Các ngày lễ được kỷ niệm hàng năm là những mốc son ghi lại sự phát triển của lịch sử dân tộc và cách mạng Việt Nam hoặc của lịch sử phong trào cộng sản và công nhân thế giới. Ngày lễ lớn được xác định bởi vị trí, ý nghĩa lịch sử, tầm vóc, sức ảnh hưởng, sức sống mãnh liệt qua thời gian trong lòng dân tộc của sự kiện - nhân vật được kỷ niệm.
Công tác kỷ niệm không thể tách rời yếu tố lịch sử, chính trị, văn hoá kết tinh trong đó. Kỷ niệm ngày lễ lớn là dịp ôn lại lịch sử,ôn lại truyền thống vẻ vang và những giá trị tinh thần cao đẹp để khơi dậy và nhân lên lòng tự hào cũng như sức mạnh tinh thần cho quần chúng nhân dân. Đây là hoạt động hợp lòng dân và là một hoạt động quan trọng của công tác tư tưởng. Thông qua những hoạt động này là dịp để Đảng và Nhà nước đưa đến cho nhân dân thông điệp chính trị về chủ trương, giải pháp phát triển đất nước; là dịp tuyên truyền, cổ động, thống nhất nhận thức và hành động cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là một phương thức hiệu quả mà Đảng và Nhà nước ta sử dụng để chỉ đạo, tổ chức, vận động nhân dân phát huy giá trị truyền thống trong hiện tại và tương lai. Kỷ niệm ngày lễ lớn còn là cơ hội để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá với nhân dân thế giới về đất nước, con người Việt Nam.
Thời gian qua, việc kỷ niệm ngày lễ lớn đã được Đảng và Nhà nước ta chú trọng chỉ đạo, tổ chức; được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng thuận hưởng ứng, đạt được hiệu quả đáng khích lệ, thể hiện trên một số mặt sau:
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức kỷ niệm ngày lễ lớn vào các năm chẵn, năm tròn được các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội ở trung ương và địa phương quan tâm, trung ương và địa phương đều có văn bản chỉ đạo và kế hoạch tổ chức thực hiện.
2. Các chủ đề tuyên truyền được chuyển tải trong các dịp kỷ niệm khá phong phú. Có nhiều cuộc kỷ niệm đã gây ấn tượng sâu sắc trong con tim, khối óc hàng chục triệu người Việt Nam và bạn bè quốc tế; góp phần ổn định tư tưởng, tình cảm, tâm lý lớp người cao tuổi; cổ động tinh thần dân tộc cho mọi người dân; bồi dưỡng tình cảm và khơi dậy niềm tự hào truyền thống của thế hệ trẻ; nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của nhân dân vào tiền đồ đất nước và sự lãnh đạo của Đảng. Thông qua việc kỷ niệm, nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ có thêm điều kiện, cơ hội tiếp cận tri thức lịch sử dân tộc và cách mạng; hưởng thụ nhiều hơn các giá trị di sản văn hóa đậm đà bản sắc, tinh thần dân tộc; làm giàu thêm nhận thức về giá trị thẩm mỹ cuộc sống; hướng đến lẽ sống chân chính, thiện tâm.
3. Các hoạt động kỷ niệm được tiến hành với nhiều hình thức khá phong phú và đạt hiệu quả đáng ghi nhận. Mít tinh là một hình thức kỷ niệm mang tính cổ động đặc biệt. Hình thức này có tác động rộng lớn bởi có khá đông số người tham dự và số người theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng. Hội thảo, hội nghị, tọa đàm với những khám phá, tổng kết, đánh giá sâu sắc, khoa học đã giúp công tác tuyên truyền, cổ động, giáo dục có thêm căn cứ hướng dẫn nhận thức và bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cho các đối tượng. Giao lưu, gặp mặt nhân chứng lịch sử cũng là cách kỷ niệm ngày lễ lớn vừa hấpdẫn vừa hiệu quả.
