Ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11 tháng 6 hàng năm là Ngày Truyền thống thi đua yêu nước. Đây là dịp để đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, gắn với việc triển khai sâu rộng và có hiệu quả cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với công tác tổ chức, vận động và hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới phong trào thi đua. Theo sáng kiến của Người, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra chỉ thị phát động phong trào thi đua yêu nước. Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh thành lập Ban vận động thi đua ái quốc từ Trung ương đến địa phương. Ngày 11/6/1948, Bác Hồ kính yêu đã ra lời kêu gọi thi đua ái quốc và luôn luôn nhắc nhở các cấp, các ngành coi trọng phong trào thi đua, kêu gọi người người thi đua, nhà nhà thi đua nhằm diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm, thực hiện dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta trong 60 năm qua đã trở thành cao trào cách mạng của quần chúng. Mỗi một thời kỳ cách mạng, chúng ta đều phát động những phong trào thi đua yêu nước, được nhân dân hưởng ứng, mang lại những hiệu quả to lớn, để lại những dấu ấn sâu đậm, làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng của dân tộc ta. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược có các phong trào: "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm", "Bình dân học vụ"; "Hũ gạo kháng chiến"… Thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược có các phong trào thi đua lớn như "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt"; " Sóng Duyên hải" trong sản xuất công nghiệp; "Gió Đại phong" trong sản xuất nông nghiệp; "Cờ Ba nhất" trong quân đội; "Trống Bắc Lý" trong giáo dục; "Thanh niên Ba sẵn sàng"; "Phụ nữ Ba đảm đang"… Thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội từ năm 1975 đến nay có rất nhiều phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực và của các cấp, các ngành. Tiêu biểu là các phong trào: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư"; "Ngày vì người nghèo" của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phong trào "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi"; "Xây dựng nông thôn mới" của Hội Nông dân Việt Nam. Phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo"; "Nuôi con khoẻ, dạy con ngoan" của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Phong trào "Tuổi trẻ sáng tạo"; "Thanh niên lập nghiệp"; "Tuổi trẻ giữ nước"… của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Phong trào "Giữ gìn và phát huy bản chất anh Bộ đội Cụ Hồ" của Hội Cựu Chiến binh Việt Nam. Phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; "Liên kết phục vụ nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới" của ngành công nghiệp. Phong trào "Thi đua đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp"; "Chuyển giao khoa học kỹ thuật đến với nông dân"; "Chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng" của ngành nông nghiệp. Phong trào "Học tập theo sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân'; "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ"; "Vì an ninh Tổ quốc" của ngành Công an. Phong trào "Huấn luyện giỏi, đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao"; " Phát huy truyền thống, tiếp bước cha anh, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ"; "Giành ba đỉnh cao chiến thắng"; "Trung với nước, hiếu với dân…" của ngành quân đội. Phong trào "Uống nước nhớ nguồn"; "Đền ơn đáp nghĩa" của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội. Phong trào "Thi đua dạy tốt, học tốt"; "Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm" của ngành Giáo dục và Đào tạo…
Có thể nói, phong trào thi đua yêu nước đã góp phần quan trọng trong công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là động lực thúc đẩy, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của từng bộ, ngành, địa phương trong từng thời kỳ. Phong trào thi đua yêu nước đã phát triển cả về bề rộng và bề sâu trong từng lĩnh vực đời sống xã hội. Truyền thống thi đua yêu nước của nhân dân ngày càng được giữ gìn và phát huy. Phong trào thi đua đã trở thành phong trào của quần chúng, được các cấp, các ngành tham gia tích cực; là một trong những biện pháp vận động quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, phong trào thi đua phát triển chưa đều, chưa thường xuyên, chưa liên tục. Công tác tổ chức phát động phong trào thi đua có lúc, có nơi còn lúng túng, chưa xác định rõ mục tiêu, nội dung thi đua, chưa kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời. Một số nơi việc tổ chức phát động phong trào thi đua còn hình thức. Nội dung tổ chức phong trào thi đua ít cải tiến, chậm đổi mới. Phong trào thi đua có thời gian thiếu sự quan tâm chỉ đạo, đôn đốc thực hiện của các cấp, các ngành, dẫn đến việc buông lỏng quản lý và phong trào thi đua đã có thời kỳ lắng xuống (thời kỳ từ 1975 đến 1986).
Trong những năm tới, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội là hết nặng nề, đòi hỏi mọi lĩnh vực hoạt động đều phải có nỗ lực vượt bậc để góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung. Để phong trào thi đua yêu nước tiếp tục phát huy hiệu quả, theo chúng tôi cần thực hiện tốt các giải pháp sau. Trước hết, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 3/6/1998 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến; Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thực hiện; Chỉ thị số 17/2006/CT-TTg ngày 8/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2006-2010) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng; Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 4/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 11/6 hàng năm là Ngày Truyền thống thi đua yêu nước…
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cán bộ lãnh đạo về vai trò, tác dụng của phong trào thi đua ái quốc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cơ quan thông tin, tuyên truyền thường xuyên đưa tin, bài và các hình thức tuyên truyền khắc nhằm động viên, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần đẩy lùi tiêu cực, tệ nạn xã hội.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, vận dụng sáng tạo và có hiệu quả tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng về thi đua yêu nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Việc đổi đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp thi đua phải xuất phát từ thực tế công việc hàng ngày của mỗi địa phương, đơn vị, mỗi ngành và của mặt trận, đoàn thể các cấp. Cần đổi mới công tác theo dõi, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua để không ngừng nâng cao tác dụng của phong trào. Theo dõi sát sao phong trào thi đua để kịp thời uốn nắn những sai sót về phương cách tiến hành, đồng thời tăng cường phát hiện và nuôi dưỡng được những điển hình, những nhân tố mới của phong trào. Việc sơ kết, tổng kết cần phải được tiến hành nghiêm túc mới đánh giá được thực chất, tác dụng của phong trào, nếu không chúng ta sẽ rơi vào tình trạng làm chiếu lệ, làm để hoàn thành một công việc, mà không phổ biến, nhân rộng được cách làm hay, những suy nghĩ táo bạo, có tính đột phá.
Cuối cùng, cần tăng cường củng cố bộ máy tổ chức và cán bộ làm công tác thi đua ở các cấp, các ngành đảm bảo đủ năng lực, trình độ chuyên môn tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng bộ, ngành, địa phương.
NGUYỄN QUANG TUẤN