Năm 2008 là năm thứ ba toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên được tăng cường một bước và đạt những kết quả quan trọng. Công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên cần chủ động, sáng tạo hơn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, cùng lực lượng tuyên truyền khác góp phần giành thắng lợi của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước năm 2009.

            Năm 2008, tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng và phức tạp; tình hình chính trị - an ninh có nhiều bất ổn đã góp phần đưa đến nhiều biến động sâu sắc ở các khu vực và nhiều quốc gia trên thế giới. Có thể nói, bức tranh thế giới năm 2008 vừa qua bị ám ảnh bởi chiến tranh và xung đột, khủng bố và khủng hoảng, biến động cả về chính trị lẫn kinh tế ở không ít khu vực và quốc gia. Những thay đổi trong tương quan lực lượng và cục diện quan hệ quốc tế làm bùng phát mối đe dọa về an ninh mới. Quan hệ giữa các nước lớn vẫn vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt và kiềm chế lẫn nhau. Tình hình kinh tế thế giới đã trôi qua với sự leo thang của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, gây nên sự tàn phá đối với nhiều nền kinh tế trên thế giới và đẩy một số nước công nghiệp vào tình trạng suy thoái. Khu vực Đông Nam Á cơ bản ổn định, song bất ổn chính trị - xã hội xảy ra ở một số nước; tranh chấp chiến lược giữa các nước lớn đối với khu vực, tranh chấp giữa các nước trong và ngoài khu vực trên Biển Đông diễn ra rất phức tạp, ảnh hưởng đến giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ lợi ích của nước ta. Thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng năng lượng, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu trở thành những vấn đề nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu. Yêu cầu tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, phát triển bền vững đặt ra với mọi quốc gia trên thế giới.
             Đối với đất nước ta, từ cuối năm 2007 đến nay, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có những biểu hiện xấu, lạm phát tăng cao, nhập siêu lớn, cán cân thanh toán căng thẳng..., thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra. Ở một số địa phương, đình công của công nhân ở các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khiếu kiện của nông dân về đất đai gia tăng. Tham nhũng, lãng phí và suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Các thế lực thù địch tiếp tục can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta dưới các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”, kích động bạo loạn, lật đổ, đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hoà bình”, thúc đẩy nội bộ ta “tự diễn biến”.
Năm 2008 cũng là năm thứ ba toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên được tăng cường một bước và đạt những kết quả quan trọng.
              Kể từ khi có Chỉ thị 17-CT/TW ngày 15/11/2007 về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”, đến nay đội ngũ báo cáo viên đã được các cấp uỷ Đảng quan tâm chỉ đạo, xây dựng, củng cố và kiện toàn về tổ chức, phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng từ Trung ương đến cơ sở, xứng đáng là lực lượng tin cậy, nòng cốt và chủ lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ công tác tuyên truyền miệng của Đảng. Đến nay, cả nước đã có trên 100.000 báo cáo viên các cấp, thực sự trở thành lực lượng quan trọng của các cấp uỷ trên mặt trận tư tưởng.
            Công tác báo cáo viên trong năm đã có nhiều cố gắng, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động: Từ Trung ương đến cơ sở, đã duy trì tổ chức Hội nghị báo cáo viên định kỳ ở các cấp đều đặn, kịp thời cung cấp thông tin thời sự, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong các Hội nghị báo cáo viên định kì có khoảng 75 - 80% báo cáo viên tham gia sinh hoạt. Sau mỗi Hội nghị Báo cáo viên, qua theo dõi và báo cáo của Ban Tuyên giáo, Trung tâm thông tin công tác Tuyên giáo các tỉnh, thành phố, Ban Tuyên huấn các cơ quan Trung ương, và qua các phiếu báo cáo viên cho thấy, trong năm 2008, nhiều đồng chí vẫn duy trì nói từ trên 50 buổi đến trên 100 buổi/năm cho hàng vạn lượt người nghe.
