1. Công tác chỉ đạo và tổ chức triển khai
            - Đảng ủy thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tiếp tục xác định đây là giải pháp hàng đầu để làm tốt công tác chính trị, tư tưởng. Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy và Hiệu trưởng Nhà trường đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong toàn Trường thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW:
            + Hướng dẫn số 57-HD/ĐU ngày 23/1/2014 của Ban Thường vụ Đảng ủy Trường về việc học tập chuyên đề năm 2014 "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm".
            + Hướng dẫn số 696-HD/ĐU ngày 03/9/2014 của Ban Thường vụ Đảng ủy Trường về thực hiện sinh hoạt chính trị trong tổ chức đảng, đơn vị, đoàn thể, tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, viên chức và người học kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
            + Thông báo nội dung hội nghị định kỳ hàng tháng, hàng quý của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy Trường phần định hướng về Chương trình công tác tháng, công tác quý.
            - Bộ phận giúp việc Chỉ thị số 03-CT/TW của Đảng ủy Trường đã họp để xây dựng kế hoạch hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để triển khai thực hiện các nội dung theo Kế hoạch số 112-KH/TU ngày 13/1/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tham mưu để Ban Thường vụ Đảng ủy Trường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của các đơn vị trong toàn Trường.
            2. Việc thực hiện các nội dung theo Kế hoạch số 112-KH/TU ngày 13/1/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
            2.1. Việc tổ chức nghiên cứu, học tập và triển khai thực hiện chuyên đề năm 2014
            - Đảng ủy Trường đã ban hành Hướng dẫn và chỉ đạo các đảng bộ bộ phận, các chi bộ học tập chuyên đề năm 2014 "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm" theo đúng Hướng dẫn số 96-HD/BTGTW ngày 05/12/2013 của Ban Tuyên giáo Trung ương và Kế hoạch số 113-KH/TU ngày 20/1/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
            - Đảng ủy đã trang bị đầy đủ tài liệu học tập chuyên đề cho các đơn vị, bao gồm: cuốn sách "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm" do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phát hành và cuốn sách "Giới thiệu một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh" do do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phát hành.
            - Đến nay đã có 54/54 (đạt 100%) tổ chức đảng triển khai học tập chuyên đề năm 2014. Sau học tập chuyên đề, các đảng bộ bộ phận, các chi bộ đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên làm bài thu hoạch, thảo luận gắn với đánh giá tình hình đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong đơn vị, từ đó liên hệ về trách nhiệm của bản thân trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm và hướng khắc phục, rèn luyện, hướng phấn đấu cụ thể và thiết thực của mỗi người.
            2.2. Việc tiếp tục thực hiện 8 nội dung trong Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 19 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
            2.2.1. Việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề
            - Đảng ủy đã chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và sinh hoạt các đơn vị, đoàn thể bằng các buổi sinh hoạt chuyên đề như: tiếp tục quán triệt Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp...; tiếp tục nghiên cứu, học tập nội dung cuốn sách “Giới thiệu một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh” trong sinh hoạt chi bộ, đơn vị và các đoàn thể trong toàn Trường. Nghiên cứu phần V “Cách lãnh đạo” trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, hiểu sâu sắc hơn tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phong cách lãnh đạo, trong đó đặc biệt là lãnh đạo bằng phương pháp nêu gương, liên hệ với thực tiễn của đơn vị và bàn cách tổ chức thực hiện. Nghiên cứu nội dung tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm rõ hơn tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phong cách quần chúng của Bác; liên hệ với thực tiễn của địa phương, đơn vị trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Nghiên cứu tác phẩm "Đạo đức cách mạng" của Bác, làm rõ hơn tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, về yêu cầu, trách nhiệm rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".
            - Trong sinh hoạt thường kỳ của chi bộ, một số đơn vị đã chỉ đạo và chuẩn bị nội dung việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác như việc học tập một trong những nội dung cụ thể từ các tài liệu của Trung ương, của Tỉnh, từ những điều Bác Hồ dạy; phát hiện, thảo luận, trao đổi, học tập gương người tốt, việc tốt ở đơn vị mình, đơn vị bạn; tự phê bình, phê bình những biểu hiện tiêu cực, thói hư tật xấu của đơn vị mình; việc nêu gương của cán bộ chủ chốt; tập hợp những ý kiến, dư luận của quần chúng phê bình cán bộ, đảng viên của đơn vị mình, để cảnh báo, nhắc nhở, tiếp thu, sửa chữa; về kinh nghiệm thực hiện tốt trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…
            - Đảng uỷ cũng đã chỉ đạo cho Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên tổ chức cho cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên, học viên sinh hoạt các chuyên đề thông qua các buổi sinh hoạt công đoàn bộ phận, chi đoàn, chi hội; hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn Trường mở rộng, hội nghị cán bộ Đoàn - Hội toàn Trường hàng tháng. Thông qua đó, giúp cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên nhận thức tốt hơn về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, từ đó xác định cho bản thân kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện và làm theo Bác.