4. Đạt được những thành tích trên là do tinh thần trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội, các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương. Việc tổ chức kỷ niệm phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc nên đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân. Sức thuyết phục, cảm hoá, giá trị định hướng lý tưởng, chuẩn mực đạo đức cách mạng toả sáng từ chính những sự kiện và nhân vật lịch sử được kỷ niệm.
Tuy nhiên việc kỷ niệm Ngày lễ lớn còn có những hạn chế, yếu kém như:
Thứ nhất, các văn bản chỉ đạo về kỷ niệm các sự kiện và nhân vật lịch sử chưa đồng bộ. Việc tổ chức triển khai ở một số cấp, ngành, địa phương chưa khoa học, thiếu phối hợp, thụ động, ỷ lại làm cho một số hoạt động kỷ niệm phải thực hiện gấp, dồn dập, trong tình trạng kinh phí chậm được cung cấp và thiếu.
Thứ hai, nội dung tuyên truyền, giáo dục, cổ động nhân dịp kỷ niệm ngày lễ lớn chưa kịp thời cập nhật, chưa chuyển tải sinh động tinh thần mới của thời đại, bối cảnh quốc tế và những vấn đề thực tiễn của đất nước trong đổi mới và hội nhập. Các tài liệu tuyên truyền, cổ động, giáo dục chưa được kịp thời , còn trùng lặp về nội dung, cũ về hình thức. Không ít vấn đề liên quan đến sự kiện- nhân vật lịch sử chưa được nghiên cứu giải đáp thoả đáng. Việc quản lý các sản phẩm khoa học liên quan đến sự kiện - nhân vật còn thiếu chặt chẽ. Yếu tố quốc tế của sự kiện - nhân vật lịch sử chưa được khai thác có chiều sâu.
Thứ ba, tuy đã phát huy tác dụng rất tốt trong một thời gian dài nhưng đến nay, những hình thức kỷ niệm ngày lễ lớn đang giảm dần sức hấp dẫn, lôi cuốn đối với quần chúng. Mô hình kỷ niệm mang tính “nhà nước hoá” là phổ biến, phần lớn do cấp uỷ, chính quyền và đoàn thể tổ chức. Vai trò của nhân dân trong các dịp kỷ niệm có việc, có lúc chưa được coi trọng phát huy. Các hoạt động kỷ niệm hầu hết đều tập trung ở thành phố, thị xã, vùng đồng bằng; chưa được chú ý nhiều ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, miền núi. Các phong trào hành động cách mạng của quần chúng được phát động nhân dịp kỷ niệm chưa được quan tâm triển khai, kiểm tra, tổng kết, đánh giá. Một số công trình văn hoá - lịch sử được xây dựng, trùng tu, bảo dưỡng từ nguồn kinh phí kỷ niệm có chất lượng và tính thẩm mỹ kém, hiệu quả khai thác thấp, xuống cấp nhanh, gây phản cảm, bất bình trong công luận và dư luận xã hội.
Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém của việc kỷ niệm ngày lễ lớn là do công tác chỉ đạo và tham mưu chưa kịp thời, chưa bài bản. Việc tổ chức thực hiện từ khâu xây dựng văn bản đến tiến hành từng công việc cụ thể còn dàn trải. Việc điều tra, tổng kết, đánh giá toàn diện công tác kỷ niệm ngày lễ lớn chưa được đặt ra một cách nghiêm túc. Hội nghị rút kinh nghiệm sau mỗi dịp kỷ niệm chưa được chú trọng. Nguồn nhân lực và bản thân một bộ phận cán bộ đảm nhiệm công tác này chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ cả về vốn tri thức, kinh nghiệm, nghiệp vụ, cả về trách nhiệm, nhiệt tình.