             Nội dung thông tin đa dạng, phong phú trên nhiều lĩnh vực, vừa mang tính thời sự, vừa mang tính nghiên cứu, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên. Kết hợp giữa cung cấp thông tin tại các Hội nghị Báo cáo viên, Ban Tuyên giáo và Trung tâm Thông tin Công tác Tuyên giáo các cấp đã phát hành nhiều tài liệu, tư liệu cần thiết, đáp ứng yêu cầu về thông tin cho đội ngũ Báo cáo viên. Riêng trong năm qua, Trung tâm Thông tin công tác Tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương đã biên tập và phát hành hơn 20 nghìn cuốn Tạp chí báo cáo viên/1 tháng cung cấp tài liệu cho đội ngũ báo cáo viên cả nước và cán bộ tuyên giáo các cấp; thường xuyên cập nhật, biên tập các tài liệu phục vụ Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố và các cơ quan, đảng ủy trực thuộc Trung ương; ngoài ra còn cung cấp nhiều băng, đĩa CD, VCD cho báo cáo viên, lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố.
               Thông qua Hội nghị báo cáo viên ở các cấp đã kết hợp tổ chức một số cuộc giao ban tư tưởng, qua đó nắm bắt thêm được tình hình tư tưởng ở cơ sở, tình hình thực hiện công tác tuyên truyền miệng ở địa phương; thu thập được những kiến nghị của báo cáo viên, ban tuyên giáo các cấp, tổng hợp báo cáo lãnh đạo để có sự chỉ đạo kịp thời. Công tác quản lý, nắm tình hình hoạt động của báo cáo viên đã dần đi vào nền nếp và có hiệu quả, thiết thực hơn. Việc cấp thẻ cho báo cáo viên tiếp tục được triển khai. Đến nay, Trung ương và các tỉnh, thành phố đã cấp hơn 3.000 thẻ; nhiều quận, huyện, thị xã đã tổ chức cấp thẻ cho đội ngũ báo cáo viên. Các địa phương đã tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho gần 15 nghìn báo cáo viên, được cấp ủy các cấp đánh giá cao.
              Với những kết quả trên, có thể khẳng định rằng: Trong năm qua đội ngũ báo cáo viên các cấp đã không ngừng được kiện toàn, củng cố, với lực lượng đông đảo, hùng hậu; được bồi dưỡng các kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và trang bị các điều kiện vật chất khá đầy đủ. Chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên ngày càng được nâng cao, góp phần tích cực và có hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó tạo nên sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng và xã hội.
               Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, song trước yêu cầu và thách thức mới ngày càng gay gắt, phức tạp, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên hiện nay đã bộc lộ rõ những hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được những đòi hỏi mới. Đó là: Đội ngũ đông nhưng chưa mạnh, phương thức hoạt động còn mang nặng tính một chiều từ trên xuống, ít chú trọng nắm bắt thông tin hai chiều, thiếu khả năng chủ động lắng nghe, đối thoại. Vì thế, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên trong thời gian qua còn chưa thật cao, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của mình.
                Những hạn chế, bất cập của báo cáo viên có nhiều nguyên nhân, trong đó phải nói đến những nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, mặc dù các cấp uỷ đảng đã nhận thức khá rõ vai trò, vị trí của hoạt động báo cáo viên, nhưng trong thực tế vẫn còn một số cấp uỷ chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên.
Thứ hai, năng lực của đội ngũ báo cáo viên tuy đã được chú trọng nâng cao, thông qua việc chọn lựa kỹ càng của cấp uỷ và bồi dưỡng chuyên đề, nghiệp vụ cũng như cung cấp các loại thông tin cần thiết, song vẫn còn không ít báo cáo viên hạn chế về khả năng thuyết trình, khả năng nói trước công chúng, mang nặng tính độc thoại, né tránh những vấn đề bức xúc, nhạy cảm nảy sinh từ thực tiễn mà dư luận đang quan tâm nên chưa tạo được sự lôi cuốn, thu hút và thuyết phục người nghe.