            2.2.2. Việc rà soát, xây dựng các chuẩn mực đạo đức
            - Đảng uỷ đã tiếp tục chỉ đạo thực hiện Quy định về tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Trường Đại học Vinh và Quyết định số 2966/QĐ-ĐHV ngày 01/11/2011 của Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức Trường Đại học Vinh. Hàng tháng trong giao ban đơn vị, sinh hoạt chi bộ, công đoàn, đoàn thanh niên của các đơn vị đều rà soát, kiểm điểm việc thực hiện các tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Định kỳ 6 tháng và cuối năm lấy kết quả thực hiện quy định này làm căn cứ để đánh giá, nhận xét và xếp loại đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức.
            - Các đảng ủy bộ phận, các chi ủy chi bộ trực thuộc đã xây dựng chương trình hành động, quy định, tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao. Nhiều đơn vị đã kết hợp chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và yêu cầu cần tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, công chức để xây dựng và công khai tiêu chí, chuẩn mực đạo đức lối sống để thực hiện. Các đơn vị thực hiện tốt nội dung này là: Phòng Quản trị, Phòng Tổ chức Cán bộ, Phòng Thanh tra Giáo dục, Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào, Trung tâm Đảm bảo chất lượng...
            - Các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng uỷ, Ban chấp hành các đảng bộ bộ phận, Ban chấp hành các chi bộ đều có lập trường tư tưởng vững vàng, có tinh thần trách nhiệm, có phẩm chất đạo đức tốt, có tác phong, lối sống mẫu mực, đoàn kết cộng sự làm việc; luôn giữ vững phẩm chất chính trị, rèn luyện về chuyên môn, nghiệp vụ, sống hòa mình với quần chúng, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên, học viên.
            2.2.3. Việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
            - Đảng ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, đơn vị không ngừng giáo dục bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên lòng yêu nước, xây dựng và thực hiện nét đặc trưng cơ bản của sinh viên Trường Đại học Vinh là “Bản lĩnh - Trí tuệ - Văn minh - Tình nguyện”. Đa số học sinh, sinh viên Trường Đại học Vinh đều có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, luôn có niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước và Chính phủ; luôn nói và làm theo đúng Điều lệ, nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hầu hết học sinh, sinh viên của Nhà trường cũng đồng tình với các chính sách của Nhà nước về giáo dục và đào tạo.
            - Đoàn Trường, Hội Sinh viên Trường đã có nhiều giải pháp và hoạt động để xây dựng và giáo dục chuẩn mực đạo đức, định hướng giá trị mới cho thanh niên, sinh viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Các hoạt động chính là: kỷ niệm 64 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam (9/1); tổng kết các hoạt động Tháng Thanh niên năm 2014 và kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2014); tổ chức đăng ký hoạt động hưởng ứng "Năm Thanh niên tình nguyện 2014"; tổ chức diễn đàn về "Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới"; tham gia và đạt chức vô địch giải bóng đá sinh viên Cúp Truyền hình Nghệ An lần thứ 12 năm 2014; tập luyện và tham gia đồng diễn tại Lễ khai mạc Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Nghệ An lần thứ VII, năm 2014; tổ chức Liên hoan nghệ thuật thángNăm 2014; Chiến dịch sinh viên tình nguyện hè năm 2014…
            - Đảng ủy đã chỉ đạo Đoàn trường tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp và tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tham gia cuộc thi có 08 đội thi đến từ các khoa: Sinh học, Kinh tế, Sư phạm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý - Quản lý tài nguyên, Giáo dục Chính trị, Luật, Giáo dục Quốc phòng. Các đội thi bốc thăm chia thành 2 bảng và tổ chức thi đấu vòng bảng. Nội dung thi của các đội gồm 4 phần: Trắc nghiệm kiến thức, hiểu biết, nhìn ảnh đoán sự kiện, kể chuyện về Bác Hồ. Các phần thi đều gắn với cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và liên hệ với việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng của Bác trong đoàn viên, thanh niên, sinh viên của Nhà trường hiện nay. Qua các vòng bảng và đêm thi chung kết, cuộc thi đã thu hút gần 2.500 sinh viên tham gia. Thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoạt động thiết thực kỷ niệm 124 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2014), 45 năm thực hiện Di chúc của Người, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chỉ thị 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, học sinh sinh viên của Nhà trường.
