PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Hải

Chúng tôi vào học ở Trường Đại học Sư phạm Vinh trong những năm tháng chiến tranh, ngay đến tên Trường cũng phải gọi là “Trường Văn hóa 12/9”. Thuở ấy các trường đại học đều mang một “mật hiệu” nào đó, để giữ bí mật, tránh máy bay Mỹ oanh tạc. Khoa Văn hồi ấy sơ tán ở xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, “tọa lạc” ngay bên bờ sông Bưởi. Nói “tọa lạc” cho oai vậy, chứ cả “giảng đường” và cư xá đều toàn cột luồng, vách nứa, mái tranh; bên ngoài còn đắp lũy để tránh bom bi.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về các thầy là buổi chiều đi lấy gạo ở Thạch Yến, bên kia sông Bưởi. Thạch Thành ở bên chân dãy Trường Sơn, nên đoạn sông này nước còn nông, có thể lội qua. Các thầy cùng đi với chúng tôi. Để khỏi ướt gạo, bọn tôi đều phải đội từng thúng gạo qua sông; đứa nào khỏe thì có thể chồng hai thúng lên để qua một lần cho tiện. Thầy Trần Duy Châu và thầy Nguyễn Khắc Phi vóc người cao nên hai tay “cử” đòn gánh lên cao, trông cứ như cử tạ, chỉ có khác, thay vì hai quả tạ là hai thúng gạo nặng trĩu dưới đôi quang. Cách này có vẻ “hoành tráng”, nhưng đến giữa dòng sông thì hai tay mỏi nhừ, run rẩy, vậy mà không dám đặt đòn gánh xuống vai vì sợ ướt gạo. May sao có mấy anh bạn lớp tôi vừa đội gạo qua sông, đặt vội thúng gạo lên bờ, lội ngay ra đỡ lấy 4 “quả tạ”. Lên bờ rồi, thầy Trần Duy Châu vừa thở vừa nói:

- Hêraclet vác bầu trời chắc cũng chỉ nặng đến thế.

Thầy Nguyễn Khắc Phi cũng cười:

- Không muốn học Nữ Oa đội đá vá trời... May mà các em ra đỡ kịp, không thì gạo ướt nhoẹt, bà Cần lại càm ràm không biết đến bao giờ mới tha.

Thầy trò đều cười vui vẻ.

Thầy Duy Châu dạo ấy là tổ trưởng tổ Văn học nước ngoài, đang dạy chúng tôi thần thoại Hy Lạp; còn thầy Nguyễn Khắc Phi dạy Văn học Trung Quốc. Thầy bảo bà Nữ Oa dùng biện pháp cải lương, chỉ vá trời chứ không tạo dựng bầu trời mới như “Nữ thần” trong thơ Quách Mạt Nhược.

Thầy Hoàng Tiến Tựu thì tủm tỉm cười (khi nào thầy cũng chỉ cười tủm tỉm):

- Các thần cao xa quá, tôi thì chỉ bắt chước “mấy cô đội gạo lên chùa”, thế mà chắc ăn, khỏi bị bà Cần la.

Chả là cô Cần làm quản lý kho lương thực thực phẩm của Khoa. Cô  rất hiền, nhưng hạt gạo hồi ấy quý lắm (mà hạt gạo thì bao giờ cũng quý), gạo mà  ướt thì cô ca cẩm cũng phải. May mà trò đã kịp tiếp sức cho thầy.

Thầy trò thời chiến tranh gần gũi thân tình thế đấy. Nhưng, như thế chúng tôi càng tôn kính các thầy. Chúng tôi gọi xóm các thầy ở là “thế giới các thần”. Đó cũng là cách chơi chữ nữa. Chả là phương ngữ Thanh Hóa, có nơi âm i và âm t cuối vần đọc thành n. Mỗi khi có đứa nào đi lên thôn Vân Phú, các bạn lại hỏi:

- Đi lên núi Ôlem đấy à?

