Trong thế giới việc làm đa dạng như hiện nay, việc lựa chọn nghề nghiệp ngày càng trở nên khó khăn với các bạn trẻ bởi có quá nhiều lựa chọn. Tuy nhiên với một số cá nhân việc chọn nghề nghiệp không mất quá nhiều thời gian khi họ đã có sự yêu thích đặc biệt với một ngành nghề nào đó. Nghề báo là một ví dụ, các bạn trẻ tìm đến nghề với niềm đam mê trong việc tìm hiểu thông tin, phân tích sự kiện và tìm hiểu những điều mới lạ. Nhất là trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay, việc truyền đạt thông tin trên mạng lưới quốc tế ngày càng quan trọng khiến nghề báo trở nên "hot" hơn bao giờ hết. Chọn nghề báo, bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn, cởi mở với những chính khách; sẽ có mặt tại những sự kiện chính trị - xã hội quan trọng, chuyển tải những thông tin trung thực, khách quan đến đông đảo quần chúng. Nghề báo giúp bạn có cơ hội đi đây đi đó, được nhiều người biết và biết nhiều người… Chọn nghề báo, bạn được trải nghiệm những cung bậc thăng, trầm của nghề nghiệp để từ đó chắt lọc và có những nhận định đúng đắn, chuyển tải điều hay lẽ phải đến bạn đọc, góp phần làm đẹp cho đời. Chọn nghề báo bạn cũng có cơ hội đối mặt với những khó khăn, thử thách của cuộc sống, những sự yêu mến, đào thải quyết liệt để qua đó hiểu bạn là ai trong trong cuộc đời này.
Theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 700 tờ báo in và tạp chí, cùng hàng trăm đài phát thanh - truyền hình từ Trung ương tới địa phương. Nhiều năm trở lại đây, ngành Báo chí luôn có sức hấp dẫn đối với các thí sinh. Hiện nay, chỉ một số trường đại học có uy tín mới được phép đào tạo ngành báo chí như: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Vinh...
Trong thời đại ngày nay, thông tin dường như có một "quyền lực" độc tôn. Và không phải đơn giản mà báo chí được phong "quyền lực thứ tư", một cách nói trang trọng đầy tự hào. Báo chí và truyền thông ngày càng có một vị trí quan trọng trong sự phát triển của tất cả các lĩnh vực. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành báo chí có thể lựa chọn các lĩnh vực khác nhau trong ngành như thu thập tin tức, phân tích, phóng viên, biên tập viên, phóng viên bản tin, bình luận viên, cộng tác viên… Sự vinh quang nghề nghiệp mà nghề báo mang lại không chỉ là lời động viên, ủng hộ của tòa soạn, của độc giả, mà trên hết đó là giá trị nhân văn, là hơi thở cuộc sống mà mỗi tác phẩm báo chí thổi vào đời sống xã hội. Đối với xã hội hiện nay, báo chí được xem là một phần tất yếu của cuộc sống, có thể sánh với "cơm ăn, áo mặc" hàng ngày. Nghề báo đang thực sự trở thành một nghề nghiệp hấp dẫn đối với nhiều người, nhất là những bạn trẻ có thiên hướng văn chương, có khả năng viết lách, thích làm việc với những con chữ, lấy tin, cộng tác tốt...
Hầu hết nhà báo làm việc tại các cơ quan báo chí như thông tấn xã, các toà soạn báo in, báo mạng điện tử hay các đài phát thanh, truyền hình tại Trung ương và địa phương. Ngoài ra, họ cũng công tác tại các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí như: Vụ Báo chí, phòng báo chí - tuyên truyền tại Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ, quận uỷ, huyện uỷ; Cục Báo chí, phòng Báo chí tại các Sở Văn hoá - Thông tin các tỉnh, thành phố; các phòng Văn hoá Thông tin quận, huyện. Với chuyên môn báo chí, bạn còn có thể làm việc tại các phòng Thông tin - Báo chí của các cơ quan, các Bộ, ban, ngành, lực lượng vũ trang hoặc các tổ chức chính trị - xã hội, các công ty truyền thông hay các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, tuỳ viên báo chí ở các Đại sứ quán trong và ngoài nước... Bạn cũng có thể trở thành nhà báo tự do (tức là không phụ thuộc vào bất kì một cơ quan tổ chức nào ngoài chính bản thân bạn). Đây là mô hình rất phát triển ở phương Tây. Tóm lại, cơ hội việc làm trong ngành báo chí là rất rộng mở và đầy tiềm năng.
Theo chuẩn đầu ra do Trường Đại học Vinh đã công bố thì sinh viên vào học ngành Báo chí của Trường sẽ được đào tạo một cách cơ bản, chuyên nghiệp để khi tốt nghiệp có khả năng xin được việc làm cao và đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng với những khả năng chính như sau:
Về kĩ năng:
- Có các kĩ năng nghề nghiệp báo chí như: tiếp nhận, khai thác, xử lí tư liệu - hồ sơ các vụ việc; soạn thảo văn bản trong lĩnh vực truyền thông; viết bài thuộc một số thể loại báo chí chủ yếu như tin, phóng sự, phỏng vấn, chính luận,...;
- Có kĩ năng cơ bản về thuyết trình, thiết kế, trình bày, lên trang báo;
- Sử dụng thành thạo các phương tiện kĩ thuật: máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm, máy quét ảnh,…;
- Kĩ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc nhóm; khả năng tự học, tự nghiên cứu; khả năng thích ứng với yêu cầu nghề nghiệp và làm việc độc lập.
Về vị trí và khả năng công tác sau khi tốt nghiệp
- Đảm trách các công việc ở các cơ quan báo chí, tuyên truyền (Báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình,…);
- Đảm trách các công việc trong bộ máy chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp… có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực báo chí;
- Giảng dạy tại các trường đại học, học viện có đào tạo ngành báo chí và truyền thông.
Về khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp
- Có khả năng học sau đại học ở các chuyên ngành báo chí;
- Học văn bằng hai các ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Năm 2015, Trường Đại học Vinh dự kiến xét tuyển ngành Báo chí với 100 chỉ tiêu cho 3 tổ hợp môn: Văn - Sử - Địa hoặc Văn - Sử - Tiếng Anh hoặc Văn - Toán - Tiếng Anh. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển: từ 15 điểm trở lên. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 đến 17 giờ ngày 20/8/2015. Hội đồng tuyển sinh Nhà trường sẽ xét tuyển thứ tự theo tổng điểm (kể cả điểm khu vực và điểm ưu tiên nếu có) từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu.
Quang Tuấn tổng hợp