            - Đảng ủy luôn chú trọng công tác tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên. Năm 2014, toàn Đảng bộ kết nạp mới 252 đảng viên, trong đó có 22 cán bộ, 230 học sinh, sinh viên, học viên; chuyển chính thức cho 130 đảng viên dự bị. Những cán bộ, sinh viên sau khi được kết nạp Đảng đều thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của người đảng viên; luôn chấp hành tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có tinh thần công tác, giảng dạy, học tập tốt; là nòng cốt trong hoạt động của các đơn vị và Nhà trường.
            2.2.4. Công tác tuyên truyền, xây dựng các tập thể, cá nhân điển hình
            - Công tác tuyên truyền Chỉ thị số 03 được các đơn vị thường xuyên quan tâm. Đảng uỷ đã chỉ đạo triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị 03 thông qua các hội nghị của Trường và các đơn vị, đoàn thể, thông qua website của Nhà trường, các bảng tin, bảng báo.
            - Văn phòng Đảng uỷ, Ban Tuyên giáo Đảng ủy, phòng Công tác Chính trị - Học sinh, sinh viên, phòng Hành chính - Tổng hợp thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các dịp kỷ niệm các ngày lễ, các hội nghị, hội thảo cũng như các hoạt động lớn của Nhà trường và các khoa, phòng, ban, trung tâm.
            - Các đảng ủy bộ phận, các chi ủy chi bộ trực thuộc, các đơn vị và các đoàn thể trong Trường đã thực hiện tốt kế hoạch tuyên truyền về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…
            - Nhờ tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 03 nên ý thức tự giác rèn luyện về đạo đức, lối sống của đa số cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên được nâng lên, biểu hiện qua hành động tự giác hàng ngày, trong các mối quan hệ với gia đình, công việc, tập thể và cộng đồng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể được tăng cường với nhiều hình thức sáng tạo, có hiệu quả cụ thể. Đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sốngđược biểu dương, nhân rộng.
            - Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã thực hiện tốt việc biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân điển hình trong việc thực hiện Chỉ thị số 03 theo đúng Hướng dẫn số 609/HD-BTĐKT ngày 11/5/2012 của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương về các hình thức biểu dương, khen thưởng và tổ chức gặp mặt các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhà trường đã quy định: các cán bộ bảo vệ luận án tiến sĩ trước thời hạn, cán bộ có thành tích xuất sắc trong công tác được nâng lương sớm; cán bộ có bài báo quốc tế, cán bộ thi ngoại ngữ đạt điểm cao được thưởng tiền, được ưu tiên khi xét các danh hiệu thi đua trong năm học.Đoàn trường tổ chức gặp mặt tuyên dương danh hiệu "Nữ sinh tiêu biểu" (tháng 3/2014). Hội sinh viên gặp mặt, tuyên dương và trao thưởng  danh hiệu Sao tháng Giêng và danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" năm học 2013-2014 (tháng 1/2014). Công đoàn Trường tổ chức gặp mặt, tuyên dương các cháu con công chức, viên chức đạt danh hiệu học sinh giỏi các cấp, mừng Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2014(tháng 5/2014).
            2.3. Công tác kiểm tra, đôn đốc
            - Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Trường đã đưa nội dung kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW vào chương trình kiểm tra, giám sát năm. Đồng thời, các cấp ủy đã chủ động xây dựng kế hoạch tự kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, trên cơ sở đó đúc rút kinh nghiệm cho quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị.
            - Hàng tháng trong hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy và Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Trường mở rộng, Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy đã yêu cầu các đảng bộ bộ phận, chi bộ báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 03 của Trung ương và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Tỉnh ủy, Đảng ủy Trường, qua đó chỉ đạo các đơn vị thực hiện các nội dung của Chỉ thị 03 theo hướng dẫn và kế hoạch của cấp ủy cấp trên.
