Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiêp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết ra đời chính là hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về giáo dục và đào tạo, nhằm thống nhất nhận thức và hành động, phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân; huy động các nguồn lực đầu tư, sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành và các tổ chức xã hội cho sự nghiệp giáo dục. Nhận thức được tầm quan trọng của Nghị quyết số 29, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Hội đồng Trường đã xác định việc quán triệt và tổ chức thực hiện 6 mục tiêu và 9 nhiệm vụ giải pháp đã nêu ra trong Nghị quyết số 29-NQ/TW là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của toàn Đảng bộ Nhà trường. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29, Trường Đại học Vinh đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, nhất là trong đổi mới hoạt động đào tạo và thực hiện phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học".

- Trước hết, để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nhà trường đã sắp xếp công tác tổ chức và cán bộ để phù hợp với nhu cầu đào tạo và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tái cấu trúc Trường Đại học Vinh, trong đó đã thành lập 6 viện trên cơ sở chia tách, sáp nhập 11 khoa. Hiện nay, Toàn Trường có 6 viện, 7 khoa, 2 trường trực thuộc, 23 phòng, văn phòng, trung tâm, trạm, nhà xuất bản, giảm 10 đơn vị (5 khoa, 5 phòng, ban, trung tâm), giảm 27 bộ môn so với trước khi có Nghị quyết số 29. Nhà trường có đội ngũ cán bộ cơ bản đủ về số lượng, đạt chuẩn về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu. Trong 5 qua, Nhà trường đã tuyển dụng 238 cán bộ. Đội ngũ cán bộ của Trường ngày càng được trẻ hoá, so với năm 2005 tuổi đời bình quân của cán bộ là 42,6 thì hiện nay tuổi đời bình quân là 35,7. Hiện nay, toàn Trường có 1.045 cán bộ, trong đó có 63 giáo sư, phó giáo sư, 256 tiến sĩ, 504 thạc sĩ; 465 nam, 580 nữ. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên là 46,10%. Đơn vị có tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ cao nhất là Viện Sư phạm Tự nhiên với 76% giảng viên có trình độ tiến sĩ. Trường tạo lập được các nhóm nghiên cứu khoa học tự nhiên và kỹ thuật để tổ chức xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Nhiều cán bộ của Trường là thành viên, cộng tác viên của các hội đồng khoa học hoặc tổ chức khoa học quốc gia, khu vực và quốc tế. Nhóm nghiên cứu Quang học - Quang phổ do GS.TS Đinh Xuân Khoa khởi xướng và chủ trì; nhóm nghiên cứu Xác suất và Thống kê Toán học của GS.TS Nguyễn Văn Quảng; nhóm nghiên cứu Lý thuyết Tôpô của PGS.TS. Trần Văn Ân...; nhóm nghiên cứu Ngôn ngữ học của khoa Sư phạm Ngữ Văn... Ngoài ra, các nhóm nghiên cứu của một số cán bộ giảng dạy trẻ bước đầu đã được hình thành và đi vào hoạt động tích cực: nhóm nghiên cứu của PGS.TS Kiều Phương Chi, TS. Nguyễn Huy Chiêu, PGS.TS. Nguyễn Văn Đức (Viện Sư phạm Tự nhiên); các nhóm nghiên cứu về công nghệ vật liệu mới của PGS.TS Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (Viện Kỹ thuật và Công nghệ); nhóm nghiên cứu về Nông - Lâm - Ngư của TS. Nguyễn Thị Thanh và TS. Nguyễn Đình Vinh (Viện Nông nghiệp và Tài nguyên); nhóm nghiên cứu các hợp chất thiên nhiên của GS.TS. Trần Đình Thắng (Viện Công nghệ Hóa sinh - Môi trường)... Nhiều cán bộ đạt thành tích tốt trong nghiên cứu khoa học như PGS.TS. Lê Văn Thành, PGS.TS. Nguyễn Văn Đức, TS. Thiều Đình Phong, TS. Bùi Đình Thuận... (Viện Sư phạm Tự nhiên), PGS.TS Cao Tiến Trung (Viện Công nghệ Hóa sinh - Môi trường), PGS.TS Nguyễn Thị Quỳnh Hoa Hoa (Viện Kỹ thuật và Công nghệ)... Hằng năm, Trường luôn nằm trong top 10 các trường đại học trong cả nước về số lượng công trình công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI (các tạp chí khoa học uy tín nhất trên thế giới).