Đến bây giờ mỗi khi xem chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”, tôi cứ nhớ những năm tháng sinh viên ở Thạch Thành và nghĩ: Đỉnh Olympia của các em bây giờ hào hoa quá, núi Ôlempơ của chúng tôi hồi ấy giản dị thân thiết lắm, các thần cũng đi đội gạo, vác nước như sinh viên. Nhưng bây giờ có lẽ các em chẳng thể tìm được nữa.

Chúng tôi kính mến các thầy cô như một điều đương nhiên, như cô chú của mình vậy. Thích nhất là những giờ lên lớp, tri thức cứ tuôn ra không ngừng, không nghỉ; chúng tôi cứ hình dung các thầy cô là kho kiến thức vô tận. Nể nhất là những cuốn sách dày cộp, tiếng Việt có, ngoại ngữ có, mỗi khi đứa nào may mắn được thầy cho mượn là các bạn lại trầm trồ xúm xít đòi mượn lại, chuyền tay nhau. Tôi nhỏ nhất lớp nên hay được các thầy cô ưu ái cho mượn sách; các bạn cũng chẳng ganh tỵ gì, chỉ đòi tôi đọc rồi kể lại, hoặc tóm tắt lại các luận điểm chính cho lớp, cho tổ. Tôi có thói quen tóm lược nội dung sách cũng là từ dạo ấy. Nhưng mà, làm sao có thể bằng lòng với tri thức tóm lược, nên rồi cũng phải chuyền tay nhau để đọc, thành thử mấy tuần sau trả lại cho thầy thì sách long bìa quăn góc; các thầy cũng chẳng trách móc gì. Thầy Trần Đình Sử thì nói:

- Sách được nhiều người đọc mới quý!

Dạo ấy chúng tôi ở với đồng bào dân tộc Mường. Các pố, các mế rất thương sinh viên, có củ sắn, bắp ngô cũng thường để dành cho. Đặc biệt, mía Thạch Thành ngọt có tiếng, lò mật trong thôn thơm lừng. Các mế thường cho chúng tôi ăn mía lùi, chúng tôi róc tiện tử tế đưa biếu các thầy.

Thầy Nguyễn Thiện Chí nói:

- Đúng là ngọt như mía lùi. Các em có biết “ngọt như mía lùi’ là gì không?

Ngô Tươi nhanh nhẩu:

- Là rất ngọt ạ.

Bùi Đào vặc lại:

- Thầy hỏi là gì cơ mà, chứ có hỏi nghĩa là gì đâu? Thưa thầy, là thành ngữ phải không ạ?

- Đúng đấy, là thành ngữ

....

Kể sao cho hết...

Chúng tôi còn ghi tạc trong lòng bao nhiêu kỷ niệm về những năm tháng học tập với các thầy ở bản Mường thương mến ấy.

Ngày Trường rời nơi sơ tán đóng bè theo dòng sông Bưởi về xuôi, bao lưu luyến gửi lại nơi núi rừng Lệ Cẩm.

“... Dẫu núi rừng quê em dần xa vời vợi...”

Đó là một câu trong bài hát “Luồng nứa theo anh” của thầy Nguyễn Khắc Phi. Thầy đã sáng tác nhiều, nhưng có lẽ đây là bài hát mà thầy tâm đắc, chả thế mà giai điệu bài hát cứ theo mãi chúng tôi trên mọi nẻo đường đời. Mỗi khi nhìn dòng sông trôi tôi thường nhớ lại bài ca ấy: “... Rừng núi nhờ em đi giúp thầy đấy, ngày mai mời ai về quê em nhé, ngày ấy làng quê bản mường hẳn thay đổi nhiều rồi...”

Nhớ lại lời ca mà thấy còn mắc nợ, bởi hơn 40 năm rồi chúng tôi chưa trở lại Thạch Thành.

Nếu nói mắc nợ thì mỗi người chúng ta đều còn mắc bao nhiều món nợ ân tình, mà nợ ân tình thì chẳng bao giờ trả xong.