            - Bộ phận giúp việc Chỉ thị số 03 đã phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy kiểm tra việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 03 ở các đảng bộ bộ phận, các chi bộ và tham mưu cho Ban Thường vụ Đảng ủy Trường trong công tác triển khai thực hiện, đánh giá kết quả và tổ chức rút kinh nghiệm.
            2.4. Những việc làm cụ thể trong thực hiện "làm theo"
            - Nhà trường thực hành tiết kiệm trong mọi hoạt động, đặc biệt là tiết kiệm điện, nước, xăng, dầu; tiết kiệm nhân lực; tiết kiệm trong việc tổ chức hội họp, tiếp khách, hội thảo; mua văn phòng phẩm; mua báo, tạp chí...
            - Đảng ủy đã chỉ đạo thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của Nhà trường, tăng cường phân cấp quản lý, tạo quyền chủ động cho các đơn vị, giảm bớt phiền hà trong thủ tục, thực hiện các chế độ chính sách kế toán mới, góp phần thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nhà trường đã xây dựng và ban hành quy chế chi tiêu nội bộ; quy định mua sắm tài sản công; quy chế hội đồng giá; xây dựng quy chế quản lý thu và quy trình thanh toán nội bộ... nhờ vậy đã đưa việc quản lý và sử dụng tài chính, ngân sách nhà nước và các nguồn thu của Trường đi vào nề nếp, hiệu quả.
            - Hưởng ứng Chương trình Tết vì người nghèo Giáp Ngọ 2014 do Tỉnh Nghệ An tổ chức, Nhà trường đã ủng hộ 50 triệu đồng trích từ một ngày lương do cán bộ, công chức đóng góp.
            - Thực hiện Thư kêu gọi của Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An về việc ủng hộ, giúp đỡ người nghèo nhân dịp Tết Nguyên Đán Giáp Ngọ, Nhà trường đã tổ chức chương trình “Tết ấm cho sinh viên nghèo năm 2014” nhằm giúp đỡ, động viên những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em được đón Tết cổ truyền của dân tộc trong không khí đầm ấm, vui tươi. Tại buổi lễ, có 320 sinh viên được nhận quà tết, được lựa chọn trong số hàng ngàn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng không ngừng phấn đấu vươn lên. Mỗi suất quà là 500.000 đồng, tổng giá trị các phần quà được trao tại chương trình là 160 triệu đồng.
            - Nhà trường đã từ Quỹ phúc lợi của Nhà trường và vận động mỗi cán bộ, công chức, viên chức ủng hộ 1 ngày lương cơ bản để làm sổ tiết kiệm (mỗi sổ trị giá 50 triệu đồng) hỗ trợ sinh hoạt cho 4 cán bộ của Trường đã nghỉ hưu nguyên là nữ thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng hiện nay hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Nhà trường cũng vận động mỗi cán bộ ủng hộ nửa ngày lương cơ bản để hưởng ứng hoạt động "Chung sức vì biển đảo quê hương"; đồng thời tiến hành khảo sát để giúp đỡ xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội (lần thứ hai).
            - Nhà trường đã kiện toàn tổ chức bộ máy; hoàn thiện quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa các đơn vị; chuẩn hoá cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, giúp điều hành công việc nhanh chóng, thuận tiện, giảm các chi phí.
            - Công tác bổ nhiệm cán bộ thực hiện đúng quy trình, công bằng, dân chủ nên đã lựa chọn được những người làm công tác quản lý tâm huyết, có phẩm chất và năng lực, khắc phục được những biểu hiện cá nhân, thiếu dân chủ, nể nang, trong công tác cán bộ. Đặc biệt đã thay thế và bổ sung vào hệ thống cán bộ quản lý của Trường các cán bộ trẻ, có năng lực. Số lượng cán bộ trẻ tham gia làm công tác quản lý chiếm tỷ lệ gần 30%, trong đó có 1 kế toán trưởng; 3 Phó Hiệu trưởng trường trực thuộc; 3 Giám đốc; 5 Phó Giám đốc và tương đương, 10 Phó trưởng khoa; 38 Trưởng bộ môn, 10 tổ trưởng chuyên môn và tương đương, trong đó cán bộ quản lý trẻ nhất là 29 tuổi.