- Đảng ủy, Ban Giám hiệu chỉ đạo chọn việc nâng cao chất lượng thực học, thực nghiệp làm đòn bẩy để nâng cao toàn diện chất lượng đào tạo của Nhà trường. Đảng ủy Trường đã xây dựng và ban hành Nghị quyết số 03-NQ/ĐU ngày 19/8/2017 về tăng cường hiệu quả hoạt động đảm bảo chất lượng của Trường Đại học Vinh. Chỉ đạo các viện, khoa mở thêm một số ngành đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ đáp ứng nhu cầu xã hội. Mở hệ đào tạo đại học và trung học phổ thông chất lượng cao. Rà soát, bổ sung, cập nhật chuẩn đầu ra các ngành đào tạo đã có, xây dựng chuẩn đầu ra cho các ngành mới mở. Triển khai lấy ý kiến đánh giá của sinh viên về các hoạt động của Nhà trường; lấy ý kiến đánh giá của người học đối với giảng viên, giáo viên. Phối hợp với các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, trường học... để lấy ý kiến phản hồi, dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó, xây dựng Đề án tuyển sinh các ngành học, bậc học để đáp ứng nhu cầu xã hội. Triển khai tuyển sinh và đào tạo theo nhóm ngành, khối ngành phù hợp Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT ngày 16/12/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sửa đổi, bổ sung khung chương trình đào tạo và đề án xét tuyển đại học hệ không chính quy áp dụng từ các khóa tuyển sinh năm 2017. Rà soát chương trình đào tạo và ban hành quy định đào tạo sau đại học của Trường Đại học Vinh. Hiện nay, toàn Trường có 35.000 sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh đang học tập và nghiên cứu.

- Nhà trường đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, giám sát hoạt động dạy học ở các viện, khoa đào tạo; tăng cường thăm lớp, dự giờ; tổ chức Hội thi Giảng viên trẻ dạy giỏi; nâng cao chất lượng Tháng rèn nghề và Hội thi "Sinh viên với việc rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp"; Tháng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và "Hội thi Nghiệp vụ sư phạm"; thực hiện tốt phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học". Ban hành "Đề án nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh ở Trường Đại học Vinh", góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân" của Thủ tướng Chính phủ. Tích cực tư vấn, tham gia ban chỉ đạo và trực tiếp biên soạn chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Nhà trường đã tham gia xây dựng và phát triển chương trình bồi dưỡng giáo viên và nâng cao năng lực cán bộ quản lý phổ thông thuộc Chương trình ETEP.

- Rà soát chương trình đào tạo của các ngành theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn hoạt động nghề nghiệp của sinh viên (giảm kiến thức lý thuyết, tăng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết các bài toán từ thực tiễn nghề nghiệp...). Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng gợi mở, phát hiện và giải quyết vấn đề, kết hợp với tự học, tự nghiên cứu của sinh viên, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và kiểm tra đánh giá; từ đó chuyển dạy học chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của sinh viên. Chỉ đạo các viện, khoa và Trung tâm Thực hành - Thí nghiệm xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật; tăng cường đầu tư thiết bị cho các phòng thực hành, thí nghiệm phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Từ năm học 2017 - 2018, Nhà trường đã áp dụng chương trình đào tạo CDIO do Viện Công nghệ Massachussetts Hoa Kỳ khởi xướng. Đây là mô hình đào tạo gắn với thực tiễn nghề nghiệp được nhiều trường đại học lớn trên thế giới áp dụng, đảm bảo sinh viên ra trường có thể bắt tay ngay vào công việc. Tháng 3/2018, Trường Đại học Vinh chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội CDIO quốc tế.

- Tiến hành rà soát, bổ sung ngân hàng đề thi; ban hành Quy định xây dựng, quản lý và sử dụng ngân hàng đề thi kết thúc học phần; Quy trình trộn và bốc thăm đề thi; Quy trình quản lý phách; tập huấn ra đề thi online theo định hướng đánh giá năng lực để công tác thi, đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên, học viên ngày càng chặt chẽ, đúng quy chế. Chuyển kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên dựa chủ yếu vào khả năng tái hiện kiến thức sang kiểm tra, đánh giá những phẩm chất, năng lực được hình thành ở sinh viên theo mục tiêu của từng ngành đào tạo.