Ra Trường rồi, chúng tôi mỗi người một ngả, những lúc gặp nhau bao nhiêu là chuyện, chuyện dạy học, chuyện đời tư... nhưng trong đủ loại chuyện ấy bao giờ cũng có chuyện nhắc lại những năm tháng học ở Trường Đại học Sư phạm Vinh, nhắc lại những câu chuyện, những giai thoại về các thầy.

Nhớ thầy Phan Kính vô tư, thầy Lê Kỳ chất phác, thầy Nguyễn Văn Giai hăng hái nhiệt tình, thầy Phùng Văn Tửu mẫu mực uyên bác, thầy Lê Bá Hán trang trọng đĩnh đạc, thầy Hoàng Ngọc Hiến thông thái... Nhớ thầy Trần Đình Sử thông tuệ, thầy Nguyễn Quang Hồng mẫn nhuệ tài hoa, cô Phan Diễm Phương duyên dáng, cô Phan Hồng Hạnh dịu dàng, cô Phan Quỳnh Nga trung hậu hồn nhiên, thầy Nguyễn Nguyên Trứ hùng biện, thầy Nguyễn Thiện Chí cẩn thận, thầy Hồ Kim Cương nghiêm túc, thầy Chương hiền hậu, thầy Lê Đăng Các chặt chẽ, thầy Đậu Văn Ngọ hiền lành, Thầy Ngô Xuân Anh rộng lượng, thầy Phan Văn Ban hóm hỉnh, thầy Từ Đức Trịnh hiền từ, thầy Lê Chín sắc sảo, thầy Hà Văn Hoan cần mẫn, thầy Tưởng Đăng Trữ xuề xòa mà tinh tế, thầy Lê Kinh Khiên đôn hậu, thầy Trần Văn Hối điềm đạm, thầy Nguyễn Duy Bình sôi nổi, thầy Nguyễn Cảnh Phức hay chơi chữ, thầy Hoàng Nghĩa Quán sâu sắc, Thầy Trần Hữu Duy uyên thâm, thầy Trần Duy Châu hùng hồn, có cốt cách võ tướng, thầy Nguyễn Như Hãn tâm lý, thầy Trần Lê Xuân chu toàn, thầy Phạm Thanh Bình trầm tĩnh, thầy Nguyễn Trung Hiếu độc đáo đến mức “quái kiệt”, thầy Lê Hoài Nam cẩn trọng điềm tĩnh, cô Lê Nhung hoạt bát khéo léo, thầy Lãng trẻ trung (và vì còn quá trẻ nên hơi dè dặt), cô Lê Thị Bình nhân hậu, thầy Nguyễn Khắc Phi uyên bác đa tài, thầy Võ Hồng Phi linh hoạt, thầy Hoàng Tiến Tựu giản dị và dí dỏm, thầy Đào Trọng Mão chân chất, thầy Ngô Bá Dục tận tình, thầy Hoàng Việt Anh vui tính, thầy Đặng Ngọc Lệ hài hước, thầy Phan Thiều nghiêm nghị, thầy Đỗ Đức Huyến đa cảm như nghệ sĩ, thầy Nguyễn Gia Phương thâm thúy...

Kể sao cho hết...

Nhớ về các thầy nhiều lắm, thậm chí nhớ đến cả những chi tiết vặt vãnh “giày thầy Hiếu, điếu thầy Tựu...”

Tôi tin là bạn bè tôi cũng như tôi, bao giờ trong tâm hồn cũng có một khoảng trời thương mến dành cho các thầy cô... Có ai như thầy cô, luôn dạy cho ta những điều chân, thiện, mỹ.

Riêng tôi, vì cận thị nên luôn ngồi đầu bàn đầu, có lẽ đó là một đặc ân mà các thầy các bạn dành cho tôi. Cũng vì thế mà tôi nhớ rất kỹ giọng nói cử chỉ của các thầy trên lớp. Có những câu thầy đã nói, có lẽ thầy không còn nhớ nữa, sau nhiều năm gặp lại, tôi nhắc đến khiến các thầy ngạc nhiên vui vẻ, không ngờ học trò “ghi lòng tạc dạ” những điều thầy nói đến vậy.