            - Trường cũng tạo lập được các nhóm nghiên cứu với các nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam để tổ chức xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Nhiều cán bộ của Trường là thành viên, cộng tác viên của các hội đồng khoa học hoặc tổ chức khoa học quốc gia, khu vực và quốc tế như Đức, Italia, Nhật Bản, Pháp, Ba Lan, Nga, Canađa, Hoa Kì, Hội Thiên văn quốc tế... Có thể kể đến một số nhóm nghiên cứu tiêu biểu như: nhóm nghiên cứu Quang học - Quang phổ do PGS.TS. Đinh Xuân Khoa khởi xướng và chủ trì; nhóm nghiên cứu Xác suất và Thống kê Toán học của GS.TS. Nguyễn Văn Quảng; nhóm nghiên cứu Lý thuyết Tôpô của PGS.TS. Trần Văn Ân...; nhóm nghiên cứu Ngôn ngữ học của khoa Sư phạm Ngữ văn... Ngoài ra, các nhóm nghiên cứu của một số cán bộ giảng dạy trẻ bước đầu đã được hình thành và đi vào hoạt động tích cực: nhóm nghiên cứu của TS. Kiều Phương Chi, TS. Nguyễn Huy Chiêu, TS. Nguyễn Văn Đức (Khoa Toán); các nhóm nghiên cứu về công nghệ nanô của TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (Khoa Điện tử Viễn thông); nhóm nghiên cứu về Nông - Lâm - Ngư nghiệp của TS. Nguyễn Thị Thanh và ThS. Nguyễn Đình Vinh (Khoa Nông Lâm Ngư); nhóm nghiên cứu các hợp chất thiên nhiên của PGS.TS. Trần Đình Thắng, PGS.TS. Nguyễn Hoa Du (Khoa Hóa học)... Những gương mặt cán bộ khoa học trẻ tiềm năng đã được phát hiện và bồi dưỡng: PGS.TS. Lưu Tiến Hưng (Khoa Điện tử Viên thông), TS. Nguyễn Huy Bằng (Khoa Vật lý và Công nghệ), TS. Lê Văn Thành (Khoa Sư phạm Toán học). Cho đến nay, PGS.TS. Trần Đình Thắng và TS. Lê Văn Thành là hai trong số các cán bộ trẻ của Nhà trường có trên 20 công trình được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín ở nước ngoài, trong đó có trên 15 công trình thuộc danh mục ISI. Đồng hành cùng các hướng nghiên cứu khoa học cơ bản, các hướng nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn với những đặc thù của mình đã tìm được những hướng đi riêng. Nhiều công trình nghiên cứu của cán bộ giảng viên về lĩnh vực nghiên cứu này đã để lại dấu ấn cho giới học giả trong nước, góp phần thiết thực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của khu vực Bắc Trung Bộ nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng: GS.TS. Nguyễn Nhã Bản với các công trình nghiên cứu về ngôn ngữ Thanh - Nghệ Tĩnh; PGS.TS. Trần Văn Thức với mảng đề tài lịch sử của các địa phương; TS. Nguyễn Thị Minh Phượng với công trình nghiên cứu về an sinh xã hội...
            - Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy luôn quan tâm chỉ đạo việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ của cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Ban Thường vụ Đảng uỷ đã thông qua chủ trương để Nhà trường ban hành quy định về trình độ ngoại ngữ đối với cán bộ giảng dạy trẻ. Cán bộ giảng dạy đang ký hợp đồng lao động ngắn hạn muốn thi tuyển vào hợp đồng dài hạn phải có trình độ ngoại ngữ tiếng Anh đạt từ 420 điểm thi TOEFL trở lên. Các nguyện vọng của cán bộ đi học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đều được đáp ứng.
            - Nhà trường đã thực hiện tốt việc khen thưởng và kỷ luật cán bộ, học sinh, sinh viên. Những người có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Nhà trường và các đơn vị đều được khen thưởng. Những người vi phạm kỷ luật thì bị xử lý nghiêm minh. Không có hiện tượng "nhẹ trên, nặng dưới". Do vậy, đã có tác dụng giáo dục sâu sắc, củng cố đoàn kết nội bộ trong Trường, tạo được lòng tin trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và người học.
