Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm đến thanh niên, học sinh, sinh viên. Trong Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1946, Người viết: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội". Bác đánh giá cao vai trò của thanh niên, học sinh, sinh viên với tư cách là một lực lượng hăng hái trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: "Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên" và "Thanh niên ta rất hăng hái. Ta biết hợp lòng hăng hái đó lại và dìu dắt đúng đắn thì thanh niên sẽ thành một lực lượng rất mạnh mẽ".
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Trong thư gửi cho học sinh nhân ngày khai trường mùa thu năm 1945, Bác Hồ đã dạy: "Từ giờ phút này trở đi, các cháu được hưởng một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam ... Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu".
Trong những ngày đêm ác liệt, bộn bề công việc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nhưng khi được tin học sinh Vũ Chí Thành, đội viên đội cảm tử quân, hy sinh ở Hà Nội ngày 20/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh liền viết thư chia buồn với bác sĩ Vũ Đình Tụng, cha của liệt sĩ với những lời cảm động và đầy khích lệ: "Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi: vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn sống mãi với non sông Việt Nam...".
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, vừa mới trở về thủ đô Hà Nội, tuy bận trăm công nghìn việc, Bác Hồ vẫn theo dõi các hoạt động của tuổi trẻ và phong trào học sinh, sinh viên. Ngày 18/12/1954, Bác đã đến thăm các thầy, cô giáo và học sinh các trường Nguyễn Trãi, Trưng Vương, Chu Văn An. Bác dạy: "Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Dân tộc bị nô lệ thì thanh niên cũng bị nô lệ. Dân tộc được giải phóng thì thanh niên mới được tự do. Vì vậy, thanh niên phải hăng hái tham gia cuộc đấu tranh của dân tộc... Ngày nay ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò người chủ thì phải học tập".
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đoàn được triệu tập từ 25/10/1956 đến 04/11/1956 tại Hà Nội, Bác Hồ đã đến dự. Tại Đại hội, Người ân cần căn dặn đoàn viên, học sinh, sinh viên là: "Muốn đoàn kết củng cố và phát triển thì tất cả đoàn viên phải làm gương mẫu:
- Phải giữ vững đạo đức cách mạng: phải khiêm tốn, cần cù hăng hái, dũng cảm. Phải tránh tư tưởng kiêu ngạo, công thần, tự tư, tự lợi.
- Phải xung phong trong mọi công tác; xung phong là phải đi trước, làm trước để lôi cuốn quần chúng, chứ không phải là xa rời quần chúng.
- Phải cố gắng học tập chính trị, văn hoá, nghề nghiệp để tiến bộ mãi, để sẵn sàng trở thành cán bộ tốt, đảng viên tốt.
- Phải rèn luyện thân thể cho khoẻ mạnh, khoẻ mạnh thì mới đủ sức để tham gia một cách dẻo dai, bền bỉ những công việc ích nước, dân".
Sự quan tâm chăm sóc và những lời dạy bảo ân cần, sâu sắc của Bác Hồ kính yêu đã làm các đại biểu hết sức xúc động và thấm thía. Đại hội đã hứa với Bác sẽ ra sức thực hiện tốt những lời Bác dạy, quyết phấn đấu không mệt mỏi cho lý tưởng độc lập, tự do, thống nhất nước nhà và xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Bác đã chỉ cho thanh niên, học sinh, sinh viên nước ta.