Nhớ có lần trên lớp, thầy Phan Văn Ban hỏi các bạn nam;

- Các em có biết vì sao thời mẫu hệ kéo dài hàng vạn năm mà phụ nữ không hề áp bức chúng ta không?

Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau, bọn học trò phổ thông mới vào, mới 17, 18 tuổi, đột ngột bị hỏi một câu như thế, chưa kịp nghĩ ra. Vũ Mai Chương (bạn ấy đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ) nhanh nhẹn trả lời:

- Vì phụ nữ vốn hiền lành ạ.

- Thế mẹ con Cám, thế Hoạn Thư có thuộc nữ giới không?

Tôi là đứa hay đùa nghịch, nên nói:

- Vì thời ấy cách đây hàng ngàn năm rồi nên họ không thể áp bức chúng ta được ạ.

Thầy và các bạn cùng cười. Thầy bảo:

- Vì thời ấy chưa có tư hữu.

Thầy Trần Đình Sử khi dạy nguyên lý Văn học có nói:

- Thơ hay như người đẹp, làm xao xuyến tâm hồn ta.

Chúng tôi thầm nghĩ “lời thầy cũng hay như thơ vậy”. Tôi còn nghĩ: “Thơ hay như người bạn, gắn bó suốt đời ta”. Chúng tôi thích thơ có lẽ một phần là từ câu nói ấy của thầy.

Thầy Nguyễn Khắc Phi thì nói:

- Hoàng thiên bất phụ hữu tâm nhân.

Chúng tôi lại nghĩ: Thì ra người Trung Quốc cũng có câu tục ngữ gần với câu “Ở hiền gặp lành” của mình. (Họ còn có câu “Thiện hữu thiện báo...” mới thật giống câu tục ngữ của mình). Thầy Hoàng Tiến Tựu giảng về câu này hay lắm. Các thầy khiến bọn trẻ chúng tôi nghĩ: “Có tài hay không chưa biết, nhưng ít ra cũng phải có tâm cái đã”.

Gây ấn tượng sâu đậm nhất trong 4 năm học đối với tôi có lẽ là mấy câu của thầy Hoàng Ngọc Hiến:

- Các nhà thơ vĩ đại sống mãi trong lòng người vì họ đã véo vào tim nhân loại. Thơ thường bầu bạn với niềm đau, nỗi buồn. Còn ca hát về lý tưởng, về niềm vui mà thành công như Tố Hữu, như Maicovsky thì hiếm lắm. Đó cũng là điều đáng trân trọng.

Sau này mỗi khi dạy về thơ, tôi cũng thường “trích dẫn” câu này của thầy.

Khẩu truyền cũng là tâm truyền.

Một lần trên lớp, trời lạnh lắm, mùa đông miền sơn cước mà, chị Hợp mặc phong phanh, vừa đọc vừa ho, cô Lê Thị Bình tháo chiếc khăn đưa cho chị ấy quàng. Chúng tôi đều xao xuyến. Cử chỉ ấy Lão Tử gọi là “Hành bất ngôn chi giáo”. Có lẽ lúc ấy cô cũng chỉ làm việc ấy một cách tự nhiên vì thương học trò, chứ không hề nghĩ rằng mình đang lặng lẽ “thực hiện sự dạy dỗ không lời”. Ngay khi viết những dòng này tôi vẫn thấy lòng rưng rưng.

Kể sao cho hết...

Những người thầy của chúng tôi hồi ấy, bây giờ đều đã nghỉ hưu, có thầy đã đi xa.... Ngay chúng tôi cũng có nhiều người đã nghỉ hưu rồi.

Suốt cuộc đời dạy học gần 40 năm, chúng tôi luôn nhớ về các thầy với lòng kính mến và biết ơn.

Các thầy cô đã dạy chúng tôi biết làm những con người tử tế, lương thiện.

Có thể không nói ra, nhưng tôi tin là bạn bè cũng thầm tự hứa phải xứng đáng với tấm lòng của các thầy cô, suốt đời học tập, suốt đời làm người.

Mong thầy cô yên tâm về các thế hệ học trò của mình.