            3. Ưu điểm, nguyên nhân ưu điểm và bài học kinh nghiệm
            3.1. Ưu điểm
            - Qua triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị, nhất là việc học tập chuyên đề và một số tác phẩm của Bác, đa số cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên Trường Đại học Vinh tiếp tục nhận thức rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhiều cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên, học viên đã hiểu rõ hơn nội dung tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Một số cán bộ, đảng viên đã nâng cao ý thức giữ gìn, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, có chuyển biến nhất định trong quan hệ với nhân dân, với tập thể và cộng đồng xã hội. Những chuyển biến trong nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên và học sinh, sinh viên về mục đích, ý nghĩa, nội dung của cuộc vận động là cơ sở quan trọng để việc "làm theo" trở thành hành động tự giác, tự nguyện, tự thân trong mỗi người.
            - Nhiều cấp uỷ đã tích cực chỉ đạo rà soát, bổ sung và hướng dẫn thực hiện những chuẩn mực đạo đức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm, tình hình thực tế của tổ chức đảng, đơn vị; có nơi xây dựng thành các khẩu hiệu dễ nhớ, dễ thực hiện. Trên cơ sở chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, việc tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức ở các đơn vị đã đạt được một số kết quả trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; hạn chế tiêu cực; góp phần rèn luyện nhân cách, tinh thần trách nhiệm, tận tuỵ với công việc, ý thức học tập, tinh thần đoàn kết trong cán bộ, đảng viên, góp phần thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của các đơn vị.
            - Việc thực hiện Chỉ thị 03 được gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, trọng tâm là khắc phục những khuyết điểm, hạn chế, sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4.
            3.2. Nguyên nhân ưu điểm
            - Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được quan tâm chỉ đạo và đẩy mạnh thực hiện, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI), nhất là Nghị quyết Trung ương 4"Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" được tiến hành nghiêm túc, tích cực.
            - Phát huy những kết quả và duy trì được nề nếp học tập và làm theo Bác theo Chỉ thị số 06-CT/TW đã được xây dựng trong những năm trước đây, chú trọng đưa nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác vào sinh hoạt thường kỳ của chi bộ, các tổ chức đảng, đơn vị; vào các chương trình kế hoạch, phong trào thi đua của các đơn vị.
            - Ban Thường vụ Đảng ủy xây dựng kế hoạch kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị; công tác tuyên truyền được chú trọng; nhiều đơn vị đã đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp để thu hút sự quan tâm của cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên.
            3.3. Bài học kinh nghiệm
            - Các cấp uỷ đảng và tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các cấp cần nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu và nội dung Chỉ thị; khẳng định tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là giải pháp hàng đầu trong nhóm giải pháp về chính trị, tư tưởng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI).
            - Trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 03, các đơn vị phải căn cứ vào hướng dẫn, định hướng chung của Trung ương, của Tỉnh ủy và Đảng ủy Trường; đồng thời chủ động tìm ra những cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của mình nhằm đạt hiệu quả thiết thực.
            - Kịp thời phát hiện và tuyên truyền các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, tạo sự lan toả trong toàn Trường.
            - Kiên trì chỉ đạo để đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên, quan trọng, gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, với các phong trào thi đua yêu nước của đơn vị; việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; lấy kết quả thực hiện chuẩn mực đạo đức để đánh giá cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng.
            - Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị của cấp dưới, nghiêm túc thực hiện các chế độ giao ban, sơ kết đánh giá định kỳ; chỉ đạo việc tự kiểm tra và thực hiện báo cáo đầy đủ. Tổ chức thực hiện có hiệu quả việc giám sát của tổ chức đảng và các đoàn thể quần chúng đối với cán bộ, đảng viên, trước hết là đối với người đứng đầu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
            4. Hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm
            4.1. Hạn chế, khuyết điểm
            - Việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW chưa đồng đều ở các đơn vị. Một số đơn vị chưa mang lại những chuyển biến rõ rệt trong hành động của cán bộ, đảng viên, viên chức.
            - Việc biểu dương, tuyên truyền và nhân rộng các tấm gương điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thực hiện chưa thường xuyên, nhất là tấm gương điển hình trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
            4.2. Nguyên nhân hạn chế, khuyết điểm
            - Trong quá trình tổ chức thực hiện, một số cấp ủy, thủ trưởng, lãnh đạo đơn vị chưa đầu tư nhiều thời gian để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW.
            - Một số cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ lãnh đạo chủ chốt chưa tích cực, chủ động chỉ đạo, tìm tòi những cách làm hay, phù hợp với đơn vị, chưa quan tâm xây dựng, phát hiện và cổ vũ những tập thể, cá nhân làm tốt để nhân rộng.