Nghề giảng dạy đại học nói riêng và nghề giáo nói chung tuy khác
nhau về đối tượng người học nhưng dường như luôn có mục tiêu chung là đào tạo
được những thế hệ học trò có đủ tài năng và phẩm chất.
Ngày Nhà giáo Việt Nam luôn có ý
nghĩa thiêng liêng, trong tâm thức mỗi người thầy yêu nghề luôn cảm thấy có
được những niềm vui, hạnh phúc đặc biệt như … ngày “Tết” của mình.
Nhìn nhận lại, đối với bậc đào tạo
chuyên nghiệp như đại học, cao đẳng, yêu cầu
đặt ra hàng đầu là sinh viên phải giỏi nghề.
Để người học có năng lực chuyên
môn giỏi, có khả năng thích ứng linh hoạt và sáng tạo đối với các yêu cầu thay
đổi của khoa học công nghệ và sản xuất dịch vụ..., đội ngũ người giảng dạy phải
giỏi chuyên môn.
Người giáo viên dạy nghề cần có
năng lực tốt trong việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học.
Rõ ràng, để đào tạo được người học
giỏi trình độ đáp ứng như cầu xã hội, những người thày ở đại học cần phải nhiệt
huyết, có năng lực.
Giỏi chuyên môn được xem là một trong những yếu tố quan trọng
quyết định sự thành công trong việc đạt được các mục tiêu nâng cao chất lượng
dạy học của người thầy.
Các giáo viên truyền cho người học
kinh nghiệm làm nghề dạy nghề này thường đòi hỏi phải có hồ sơ năng lực khá
“khắt khe”: bằng cấp về chuyên môn có trình độ cao, có năng lực ngoại ngữ, tin
học, có khả năng sư phạm, có phương pháp dạy và học,...
Xác định sống với nghề, gắn bó với
nghề, có biết bao giảng viên đã và đang nỗ lực, sáng tạo vượt qua chính mình
trong nghiên cứu và giảng dạy.
Đem tri thức đến học trò, truyền
cho các em niềm tin khoa học và niềm tin vào lẽ sống, vào tương lai - sứ mệnh
cao cả ấy là niềm vinh quang của nhà giáo.
Như một xu hướng tất yếu, muốn
giỏi nghề thì nhà giáo cần sự đam mê thực sự. Muốn dạy người phải có nhà giáo
dục tận tâm, tận tụy. Nhà giáo phải không ngừng học tập, học tập suốt đời.
Có như vậy, mới có khả năng truyền
cảm hứng cho người học, mới khiến cách em say mê rèn nghề, thực hành nghề.
Người thầy không có lửa thì sao có thể thắp lửa cho người khác?
Người học sẽ chỉ được tiếp thu
kiến thức một cách đầy đủ và hiệu quả nhất, nếu nhận được sự dìu dắt và chỉ bảo
của những người giáo viên thật sự có năng lực và tâm huyết.
Cùng với đó, nhà giáo không chỉ
đóng vai trò quan trọng trong truyền bá kiến thức, kỹ năng, mà còn góp phần
hình thành và phát triển nhân cách người học.
Thông qua việc dạy học người thầy
phải noi gương cho các em những phẩm chất tốt đẹp, tạo dựng cho các em thái độ
và năng lực nghề nghiệp cần thiết để trở thành người có ích cho xã hội.
Thế nhưng, điều đó vẫn chưa đủ.
Nếu người học giỏi việc, được nhà tuyển dụng hài lòng về chất
lượng công việc nhưng các em chưa biết đối nhân xử thế, chưa giỏi giao tiếp và
các kỹ năng mềm, thì nhà giáo chưa thể an vui công tác.
Hai yếu tố quan trọng của con
người toàn diện chưa hình thành trọn vẹn trong các em thì người thầy vẫn băn khoăn,
trăn trở.
Theo đánh giá của xã hội, vô hình
trung, mặt bằng thu nhập của nghề giáo không cao so với nhiều nghề khác.
Áp lực đặt lên vai người thầy nặng
nề hơn, trong khi đời sống, thu nhập chưa được cải thiện đáng kể và đâu đó
trong xã hội vẫn chưa thấu hiểu, chia sẻ với những vất vả của thầy cô giáo.
Thế nhưng, nhiều người vẫn chọn
nghề giáo. Vì cái tâm kiên định với nghề.
Đổi mới giáo dục đào tạo là phải
nâng cao chất lượng dạy – học. Để đội ngũ nhà giáo có nâng cao chuyên môn, yêu
thương học trò như con, dạy việc và dạy cả kỹ năng mềm để làm người thì Nhà
nước cần có cơ chế để quan tâm cho đội ngũ giáo dục.
Khi người thầy cảm thấy yên tâm công tác, chăm lo được cuộc sống
cho bản thân và gia đình. Họ sẽ nỗ lực trong chuyên môn, say mê và trân quý việc
dạy học trò.
Làm thầy phải có đủ “tâm” và
“tài”, tâm huyết, trách nhiệm với nghề, hứng thú, say mê chăm chút từng tiết
giảng, bài giảng; thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi, sáng tạo, hoàn
thiện nội dung và phương pháp giảng dạy để đem lại hiệu quả cao nhất cho người
học.
Muốn dạy các em “làm người”, người
thày có nhiệm vụ dạy dỗ bằng kiến thức, vốn sống, kinh nghiệm từng trải và cụ
thể nhất là bằng chính tấm gương nhân cách của bản thân mình để các em noi
theo.
Bởi lẽ “Con đường tự giáo dục của
người thầy chính là con đường giáo dục học trò một cách tự nhiên nhất.”
Mỗi nhà giáo phải là một tấm gương
sáng, giúp người học hình thành và phát triển cảm xúc, thái độ, hành vi đúng
đắn trong tương tác giữa con người và với xã hội, tự nhiên.
Khi bước chân vào công việc này
cũng có nghĩa là phải biết chấp nhận hi sinh, phải biết làm gương cho học trò,
phải có lòng thương yêu người học, coi các em như con. Có như vậy, người thầy
mới thật sự mẫu mực trong dạy người, dạy chữ.
Nghề dạy học là nghề cao quý nhất
trong những nghề cao quý. Càng cao quý hơn khi có những thế hệ học trò đủ tài,
đủ đức. Nghề giáo là nghề tạo ra sản phẩm là những con người “hoàn thiện.”
Vinh dự, tự hào bao nhiêu thì
trách nhiệm và sự cố gắng càng lớn bấy nhiêu. Trách nhiệm “cảm hóa” được con
người, được học sinh nhận thức về nghề nghiệp và đối nhân xử thế là thành công
của người thầy ở đại học.
Dạy các em giỏi nghề và dạy các em
làm người. Chỉ cần được dạy kiến thức và tìm được hướng đi cho tương lai, thì
các em sẽ trở thành một phần tất yếu của xã hội, là công dân có ích trong xây
dựng đất nước.
Làm được điều đó, mỗi nhà giáo
bằng những cách khác nhau đã và đang tham gia vào quá trình đổi mới giáo dục
bằng sự tận tâm, tận lực, trách nhiệm và tâm huyết…
Phương Vi (theo Báo Giáo dục điện tử)