Bước sang năm 1960, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III được tổ chức từ ngày 23 đến 25/03/1961 tại Hà Nội. Đại hội đã vinh dự được đón Bác Hồ và đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm và nói chuyện. Người ân cần chỉ ra cho toàn thể cán bộ, đoàn viên và thanh niên phương hướng tu dưỡng rèn luyện về mọi mặt công tác của Đoàn: Thanh niên "cần phải làm đầu tàu, làm gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước. Phải thực hiện khẩu hiệu: "Đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó có thanh niên làm". Bác dạy: "Thanh niên phải cố gắng học... Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có học thức. Cần phải học văn hoá, chính trị, kỹ thuật. Cần phải học lý luận Mác- Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày... Học đi đôi với hành". Những lời dạy bảo quý báu của Bác Hồ tại Đại hội thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bác đối với vấn đề đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hậu bị cho Đảng.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thanh niên, học sinh, sinh viên miền Bắc thực hiện phong trào "Ba sẵn sàng". Bác Hồ luôn theo dõi sự phát triển của phong trào "Ba sẵn sàng", Người kêu gọi thanh niên, học sinh, sinh viên: "Các cháu thanh niên, gái cũng như trai, hãy thực hiện tốt "Ba sẵn sàng", xung phong dâng tất cả tinh thần và lực lượng của tuổi trẻ cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, cho Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội". Khi tuổi trẻ lập được chiến công, Bác khen ngợi: "Bác rất vui lòng khen ngợi các cháu thanh niên trong cả nước... các cháu là thế hệ anh hùng trong thời đại anh hùng. Bác mong các cháu đều xứng đáng là những anh hùng trong sự nghiệp cách mạng tiêu diệt chủ nghĩa đế quốc và xây dựng xã hội mới". Tại lễ kỷ niệm lần thứ 35 ngày thành lập Đoàn (26/03/1966), Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước (Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng)... đã đến với tuổi trẻ. Bác Hồ dạy: "Với một thế hệ thanh niên hăng hái và kiên cường chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Vì vậy, Bác rất tự hào, sung sướng và thấy mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang". Tuân theo lời Bác dạy, nhân ngày truyền thống vẻ vang của Đoàn, Ban Chấp hành trung ương Đoàn đã ra lời kêu gọi đoàn viên, thanh niên phát huy khí thế "Ba sẵn sàng", hăng hái tiến lên hàng đầu trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, quyết tâm đem lá cờ trăm trận trăm thắng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại đi tới đích thắng lợi cuối cùng.
Năm 1969, dù sức khoẻ đã yếu, Bác Hồ vẫn thường xuyên theo dõi tin tức hoạt động học tập và lao động tại các nhà trường. Người rất vui khi biết học sinh Việt Nam trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt vẫn cố gắng học tập và lao động sản xuất. Chiều 19/05/1969, sau khi các thầy thuốc kiểm tra xong sức khoẻ, Bác ngồi viết thư khen các cháu học sinh thôn Phú Mẫn, Yên Phương, Bắc Ninh. Bức thư có đoạn: "Bác rất vui lòng biết các cháu vừa học tập tốt vừa tham gia sản xuất tốt... các cháu là những người chủ tương lai của nước nhà. Bác mong các cháu luôn luôn cố gắng hơn nữa. Bác cũng mong các cháu thiếu niên ở những địa phương khác làm theo các bạn nhỏ ở hợp tác xã măng non Phú Mẫn".
Ngày Quốc khánh 02/09 mùa Thu năm 1969 cũng là ngày toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và thanh niên, học sinh, sinh viên cả nước ta chịu một tổn thất lớn lao, không thể bù đắp: Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam đã qua đời. Vĩnh biệt chúng ta, Bác Hồ đã để lại cho thanh niên, học sinh, sinh viên Việt Nam "muôn vàn tình thân yêu". Người đánh giá: "đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ" và căn dặn: "Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết".
Trải qua gần 80 năm đấu tranh oanh liệt, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên và đoàn viên, thanh niên Việt Nam luôn được sự lãnh đạo chăm sóc trực tiếp của Đảng và Bác Hồ. Đánh giá đúng đắn khả năng cách mạng to lớn của thanh niên, học sinh, sinh viên, Đảng ta và Bác Hồ kính yêu đặc biệt quan tâm tổ chức, bồi dưỡng đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên thành đội quân xung kích của cách mạng, lực lượng hậu bị của Đảng nhằm kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp của giai cấp và dân tộc. Từ "Bức thư tâm huyết" gửi thanh niên Việt Nam hồi đầu thế kỷ đến lời "Di chúc" cuối cùng, Bác Hồ luôn giành cho học sinh, sinh viên Việt Nam tình cảm thương yêu trìu mến và sự chăm sóc ân cần lớn lao.Tình cảm của Bác Hồ đối với thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên nước ta như cha đối với con, Bác đối với cháu. Công ơn của Người và của Đảng đối với học sinh, sinh viên nước ta như trời cao biển rộng. Tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người mãi mãi khắc sâu trong muôn triệu trái tim của các thế hệ học sinh, sinh viên nguyện chiến đấu và chiến thắng dưới ngọn cờ vẻ vang của Người.
Nguyễn Quang Tuấn