Thang điểm 4 trong đánh giá kết quả học tập của sinh viên
PGS.TS. Phạm Minh Hùng
Trường Đại học Vinh
Trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ ( HTTC), người ta áp dụng các thang điểm đánh giá kết quả học tập (gồm thang điểm 10, thang điểm chữ A, B, C, D, F và thang điểm 4). Đây là hệ thống thang điểm rất khoa học, được các trường đại học hàng đầu trên thế giới áp dụng và đây cũng là tiêu chí để đánh giá quá trình đào tạo theo HTTC có triệt để hay không.
Trong học chế tín chỉ, thang điểm đánh giá được chia thành điểm không đạt và điểm đạt.
+) Điểm không đạt
- 0 - 3,9 thang điểm 10 tương đương điểm F= 0 thang điểm 4.
+) Điểm đạt
- 4,0 -5,4 thang điểm 10 tương đương điểm D =1 thang điểm 4.
- 5,5 -6,9 thang điểm 10 tương đương điểm C= 2 thang điểm 4.
- 7,0 -8,4 thang điểm 10 tương đương điểm B =3 thang điểm 4.
- 8,5 - 10 thang điểm 10 tương đương điểm A= 4 thang điểm 4.
1. Lợi ích của thang điểm 4 đối với SV
Có thể nói thang điểm 4 là thang điểm rất có lợi cho SV. Điều này thể hiện ở những điểm sau đây:
- SV chỉ cần đạt điểm học phần 8,5 (thang điểm 10) thì khi quy đổi sang thang điểm 4 sẽ là điểm A= 4 (điểm cao nhất của thang điểm 4).
- SV đạt điểm học phần từ 4,0-4,9 (thang điểm 10) là điểm không đạt đối với học chế niên chế nhưng trong học chế tín chỉ, khi quy đổi sang thang điểm 4 là điểm D=1 lại là điểm đạt. SV có thể không cần học lại học phần này hoặc học lại để cải thiện điểm đều được.
- Trong đào tạo theo niên chế - học phần, SV muốn có kết quả học tập xếp loại Khá thì phải đạt điểm trung bình chung của tất cả các học phần tối thiểu là 7,0, trong khi đào tạo theo HTTC chỉ cần một nửa số tín chỉ tích lũy có điểm học phần 7,0 và nửa số còn lại có điểm học phần 5,5 là được.
2. Thang điểm 4 là thang điểm đánh giá quá trình
Đánh giá học phần trong đào tạo theo HTTC là đánh giá quá trình với điểm thi học phần, có thể chỉ chiếm tỷ trọng 50% tỷ trọng điểm học phần. Điều này làm cho SV phải học tập, kiểm tra, thực hành, thí nghiệm trong suốt học kỳ chứ không phải trông chờ vào kết quả của một kỳ thi đầy may rủi, nhưng có nhiều cơ hội không học mà có thể đạt. Vì thế, điểm học phần không đạt phải học lại để đánh giá tất cả điểm bộ phận và thi lại, chứ không thể đơn thuần tổ chức thi kết thúc học phần thêm lần 2.
3. Thang điểm 4 là thang điểm đánh giá sạch
Việc chuyển từ thang điểm 10 sang thang điểm chữ (A,B,C,D,F) nhằm phân loại kết quả kiểm học, phân thành các mức độ đánh giá và quy định thế nào là điểm đạt và không đạt. Thang điểm chữ này mang tính chất thang điểm trung gian. Tiếp theo, lại chuyển từ thang điểm chữ sang thang điểm 4, ta lưu ý điểm F. Điểm F trong thang điểm 10 có giá trị từ 0 đến 3,9 nhưng với thang điểm 4 thì chỉ có giá trị 0. Nhưng giá trị 0 này vẫn tham gia vào tính điểm trung bình chung học kỳ. Đây chính là bản chất đào tạo sạch của HTTC ( nó không chấp nhận bất cứ một kết quả nào dưới 4 của thang điểm 10).
4. Việc áp dụng thang điểm 4 trong đánh giá kết quả học tập của sinh viên
Để việc áp dụng thang điểm 4 trong đánh giá kết quả học tập của SV, theo chúng tôi cần thực hiện tốt một số điểm sau đây:
- Phải làm cho SV hiểu rõ về thang điểm trong đào tạo theo HTTC đó là thang điểm chữ để đánh giá điểm học phần và thang điểm 4 để tính điểm trung bình chung học kỳ và điểm trung bình chung tích lũy.
- Thường xuyên cảnh báo đối với số SV trong quá trình học tập có nhiều học phần điểm D (4,0 -5,4) nếu không có các học phần cao điểm hơn (điểm B, điểm A) bù lại thì SV đó dù tích lũy đủ các học phần của chương trình đào tạo, thậm chí không phải thi lại nhưng vẫn không đủ điều kiện về điểm trung bình chung tích lũy để được công nhận tốt nghiệp (tối thiểu từ 2 điểm).
- Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho SV có cơ hội học cải thiện điểm và học lại những học phần chưa đạt. Việc học lại để cải thiện điểm không nên chỉ giới hạn ở những học phần điểm D mà có thể mở rộng hơn. Vì thế, các lớp học phần cần phải được mở ra một cách liên tục, không giới hạn chỉ ở đầu các học kỳ. Khi nào có SV đăng ký học và đủ số lượng quy định là có thể mở lớp.
Sử dụng thang điểm chữ nhiều mức trong đánh giá kết quả học tập của sinh viên
Thang điểm chữ nhiều mức là thang điểm mà ở một số điểm chữ được chia thành các mức: B+ và B; C+ và C; D+ và D
+) A = 4,0 ( từ 8,5 đến 10)
+) B+ = 3,5 ( từ 8,0 đến 8,4)
+) B = 3.0 ( từ 7,0 đến 7,9)
+) C+ = 2,5 ( từ 6,5 đến 6,9)
+) C = 2,0 ( từ 5,5 đến 6,4)
+) D+ = 1,5 ( từ 5,0 đến 5,4)
+) D = 1,0 ( từ 4,0 đến 4,9)
+) F = 0 ( dưới 4,0)
Cách quy ra hệ điểm chữ A, B+, B, C+, C, D+, D và F của một số trường đại học ở nước ta hiện nay rất hợp lý, vì cách quy đổi này hạn chế tối đa khoảng cách quá lớn giữa 2 mức điểm. Còn nếu như áp dụng thang điểm theo Quy chế 43 thì chưa phản ánh đúng lực học của SV.
Ví dụ, theo thang điểm chữ chưa được chia ra các mức thì 2 SV, một được 7,0/10 và một được 8,4/10 đều xếp cùng hạng B, mặc dù lực học của hai SV này rất khác nhau.
Với thang điểm chữ nhiều mức, SV được hưởng lợi nhiều hơn. Bên cạnh việc phân loại khách quan lực học của SV, thang điểm này còn cứu được nhiều SV khỏi nguy cơ bị buộc thôi học hoặc không được công nhận tốt nghiệp.
Ví dụ, một SV trong quá trình học tập, có 50% số học phần đạt điểm D và 50% số học phần đạt điểm C. Theo thang điểm chữ chưa được chia ra các mức, SV này không đủ điều kiện tốt nghiệp, vì điểm trung bình chung tích lũy của toàn khóa học mới chỉ 1,5. Nhưng áp dụng thang điểm chữ chia ra nhiều mức, với 50% số học phần đạt điểm D+ và 50% số học phần đạt điểm C+, SV đủ điều kiện tốt nghiệp, vì điểm trung bình chung tích lũy của toàn khóa học là 2,0.