Thứ ba, cấp uỷ chưa xây dựng được một quy chế hoạt động cụ thể, có một số đồng chí cấp uỷ được lựa chọn làm báo cáo viên song do bận quá nhiều công việc chuyên môn nên chưa chú trọng làm tốt chức trách của người báo cáo viên, sinh hoạt không đều kỳ...
Thứ tư, cơ chế chính sách đãi ngộ và cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động của báo cáo viên hiện còn nhiều bất cập, chưa tạo được động lực để thu hút động viên những người có tâm huyết, năng lực phát huy cao nhất khả năng của mình.
Kinh nghiệm thực tiễn chỉ ra rằng, trong tiến trình cách mạng, bao giờ công tác tư tưởng nói chung, công tác tuyên truyền miệng nói riêng, phải đi trước một bước, đón trước những vấn đề mới, dự báo đúng tình hình, chủ động triển khai trên mặt trận tư tưởng, góp phần mở đường cho hoạt động của phong trào quần chúng thực hiện nhiệm vụ mới của cách mạng. Kinh nghiệm đó đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị mọi mặt cho công tác tuyên truyền miệng, xây dựng được một đội ngũ báo cáo viên đủ mạnh, khẩn trương đề xuất việc cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền trong thời kỳ mới.
             Bước sang năm 2009, bên cạnh những thuận lợi và thời cơ mới, đất nước ta cũng đang đối mặt với những thách thức gay gắt:
Tình hình thế giới và khu vực còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Khủng hoảng tài chính đang lan rộng ra nhiều nước làm cho kinh tế thế giới bị suy thoái. Những bất ổn do chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, tranh chấp chủ quyền, khủng bố quốc tế, ảnh hưởng xấu đến an ninh và đời sống của cộng đồng quốc tế. Các vấn đề mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo sẽ mở rộng ở nhiều khu vực trên thế giới. Quan hệ giữa các nước lớn sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp hơn, trong đó xu hướng đấu tranh chống chủ nghĩa đơn cực, hình thành chủ nghĩa đa cực sẽ ngày càng rõ nét; tranh chấp trên Biển Đông cũng sẽ gay gắt, phức tạp hơn. Sự phát triển và thâm nhập của các phương tiện thông tin hiện đại, như: internet, truyền hình vệ tinh... sẽ tác động mạnh mẽ, phức tạp đến việc truyền bá các trào lưu tư tưởng, lý luận và văn hoá vào nước ta, cả tiến bộ, văn minh và cả sai trái, phản động, làm thay đổi sâu sắc đến nếp nghĩ, lối sống, cách sống của từng người. Tình hình đó sẽ tác động nhiều mặt đối với nước ta cả mặt tích cực và tiêu cực.
              Trong nước, Tình hình chính trị, xã hội đất nước ổn định, uy tín quốc tế ngày càng tăng. Lạm phát bước đầu được kiềm chế, kinh tế vĩ mô dần ổn định đang củng cố lòng tin của nhân dân, của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, dự báo tình hình năm 2009 và vài năm tới sẽ còn khó khăn hơn năm 2008 do nước ta đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, suy thoái kinh tế thế giới tác động tới nước ta sẽ nhanh, mạnh, trực tiếp hơn, Thiên tai, dịch bệnh lớn vẫn có khả năng xảy ra, ảnh hưởng của biến động khí hậu toàn cầu. Tình hình này tác động mạnh tới việc làm, thu nhập của các tầng lớp nhân dân. Đời sống của một bộ phận nhân dân sẽ khó khăn hơn, làm tăng thêm các bức xúc trong xã hội. Các vấn đề an ninh chính trị, an ninh nội bộ, an ninh tư tưởng sẽ phức tạp hơn nếu ta không có giải pháp phù hợp, kịp thời. quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước được đẩy mạnh, làm cho cơ cấu xã hội - giai cấp sẽ biến đổi mạnh mẽ, ngày càng đa dạng, phức tạp hơn; các thế lực thù địch trong và ngoài nước sẽ lợi dụng để tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Trước tình hình đó, đòi hỏi công tác tư tưởng của Đảng nói chung, công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên nói riêng trong năm 2009 phải nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, sức thuyết phục và tính chủ động, phát huy thành tích năm 2008, khắc phục những yếu kém, khuyết điểm, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thương thức hoạt động để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác tư tưởng của Đảng. Công tác báo cáo viên tuyên truyền miệng cần tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau:
            Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị 17, ngày 15/7/2007 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”; khắc phục triệt để hiện tượng thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên; các đồng chí cấp uỷ được phân công làm công tác báo cáo viên phải bố trí thời gian vật chất thích hợp để tham gia sinh hoạt đầy đủ và có chất lượng.
