Một xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đòi
hỏi ở mỗi con người, dù là người lao động hay người quản lý phải có tư duy khoa
học, tác phong công nghiệp, dám nghĩ, dám làm, luôn tìm tòi sáng tạo, tầm nhìn
rộng lớn, vượt qua những định kiến xã hội hẹp hòi để học tập những kinh nghiệm
sáng kiến và thành tựu của người khác, của các quốc gia khác.
1. Đất nước đang tiến
nhanh vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đó là
quy luật tất yếu của thời đại.
Bước vào công nghiệp hóa,
hiện đại hóa, hội nhập quốc tế là bước vào một thời kỳ mà khoa học kỹ thuật,
công nghệ, thâm nhập sâu sắc mọi lĩnh vực đời sống xã hội, từ sản xuất vật chất
đến lĩnh vực sản xuất tinh thần, từ sinh hoạt cá nhân đến giao tiếp xã hội, từ
lao động, học tập đến nghỉ ngơi, giải trí... Tầm nhìn, cách suy nghĩ của mỗi
con người không còn bị giới hạn trong địa phương mình, trong quốc gia mình, mà
thường xuyên được tiếp cận với những nhân tố mới ở mỗi quốc gia, châu lục.
Những điều đó chắc chắn sẽ dẫn đến sự “thanh lọc”, thậm chí có thể là một sự
“thay da đổi thịt” trong đời sống của mỗi cá nhân, đặc biệt ở thế hệ trẻ -
những người nhanh nhạy với cái mới, đồng thời cũng là những người chưa có nhiều
trải nghiệm về các truyền thống của dân tộc. Thời cơ, thách thức đối với các
quốc gia, đặc biệt những nước chưa có sự phát triển công nghiệp và chưa có điều
kiện hội nhập sâu sắc với thế giới bên ngoài là ở đây. Sự phát triển như vũ bão
của công nghệ hiện đại, mà tiêu biểu là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay
đổi cảm quan của con người về không gian, thời gian, về cái hữu hạn và vô hạn.
Cái chân lý “tri thức là sức mạnh” không còn chỉ có ý nghĩa trên sách vở, trừu
tượng, mà đã trở thành một thực thể sống động giúp con người tồn tại. Tri thức
không chỉ là sức mạnh, mà còn là điều kiện để tồn tại, để phát triển. Đó là
nhân tố mới, là yêu cầu mới mà thời đại đang đặt ra.
Trước đây, con người có
thể sống chỉ bằng kinh nghiệm của những người đi trước. Ngày nay, tình hình đã
thay đổi. Con người phải thường xuyên đối diện với những cái mới, những cái chưa
từng có. Tư duy theo chủ nghĩa kinh nghiệm vốn là sản phẩm của nền văn minh
nông nghiệp đang dần dần bị thay thế bởi tư duy khoa học. Với sự xuất hiện và
phổ biến của tư duy khoa học, cuộc sống của mỗi con người và của toàn xã hội sẽ
trở nên năng động, tích cực. Mỗi con người và cả xã hội sẽ hình thành khả năng
soát xét lại toàn bộ hành trang của mình: cái gì đã có, cái gì chưa có, cái gì
cần mang theo, cái gì cần loại bỏ, cái gì cần bổ sung. Toàn xã hội cũng như
từng cá nhân sẽ hình thành thước đo mới: cái gì hợp lý thì tồn tại, cái gì
không hợp lý thì không tồn tại. Tinh thần duy lý được sự hỗ trợ bởi tầm nhìn
rộng lớn ra thế giới, càng kích thích sự tìm tòi, sáng tạo, khắc phục sự trì
trệ, bảo thủ trong tư duy con người truyền thống của dân tộc.
Những biến động gần đây
trong xã hội đã báo hiệu sự xuất hiện những nhân tố mới trong đời sống, từ sản
xuất vật chất, sản xuất tinh thần, quản lý xã hội v.v.. Khi người đứng đầu
Chính phủ tuyên bố xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính, thì tinh thần
cơ bản của khẩu hiệu đó đòi hỏi các thành viên chính phủ, từ người ở cương vị
cao nhất, là phải vào cuộc, phải hành động như những người lao động bình
thường, phải trong sáng trong lối sống, phải tiết kiệm từng đồng tiền thuế của
nhân dân. Có nghĩa là các thành viên Chính phủ không còn là những người chỉ
biết vạch ra kế hoạch để người khác thực hiện.