- Chỉ đạo xuất bản giáo trình, tài liệu tham khảo, đáp ứng tương đối đầy đủ việc giảng dạy và học tập ở các ngành học, bậc học. Ban hành kế hoạch xuất bản giáo trình đại học và sau đại học giai đoạn 2016 - 2018. Công tác bổ sung giáo trình, học liệu và nguồn tài liệu số được tiến hành thường xuyên, khoa học theo đúng quy trình nghiệp vụ. Hiện nay Thư viện Trường có 13.808 tên sách, 15.186 tên tài liệu số.

- Nhà trường đã rà soát, điều chỉnh và công bố sứ mạng, tầm nhìn, mục tiêu tổng quát và giá trị cốt lõi của Nhà trường. Tiến hành tự đánh giá chất lượng Trường Đại học Vinh giai đoạn 2008 - 2013. Năm 2017, Nhà trường đã được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Thực hiện kiểm định chương trình đào tạo theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đối với 3 ngành đào tạo: Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật Xây dựng và Ngôn ngữ Anh. Triển khai kế hoạch đăng ký kiểm định theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN đối với 2 ngành đào tạo: Sư phạm Toán học và Công nghệ thông tin. Nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng - Trường Đại học Vinh. Đây là trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thứ 5 của cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập. Tháng 4/2018, Trường Đại học Vinh chính thức trở thành thành viên liên kết của Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA).

- Nhà trường đã triển khai có hiệu quả các hoạt động nhằm định hướng, tư vấn, hỗ trợ và giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên trong quá trình học tập và sau khi tốt nghiệp. Trong 05 năm qua, Trường đã ký kết hơn 60 thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn  và thiết lập mối quan hệ hợp tác với gần 350 cơ quan, doanh nghiệp khác. Tổ chức hơn 80 chương trình hội thảo, hội nghị, các diễn đàn tư vấn cho sinh viên. Tổ chức hàng chục sự kiện văn hóa lớn thu hút hàng chục nghìn lượt học sinh, sinh viên tham gia. Tổ chức hàng chục khóa đào tạo kỹ năng mềm và nhiều buổi nói chuyện/diễn đàn có sự tham gia của các diễn giả, doanh nghiệp, chính khách nổi tiếng. Kêu gọi tài trợ và cấp phát học bổng cho hàng trăm lượt sinh viên với số tiền hàng chục tỷ đồng. Khởi xướng và tổ chức 4 chương trình "Tết ấm cho học sinh, sinh viên nghèo". Kêu gọi doanh nghiệp tài trợ và tặng quà cho 1.758 lượt sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và sinh viên ở xa về quê đón Tết. Triển khai khảo sát việc làm của 7.622 sinh viên tốt nghiệp các năm 2015, 2016. Tìm kiếm, giới thiệu hàng chục điểm thực tập, thực tế chuyên môn cho sinh viên các ngành ngoài sư phạm. Giới thiệu hàng nghìn việc làm thêm, việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên. Tăng cường các chương trình định hướng nghề nghiệp, thực tập sinh, du học và làm việc sau tốt nghiệp tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Đài Loan, Singapore, Bungary, Israel, Australia với hàng trăm lượt sinh viên thụ hưởng.

- Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển các nguồn lực và nâng cao vị thế của Nhà trường, Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Trong 05 năm qua, cán bộ của Trường đã triển khai 554 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Nhà trường đã tổ chức 49 hội thảo cấp Trường, quốc gia, quốc tế. Nhà xuất bản Đại học Vinh đã xuất bản trên 200 cuốn sách, gồm giáo trình, sách chuyên khảo, tài liệu tham khảo, sách liên kết xuất bản, sách tái bản, sách nhà nước đặt hàng, lịch bloc. Trong 05 năm qua, tổng số bài báo được cán bộ của Trường công bố trên các tạp chí là 1.886 bài, trong đó có trên 300 bài báo quốc tế. Nhà trường đã triển khai các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong Trường: xây dựng môi trường nghiên cứu, khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng cơ chế, chính sách phục vụ cho việc nuôi dưỡng và hỗ trợ các ý tưởng nghiên cứu, khởi nghiệp sáng tạo của cán bộ, giảng viên và người học; hỗ trợ cho cán bộ, giảng viên và người học tiếp cận và khai thác các nguồn tài chính hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước về lĩnh vực khoa học công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo.

