Văn Thị Thanh Hương
1. Nhận thức sâu sắc rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để bảo vệ thành quả của cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 là phải tiến hành cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” (1). Cuộc Tổng tuyển cử được ấn định ngày 23/12/1945, song để việc chuẩn bị cho công tác bầu cử được chu đáo hơn, nhằm tạo điều kiện giúp các ứng cử viên nộp đơn và vận động tranh cử, ngày 18/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 76/SL hoãn cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I đến ngày 6/1/1946.
Cùng với việc chuẩn bị những điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý để mọi người dân Việt Nam đều có thể trực tiếp tham gia vào cuộc bầu cử Quốc hội, là việc Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội - những người sẽ thay mặt nhân dân tham gia, hoạt động trong cơ quan quyền lực tối cao. Đó là những người: khi trúng cử, “sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng”(2). Vì thế, Người khẳng định: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”. Trên tinh thần đó, mỗi cử tri phải sử dụng đúng đắn quyền bầu cử của mình khi lựa chọn những đại biểu thay mặt mình vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, và nhất định: “Không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy”(3) trong ngày bầu cử Quốc hội khóa I.
Về việc thực hiện nghĩa vụ công dân thông qua lá phiếu cử tri, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, hàm chứa một giá trị cao quý và mang một ý nghĩa chính trị lớn lao, lá phiếu cử tri chứa đựng những hy vọng, ước mơ của mỗi “công dân” và tất cả những gì nó sẽ đem lại trong tương lai. Là một dấu ấn xác nhận bản chất dân chủ của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ghi nhận trong thực tiễn nhân dân ta đã thật sự làm chủ nước nhà, thực sự là công dân của một nước Việt Nam độc lập, lá phiếu của tự do hôm nay, trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên này, còn thêm ý nghĩa sâu sắc: “Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”.
Và ngày 6/1/1946, sau những nỗ lực vượt bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh, với ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, với niềm tin tưởng chắc chắn rằng "đi bỏ phiếu là đặt một viên gạch xây đắp nền cộng hoà dân chủ", nhân dân ta ở khắp mọi miền đất nước, dù nhiều người phải hy sinh cả tính mạng của mình, đã hào hứng tham gia bỏ phiếu, bất chấp sự ngăn cản, phá hoại của kẻ thù ở một số địa điểm, để thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của người dân một nước độc lập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử tại Hà Nội. Là công dân số 1 của nước Việt Nam độc lập, Hồ Chí Minh đã không chỉ động viên, kêu gọi mọi người tích cực tham gia tổng tuyển cử, mà chính Người cũng đã nghiêm túc thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân của mình. Khi 118 vị chủ tịch Uỷ ban nhân dân và tất cả các giới đại biểu làng xã tại Hà Nội kiến nghị: "Cụ Hồ Chí Minh miễn phải ứng cử" trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới và "suy tôn Cụ làm Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà", Người đã cảm tạ đồng bào và nói: Tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nên không thể vượt qua thể lệ tổng tuyển cử đã định". Ngày 26/12/1945, khi trả lời phóng viên các báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích rõ hơn, lý do vì sao Người không thể không thực hiện quyền công dân, không qua bầu cử mà trở thành người lãnh đạo nhà nước: “Thế sao Cụ không ra làm Chủ tịch Việt Nam, Cụ còn phải ra ứng cử lôi thôi? Hồ Chí Minh đáp giản dị: “Vì tôi không muốn làm Vua Lu-y thập tứ” (4).
Trong cuộc Tổng tuyển cử này, tại 71 tỉnh thành trong cả nước, đã có 89% tổng số cử tri đi bỏ phiếu, và trừ một số nơi phải bầu bổ sung, còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần, để bầu ra Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của mình, cho mình, vì mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh bầu cử tại địa điểm số 10 Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ) và trúng 169.222 phiếu, đạt 98,4%.
Sau đó, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, nhận trọng trách và thừa ủy quyền của Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Ghi nhận những đóng góp của người, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khẳng định: “Hồ Chí Minh xứng đáng với Tổ quốc” và giao trọng trách cho Chính phủ Hồ Chí Minh, để “thực hiện triệt để sự thống nhất các lực lượng của quốc dân về phương diện quân sự, tuyên truyền cũng như về phương diện hành chính, tư pháp, tổng động viên nhân lực và tài sản quốc gia theo sự nhu cầu của tình thế, để đưa kháng chiến tới thắng lợi và nước nhà đến độc lập hoàn toàn”.