Về phía người dân cũng
vậy. Nếu trước đây trong nền văn minh nông nghiệp, các hoạt động kinh tế còn
rất giản đơn, số ngành nghề còn rất hạn chế. Ngoài trồng trọt và chăn nuôi là
chủ yếu, các ngành nghề thủ công cũng phần lớn là các nghề truyền thống nhằm tự
cung tự cấp. Tình hình đó không đòi hỏi và cũng không tạo điều kiện để người
lao động tìm tòi, sáng tạo trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tất cả chỉ
làm theo kế hoạch phân bổ của Nhà nước. Việc hình thành nền kinh tế tập trung
trước đây, dù là tất yếu trong thời kỳ cả nước có chiến tranh, nhưng nó đã để
lại hậu quả khá nặng nề trong tư duy, tâm lý, lối sống của người dân. Cho đến
nay, sau hơn 30 năm đổi mới, bước vào kinh tế thị trường, nhưng tâm lý ỷ lại,
bảo thủ, bình quân vẫn còn tồn tại trong đại bộ phận người dân, kể cả trong cán
bộ, đảng viên.
Việc khởi xướng phong
trào khởi nghiệp tuy có chậm so với nhiều nước, kể cả một số nước trong
khu vực, nhưng bước đầu đã làm thay đổi tư duy, lối sống, phong cách ở một số
người, nhất là các bạn trẻ, trên một số lĩnh vực. Nếu trước đây hầu hết các bạn
trẻ sau tốt nghiệp phổ thông đều muốn vào đại học, chỉ với mục đích sau khi học
xong sẽ được vào biên chế nhà nước, và có đồng lương hàng tháng (dù còn thấp).
Ngày nay đã xuất hiện ngày càng nhiều các bạn trẻ không đi theo quỹ đạo đó.
Thậm chí có người xin ra khỏi biên chế để về quê mua đất làm nghề trồng hoa
hoặc chăn nuôi, theo hướng kinh doanh. Để làm điều đó, họ sẵn sàng bỏ tiền đi
tham quan và học tập kinh nghiệm ở cả trong hoặc ngoài nước, thuê chuyên gia về
hướng dẫn… để tạo thương hiệu. Kết quả việc làm của họ không chỉ làm giàu cho
bản thân, gia đình, mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người khác. Một
số người trong đó đã được xã hội tôn vinh vì biết làm giàu cho gia đình và cho
xã hội. Cứ như thế, cái tâm lý “ghét giàu có” từ xa xưa đã dần dần bị loại bỏ.
Những tấm gương khởi nghiệp thành công đã xuất hiện ở mọi miền đất nước đang
mang lại cho xã hội những niềm tin mới: tin vào ý chí dám nghĩ, dám làm; tin
vào sức mạnh của khoa học, công nghệ, tin vào tác phong làm việc khoa học, tuân
thủ nghiêm các thao tác công nghệ... Những niềm tin đó, nếu được phát huy, sẽ
đẩy lùi tác phong lề mề, luộm thuộm, tùy tiện mà phương thức canh tác quá khứ
đã tạo ra.
2. Cho đến nay, sau mấy
thập kỷ tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, người dân
Việt Nam chúng ta mới có dịp đặt ra những câu hỏi: tại sao năng suất lao động
chúng ta thấp xa hàng chục lần so với các nước tiên tiến? Vì sao nông sản của
chúng ta rất phong phú, đa dạng, mà giá bán lại thấp trên thị trường thế giới?
Vì sao đất nước ta đẹp, nhiều danh thắng, nhiều di sản văn hóa mang tầm quốc
tế, mà lượng khách du lịch đến Việt Nam còn thấp? Những câu hỏi đó và nhiều câu
hỏi khác đang khiến những người lãnh đạo và quản lý quốc gia, nhiều chuyên gia,
khoa học và cả người dân đều trăn trở. Ở đây có vấn đề cơ chế, nhưng không phải
chỉ là cơ chế, vì ai tạo ra cơ chế, chính là con người. Ở đây có vấn đề chất
lượng sản phẩm, nhưng sản phẩm là do con người làm ra. Như vậy, trọng tâm vẫn là
vấn đề con người, phẩm chất của con người, cả người quản lý và người lao động.
