “anh hùng bàn phím” hùa vào bàn luận, chỉ trích, gây hoang mang cho người
tiêu dùng. Không cần kiểm tra nguồn tin, xác định tính trung thực và chính xác
của thông tin, ngay lập tức một số “anh hùng bàn phím” đã lên án người nông dân
với lời lẽ xúc phạm nặng nề. Đến ngày 22-3, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm
sản và Thủy sản Hà Nội chính thức xác nhận: Mẫu gạo trên là gạo thật, không phải
là gạo giả như người tiêu dùng nghi ngờ. Trước thông tin chính thức từ cơ quan
chức năng, các “anh hùng bàn phím” bỗng nhiên im bặt và trốn biệt!?
Thể hiện ý kiến cá nhân trên mạng
xã hội là nhu cầu của nhiều người sử dụng in-tơ-nét nhưng thể hiện một cách văn
hóa, tôn trọng cộng đồng và người khác thì không phải ai cũng làm được. Hậu quả
của những phê phán, chỉ trích từ bàn phím nặng nề hơn hình dung của nhiều người.
Chỉ vì tin đồn và sự phán xét tùy tiện của một số cá nhân trên facebook mà cả
mùa vụ của bà con nông dân ở địa phương nọ không thể tiêu thụ được sản phẩm.
Khi trở thành đối tượng bị “ném đá” trên mạng, có người không những rơi vào
tình trạng hoang mang, sợ hãi, mà thậm chí vì áp lực từ mạng xã hội quá lớn cho
nên có hành động bột phát nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng. Cách đây ít lâu, sau
khi bị người yêu đăng đoạn phim “sex” lên mạng, một nữ sinh ở Đồng Nai đã không
thể kháng cự với cơn bão like, share (thích, chia sẻ) và chỉ trích trên
facebook dành cho mình, nên đã tìm đến cái chết tức tưởi bằng thuốc diệt cỏ khi
mới 15 tuổi. Học sinh khác, chỉ vì bị khích bác trên facebook đã sẵn sàng châm
lửa đốt trường, khiến tính mạng của chính mình bị nguy hiểm… Trong không ít trường
hợp, việc “chém gió”, “ném đá” vô tội vạ của những “anh hùng bàn phím” để lại hậu
quả hết sức nguy hại: gieo rắc thông tin sai lạc, gây hoang mang dư luận; kích
động hành vi có tính chất cực đoan, bạo lực dẫn đến mất trật tự xã hội, vi phạm
pháp luật,... Đáng lo ngại hơn nữa là sự nhập cuộc của giới trẻ trên thế giới ảo
ngày càng trở nên phổ biến, dẫn tới tình trạng một bộ phận người trẻ không có ý
thức nhìn nhận khách quan các vấn đề của xã hội, nghi ngờ hết thảy mọi điều tốt
đẹp đang diễn ra quanh mình… PGS, TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Giáo dục
và Đào tạo, tâm sự: “Giới trẻ hiện nay đang bị chi phối rất nhiều bởi mạng xã hội.
Chính vì vậy, nếu không biết tự kiểm soát mình, các em rất dễ trở thành nạn
nhân của nó hoặc gián tiếp gây nên cái chết cho người khác. Dưới mỗi nút like,
chia sẻ là nhân cách, đạo đức, danh dự, thậm chí cả tính mạng của người khác.
Vì vậy, chúng ta phải thực sự thận trọng”. Đúng vậy, mạng xã hội là một không
gian ảo, những gì cá nhân thể hiện trên đó chưa chắc là con người thật của họ.
Phía sau bàn phím và các con chữ, liệu những người đang lớn tiếng phê phán, chỉ
trích người khác có dám đấu tranh cho lẽ phải, dám lên án cái xấu như những gì
họ thể hiện trên bàn phím?
Theo quy định của pháp luật, những
cá nhân có hành vi công kích, nhạo báng, xúc phạm người khác trên mạng xã hội sẽ
bị xử phạt nghiêm khắc. Điều 34, Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực từ ngày
1-1-2017) về Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín quy định rõ: “1. Danh
dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ;
2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh
dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể
được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành
niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người
đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác; 3. Thông tin ảnh hưởng
xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện
thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện
thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ
thì phải được hủy bỏ; 4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng
xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu
Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng; 5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng
xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó
còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi
thường thiệt hại”. Theo Nghị định 174/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện đã
được Chính phủ ban hành ngày 13-11-2013 (có hiệu lực từ ngày 15-1-2014) thì những
hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến việc thông tin trên mạng in-tơ-nét gồm: Đưa
thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm
của cá nhân; Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin
sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Cụ thể,
hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm
uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ
20 triệu đồng đến 30 triệu đồng (điểm a, khoản 3, Điều 64); hành vi chủ động
cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của
cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu
đồng đến 50 triệu đồng (điểm a, khoản 4, Điều 65); hành vi cung cấp, trao đổi,
truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc,
vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người
khác sẽ bị xử phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (điểm g, khoản 3, Điều
66). Như vậy, hành vi thiếu trách nhiệm, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm
người khác khi tham gia mạng xã hội không chỉ đứng trước nguy cơ bị xử phạt
hành chính, bồi thường dân sự, mà còn có thể bị xử lý hình sự về các tội: vu khống,
tội làm nhục người khác. Vì thế, ý thức của những người sử dụng mạng xã hội cần
được đặt lên hàng đầu, thay vì vô tình biến mình thành những người thiếu trách
nhiệm, cực đoan,... mỗi cá nhân hãy suy nghĩ, hành động hướng tới những điều có
ích cho cộng đồng, điều đó sẽ góp phần giúp cho xã hội phát triển ổn định, lành
mạnh.
Theo Khánh Minh (Báo Nhân Dân điện tử)