2. Sau 14 năm hoạt động, Quốc hội khóa I đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình. Cuộc kháng chiến chống Pháp đã giành thắng lợi, nhưng đất nước tạm thời bị chia cắt làm đôi. Miền Bắc được giải phóng, miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng, thực hiện thống nhất nước nhà. Nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới, phù hợp với sự thay đổi của tình hình trong nước và quốc tế, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa II diễn ra vào ngày 5/8/1960 trên toàn miền Bắc. Trong cuộc bầu cử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị quyết định ra ứng cử đại biểu Quốc hội ở Thủ đô, theo đề nghị của Thành uỷ và nhân dân Hà Nội. Tiếp tục khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bầu cử Quốc hội, là dịp để nhân dân ta hưởng dụng quyền dân chủ, tự do thực sự của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội là một sự kiện chính trị rất quan trọng của chế độ dân chủ ta (5). Vì vậy, việc toàn thể đồng bào hăng hái tham gia làm cho cuộc Tổng tuyển cử này đại thắng lợi, không chỉ dừng lại ở khía cạnh thực hiện quyền công dân, mà còn hàm chứa trách nhiệm của mỗi người dân trước Tổ quốc.
Nói lời cảm ơn đồng bào Thủ đô đã đề nghị Người ra ứng cử đại biểu Quốc hội khoá II ở Hà Nội, Người thông báo cho đồng bào biết, Người được Bộ Chính trị đề nghị ứng cử tại khu Ba Đình và nói: “Sáng nay, một đồng chí cán bộ mời tôi đi “ra mắt cử tri. Tôi trả lời: Đã bao nhiêu năm lòng tôi luôn luôn ở cạnh đồng bào và tôi tin rằng lòng đồng bào cũng luôn ở cạnh tôi. Xa lạ gì mà phải ra mắt? Nói thế này mới đúng: Tôi đến đây để cảm ơn đồng bào đã nhất trí yêu cầu tôi và các vị khác ra ứng cử vào Quốc hội khoá II ở Thủ đô yêu quý của chúng ta”(6). Chính vì vậy, Người mong mỏi: Đối với lợi ích chung của Tổ quốc cũng như đối với lợi ích riêng của mỗi người, đồng bào cử tri phải làm tròn nhiệm vụ của mình, phải nhắc nhủ nhau hăng hái đi bỏ phiếu và sáng suốt lựa chọn “những người đày tớ trung thành của đồng bào, những đại biểu cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội” (7), để bầu ra một Quốc hội mới - Quốc hội khoá II.
Trong cuộc bầu cử này, Hồ Chí Minh cũng hoàn thành trách nhiệm công dân của mình ở phòng bỏ phiếu số 52, khu Trúc Bạch, thuộc đơn vị bầu cử số I của Hà Nội, và Người trúng cử với số phiếu cao nhất là 99,91%. Sau đó, phát biểu tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt các đại biểu xin hứa: “Tất cả các đại biểu Quốc hội hứa với đồng bào là được cử vào Quốc hội để làm đại biểu Quốc hội, không phải là để làm quan, không phải là để ngồi trên ăn trốc, mà làm người đày tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào” (8). Không chỉ dừng lại ở lời hứa trước Quốc hội, trước các đại biểu Quốc hội, Hồ Chí Minh còn hứa trước nhân dân, vì theo Người: Dù được bầu vào vị trí Chủ tịch nước, song Người và các vị lãnh đạo nhà nước, hay các vị đại biểu Quốc hội cũng chỉ là những người nhận sự uỷ thác quyền lực từ nhân dân. Vì vậy, trong khi nhân dân thi đua lao động sản xuất, cần kiệm xây dựng nước nhà, các đại biểu Quốc hội, các cán bộ các cấp chính quyền càng phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; càng phải gương mẫu về mọi mặt: đoàn kết, công tác, học tập, lao động, và đặc biệt phải luôn giữ tác phong khiêm tốn, chất phác và hòa mình với quần chúng, để khuyến khích đồng bào thêm hăng hái thi đua yêu nước, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các kế hoạch nhà nước.
3. Sau 4 năm hoạt động, góp phần to lớn vào sự phát triển của tiến trình cách mạng cả nước, theo tinh thần Điều 45 Hiến pháp 1959, Quốc hội khoá II sẽ hết nhiệm kỳ vào ngày 6/7/1964. Vì vậy, cuộc bầu cử Quốc hội khoá III sẽ được tổ chức vào ngày 26/4/1964. Với mong muốn ngày bầu cử Quốc hội khóa III phải là một ngày long trọng, vui vẻ của nhân dân ta; đó phải là một ngày nhân dân ta được hưởng dụng thực sự quyền tự do dân chủ của mình, Hồ Chí Minh chỉ đạo: việc tổ chức, giải thích, tuyên truyền, cổ động cho cuộc bầu cử Quốc hội phải thật rộng khắp để “mọi người phấn khởi làm trọn nhiệm vụ công dân của mình trong cuộc tuyển cử”. Theo Người, những việc làm đó góp phần “tăng cường không ngừng chính quyền nhân dân. Nghiêm chỉnh thực hiện dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ địch. Triệt để chấp hành mọi chế độ và pháp luật của Nhà nước”.