- Nhà trường đã tích cực thiết lập các quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu quốc tế. Ký văn bản hợp tác đào tạo tiếng Nhật với Học viện Jinno và Công ty Cổ phần Hợp tác quốc tế JIC; hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với Trường Đại học South Florida và Trường Đại học California State, Northridge - Hoa Kỳ, Trường Đại học Rajabhat Maha Sarakham - Thái Lan, Trường Cao đẳng nghề TAFE Nam Úc... Làm việc với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tổ chức các lớp tiếng Hàn tại Trường. Hợp tác với Trường Đại học Tổng hợp Zielona Góra và Trường Đại học Bách khoa West Pomeranian (Ba Lan) triển khai chương trình học bổng Erasmus Plus do Cộng đồng châu Âu tài trợ. Trong 05 năm qua, hàng chục lượt cán bộ được cử đi học tập và công tác ở nước ngoài, hàng chục lượt người nước ngoài đến thăm và làm việc với Nhà trường.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nói trên, công tác đào tạo của Nhà trường tiếp tục đạt được nhiều kết quả tốt, chất lượng đào tạo hàng năm đã được nâng lên. Trong 05 năm qua, nhiều sinh viên của Trường đã đạt giải cao trong các kỳ thi Olympic Toán học và Vật lý học sinh và sinh viên toàn quốc; Olympic Cơ học toàn quốc; Olympic các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh toàn quốc. Trường Trung học phổ thông Chuyên có hàng trăm lượt học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi quốc gia. Theo thống kê của Cục Công nghệ thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo thì kết quả thi tuyển sinh vào đại học hàng năm của học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên đứng top 30 trên 77 trường trung học phổ thông chuyên và trên 2.700 trường trung học phổ thông trong cả nước. Trường Thực hành Sư phạm có hàng trăm lượt học sinh giỏi thành phố, học sinh giỏi các cấp. Trường Đại học Vinh là 1 trong 8 trung tâm đào tạo, bồi dưỡng sư phạm; là 1 trong 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của cả nước; là 1 trong 10 trường tham gia Đề án Ngoại ngữ Quốc gia.

Với những kết quả đã đạt được, sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 29, Đảng bộ, Nhà trường, các đoàn thể quần chúng cấp Trường và nhiều cán bộ, đảng viên đã được tặng thưởng các danh hiệu cao quý, góp phần khẳng định vị thế, uy tín của Nhà trường trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Nhà trường đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất và được Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng Huân chương Hữu nghị. Những thành tựu đạt được trong 05 năm thực hiện Nghị quyết số 29 đã tạo tiền đề quan trọng để toàn Đảng bộ tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức trong những năm tiếp theo, xây dựng Trường Đại học Vinh trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia, là thành viên của Mạng lưới các trường đại học ASEAN.

*

*         *

Hiện nay, hệ thống giáo dục đại học đang đẩy mạnh thực hiện tự chủ, trong đó thí điểm triển khai mô hình trường đại học tự chủ không có bộ chủ quản để đánh giá, rút kinh nghiệm, tiến tới thực hiện cơ chế không có bộ chủ quản cho toàn bộ hệ thống. Trong bối cảnh đó, bên cạnh những thuận lợi cơ bản thì Trường Đại học Vinh cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác Hồ kính yêu "Dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt", cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, học viên toàn Trường tiếp tục đoàn kết, nhất trí, nắm bắt cơ hội, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức với tinh thần "Nuôi dưỡng say mê - Khuyến khích sáng tạo - Tôn trọng khác biệt - Thúc đẩy hợp tác", phấn đấu thực hiện tốt Sứ mạng: "Trường Đại học Vinh là cơ sở giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nghiên cứu khoa học giáo dục, khoa học cơ bản, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, luôn hướng tới sự thành đạt của người học" và Giá trị cốt lõi: Trung thực, Trách nhiệm, Say mê, Sáng tạo, Hợp tác; quyết tâm và trách nhiệm cao nhất để thực hiện thành công Nghị quyết số 29-NQ/TW, mang lại niềm tin trong xã hội và góp phần quan trọng đưa tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.

Nguyễn Quang Tuấn

CVP. Đảng - Đoàn thể