Trả lời đúng câu hỏi trên cũng là cách chỉ ra cái chúng ta còn thiếu, và cả
những cái chúng ta còn yếu so với các nước, về phương diện đào tạo nguồn nhân
lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thực tiễn mấy chục năm
qua đã giúp chúng ta nhận ra những thiếu sót mà con người Việt Nam truyền thống
chưa có để bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nền văn minh nông nghiệp lúa nước và cơ chế tập trung quan liêu bao cấp trước
đây đã để lại nhiều khuyết tật trong nếp nghĩ, tác phong, thậm chí cả tập quán
của người Việt. Những điều đó đang là trở ngại lớn để bước vào thời kỳ lịch sử
mới, đặc biệt khi đón nhận cuộc cách mạng khoa học 4.0, khi chúng ta ngày càng
gia nhập sâu hơn, nhiều hơn các hiệp định thương mại quốc tế.
Bước vào một cuộc chơi
mới mang tính liên kết toàn cầu, mỗi quốc gia dân tộc đều phải tuân thủ những
luật chơi chung. Vi phạm luật chơi đó thì tổn hại cho quốc gia, cho mỗi người
dân, là điều không tránh khỏi. Những sản phẩm lao động của người nông dân,
người công nhân, và của các nhà khoa học Việt Nam muốn có chỗ đứng trên thị
trường thế giới đều phải kinh qua việc kiểm tra chất lượng khá nghiêm ngặt.
Việc kiểm tra đó chắc chắn phải được tiến hành từ trong nội địa, trong các địa
phương trước khi được kiểm tra chặt chẽ ở các quốc gia mà hàng hóa của Việt Nam
nhập vào. Đó là cơ chế của thời kỳ lịch sử mới, khi khoa học công nghệ không
những đã thâm nhập mọi lĩnh vực của đời sống, mà còn trở thành lực lượng sản
xuất hùng mạnh, và khi đời sống của các quốc gia dân tộc đã liên kết chặt chẽ
với nhau thành một khối.
Như vậy, một xã hội công
nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi ở mỗi con người, dù là
người lao động hay người quản lý phải có tư duy khoa học, tác phong công
nghiệp, dám nghĩ, dám làm, luôn tìm tòi sáng tạo, tầm nhìn rộng lớn, vượt qua
những định kiến xã hội hẹp hòi để học tập những kinh nghiệm sáng kiến và thành
tựu của người khác, của các quốc gia khác.
3. Đối diện với những đòi
hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, chúng ta
dễ chỉ ra những khuyết tật, thiếu sót của con người truyền thống. Nhưng
đừng quên rằng, qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã phải
gồng mình vượt qua bao thử thách nghiệt ngã để tồn tại và xây dựng được một
quốc gia độc lập, có nền văn hiến lâu đời, sáng danh với các tên gọi Văn Lang,
Đại Việt trước đây và trong các cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lăng ở thời
đại Hồ Chí Minh. Cũng cần thấy thêm rằng về mặt kinh tế và kỹ thuật, công nghệ,
thế giới đã trở thành một ngôi làng toàn cầu, nhưng về mặt văn hóa, xã hội và
chính trị thì không như vậy. Các khoảng cách giữa các quốc gia không còn là vật
chất, mà là văn hóa. Càng đồng dạng về vật chất, về ăn mặc, tiêu dùng, con
người càng khao khát tìm về cái bản sắc dân tộc riêng của mình. Người ta nói và
nói rất đúng rằng các ngành công nghiệp văn hóa sẽ ngày càng phát triển, nhưng
sẽ không bao giờ có một nền văn hóa thế giới. Văn hóa bao giờ cũng gắn với dân
tộc, với những giá trị và truyền thống mà các dân tộc đã sáng tạo ra trong suốt
chiều dài lịch sử của sự tồn tại và phát triển của mình. Bản sắc dân tộc bắt
nguồn từ đó. Nhà tư tưởng lớn của Trung Quốc thế kỷ XIX là Lương Khải Siêu gọi
nó là “quốc tính”. Ông viết: “Khi quốc tính suy vong thì “kỷ cương pháp luật”,
thậm chí cả những thành tựu lịch sử để lại đều bị người trong nước hoài nghi
khinh miệt, sỉ nhục, thậm chí hắt hủi, ruồng bỏ... Tín ước chung đánh mất, hành
vi của cá nhân với cá nhân, hành vi của cá nhân với xã hội, tất cả đều không
còn chuẩn mực nữa, tuy muốn dùng sức mạnh thiết lập chuẩn mực, nhưng sức mạnh
của xã hội không còn, dẫn đến nền tảng sinh hoạt cộng đồng ngày một suy yếu rồi
tan rã”. Lời cảnh báo đó của Lương Khải Siêu xem ra đã được chứng thực trong
đời sống một số quốc gia dân tộc hiện nay.