             Hai là,không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp trong hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ Trung ương đến cơ sở.
Hiệu quả tuyên truyền phụ thuộc chủ yếu vào nội dung và phương pháp truyền đạt. Vì vậy, việc đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền được xác định là khâu đột phá trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong giai đoạn mới.
Phải khắc phục tình trạng thiếu sáng tạo, đơn điệu, một chiều, thiếu chú ý đúng mức tới “con tim”, “lợi ích thiết thực” (Nghị quyết Trung ương 5, khóa X: “Công tư tưởng là công tác đối với con người, phải kết hợp yêu cầu định hướng tư tưởng với sự tự nguyện, giữa lý trí với tình cảm, giữa lời nói và việc làm, giữa xây và chống, lấy xây làm chính, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực). Để làm được điều này cần thực hiện thường xuyên, thành nền nếp phương châm thông tin hai chiều, kích thích tư duy, tạo không khí hứng thú, đồng cảm và tăng cường đối thoại. Việc đổi mới phương pháp tuyên truyền phụ thuộc chủ yếu vào năng lực của báo cáo viên, tuyên truyền viên, đặc biệt là năng lực nắm và hiểu đối tượng, năng lực xử lý thông tin và sử dụng ngôn ngữ phù hợp với đối tượng. Chính vì vậy, bên cạnh việc chọn lựa các đồng chí có khả năng thuyết trình tốt, cần có chế độ định kỳ để bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp.
                Ba là, duy trì đều Hội nghị báo cáo viên hàng tháng với phương thức như đang thực hiện; tích cực chỉ đạo các cấp tổ chức Hội nghị báo cáo viên, Hội nghị thông tin thời sự, kịp thời cung cấp những thông tin định hướng về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương của Đảng bộ và chính quyền các địa phương; các vấn đề thời sự trong nước và quốc tế cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội; đảm bảo thông tin thông suốt từ Trung ương đến cơ sở.
                Bốn là, thường xuyên rà soát củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chú trọng chất lượng chính trị và năng lực chuyên môn của báo cáo viên, tuyên truyền viên. Có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện, chức năng, nhiệm vụ và quyền lợi của báo cáo viên, tuyên truyền viên; thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt định kỳ, chế độ khen thưởng và kỷ luật đối với báo cáo viên, tuyên truyền viên.
                Năm là, chăm lo đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật theo hướng hiện đại và cung cấp kịp thời, đầy đủ các tài liệu thông tin cần thiết cho đội ngũ báo cáo viên các cấp.
                Sáu là, Thúc đẩy hoàn thành việc thành lập Trung tâm thông tin công tác Tuyên giáo ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Lấy Trung tâm làm đầu mối để huy động sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội, các chuyên gia tham gia xử lý thông tin, tạo ra những thông tin tốt, kịp thời cung cấp cho báo cáo viên, từng bước hình thành chức năng đối thoại của Trung tâm.
Bảy là, Trên cơ sở Chọn hướng trọng tâm của công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của báo cáo viên năm 2009 là: Gắn truyền đạt với đối thoại, trao đổi; thông tin nhanh, nhạy, kịp thời; hướng về cơ sở, từng địa phương, từng cấp, từng ngành nên chọn khâu đột phá phù hợp với điều kiện, đặc điểm của cấp mình, ngành mình.
           Công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên cần chủ động, sáng tạo hơn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, cùng lực lượng tuyên truyền khác góp phần giành thắng lợi của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước năm 2009.
                                                                              
Trương Minh Tuấn (Ban Tuyên giáo Trung ương)