Phát biểu với đại biểu nhân dân Thủ đô nhân sự kiện trọng đại này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về khát vọng cống hiến của mình cho sự nghiệp cách mạng: Tôi được cử làm đại biểu Quốc hội đã gần 20 năm, nhưng vì cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành lại độc lập, tự do của nhân dân ta vẫn đang còn tiếp tục, vì vậy, chưa thể nghỉ ngơi, mà còn “phải cố gắng phấn đấu và phấn đấu mạnh. Phấn đấu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Phấn đấu ủng hộ đồng bào miền Nam. Phấn đấu cho sự nghiệp hoà bình thống nhất nước nhà”. Tập trung nhấn mạnh những vấn đề cơ bản về tính dân chủ của luật bầu cử, về ý nghĩa và giá trị tinh thần của lá phiếu cử tri, về trách nhiệm của cử tri và trách nhiệm người đại biểu nhân dân, v.v.. Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra những minh chứng cụ thể khẳng định về tính chất dân chủ của Tổng tuyển cử bầu Quốc hội ở Việt Nam so với các nước tư bản khác và tiếp tục khẳng định ý nghĩa của lá phiếu cử tri: “Tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao xương máu trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và phong kiến mới giành được nó. Nó chứng tỏ chế độ dân chủ và tự do của Nhà nước ta và quyền làm chủ thật sự của mỗi người công dân ta”. Trước trách nhiệm vẻ vang song cũng rất nặng nề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết tha kêu gọi đồng bào: đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri và Người nói: mỗi người dân “phải đi bỏ phiếu để tự mình lựa chọn những người xứng đáng thay mặt cho mình trong Quốc hội” (9).
Ngày 11/5/1964, Hội đồng bầu cử đã tổng kết và công bố kết quả tốt đẹp của cuộc bầu cử Quốc hội khóa III. Kết quả đó “tỏ rõ sự nhất trí về chính trị và tinh thần của xã hội miền Bắc, lòng yêu mến thiết tha của nhân dân ta đối với chế độ ta và sự tín nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và đối với sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam đứng đầu là Hồ Chủ tịch". Vui mừng trước thành công này, Người khẳng định: Nhân dân ta phấn khởi làm tốt cuộc bầu cử, cũng chính là làm chủ đất nước một cách sâu sắc nhất, đồng thời thiết thực cổ vũ đồng bào miền Nam ruột thịt, bày tỏ tinh thần hăng hái tiến lên xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa III, Người tái đắc cử Chủ tịch nước, đồng chí Tôn Đức Thắng tái đắc cử chức vụ Phó Chủ tịch nước, đồng chí Trường Chinh là Chủ tịch Uỷ ban TVQH, đồng chí Phạm Văn Đồng là Thủ tướng Chính phủ. Phát biểu tại lễ bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Thay mặt các đồng chí được bầu vào các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước, tôi xin cảm ơn Quốc hội đã tỏ lòng tín nhiệm. Tôi xin hứa với Quốc hội rằng: Vì Tổ quốc, vì nhân dân, chúng tôi sẽ luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, quyết không phụ lòng tin cậy của đồng bào và Quốc hội” (10). Lời hứa của Người được bầu vào vị trí nguyên thủ quốc gia trước cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cho quyền lực tối cao của nhân dân đã củng cố niềm tin tưởng của nhân dân và sự tín nhiệm của mình với các đại biểu Quốc hội mà họ đã lựa chọn, đồng thời cho thấy quyết định sáng suốt và sự nhất trí cao độ của các vị đại biểu Quốc hội đối với những người được bầu vào các cơ quan lãnh đạo cấp cao của Nhà nước.
Ôn lại những lời nói, những việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm trong ba kỳ bầu cử Quốc hội khóa I (6/1/1946), khóa II (5/8/1960), khóa III (26/4/1964), và lời hứa của vị lãnh tụ Hồ Chí Minh – người công dân danh dự số 1 của nước nhà, người đại biểu được nhân dân tín nhiệm, lựa chọn thay mặt mình đảm đương trọng trách nguyên thủ quốc gia, nhân dịp toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang nỗ lực, phấn khởi thi đua và quyết tâm hoàn thành thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp ngày 22/5/2011, là thêm một lần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trên tinh thần đó, mỗi người càng nhận thức rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình trong ngày hội long trọng và đầy phấn khởi này, để sáng suốt lựa chọn những người hội đủ đức, tài vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở Trung ương và địa phương./.
----------------
Chú thích:
1, 2, 3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, t.4, tr. 8, tr.125, tr.145, tr.147, tr. 133
5, 6, 7, 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.120, tr.129, tr.132, tr.177
9, 10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.247, tr.280