Bảo tồn, phát huy các giá
trị văn hóa truyền thống của dân tộc không có nghĩa khôi phục nguyên xi các
truyền thống đã có và dị ứng với các giá trị văn hóa của nhân loại. Chủ tịch Hồ
Chí Minh luôn nhắc nhở chúng ta điều này.
Trong các huấn thị về xây
dựng và phát triển văn hóa, con người, Bác Hồ chỉ ra rằng không phải cái gì cũ
cũng bỏ, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ, cái gì
cũ mà không xấu thì phải sửa lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát
triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm. Phép biện chứng giữa truyền thống
và hiện đại là ở đó. Chính với tư tưởng đó, Hồ Chí Minh luôn đề cao chủ nghĩa
yêu nước truyền thống, coi đó là báu vật của dân tộc, đề cao tính cộng đồng,
lối sống tình nghĩa của dân tộc. Chính những giá trị đó không những đã góp phần
tạo nên sức mạnh cố kết bền vững của dân tộc, mà còn tạo nên những chất liệu
cần thiết để hình thành những công trình văn hóa lưu danh muôn đời. Sắc thái
con người Việt Nam từ lâu được đặc trưng bởi những giá trị như vậy. Lịch sử
cũng chứng minh rằng, khi các giá trị ấy trở nên phổ biến trong xã hội, thì đó
là dấu hiệu của thời kỳ ổn định và phát triển của đất nước. Ngược lại, khi các
giá trị đó bị coi nhẹ, thì các quan hệ xã hội sẽ trở nên lỏng lẻo và suy yếu.
Công nghiệp hóa, hiện đại
hóa và hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại. Thông qua những thành
tựu về khoa học, công nghệ, toàn cầu hóa là sự mở rộng không gian của nền kinh
tế thị trường cho đến tận cùng thế giới. Nhưng cũng từ những thành tựu đó, qua
sự phát triển của công nghệ internet và các phương tiện thông tin truyền thông
hiện đại, toàn cầu hóa đã và đang ẩn chứa nguy cơ một cuộc xâm lăng về văn hóa
giữa các nước đã phát triển đối với các nước đang phát triển và chậm phát triển.
Trước tình hình đó, các quốc gia dân tộc không thể không tự đặt ra câu hỏi: Ta
là ai? Ta từ đâu tới, và ta sẽ đi về đâu? Trả lời những câu hỏi đó cũng là cách
tìm về và khẳng định những giá trị đích thực mà các thế hệ trước đây đã sáng
tạo ra. Nhờ các giá trị đó, chúng ta sinh ra, lớn lên và tồn tại đến hôm nay.
Những giá trị đó sẽ là nền tảng vững chắc để nuôi dưỡng, phát huy những hạt
giống mới mà sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đang
mang tới.
Tình hình đang diễn ra
hiện nay là, trong khi những phẩm chất cần thiết cho sự nghiệp xây dựng con
người Việt Nam ở thời kỳ lịch sử mới chưa hình thành, thì dưới tác động từ mặt
trái của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, các giá
trị đích thực của con người Việt Nam truyền thống đang có nguy cơ bị giảm sút,
hoặc bị lãng quên, nhiều giá trị tiêu cực, lỗi thời, lạc hậu lại đang có nguy
cơ trỗi dậy. Đó là vấn đề không thể bỏ qua khi bàn về định hướng xây dựng con
người Việt Nam ở thời kỳ lịch sử mới./.
GS. Trần Văn Bính