Để cải tiến việc kỷ niệm ngày lễ lớn, nâng cao tính thuyết phục của công tác tư tưởng trong mỗi dịp kỷ niệm, cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp cơ bản sau:
Một là, làm phong phú và nâng cao chất lượng nguồn nội dung tuyên truyền về các sự kiện - nhân vật được kỷ niệm. Từ trước đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu, bài viết của các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn liên quan đến sự kiện - nhân vật lịch sử nhưng chưa được khảo sát, tập hợp đầy đủ. Đây là nguồn tri thức rất hữu ích cần khai thác để làm phong phú hơn nguồn nội dung tuyên truyền. Công tác nghiên cứu các sự kiện - nhân vật lịch sử cần nâng cao hơn nữa chất lượng tổng kết, đánh giá, đúc rút bài học kinh nghiệm, truyền thống quý báu của dân tộc, của Đảng; đề xuất những giải pháp phát huy trong giai đoạn cách mạng mới, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho công tác tuyên truyền, cổ động, giáo dục.
Hai là, đổi mới các hình thức kỷ niệm như mít tinh, hội thảo, hội nghị về cả nội dung và trình tự, hình thức trang trí theo hướng rộng mở hơn về không gian và địa bàn tổ chức lễ mít tinh (như tổ chức ngoài trời, tổ chức ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc); thời gian diễn ra các sinh hoạt vui chơi thích hợp hơn (không chỉ ban ngày mà cả ban đêm). Bên cạnh những mô hình như mít tinh, hội thảo, hội nghị, cần nhân rộng các mô hình khác mang tính đại chúng hơn, xã hội hoá hơn đang xuất hiện ở khá nhiều địa phương. Đa dạng hoá các diễn đàn để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho mọi đối tượng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chú trọng các hình thức kỷ niệm có chiều sâu như các sinh hoạt tư tưởng chính trị trong các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, các sinh hoạt mang tính giáo dục trong nhà trường. Tăng cường hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng. Khuyến khích các hoạt động sáng tác và biểu diễn văn hoá - văn nghệ, các liên hoan văn hoá - văn nghệ quần chúng. Xây dựng đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ, khu di tích... theo hướng trở thành những điểm du lịch - văn hoá, khu vui chơi.
Ba là, đổi mới cơ cấu kinh phí kỷ niệm theo hướng tập trung hỗ trợ công tác nghiên cứu lịch sử, công tác tuyên truyền giáo dục và trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, xây dựng các công trình phục vụ dân sinh ở nơi diễn ra sự kiện và quê hương nhân vật lịch sử. Bên cạnh nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách, cần thu hút mọi nguồn lực đầu tư của xã hội tham gia vào tổ chức các hoạt động kỷ niệm.
Bốn là, đổi mới công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Sớm ban hành và quán triệt những định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đợt kỷ niệm, xác định rõ mục tiêu, nội dung, phương thức tiến hành mỗi dịp kỷ niệm, tạo nên sự liên kết và thống nhất trong nhận thức và hành động từ trung ương đến địa phương. Các cơ quan tham mưu trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa cần có những đề xuất nhanh nhạy, chính xác và kịp thời giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo đợt kỷ niệm. Cải tiến phương thức hoạt động của Ban Tổ chức kỷ niệm ngày lễ lớn từ trung ương đến địa phương theo hướng thống nhất và hiệu quả cao hơn. Kịp thời tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm sau mỗi đợt kỷ niệm.
Năm là, các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể chính trị-xã hội cần chủ động thực hiện các hoạt động kỷ niệm Ngày lễ lớn. Xây dựng kế hoạch sớm, huy động mọi nhân lực, nguồn lực trong xã hội tham gia vào các hoạt động kỷ niệm; phát động các phong trào thi đua yêu nước tuỳ theo các chủ đề ngày kỷ niệm. Quan tâm thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa. Nghiên cứu, vận dụng chính sách và công bố chính sách mới vào dịp kỷ niệm.../.
Nguyễn Thị Thu Hoài